Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

4484. Tạ Ơn Giọt Sữa Nuôi Tôi

Tạ Ơn Giọt Sữa Nuôi Tôi

(Bàn Thờ Ngày Giỗ)

Về các em Phương-Hương-Quý-Quỳnh-Loan

“Mẹ em kể, mẹ cho anh bú sữa lúc anh còn bé.” Cô em con ông cậu, em ruột mẹ tôi, chậm rãi kể chuyện gia đình thời thơ ấu. Từ khi có trí khôn, đây là lần đầu tiên tôi gặp em. Bây giờ tôi đang đi đến đoạn cuối cuộc đời, còn em chỉ nhỏ hơn tôi hai tháng, nhưng đã có một đàn con cháu lớn bé, kể cả những đứa chắt gọi em là bà cố.  Cậu tôi đi lính nên lúc mợ tôi sửa soạn sinh em, cậu đưa mợ về ở nhà bố mẹ tôi. Cả tôi và em đều được sinh ra ở nhà thương Bến Tre.

“Đáng lẽ tên em là Liên,” em kể, “Nhưng bác Nhuận (bố tôi) lúc ra văn phòng xã làm khai sinh cho em khai là “Niên” vì dân Kim Sơn, Ninh Bình, phát âm chữ L ra chữ N. Sau này, bố em đổi tên em lại là Loan.” Mẹ ở nhà cho tôi bú sữa được hai tháng đến khi mợ sinh em Loan, mẹ nhờ mợ chăm sóc tôi để bà đi buôn bán kiếm tiền nuôi gia đình. Mẹ, cả đời, đầu tắt mặt tối sớm khuya gồng gánh tảo tần. Chính vì thế, có lẽ, tôi đã bú sữa mợ nhiều hơn sữa mẹ.

Năm Ất Dậu (1945), cả gia đình ông bà ngoại tôi chết đói, chỉ còn mẹ và cậu tôi sống sót. Năm ấy mẹ mới lấy chồng được một hai năm, đang làm dâu gia đình ông bác, anh cả bố tôi. Ông bà nội đã chết, bố tôi là con út nên phải ở chung nhà với gia đình anh cả, cũng là nhà của ông bà nội. Dù lấy vợ rồi nhưng bố còn tay trắng. Gia tài ông bà nội để lại cho bác và bố là con trâu cày, và vài thửa ruộng trồng lúa. Ba trận bão lụt liên tiếp đã tàn phá mùa lúa miền quê bố mẹ tôi ở Kim Sơn, Ninh Bình. Nông dân cấy lúa như gia đình bố tôi rơi vào tình trạng thiếu cơm gạo trầm trọng. Ruộng lúa bỏ hoang vì mưa lụt. Con trâu của gia đình coi như thất nghiệp theo người.

Ngày bé, tôi nghe mẹ kể về con trâu nhà bác tôi như một bi kịch ngoài khả năng tưởng tượng của mình. Mẹ kể, bác muốn bán con trâu lấy tiền mua lúa, nhưng mẹ  phản đối và áp lực bố không được bán trâu.  Theo mẹ suy luận, người làm ruộng mà không có trâu cày thì cũng như người làm thợ mộc bị cụt tay, hay người bán hàng rong bị cụt chân. Truyện bán trâu của gia đình bác và bố mẹ tôi năm đói là một bi kịch rơi nước mắt. Dù mẹ tôi cực lực phản đối, cuối cùng con trâu cũng bị bán. Sau khi bác bán trâu, ông chia cho mẹ tôi một số tiền nhỏ rồi bảo mẹ tôi nên về sống với ông bà ngoại vì nhà bác không đủ khả năng nuôi thêm một miệng ăn nữa. Mẹ tôi đã bỏ đi nhưng không lấy phần tiền bán trâu, về đến nhà, mọi người nghe câu truyện mẹ kể, ai cũng bảo mẹ phải sang nhà bác tôi đòi khoản tiền bán trâu. Câu truyện này là do các em con cậu tôi kể.

Cả tuổi thơ tôi, mẹ tôi chưa hề kể chuyện này. Nghe xong câu truyện các em con cậu tôi kể, tôi tự hỏi, “Tại sao bố có thể để bác tôi đuổi mẹ về nhà ngoại?”,  “Tại sao bố không bỏ nhà đi với mẹ?”  “Mẹ đã nghĩ gì lúc phải bỏ nhà chồng về lại nhà bố mẹ mình?“, “Tại sao mẹ quay về cứu bố thoát đói?” Bây giờ bố tôi đã qua đời và mẹ dù còn sống nhưng đã mất trí nhớ nên tôi sẽ phải mang theo những thắc mắc về câu chuyện bi tráng của gia đình mình vào thiên thu.

