3621. Việt Nam chưa hồi đáp yêu cầu của nhà đấu giá Millon về sở hữu ấn ‘Hoàng đế chi bảo’
30 tháng 10 2022. BASAM.
Phạm Cao Phong
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Paris
https://basam.vet/2022/10/31/3621-viet-nam-chua-hoi-dap-yeu-cau-cua-nha-dau-gia-millon-ve-so-huu-an-hoang-de-chi-bao/
Thứ Hai ngày 31/10, nhà đấu giá Pháp Millon tại Paris sẽ mở phiên giao dịch bán đấu giá các cổ vật Việt Nam bao gồm 329 hiện vật đủ loại từ tranh, tượng, gốm sứ, đến các bảo vật cung đình Huế.
Hiện vật được gây chú ý nhiều nhất là chiếc ấn làm bằng vàng ròng, nặng 10,78 kg được cho là của Vua Minh Mạng, vị vua triều Nguyễn trị vì giai đoạn (1791-1841).
Tôi đến trụ sở của Millon ngày 29/10 và bà Nathalie Mangeot, Commissaire Priseur, phụ trách chính cuộc bán đấu giá đưa cho tôi ấn bản đặc biệt về chiếc ấn gồm 16 trang.
Trả lời câu hỏi của tôi, là phía Việt Nam có những đòi hỏi gì về việc đấu giá chiếc ấn, bà Nathalie Mangeot nói: ”Millon đã trả lời bằng văn bản và yêu cầu Việt Nam phúc trình những chứng cớ pháp lý. Song đến thời điểm này, Millon vẫn chưa nhận được những hồi đáp nào.”
Bà cho biết thêm, chiếc ấn nhận được sự quan tâm đặc biệt và có một vài đề nghị rất hấp dẫn, với những con số gây ấn tượng.
Và bà nói, cuộc bán sẽ diễn ra đúng như lịch trình là vào lúc 14h ngày 31/10, nếu có cản trở thì cũng sẽ tiếp tục vào một tuần sau đó.
Trong ấn phẩm đặc biệt về chiếc ấn, nhà Millon sử dụng lại chiếc ảnh của Viện Bảo Tàng Quân đội Việt Nam mô phỏng cuộc chuyển giao chiếc ấn về phía Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại và chiếc ảnh Cựu hoàng chụp cùng bà Monique Baudot đứng trước chiếc ấn.
Chiếc ấn đúng là khá nặng, và chạm khắc tinh xảo. Phía dưới ấn còn dính những lớp dày vết mực màu đỏ.
Nguồn gốc xuất xứ của ‘Hoàng đế chi bảo’
Đại Nam Thực lục quyển hai viết như sau:
Năm Quý mùi, năm Minh Mệnh thứ 4 [1823].
Ngày Giáp Thìn, đúc ấn “Hoàng đế chi bảo” (nuốm là hình rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng 9 đồng 2 phân). Phàm chiếu như sắc dụ đều đóng ấn ấy (câu cuối cùng tờ chiếu sắc, trước dùng những chữ “Đặc chiếu cố sắc”(1) Đặc chiếu cố sắc: đặc cách xuống chiếu, nên có sắc này. 1), đến nay đều bỏ).
Chiếc ấn phiêu lưu từ Huế ra Hà Nội, có mặt trong ngày Quốc khánh nước VNDCCH 2.9.1945 và được cho là thất lạc sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19.12.1946.
Năm 1952, Pháp thông báo tìm thấy chiếc ấn kể trên và trao trả lại cho Cựu hoàng Bảo Đại.
Sự kiện Pháp tìm thấy được ghi trong nguồn tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I có Biên bản đánh máy sử dụng giấy than xanh, được ghi chú bằng tay các chữ nho với mực đen, phía góc phải có số 8.
Việt Nam có những quyền gì đối với báu vật quốc gia?
Dựa trên tinh thần và lời văn của Công ước UNESCO 1970, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý để ngăn ngừa vụ bán đấu giá chiếc ấn này. Từ năm 2005, Việt Nam đã tham gia Công ước UNESCO 1970, về Chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa.
Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009, có ghi rõ việc quản lý di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia ở Việt Nam.
Luật Quốc tế UNIDROIT cũng ghi những cam kết mà Pháp và Việt Nam cùng tuyên bố tôn trọng.
Ngày 26/10, trao đổi với bà Nathalie Mangeot, Commissaire Priseur, phụ trách đấu giá của hãng Millon về chiếc ấn, bà trả lời cho tôi rằng, nhà đấu giá là bức tường ngăn cách người bán và người mua, và việc thẩm định thật hay giả, cũng như giấy tờ sở hữu, nguồn gốc của hiện vật, cũng sẽ không bàn giao lại cho bên mua. Nhà đấu giá chỉ cung cấp cho người mua giấy chứng nhận họ đã mua qua Millon.
Tôi đã nhận thấy mùi thuốc súng nồng nặc trước khi cuộc chiến tranh giành cổ vật có thể nổ ra. Millon đã đào hào, đắp lũy chuẩn bị đối đầu từ mức độ ‘hành động quân sự đặc biệt’ đến bom rải thảm. Quan ngại sâu sắc?
Vô tình lật quyển Kiều để trước mặt, hiện trước mặt tôi hai câu thơ buồn của thi hào Nguyễn Du:
Nợ tình chưa trả cho ai Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.
Bài thể hiện quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một nhà báo tự do từ Paris.