Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

4467. Hiền Tài Mai Văn Tìm.

 BBT giới thiệu bài viết của hiền huynh Hiền Tài Mai Văn Tìm để cùng nhau phân tích và học hỏi. Nay kính.

On Friday, February 3, 2023, 6:24 PM, Tim Mai <mait437@gmail.com> wrote:

Kính gởi quý HTĐM bài giáo lý tóm lược chủ đề sau :

Tại Sao Nền Đạo Cao Đài không Bị Qui Phàm ?

Từ khi mới thành lập Đạo, Đức Chí Tôn đã cho biết ngươn hội của Cao Đài sẽ kéo dài đến thất ức niên là bảy trăm ngàn năm. Trong bài thi về Tịch đạo bắt đầu bằng câu: Thanh Đạo tam khai thất ức niên, nghĩa là nền Đạo trong sạch của Đức Chí Tôn mở ra kỳ ba nầy sẽ kéo dài đến bảy trăm ngàn năm.


Đây là một thời gian vô cùng dài, vậy làm thế nào để Cao Đài giữ vững được chơn truyền chánh pháp mà không bị qui phàm qua thời gian? Chúng ta sẽ phân tích qua các phần sau đây:

1-Đức Chí Tôn không giao chánh giáo cho tay phàm nữa:

Chính Đức Chí Tôn đã giảng dạy vấn đề nầy qua đoạn Pháp Chánh Truyền HTĐ như sau:

“Thầy đã nói: ngũ chi Đại Đạo bị qui phàm là vì khi trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Chánh giáo mà lập ra phàm giáo nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa”.

 Chính Đức Chí Tôn là giáo chủ đạo Cao Đài, Thầy đến dạy từ cách lạy, nghi thức cúng đàn, giáo lý triết lý Đạo…Cũng chính mình Thầy đến lập Pháp Chánh Truyền là bộ hiến pháp, phân chia quyền hành chức sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài,… Đạo có ba đài Bát Quái Đài là linh hồn, Hiệp Thiên Đài là chơn thần, Cửu Trùng Đài là thể xác của Đạo. Đức Chí Tôn nắm giữ linh hồn của Đạo để điều khiển chơn thần và thể xác nên Thầy nói không giao chánh giáo cho tay phàm là vậy.

Nói như vậy không có nghĩa đạo Cao Đài  chủ trương độc tài, độc đoán, nhơn sanh có quyền tự lập luật để tu nhưng quyền quyết định sau cùng vẫn thuộc về Bát Quái Đài. Sau nầy Đức Chí Tôn ban quyền thưởng phạt cho Đức Lý, Ngài dùng cặp mắt thiêng liêng để công thưởng tội trừng giữ công bình cho tất cả con cái Đức Chí Tôn. Nhất là vấn đề cầu phong, cầu thăng cho chư chức sắc phải qua quyền Thiêng Liêng chấp thuận nên mới gọi là chức sắc Thiên phong.

Đạo Cao Đài dùng cơ bút đặc biệt để thông công với cõi vô vi nên hai cõi hữu hình và vô vi rất gần nhau chớ không còn mơ hồ nữa. Những vấn đề quan trọng, Hội Thánh đều cầu cơ bút để xin sự chỉ dạy của Ơn Trên nên không sợ sai đường lạc nẻo, không sợ biến cải ra phàm giáo là vậy.

Xin mượn câu Pháp Chánh Truyền chú giải để kết thúc phần nầy:

“Bát Quái Đài là hồn của Đạo, mà Thầy đã nắm chặt phần hồn thì xác phải nương theo hồn mới mong giữ bền sanh hoạt. Hồn Đạo Thầy đã nắm chặt rồi thì Đạo chẳng hề khi nào còn chịu dưới tay phàm nữa. Ấy vậy, Thầy nói không chịu giao chánh giáo cho tay phàm là tại vậy”.

2-Hiệp Thiên Đài: Cơ quan giám sát, gìn giữ luật pháp chơn truyền.

Đạo chia ra hai đài hữu hình là Cửu Trùng Đài là cơ quan hành chánh, giáo hóa, còn Hiệp Thiên Đài (HTĐ) giám sát, giữ vững chơn truyền không cho thi hành sai lạc luật pháp Đạo.

Chức sắc HTĐ, nhiệm vụ quan trọng trên hết là cầu cơ bút nơi cung Đạo đền Thánh để thông công cùng các Đấng Thiêng Liêng mỗi khi Hội Thánh cần thỉnh ý Ơn Trên, thường việc cầu cơ nầy do chức sắc cao cấp HTĐ như chư vị Thời Quân trở lên.

