Trang

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

4296. ‘Hội đồng đạo đức giả’ (TT Donald Trump).

 12/10/2022

3580. Việt Nam vẫn trúng cử vào ‘Hội đồng đạo đức giả’ của Liên hiệp quốc

12/10/2022. BASAM.

Đôi lời: ‘Hội đồng đạo đức giả’ chính là đánh giá của TT Donald Trump khi Mỹ quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc năm 2018.

https://basam.vet/2022/10/12/3580-viet-nam-van-trung-cu-vao-hoi-dong-dao-duc-gia-cua-lien-hiep-quoc/

Đáng tiếc, từ báo chí ở xứ tự do, các tổ chức nhân quyền, cho đến các chính phủ phương Tây hầu như vẫn lẩn tránh một điều tối quan trọng: tổ chức này đã bị lũng đoạn từ lâu, bởi chính phủ các nước độc tài, thiếu dân chủ. Nó cần phải được cải tổ, thậm chí giải tán, thành lập lại cùng với Liên hiệp quốc.

Cái hội đồng chuột này được thành lập năm 2006, nhưng chính quyền của TT George W. Bush lúc bấy giờ đã tẩy chay. Đến triều đại Obama, Mỹ được bầu vào đây liên tiếp hai nhiệm kỳ. Rồi sau một nhiệm kỳ rút khỏi, năm 2021 chính quyền Biden cho biết sẽ tìm cách quay trở lại.

Giờ thì … có phải không có Mỹ, nên Việt Nam mới được trúng cử với số phiếu khá cao, 145/193, trong khi Hàn Quốc thì lại trượt, hay là ngược lại, Mỹ đã không dám có giải pháp mạnh để thay đổi hiện trạng? Các tổ chức nhân quyền có tỉnh ra một chút, để dám tìm con đường đấu tranh quyết liệt, khôn ngoan, thiết thực hơn? Tìm hiểu và tranh luận về chủ đề này là điều rất cần thiết.

Nhưng đã có thêm ngay một bài học nhãn tiền để mà suy ngẫm. Mới cách đây chưa tới một tuần, Liên hiệp quốc đã bác đề xuất thảo luận về nhân quyền ở Tân Cương, do nhiều nước phương Tây đưa ra. Nó bị coi như một ‘thất bại lịch sử’ đối với các nước phương Tây. Trong khi trước đó, bà Cao ủy Nhân quyền LHQ đã phải ‘chịu áp lực khủng khiếp‘ trong quá trình soạn thảo báo cáo về người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tới độ bà phải đợi đúng ngày mình mãn nhiệm mới “dám” công bố.

Tưởng tượng, nếu tới đây, TBT Trọng công du Trung Quốc để dự Đại hội 20 ĐCSTQ, cùng với họ Tập, cả hai sẽ có thêm một thứ để ăn mừng.

Không phải chỉ có tổ chức này, mà nhiều định chế quốc tế khác trên thế giới, và của LHQ, rõ và gần nhất là WHO đã bị các thế lực đối nghịch với phương Tây thao túng.

Mỹ, phương Tây đang trượt dài trong cả một thời gian dài, để Trung Quốc cùng các chế độ độc tài lớn mạnh lên và lấn lướt, bởi đã “ngủ quên trong chiến thắng”, và cả quá tham lam (làm ăn với TQ, Nga) từ sau Chiến tranh lạnh. Giờ mới nhận ra thì cũng đã muộn rồi. Hiện trạng ở Ukraine, Eo biển Đài Loan cho thấy rõ. Những kẻ thất bại trong Chiến tranh lạnh đã chọn đúng cơ hội để phục thù.

Một cuộc chiến tranh để dẫn tới sắp xếp lại trật tự thế giới là rất có khả năng xảy ra.

Ba Sàm


Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ bất chấp các phản đối của quốc tế

RFA

2022.10.11

Việt Nam vừa trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 sau phiên bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào ngày 11/10, bất chấp những phản đối của một số các tổ chức nhân quyền quốc tế trước đó.

Thông tấn xã Việt Nam đưa tin nhận định rằng: “kết quả của cuộc bỏ phiếu cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và cam kết mạnh mẽ cũng như nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người đã được cộng đồng quốc tế nhìn nhận và tin tưởng”.

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) và các nhóm về môi trường đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải thực hiện các cam kết về nhân quyền trong cương vị mới của mình. Đó là trả tự do ngay lập tức cho bốn nhà hoạt động môi trường bị Hà Nội bắt giam trong vòng hai năm qua với các cáo buộc tội trốn thuế mà quốc tế cho là vô lý.

Là một thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ, bước đầu tiên ngay lập tức mà Chính phủ Việt Nam nên làm là chứng minh cam kết về nhân quyền của mình bằng cách trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh – người nhận giải thưởng môi trường Goldman – cùng các nhà bảo vệ môi trường khác bị bỏ tù trong hai năm qua” – ông Michael Sutton – Giám đốc điều hành của Quỹ Môi trường Goldman được trích lời trong thông cáo báo chí.

Là một thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, Chính phủ Việt Nam nên cho thấy là mình đã chuẩn bị để tôn trọng các quyền con người thay vì vi phạm chúng.” – ông Phil Robertson, Giám đốc Phân ban Châu Á của Human Rights Watch phát biểu.

Một ngày trước cuộc bỏ phiếu, một nhóm các tổ chức nhân quyền quốc tế gồm Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Article 19, Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) và Ủy ban Luật gia Quốc tế -ICJ đã đưa ra thông cáo đòi hỏi Việt Nam phải có những cải thiện về tình hình nhân quyền để đáp ứng yêu cầu trở thành thành viên Hội đồng.

Theo thông cáo này, kể từ khi Hà Nội tuyên bố ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền vào ngày 22/2/2021, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ, hoặc bỏ tù ít nhất 48 nhà báo, nhà hoạt động và những người lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ với các tội danh như “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, “Tuyên truyền chống Nhà nước” và “Trốn thuế” trong Bộ Luật hình sự.

Theo thống kê của RFA, kể từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã bắt bỏ tù ít nhất 29 người với các cáo buộc như vừa nêu.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu cho 14 nước vào Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia.

Khu vực Châu Á Thái Bình Dương có sáu ứng cử viên cho bốn ghế. Các nước Bangladesh, Kyrgyzstan, Maldives và Việt Nam đã đánh bại hai nước khác là Nam Hàn và Afghanistan để vào Hội đồng.

Louis Charbonneau, Giám dốc của HRW tại Liên Hiệp Quốc nhận định: “Việc bầu cho các chính phủ đàn áp như Việt Nam vào Hội đồng chỉ phá hỏng uy tín của Hội đồng Nhân quyền”.

Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Lần đầu tiên Việt Nam trúng cử vào Hội đồng là vào nhiệm kỳ 2014 – 2016.