Trang

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

4304. Đế chế Vạn Thịnh Phát sẽ sụp đổ? (Kỳ 1)

 

VNTB – Hồ sơ: Đế chế Vạn Thịnh Phát sẽ sụp đổ? (Kỳ 1)

VNTB – Hồ sơ: Đế chế Vạn Thịnh Phát sẽ sụp đổ? (Kỳ 1)

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank cũng chính là ông chủ Tập đoàn Him Lam. Ông xuất thân là sĩ quan quân đội.

 

Kỳ 1: Liên minh Him Lam – Masterise Group – Vạn Thịnh Phát?

Sau hơn 20 năm triển khai, vào ngày 18-3-2021, dự án Sài Gòn Bình An của tập đoàn Him Lam có diện tích 117,4 ha theo Quyết định số 6296/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 ngày 30-11-2015, được khởi công xây dựng.

Tuy nhiên, một thời gian sau, Vạn Thịnh Phát đã thế chân Him Lam trở thành chủ mới của SDI Corp tức chủ đầu tư dự án Sài Gòn Bình An. Người đứng đại diện cho Vạn Thịnh Phát chính là ông Bùi Đức Khoa (sinh năm 1974) được cử vào ghế chủ tịch kiêm đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) thay thế ông Dương Minh Hùng vốn là người cũ của Him Lam.

Khi đó, ông Khoa còn là người đại diện một loạt pháp nhân trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát như: Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông, Công ty cổ phần Pupreme Power, Công ty cổ phần Star Hill, Công ty cổ phần Natural Hill…

Tuy nhiên trên trang web của Tập đoàn Him Lam vẫn mập mờ ghi rằng đây là dự án vẫn thuộc sở hữu của Him Lam.

Đến tháng 8-2021, SDI Corp thay đổi đăng ký kinh doanh và chuyển giao nhân sự nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đây cũng là lúc dự án được đồn đoán về tay Masterise Homes. Tính đến nay, tổng giá trị huy động qua trái phiếu liên quan đến dự án đã được lên kế hoạch và thực hiện giai đoạn 2021 đến đầu năm 2022 lên tới 22.075 tỷ đồng (gần một tỷ USD).

Masterise Homes là thành viên thuộc tập đoàn Masterise Group. Tiền thân của tập đoàn Masterise Group là Công ty Thảo Điền Investment được thành lập 2007 (TDI). Những năm gần đây, Masterise Homes liên tục mua gom hàng loạt dự án với vị trí đắc địa tại TP.HCM và Hà Nội với lý do đưa ra là để phục vụ chiến lược phát triển bất động sản cao cấp và hàng hiệu. Một số dự án đáng chú ý như Grand Marina, Saigon tại trung tâm Quận 1, TP.HCM và The Grand Hanoi trên khu đất vàng Hàng Bài, Hà Nội.

Một diễn biến có liên quan là vào giữa năm 2021, bà Mai Thị Kim Oanh, cựu Trưởng Ban kiểm soát của Masterise Group thay ông Khoa ngồi vào ghế chủ tịch SDI Corp. Tuy nhiên, ông Khoa vẫn làm tổng giám đốc và người đại diện pháp luật của công ty này. Từ đây, bóng dáng của liên doanh giữa Masterise Group và Vạn Thịnh Phát dần hé lộ.

Cụ thể, ngay sau sự thay đổi tại cấu trúc thượng tầng, Công ty cổ phần Osaka Garden, Công ty cổ phần Hoàng Phú Vương và Công ty cổ phần Hoa Phú Thịnh vào ngày 30-7 và ngày 4-10-2021 đã phát hành tổng cộng 15.500 tỷ đồng trái phiếu (có tài sản đảm bảo) qua 4 đợt, với mục đích đặt cọc nhận chuyển nhượng một phần dự án Sài Gòn Bình An.

Trong nửa năm 2021, đã có tổng cộng 22.074,6 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD trái phiếu được phát hành có liên quan tới dự án Sài Gòn Bình An. Mối liên hệ giữa Masterise Group và Vạn Thịnh Phát trong dự án này còn thể hiện rõ ràng hơn khi địa chỉ thế chấp các lô trái phiếu nói trên chính là Ngân hàng Techcombank và Ngân hàng SCB.

Ngân hàng Techcombank thì có mối liên hệ mật thiết với Masterise Group, còn SCB thì ai cũng biết rằng có bóng dáng của nữ đại gia Trương Mỹ Lan phía sau khi có nguồn tin là bà Lan cho 1.000 tỷ đồng cho sở hữu cổ đông tư cách cá nhân ở SCB.

Theo đó, đã có 15.500 tỷ đồng của Osaka Garden, Hoàng Phú Vương và Hoa Phú Thịnh được phát hành và hoàn tất chỉ trong một ngày và được thế chấp tại Ngân hàng Techcombank.

Ngoài ra còn có thể thấy được vụ đấu giá đất Thủ Thiêm cũng có mối liên hệ mật thiết với việc hút vốn vào siêu dự án Sài Gòn Bình An. Theo nhiều chuyên gia, mức giá cao “không tưởng” tại Thủ Thiêm sẽ tạo lập mặt bằng giá mới và giúp những nhà đầu tư sở hữu đất tại đây và thành phố Thủ Đức hưởng lợi lớn. Chính vì vậy, trong cuộc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, bóng dáng của Vạn Thịnh Phát của nữ đại gia Trương Mỹ Lan thể hiện rất rõ ràng.

Đáng chú ý, trước khi điều đó xảy ra, dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm.

Theo Kết luận Thanh tra của Thanh tra Chính phủ, năm 2001, dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch là Khu liên hợp sân golf – thể thao và nhà ở. Sau đó, ngày 15-2-2017, Thủ tướng có văn bản chấp thuận cho điều chỉnh thành dự án khu đô thị với tổng diện tích 1.174.221,9m².

Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy, ngày 30-11-2015, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị Sài Gòn Bình An, phường An Phú, quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức). Trong đó, phê duyệt tầng cao xây dựng tối đa 30 tầng trước khi có Văn bản số 305/TC-QC ngày 01-9-2016 của Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu về việc chấp thuận độ cao tĩnh không xây dựng công trình là không đúng trình tự, quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 20/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng UBND TP.HCM không phê duyệt diện tích sàn dành cho đậu xe đối với khối nhà ở, nhà chung cư kết hợp thương mại, dịch vụ là chưa phù hợp quy định và đảm bảo diện tích đỗ xe được quy định tại điểm 3, khoản 2.8.6, Mục 2.8, Chương II của Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam.

Thanh tra Chính phủ còn kết luận do thay đổi hướng tuyến đường dẫn cao tốc Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây, dẫn đến việc chồng lấn ranh quy hoạch của dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An đã được Thủ tướng giao đất năm 2001. Trong đó, có 7.228,3m² thuộc dự án được UBND Quận 2 đền bù trước đó nhưng không sử dụng do thay đổi hướng tuyến đường…

…Xem ra nếu vụ án bà Trương Mỹ Lan được ‘làm đến tận cùng’, có lẽ sẽ tạo hàng loạt cú đổ domino liên quan đến các quan chức đứng đằng sau các cú áp phe về văn bản pháp lý về quy hoạch đất đai.