Trong HTĐ có cơ quan là Bộ Pháp Chánh coi sóc việc thi hành luật pháp ở địa phương, trước kia mỗi Châu Đạo (tỉnh) có một vị Pháp Chánh HTĐ. Vị nầy chịu trách nhiệm giải thích luật pháp, nghi lễ,…khi có người thỉnh ý. Phúc trình về Hội Thánh khi có trường hợp vi phạm luật Đạo, giảng hòa các vụ tranh chấp,…

Vị Pháp Chánh chứng kiến các cuộc bầu cử Bàn Tri Sự để giữ sự công bằng, đúng theo luật lệ hiện hành của Đạo.

Trong các Tòa Đạo để xét xử các vụ thưa kiện, phạm pháp đều có sự tham dự của chức sắc HTĐ.

Ngoài ra, ba vị Hộ Pháp, Thượng Phẩm và Thượng Sanh là nghị viên của Thượng Hội, và 12 vị Thời Quân cũng đến dự Đại Hội Hội Thánh và cũng bỏ thăm giống như CTĐ. Còn trong Hội Nhơn Sanh cũng có 1 vị chức sắc HTĐ tham dự để chứng kiến và bảo thủ luật lệ không cho Hội phạm đến.

Tóm lại, Đức Hộ Pháp chưởng quản HTĐ kiêm chưởng quản chi Pháp, còn Đức Thượng Phẩm chưởng quản chi Đạo và Đức Thượng Sanh chưởng quản chi Thế (phần đời).

Nói chung chức sắc HTĐ đều có mặt trong các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp của Đạo, nên trong Pháp Chánh Truyền có câu : HTĐ “lo bảo hộ luật đời và luật Đạo, chẳng ai qua luật mà HTĐ chẳng biết”. Có như vậy mới có thể bảo thủ luật pháp chơn truyền một cách trọn vẹn được.

3-Luật pháp Cao Đài không bị phàm hóa theo dục vọng của chúng sanh, cũng không quá lý tưởng khó thi hành:

Cơ quan lập pháp căn bản của Đạo là Quyền Vạn Linh gồm có 3 Hội: Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh và Thượng Hội.

Hội Nhơn Sanh: gồm đại biểu của hàng tín đồ đến phẩm Lễ Sanh.

Hội Thánh: gồm tất cả chức sắc đương quyền từ phẩm Giáo Hữu đến Chánh Phối Sư.

Thượng Hội: gồm các chức sắc cao cấp nhất của HTĐ: Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, và CTĐ : Giáo Tông, 3 vị Chưởng Pháp, 3 vị Đầu Sư và Đầu Sư nữ phái, cộng lại là 11 vị tất cả.

Như vậy cơ quan lập pháp nầy gồm đại biểu hết thảy từ hàng tín đồ cho tới chức sắc cao cấp nhất nên mới có tên là Quyền Vạn Linh. Đúng ra Vạn Linh là chỉ cả bát phẩm chơn hồn từ kim thạch hồn cho tới Phật hồn, nhưng con người là đứng đầu của chúng sanh nên con người đại diện luôn cho kim thạch, thảo mộc và thú cầm…

Đức Chí Tôn ban cho Quyền Vạn Linh rất lớn qua câu Thánh giáo:

“Thầy đã ban quyền hành Chí Tôn của Thầy cho hai đứa làm đầu Hội Thánh là Giáo Tông cùng Hộ Pháp. Vậy thì quyền hành Chí Tôn của Thầy đặng trọn vẹn khi Giáo Tông cùng Hộ Pháp hiệp một. Còn cả nhơn loại thì là quyền lực Vạn linh. Quyền hành Chí Tôn của Thầy duy có quyền hành Vạn linh đối phó mà thôi”.

Theo lời Thánh giáo trên thì quyết định của 2 vị Giáo Tông cùng Hộ Pháp hiệp lại là Quyền Chí Tôn tại thế nên hai vị không bỏ thăm trong Thượng Hội mà chỉ dùng Quyền Chí Tôn để công nhận hay bác bỏ các quyết định của Thượng Hội mà thôi.

Quyền Vạn Linh bắt đầu từ Hội Nhơn Sanh mà nhơn sanh tu hành còn ít nên có quyết định thiên về phàm ngã nhiều hơn. Các quyết định của Nhơn Sanh đưa lên Hội Thánh thì được duyệt xét gạn lọc lại bớt đi những cái phàm ngã, rồi sau đó được đưa lên Thượng Hội duyệt xét lại một lần nữa bởi những bậc đạo cao đức dày thì sẽ kỹ lưỡng hơn nữa.