Gia đình bên ngoại tôi đã chết dần mòn vì đói. Ông ngoại tôi bỏ làng đi tìm việc làm kiếm cơm gạo nuôi gia đình rồi chết bờ chết bụi, biệt tăm. Bà ngoại tôi phải mang cậu út mới chào đời gửi vào cô nhi viện các sơ vì sợ cậu ở nhà sẽ bị chết đói như những người khác. Có thể cậu út tôi  bây giờ còn sống, nhưng không ai biết lai lịch ra sao. Ông cậu, bố của các em tôi lúc ấy khoảng 14-15 tuổi được nhà gửi đi làm con ở cho một gia đình (có lẽ là họ hàng) giầu có nên đã thoát nạn chết đói. Anh chị tôi và các em con ông cậu không ai biết chi tiết gì về bà ngoại và các dì các cậu tôi đã chết vì đói lúc nào, ra sao?

Còn mẹ, nhờ nghe lời họ hàng đòi tiền bán trâu nên có ít vốn đi bán hàng rong độ thân. Bố tôi đã nghĩ gì lúc mẹ đòi tiền bán trâu? Nhưng, cũng chính nhờ số tiền bán trâu mà sau này mẹ tôi đã cứu được bố tôi. Mẹ kể sau khi đòi lại khoản tiền bán trâu, mẹ đã đi bộ xuống Thanh Hoá, cách Kim Sơn, Ninh Bình hơn 60 cây số, trên dưới 37 dặm Anh (miles). Vì đi chân trần, mẹ đã đạp lên cái gai hay cái đinh nên một bàn chân bị nhiễm trùng nặng. Những lúc lên cơn sốt, mẹ nằm gục ven đường, trong cơn mê sảng, mẹ thấy một phụ nữ, quần áo màu đen đầu đội khăn viền trắng như một nữ tu, đứng trước mặt mẹ bảo “Con cứ đi về hướng này, sẽ được giúp đỡ.” Tỉnh dậy, mẹ lê lết theo đoàn người đói khát từ các làng quê lên tỉnh tìm cơm ăn. Cuối cùng mẹ đến được một tu viện, có lẽ tu viện của các sơ Mến Thánh Giá, và nhờ đấy đã được cứu sống.

Chân khỏi, mẹ dùng tiền bán trâu, đi bán rong kiếm sống. Mẹ kể mẹ bán cơm nắm, bán khoai luộc, hay bán bất cứ gì mẹ có thể mua rồi bán lại, đêm về sân tu viện tìm một góc an toàn ngủ, rồi sáng tinh sương vội vã thức dậy đi bán hàng rong. Mẹ dành dụm đủ tiền để mẹ quay về làng tìm người thân, lúc mẹ đi trên đường đê ven ruộng, cậu tôi đang cày ruộng cho nhà chủ, chợt thấy bóng mẹ từ xa, cậu bỏ cày bỏ trâu chạy đến mẹ xin đi theo.

Câu chuyện các em tôi kể không đầu đuôi nhưng mỗi lần nghĩ đến là tôi khóc. Nạn đói năm 1945 và hoàn cảnh xã hội  đã giúp cho tình chị em giữa mẹ và cậu khắng khít hơn sự liên hệ tình cảm giữa các con của mẹ và các con của cậu. Các em tôi kể sau khi cậu giải ngũ về, mỗi lần cậu mợ có chuyện gì buồn bực nhau, cậu đều doạ mợ là sẽ bỏ nhà đến ở với bà Nhuận (mẹ tôi).

