Trang

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

4305. Đế chế Vạn Thịnh Phát sẽ sụp đổ? (Kỳ 2)

 

VNTB – Hồ sơ: Đế chế Vạn Thịnh Phát sẽ sụp đổ? (Kỳ 2)

VNTB – Hồ sơ: Đế chế Vạn Thịnh Phát sẽ sụp đổ? (Kỳ 2)

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Liệu các dự án bất động sản của Vạn Thịnh Phát có bị quốc hữu hóa?

 

Kỳ 2: Nguồn vốn của Vạn Thịnh Phát có từ đâu?

Cuối năm ngoái, báo chí đưa tin sau hàng chục năm đắp mền nằm chết lâm sàng, dự án Saigon One Tower về tay chủ mới và thi công trở lại, với một cái tên mới là IFC One, Saigon. Thông tin khi ấy là dự án được phát triển bởi Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Viva Land có văn phòng tại Singapore, TP.HCM và Hà Nội.

Đây là công ty được cho rằng thuộc “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát”.

Trước khi chuyển chủ mới thì cao ốc này do liên doanh Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower làm chủ đầu tư, gồm các cổ đông như: Công ty cổ phần M&C, Tổng công ty du lịch Sài Gòn – Saigontourist, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng Đông Á và Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ. Dự án được xây dựng trên khu đất hơn 6.672 m2, mật độ xây dựng 46% với quy mô 41 tầng (không tính 5 tầng hầm và 3 tầng kỹ thuật), tổng vốn đầu tư 256 triệu USD (tương đương 5.000 tỷ đồng thời điểm đó).

Đầu tháng 3-2018, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu giữ để xử lý và thu hồi nợ của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower, với công bố bán đấu giá dự án này với mức rao khởi điểm 6.110 tỷ đồng, nhưng không ai mua dù chủ dự án này vay vốn gốc lẫn lãi đến thời điểm bị VAMC thu hồi là trên 7.000 tỷ đồng. Do đấu giá không thành công nên VAMC đã bàn giao lại tài sản khoản nợ cho phía ngân hàng xử lý và sau nhiều lần đấu giá thất bại, dự án đã về tay chủ mới.

Việc chuyển chủ ở dự án trên khi đặt trong góc nhìn toàn cảnh sau đây cho thấy hợp lý, thuận tình đến bất ngờ bởi khu vực nằm trong bán kính 1 km2 phố đi bộ Nguyễn Huệ được đánh giá là vị trí vàng đối với bất kỳ dự án bất động sản nào và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gần như ‘độc chiếm’. Giá đất ở khu vực này được đánh giá là đắt đỏ bậc nhất cả nước, thậm chí là ở khu vực châu Á. Trên con đường trị giá tỷ đô này, Vạn Thịnh Phát được cho là sở hữu hàng loạt dự án như Times Square, Union Square, khách sạn Duxton, VTP Office Building…

Thậm chí để “đồng bộ”, vào tháng 8-2022, hàng rào bao quanh công trường siêu dự án One Central HCM (đối diện chợ Bến Thành, quận 1, TP.HCM) đã thay tên chủ đầu tư là Công ty Viva Land thay vì Masterise Homes. Website của Viva Land cũng đã chính thức bổ sung dự án này vào danh mục mà công ty đang triển khai; và Viva Land cũng ‘không dấu diếm nữa’ mà công khai luôn là công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trước đây, One Central HCM thuộc sở hữu của Tập đoàn Bitexco, dưới tên gọi ban đầu The Spirit of Saigon. Tuy nhiên, sau khi xây dựng phần hầm trong giai đoạn 2012 – 2013, dự án đã ngừng thi công suốt nhiều năm trước khi về tay Masterise Homes và nay là Viva Land.

Viva Land cũng là nhà phát triển 2 ô đất tại siêu dự án Đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) và một dự án trên khu đất vàng rộng 13.000 m2 ở Hải Phòng, cùng một số dự án khác ở TP.HCM. Đồng thời, Viva Land nghe đâu đã đứng tư cách pháp nhân trong việc chi tổng cộng hàng trăm triệu USD để mua lại khách sạn SO/Singapore, và một tòa nhà văn phòng Robinson Point Tower ở Singapore.

Một lưu ý, theo thông tin từ Cục đăng ký quốc gia giao dịch đảm bảo – Bộ Tư Pháp, Viva Land không có bất kỳ khoản giao dịch đảm bảo nào với các tổ chức tài chính tại Việt Nam.

Hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được biết đến với rất nhiều công ty liên quan. Nhưng trên trang web của tập đoàn này chỉ giới thiệu 3 đơn vị dưới hình thức là đối tác. Thứ nhất là Sunny World – tập trung đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Đơn vị thứ hai là Viva Land. Đây là công ty quản lý và phát triển bất động sản được thành lập vào năm 2020 nhưng đã nhanh chóng mua lại hàng loạt dự án lớn. Thứ ba là Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor (WMC Group).