Một thí dụ là đọc qua tập Lời Phê Đức Hộ Pháp có đoạn: Do theo lời Bộ Tư Lịnh quân đội Cao Đài xin cho quân đội được dự hội Quyền Vạn Linh năm Tân Mão, được Đức Hộ Pháp phê kiến có đoạn như sau:

“…Quân đội giờ nầy là một cơ quan chánh trị tạm thời thì chỉ đặng quyền làm một cơ quan chánh trị Đạo như cửu viện của Hội Thánh mà thôi, chỉ có nghĩa là phải có mặt cho Quyền Vạn Linh hạch vấn chớ không phải là một phần tử của Quyền Vạn Linh. Vậy Bộ Tư Lịnh, Bộ Tham Mưu, Bộ Chỉ Huy phải có mặt đặng có chịu dưới quyền Vạn Linh vấn nạn”.

Đây là một thí dụ về sự ngăn cản các đòi hỏi do phàm tâm của chúng sanh mà luật Đạo có sự phân định rõ ràng vì Quyền Vạn Linh chỉ có những thành phần được qui định chớ không thể thêm bớt…

Đã biết Quyền Vạn Linh thông qua những luật Đạo, nhưng trong trường hợp đặc biệt hay khẩn thiết thì hai vị Giáo Tông và Hộ Pháp cũng có thể ban hành những Đạo luật. Trường hợp nầy cũng giống như trong chánh trị đời, Tổng Thống có quyền ban hành những Sắc luật trong những trường hợp đặc biệt mà hiến pháp một nước có qui định…

Một thí dụ điển hình là vào khoảng năm Canh Ngọ (1930), tình hình Đạo có nhiều rối ren như một số chức sắc phế phận không đi hành Đạo hay không chịu phế đời hành Đạo, một số khác có ý manh nha chia rẽ lập chi phái,… Vì vậy Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp dùng quyền Chí Tôn tại thế để lập ra 6 Đạo Nghị Định và sau đó đến năm Giáp Tuất (1934) thêm 2 Đạo Nghị Định nữa, tổng cộng gọi là Bát Đạo Nghị Định…

Mặt khác nếu Quyền Chí Tôn tại thế ban hành những Đạo luật quá sức của nhơn sanh thì Quyền Vạn Linh có quyền nài xin thay đổi hay hủy bỏ. Một thí dụ sau tuy không phải là quyết nghị của Quyền Vạn Linh nhưng cũng nói lên tính chất của Đạo luật. Số là vào thời mới khai Đạo, Đức Chí Tôn dạy Hội Thánh lập Tân Luật, có một số vị chức sắc đề nghị vào Đạo là phải trường chay, nhưng sau đó thấy sự phản ảnh của nhơn sanh nên mới hạ xuống còn thập trai như ngày nay.

Trường hợp một Đạo luật nào quá sức của nhơn sanh thành hình do Quyền Chí Tôn tại thế ban hành rồi thì Quyền Vạn Linh có quyền triệu tập để đối phó lại, tức là nếu có đủ túc số thì Đạo luật sẽ bị hủy bỏ như câu Thánh giáo : Quyền hành Chí Tôn của Thầy duy có quyền hành Vạn Linh đối phó mà thôi.

Đây mới là mô thức dân chủ thật sự đúng nghĩa. Cái hay của nền lập pháp Cao Đài là Quyền Vạn Linh như tên gọi là đại diện của đủ tầng lớp, đẳng cấp trong Đạo từ thấp lên cao nên không sợ một giai cấp hay đảng phái nào thống trị, chuyên quyền. Nếu áp dụng mô thức nầy cho một quốc gia thì người dân sẽ hưởng được quyền tự do dân chủ thật sự.

Trong phạm vi một quốc gia, Quyền Chí Tôn tức là quyền vua hay của Nhà nước lãnh đạo còn Quyền Vạn Linh là quyền của toàn dân đủ mọi đẳng cấp. Quyền toàn dân ngang bằng quyền của vua hay nhà nước thì dân không còn bị áp chế nữa.

Đây cũng là ý muốn của Đức Chí Tôn vì vậy nên Thầy đã nói: Nếu ai là đạo đức, đọc đến cách lập pháp của Thầy mà chẳng mừng dùm cho nhơn loại.

Tóm lại, đạo Cao Đài do chính mình Đức Chí Tôn thành lập và nắm giữ linh hồn Đạo nên có thễ giữ vững chơn truyền đến thất ức niên mà không sợ biến ra phàm giáo. Nền lập pháp Cao Đài như là một khuôn mẫu tốt đẹp cho xã hội tương lai của nhân loại để đi đến một thế giới hòa bình, dân chủ, tự do, đạo đức, đại đồng.