Từ khi có trí khôn đến giờ, tôi gặp cậu mợ một vài lần. Cậu mợ, nhất là cậu, vẫn đến thăm mẹ tôi thường xuyên, nhưng tôi không gặp vì từ năm 11-12 tuổi đã được bố mẹ gửi đi học ở tu viện Châu Sơn, Đơn Dương. Mỗi năm về nhà hai lần, nhưng không có dịp đi thăm cậu mợ. Sau khi gặp cô em và được nghe thêm truyện gia đình, tôi đã mong muốn được tổ chức ngày giỗ cậu mợ để được bày tỏ lòng biết ơn người đã cho tôi bú sữa những ngày thơ dại đầu đời. Các em con cậu mợ tôi nửa còn ở Việt Nam, nửa ở Arizona, Washington, và Texas. Tôi ngỏ ý muốn tổ chức giỗ cậu mợ, nhưng chưa biết chọn ngày tháng nào cho thuận tiện. Sau khi tôi gửi lời chúc Tết cho anh em và con cháu, chú em bên Arizona hồi âm là dự tính sang nhà tôi vào cuối tuần ngày 29 tháng Giêng. Dĩ nhiên tôi nhận lời ngay, liền sau đó, cô em từ Washington hồi âm, gia đình em cũng sang. Anh tôi và mấy cháu ở Texas cũng nhắn tin sẽ đến ăn giỗ cậu mợ.

Tổ Chức Giỗ Thế Nào

Tôi đã đọc về văn hoá và phong tục Việt Nam từ tác giả Toan Ánh đến Đào Duy Anh, nhưng các vị tiền bối này bàn về cách cúng giỗ tổ tiên không hợp với hoàn cảnh đời sống ở thế kỷ 21, nhất là người Việt ở Hải Ngoại.  Càng lớn tuổi tôi càng thấy nhu cầu tìm về cội nguồn rất quan trọng và cấp bách. Gia đình tôi theo đạo Công Giáo nên phong tục thờ cúng Ông Bà-Tổ Tiên đã bị các giáo sĩ Tây Phương cấm đoán từ thế kỷ 17. Chính vì thế, đa số gia đình Công Giáo Việt Nam đã quên hết các nghi lễ cúng giỗ hơn 3 thế kỷ rồi.

Theo tôi được biết, nhiều gia đình Công Giáo Việt Nam đến ngày giỗ người thân, ông bà, tổ tiên thường chỉ xin linh mục trong xứ đạo dâng thánh lễ cầu cho linh hồn người quá cố. Các gia đình khá giả, có thể tổ chức buổi họp mặt đọc kinh rồi ăn uống với nhau. Dù giáo hội Công Giáo, nhất là giáo hội Công Giáo Việt Nam không còn cấm đoán việc giáo dân thờ cúng ông bà-tổ tiên từ cuối thập niên 1960, nhưng hình như các vị lãnh đạo Công Giáo chưa đưa ra nghi thức và nghi lễ thờ cúng ông bà như thế nào cho hợp với phong tục Viêt Nam và thần học Công Giáo. Việc cúng giỗ ông bà trong gia đình người Công Giáo vẫn chưa được phát triển. Có thể đã có những văn bản về cách tổ chức nghi lễ cúng giỗ gia đình, nhưng tôi chưa được đọc.

Gần đây, tôi đọc luận án Tiến Sĩ tựa đề: “A cultural and theological foundation for ancestor veneration among Catholics in Vietnam” của Peter De Ta Vo, S.V.D. từ School of Religious Studies of The Catholic University of America, 1999. Nói chung, luận án này trình bày tổng quát về các nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Việt và ảnh hưởng văn hoá Tàu trên việc thờ kính. Tác giả đã dùng nhãn quan thần học Thiên Chúa Giáo để giải thích những xung đột và những hiểu sai về sự thờ cúng tổ tiên của các nhà truyền giáo và giáo hội Công Giáo. Chỉ tiếc là tác giả không đưa ra được đề nghị thực tiễn nào về cách thờ cúng ông bà cho người Công Giáo Việt Nam. Nếu tác giả kết hợp được các nghi lễ Công Giáo với các nghi lễ thờ cúng tổ tiên truyền thống Việt Nam để các gia đình Công Giáo làm theo trong các dịp giỗ người qua đời hay ông bà tổ tiên thì tốt biết bao. Tôi đã tham dự những buổi đọc kinh giỗ trong gia đình Công Giáo, dài lê thê và rất chia trí.

Bạn có thể thăm trang nhà Công Giáo (https://www.conggiao.org/cach-doc-kinh-cho-dam-gio/) để xem văn bản các bài kinh được đọc trong buổi cầu nguyện của ngày giỗ. Trang nhà Thánh Ca Việt Nam cũng có văn bản hướng dẫn về đọc kinh cho ngày giỗ (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=39606).

Văn hoá là những gì chúng ta làm hàng ngày hay ở những thời điềm đặc biệt trong gia đình và xã hội. Có những điều chúng ta làm theo mọi người và cũng có những điều chúng ta phải sáng tạo ra rồi tiếp tục làm, lâu ngày sẽ trở thành truyền thống, phong tục. Tôn giáo nằm trong văn hoá, không ở trên hay ngoài văn hoá. Chính xã hội con người sáng tạo ra tôn giáo chứ tôn giáo không khai sinh ra xã hội loài người. Có thể vì sự hiểu sai về văn hoá và tôn giáo nên các vị truyền giáo của đạo Công Giáo khi đến Việt Nam đã gây ra khủng hoảng văn hoá. Việc này có lẽ là một trong những nguyên cớ đưa đến việc cấm đạo và việc tàn sát nhiều người Công Giáo vô tội.

Truyền thống và phong tục không phải tự nhiên mà có. Tôi đã suy nghĩ nhiều về việc tổ chức giỗ và nghi lễ tưởng nhớ cậu mợ. Cuối cùng tôi tìm đến hai người bạn, cô Trần Đoan Hạnh, thuộc gia đình theo Phật Giáo nhiều đời, và anh Dương Xuân Lương, một tín đồ trung kiên của Cao Đài Giáo để học hỏi thêm về cách cúng giỗ người qua đời. Theo tôi người Công Giáo muốn học cách tổ chức cúng giỗ ông bà tổ tiên theo văn hoá Việt Nam nên học ở các tín đồ Phật Giáo, Cao Đài Giáo và các tôn giáo chính thống khác.

Lễ Giỗ Của Gia Đình Phật Giáo Ở Hoa Kỳ

Cô Trần Đoan Hạnh gửi tôi một điện thư chia sẻ về cách thức cúng giỗ người quá cố trong gia đình cô như sau:

“Đúng vào ngày mất (ngày qua đời) theo âm lịch, sau này một số nhà đã cúng vào ngày dương lịch cho con cháu dễ nhớ đến hơn, sẽ lo nấu một bữa cỗ cúng gồm có:

1) Nhang đèn
2) Hoa quả
3) Mâm cơm gồm có các món như canh xào, chiên và kho, nhất là những món ngày xưa người thân ưa thích (có những gia đình xin cúng giỗ ở Chùa thì hoàn toàn là những món chay), ở nhà thì tùy vào mỗi gia đình có nhà cúng cỗ mặn hoặc chay, tùy theo tâm linh của người quá cố.

Hồi còn ở VN và qua bên này trong những thập niên đầu, mẹ em vẫn làm hoặc nhắc nhở tụi em cúng bát cơm & quả trứng ngày hôm trước ngày giỗ để trình với tổ tiên là sẽ làm giỗ cho người quá cố ngày hôm sau. Lúc còn bên VN thì có những gia đình còn mời thêm họ hàng và bạn bè thân thuộc khi làm giỗ ở nhà, qua bên này thì nếu các con cháu không còn ở cùng một thành phố hay tiểu bang, thì mỗi người con thường hay cúng riêng dù chỉ một mâm cơm thanh đạm. Còn những gia đình thường xuyên sinh hoạt nhiều với Chùa, thì sẽ xin cúng giỗ tại Chùa và mời những đạo hữu tại Chùa, rồi cúng dường tịnh tài đến quý Thầy và Chùa để hồi hướng công đức cho người quá cố. Cũng có những gia đình xin cúng giỗ ở Chùa để mời quý Phật tử ở Chùa vào buổi trưa và cúng giỗ ở nhà vào chiều tối hay cuối tuần để mời gia đình và người thân nữa.”

Truyền Thống Lễ Giỗ Của Gia Đình Cao Đài Giáo

Tôi không rõ lễ giỗ của gia đình Cao Đài bên Hoa Kỳ được tổ chức ra sao, nhưng Ông Dương Xuân Lương đã gửi tôi bài tóm tắt về phong tục và cách cúng giỗ người qua đời trong gia đình tín đồ Cao Đài bên Việt Nam như sau:

“Đạo Cao Đài dạy hiếu khi cha mẹ, ông bà còn sống và khi đã mãn phần. Khi còn sống có hiếu thân và hiếu tâm. Hiếu thân là gần gũi, chăm sóc, lo việc ăn uống hàng ngày, đỡ đần khi bệnh hoạn …; nhưng nếu do hoàn cảnh không thực hiện hiếu thân được thì lo phần hiếu tâm. Hiếu tâm có 2 phân khúc, khi cha mẹ còn sống thì tu sửa thân tâm để xây dựng cuộc sống tốt lành cho bản thân, gia đình và xã hội làm cho cha mẹ, ông bà yên tâm và không tủi hổ với xóm làng, xã hội; đến khi cha mẹ hay ông bà mãn phần rồi thì chỉ có thể thực hiện hiếu tâm (Chờ con lập đức giúp hườn ngôi xưa/Kinh Tụng Cha Mẹ Đã Qui Liễu câu 28).

Lễ giỗ chính là một trong những cách quan trọng để thể hiện hiếu tâm. Lễ giỗ là dịp để kết nối tình thân, quan tâm chăm sóc, nâng đỡ nhau trong cuộc sống là chính, còn vật thực thì tùy theo hoàn cảnh không phải lo chạy tiền để sau lễ giỗ phải mắc nợ. Lễ giỗ muối dưa, đạm bạc mà con cháu tề tựu về trong tình thương vẫn quý hơn mâm cao cỗ đầy, chè chén say sưa rồi xung đột, chì chiết nhau. Chữ Hòa trong thân tộc chính là lễ phẩm mà ông bà, cha vui lòng nhất nên đó cũng là lễ phẩm tinh thần có ý nghĩa nhất trong Lễ giỗ.”

Lễ giỗ thông thường

Thông thường Lễ giỗ có 2 ngày: Tiên thường và Chánh kỵ hay Chánh giỗ.

1.- Tiên thường

Phái Nữ tề tựu về bàn tính xem cúng những gì rồi phân công đi chợ mua đồ và nấu sẵn cũng như lo bánh tét, bánh ú… Phái Nam về lo quét dọn bàn thờ, lư hương, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh bàn ghế và chia nhau đi mời hàng xóm… Chia sẻ những kỷ niệm, tình cảm liên quan đến người quá cố… Đến bữa ăn đem bánh trái đơn giản, đốt nhang rót nước, rót rượu mời ông bà, cha mẹ về chứng lòng con cháu.

2.- Chánh giỗ

Thường thì tư gia người đạo có Thiên bàn nên sau khi dọn các thức ăn lên đâu đó xong xuôi thì mặc đạo phục đến Thiên bàn lên nhang đèn đầy đủ rồi thắp hương và cầu nguyện Thầy trước, sau đó kỉnh lễ ở bàn thờ ông bà chung trước rồi đến bàn thờ người có Lễ giỗ sau. Bàn Thờ chung để thờ ông bà mãn phần đã ba đời của gia chủ. Hàng xóm thì mặc đạo phục hay thường phục tùy ý. Khi đến thì họ cũng kỉnh lễ tại Thiên bàn và các bàn thờ theo thứ tự. Trong tình cảm láng giềng họ có thể gởi sang nhà có giỗ một ít trái cây để cúng.

Sau ba tuần rượu thì đến nước trà và nước trắng là xong, khi đó lui nhang đèn trước và dọn thức ăn đã dâng cúng ra bàn tiệc để dùng. Thường thì gia chủ chuẩn bị sẳn một ít bánh, trái gởi cho láng giềng đến dự.

Như vậy các gia đình người Việt theo Phật Giáo và Cao Đài Giáo đã kết hợp sinh hoạt gia đình và xã hội vào nghi lễ cúng giỗ theo tôn giáo của mình.

Thật ra thì ba tôn giáo lớn ở Việt Nam, Phật Giáo, Cao Đài và Công Giáo, đều dạy con người về lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà và tổ tiên. Điểm khác biệt là cách diễn đạt lòng biết ơn với người quá cố. Tôi nghĩ việc dâng cúng thức ăn, thức uống, và hoa quả lên bàn thờ người quá cố không phải để linh hồn các ngài về ăn uống với chúng ta, nhưng để nhắc chúng ta tưởng nhớ đến người quá cố một cách thân tình và trang trọng.

Gia Đình Tôi Sửa Soạn Lễ Giỗ

Nhà tôi không nhỏ, nhưng rất bừa bãi, sách vở, đồ dùng chỗ nào cũng để tứ tung. Có lẽ vì ở không ngăn nắp nên vợ chồng con cái không lục đục vì chuyện quét dọn nhà cửa. Nghĩ vậy để tự an ủi. Vợ đi dạy, con đi học, tôi lãnh trách nhiệm sửa soạn nhà đón khách phương xa. Tôi lúng túng không biết thu dọn, xếp đặt ra sao để đón các em và các cháu đến nhà ăn giỗ cậu mợ cho phải đạo. Loay hoay cả tuần lễ mà nhà vẫn không ngăn nắp thứ tự. Nhưng cuối cùng thì các em các cháu đã đến đông đủ. Uyên-Sa, vợ tôi, đã nôn nao, xôn xao lên chương trình nấu nướng cả tuần để lo cho ngày giỗ được tốt đẹp. Cả đời tôi mới được một dịp đón tiếp họ hàng đông đủ như dịp này. Ông anh tôi, một Thầy Sáu (Deacon) trong giáo hội Công Giáo bảo nếu giỗ ngày thứ Bảy, anh sẽ mời một linh mục đến dâng lễ. Tôi trả lời ngay là giỗ ngày Chủ Nhật, và nhờ anh chủ tế phần đọc kinh cầu nguyện.

Sau khi nhận được lời giải thích về nghi thức cúng giỗ của các bạn bên Phật Giáo và Cao Đài, tôi quyết định sửa soạn bàn thờ có di ảnh cậu mợ được đặt giữa bàn thờ, hình không được rõ nhưng nụ cười của cậu mợ tươi tắn hiền hoà, hai bên di ảnh có nến, nhang và hoa. Gia đình cậu mợ tôi có năm người con đang sinh sống ở Hoa Kỳ, tôi sửa soạn năm lễ vật để mỗi em được dịp dâng lên bàn thờ.

Ngoài anh em và các cháu trong gia đình, tôi cũng mời vài người bạn đến tham dự. Tôi chia sẻ lý do có buổi lễ giỗ mợ là để nhắc nhở tôi rằng người cho tôi bú sữa lúc còn thơ cũng là mẹ tôi. Đạo làm người trong văn hoá Việt Nam dạy chúng ta phải thờ kính cha mẹ, ông bà, và tổ tiên. Khi chúng ta cúng giỗ các ngài là lúc chúng ta được biểu tỏ cội nguồn Việt Nam cho người thân và bạn bè. Lúc mợ còn sống, tôi không hề để ý đến chuyện bà đã cho tôi bú sữa. Có thể mẹ tôi đã kể nhưng tôi quên. Việc bày tỏ lòng biết ơn các đấng sinh thành và những người đã nuôi dưỡng, giúp đỡ ta trong cuộc đời không bao giờ trễ.

Nghi Lễ Giỗ Trong Gia Đình Công Giáo

Gia đình tôi theo đạo Công Giáo từ bao giờ, không ai biết, và cũng chẳng ai hỏi ai. Sau gần 50 năm sống đời biệt xứ, nhu cầu tâm linh và cội nguồn càng ngày càng trở lên quan trọng và cấp bách với tôi. Tôi mong các con tôi hàng năm sẽ tổ chức giỗ ông bà tổ tiên Việt Nam trong gia đình, và lễ giỗ phải có tâm hồn Việt Nam.

Buổi lễ giỗ mợ tôi có 2 phần chính: Cầu nguyện và Dâng lễ vật.

Vì là người Công Giáo nên chúng tôi bắt đầu bằng bài thánh ca có tựa đề “Ca tình tri âm.” Bài hát gợi lên trong lòng người hát, người nghe tâm tình hiến dâng và phó thác đời mình cho đấng Toàn Năng; khi còn sống cũng như đã qua đời. Tôi chọn bài hát này vì đã hát cả ngàn lần thời niên thiếu ở tu viện Châu Sơn. Câu đầu tiên của bài hát là “Giữ gìn con Chúa ơi/ vì Chúa là chốn con tựa nương tháng năm….” Tôi vẫn hát bài này lúc đương đầu với lo âu, sợ hãi. Khi các con tôi còn bé, tôi đã dạy con hát và ngày nào chở con đi học rồi đón con về, tôi vẫn hát cho các con nghe.

Khi bài hát chấm dứt, cả nhà đọc Kinh Lạy Cha, bài kinh duy nhất được Đức Giê-Su dạy các môn đệ cầu nguyện đã được ghi chép trong hai quyển Kinh Thánh Tân Ước, bài ngắn trong sách Kinh Thánh của Luke (11:2-4) và bài dài trong sách Kinh Thánh của Matthew (6:9-13).  Theo tôi bài kinh này thích hợp cho tín đồ của các tôn giáo chính thống. Ngoài mục đích ca ngợi và vinh danh Thiên Chúa (Đấng Toàn Năng), bài kinh dạy ta nguyên tắc sống hạnh phúc: không tham lam, biết tha thứ, và xa tránh những gì có thể thúc đẩy ta làm điều xấu.

Sau Kinh Lạy Cha, gia đình đọc ba kinh Kính Mừng. Đối với tín hữu Công Giáo thì đây cũng là một bài kinh rất cổ kính đã được đọc từ thế kỷ thứ 6, và đến thế kỷ thứ 15 thì được toản hảo. Nhiều người Công Giáo có lẽ không để ý đến xuất xứ của kinh Kính Mừng, nhưng ý tưởng chính trong bài kinh được mượn từ lời chào của thiên thần Ga-bri-el lúc báo tin cho Đức Mẹ sẽ làm Mẹ Đức Giê-Su, và lời bà thánh Elizabeth mẹ thánh Gioan Tẩy Giả (St. John the Baptist) ca ngợi Đức Mẹ lúc đến Ngài thăm bà (Luke 1:56). Kinh Kính Mừng là bài kinh ngắn nhưng rất mầu nhiệm và quyền năng. Hàng thế kỷ qua, biết bao nhiêu sự lạ lùng đã xảy ra cho người đọc kinh này với niềm tin chân thành. Bản thân tôi, một người không ngoan đạo và thường xuyên nghi ngờ quyền lực tôn giáo, nhưng bài kinh ngắn này đã giúp tôi vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống. Gần đây tôi về thăm mẹ, đã hơn trăm tuổi, trí nhớ lú lẫn, nhưng mỗi lần tôi ngồi bên mẹ đọc kinh Kính Mừng, mắt mẹ sáng lên với niềm hạnh phúc khó tả.

Bài kinh cuối cùng trong buổi cầu nguyện ngày giỗ là kinh Sáng Danh. Đây cũng là một bài kinh cổ của đạo Công Giáo và được đọc trong những giờ lần hạt (Rosary). Tôi nhớ về thời niên thiếu ở tu viện Châu Sơn, các tu sĩ mỗi lần hát xong một bài Thánh Vịnh, đứng lên cúi đầu đọc kinh sáng danh.

Như vậy trong ngày giỗ người qua đời ở gia đình Công Giáo, chúng ta chỉ cần đọc ba kinh: Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh là đầy đủ ý nghĩa. Mình đâu cần phải đọc kinh dài lê thê mà nhiều khi chẳng để ý tới câu kinh đang đọc.

Dường như nhiều người Công Giáo đã nghe hay đọc lời Đức Giê-Su dạy về cách cầu nguyện, nhưng quên rằng Đức Giê-Su dạy ta đừng lải nhải, dài dòng khi đọc kinh cầu nguyện, “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời.” (Matthew 6:7).

(Thầy Sáu Trần Thế Kỷ Chia Sẻ Kinh Thánh)

Sau khi cả nhà đọc 3 kinh căn bản của đạo Công Giáo, thầy Sáu Trần Thế Kỷ đọc bài Kinh Thánh từ Kinh Thánh Tân Ước của thánh John (John 14, 1-10) và chia sẻ ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh này. Ngay sau phần đọc lời Chúa là nghi thức tưởng nhớ người qua đời.

Dâng Lễ Vật Lên Bàn Thờ Ngày Giỗ

Năm người con của cậu mợ tôi xếp hàng theo thứ tự: ngươì trẻ nhất đứng bên trái và người lớn nhất bên phải trước bàn thờ được thắp nến hai bên. Vì còn giữa mùa Đông, cửa đóng, và nhà có người bị suyễn nên không thắp nhang. Tôi phụ dẫn các nghi thức trong buổi lễ. Nghi thức đầu tiên, các em chắp tay cúi đầu lạy bốn lần trước di ảnh cậu mợ. Sau phần bái lạy là phần dâng lễ vật từ trái qua phải:

(Dâng Bánh Chưng Bánh Dày)

1. Bánh dày bánh chưng. Trong văn hoá Việt Nam, bánh dày bánh chưng là biểu tượng hiến lễ tạ ơn Trời từ thời huyền sử các vua Hùng. Chúng ta dâng lên bàn thờ cha mẹ, ông bà tổ tiên đễ nhắc chúng ta nhờ công ơn các ngài mà mình được sinh ra trên mặt đất (bánh chưng) và sinh sống dưới bầu trời (bánh dày).

2. Mâm Trái Cây. Dâng lên bàn thờ mâm trái cây tượng trưng cho những loại trái cây đã trồng trong vườn nhà, hay mua ngoài chợ dễ dàng lúc các ngài còn sống. Lễ vật này nhắc chúng ta nhớ công ơn các ngài vất vả nuôi dưỡng chúng ta.

(Dâng Trà)

3. Nước Trà. Dâng lên bàn thờ tách trà để nhắc chúng ta lúc cha mẹ ông bà còn sống, nhiều lúc chúng ta vô tình quên phục vụ các ngài ngay cả việc làm nhỏ nhoi như pha trà mời các ngài.

4. Rượu. Trong nghi lễ thờ phượng của nhiều tôn giáo lớn (trừ Islam và Mormonism), rượu giữ vai trò rất quan trọng tuỳ theo văn hoá và niềm tin của mỗi tôn giáo. Riêng ở Việt Nam và nhiều xã hội thuộc văn minh trồng lúa, rượu được biến chế ra từ lúa gạo, biểu tượng của một tiến trình lao công, từ lúc gieo mạ đến lúc nấu thành rượu. Mình dâng lên bàn thờ cha mẹ, ông bà tổ tiên chén rượu để nhớ công các ngài một đời vất vả nuôi mình, dạy dỗ cho mình nên người tốt lành trong xã hội.

(Dâng Hoa)

5. Dâng hoa lên bàn thờ cha mẹ, ông bà tổ tiên vì hoa là biểu tượng của tất cả mọi tình cảm từ quyến luyến, nhớ thương đến vui mừng và hy vọng. Mình dâng Hoa trước di ảnh các ngài để nhắc mình tưởng nhớ đến tình yêu thương các ngài đã cho mình, và cả những lo âu các ngài đã phải trải qua vì mình gây ra. Sau cùng hoa cũng là biểu tượng của mùa Xuân bất diệt mà các ngài đang vui hưởng ở Thiên Đàng hay miền cực lạc.

6. Để chấm dứt phần nghi lễ tưởng nhớ, cả nhà và bạn bè đã hát bài “Đâu có tình yêu thương.” Một bài ca vịnh rất phổ thông của Công Giáo được hát bằng nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Bài hát này bắt đầu bằng câu Latin “Ubi cáritas est vera, est vera. Deus ibi est. Deus ibi est.” Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Tôi nghĩ các gia đình Công Giáo Việt Nam nên cùng nhau hát bài này trong những dịp gặp nhau ăn giỗ hay cầu nguyện. Bài hát nhắc ta phải yêu thương nhau thì mới được Chúa chúc lành. Anh em bạn bè gặp nhau lải nhải hết câu kinh này đến bài kinh kia mà không yêu thương nhau thì coi như vô ích.

Tôi mong các con tôi và các em tôi nhớ tổ chức ngày giỗ cha mẹ, ông bà tổ tiên khi có thể làm được. Lễ giỗ tổ chức trong gia đình mình, nhưng phải làm thế nào để hồn Việt Nam và tình Việt Nam được thể hiện qua các nghi thức cầu nguyện và tưởng nhớ.

Phải sống đến tuổi già tôi mới tỉnh ngộ rằng cội nguồn Việt Nam cần được nuôi dưỡng từ trong mỗi gia đình qua những sinh hoạt tôn giáo, truyền thống gia đình, và xã hội. Gia đình nào cũng có những bi kịch, nhưng khi ta tưởng nhớ những người quá cố bằng những nghi thức cầu nguyện và cúng giỗ, ta biến những bi kịch gia đình thành những kỷ niệm để người còn sống gắn bó với nhau hơn.

Cảm ơn các em con cậu mợ tôi đã cho tôi được ít nhất một lần tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ và vinh danh cuộc đời của cậu mợ tôi.

Tạ ơn những giọt sữa mợ đã cho con bú ngày thơ dại, thuở quê hương chinh chiến lầm than.

Trần Thu Miên
(Tuỳ Bút Gia Đình)

Tháng 2/2023