Trang

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

3420. TÀI LIỆU HỌC TẬP: GIÁO LÝ CĂN BẢN (tt, 5)

 BÀI 5

(Tạm xong môn nghi lễ)

NGHĨA VỤ BÀN TRỊ SỰ TRONG NGHI LỄ.

(Bài 5, tiết)

*: Mục đích: Hiểu được sự khó khăn của Bàn Trị Sự trong hoàn cảnh không có Hội Thánh cầm quyền hành chánh.

**: Yêu cầu: ý thức tầm quan trọng của Bàn Trị Sự (Hội Thánh Em) trong việc thực hành nghi lễ. Cùng nhau tại một LA BÀN về tang lễ để sử dụng khi học đạo và hành đạo.

***: Kỹ năng:  Trình bày và thực hiện đúng tang lễ cho 3 diện 7, 8 9 trong tóm lược tại bài 4. 


@@@

I/- Hiểu đúng thực trạng và từ ngữ:

1/- Thực trạng của đạo là Hội Thánh bị cốt, chi phái 1997 chiếm Tòa Thánh Tây Ninh và hầu hết cơ ngơi của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại Việt Nam. Hội Thánh Em đang hành đạo trong thời kỳ không có Hội Thánh cầm quyền hành chánh. Không có một thượng quyền để giải đáp và giải quyết những xung đột nên BTS phải tự mình căn cứ vào công văn đã có để giải quyết theo Trung Dung Đại Đạo.  (1)

2/- Bàn Trị Sự.

Hiến chương 1965 ĐIỀU THỨ 10. Bàn Trị Sự.

Bàn Trị Sự là cơ quan hành đạo trong thôn xã gồm những chức việc sau đây: một Chánh Trị Sự, một Phó Trị Sự và một Thông Sự.

Có nhiệm vụ giúp đỡ các sinh hoạt của Đạo và săn sóc các Đạo hữu như anh lớn trong gia tộc.

II/- Nhiệm vụ Bàn Trị Sự. (Tự giác nhi giác tha)

1/ Nhiệm vụ Chánh, Phó, Thông theo Pháp Chánh Truyền: xin xem trong Pháp Chánh Truyền chú giải ban hành 02-04-1931

2/- Nhiệm vụ Bàn Trị Sự theo Hạnh Đường 1970.

CHÁNH TRỊ SỰ: Là người thay mặt Đức LÝ GIÁO TÔNG làm Anh Cả chư Tín Đồ trong Hương Đạo và cũng được gọi là Đầu Sư em, vì người cầm đủ hai quyền Chánh Trị và Luật Lệ cũng như Đầu Sư vậy.

PHÓ TRỊ SỰ: Là người cầm quyền Chánh Trị Đạo song không có quyền về Luật Lệ được đồng thể cùng Thông Sự lại đặng đồng quyền cùng Chánh Trị Sự trong một Ấp Đạo, cũng được gọi là Giáo Tông em, có bổn phận sửa đương, giúp đỡ, dìu dắt, dạy dỗ chư Tín Đồ trong địa phận mình trấn nhậm.

THÔNG SỰ: Là Chức Sắc của Đức LÝ GIÁO TÔNG khuyên HỘ PHÁP lập thành, là người của Hiệp Thiên Đài để tùng quyền Chánh Trị Sự mà hành Đạo, đồng thể cùng Phó Trị Sự trong một Ấp Đạo, song có quyền về Luật Lệ chớ không có quyền về Chánh Trị nên được gọi là Hộ Pháp em, để giữ lẽ công bằng trong địa phận của Phó Trị Sự cai quản. Thông sự được quyền can gián, sửa lỗi của CTS.

Vậy Chức Việc Bàn Trị Sự là Chức Sắc của Đức LÝ GIÁO TÔNG và HỘ PHÁP lập thành để thay quyền cho Hội Thánh trong chốn thôn quê sằn dã, có bổn phận rất quan trọng đối với Nhơn Sanh.

3/- Bổn phận Bàn Trị Sự.

Bổn phận & nhiệm vụ Bàn Trị Sự theo khóa Hạnh Đường 1970.

Đối với Hội Thánh: Vậy thì bổn phận của Chức Việc phải tuân mạng lệnh của Hội Thánh truyền dạy, chẳng nên lấy ý riêng mình mà canh cải, canh cải tức là khinh khi vi lịnh, mà vi lịnh là buộc vào mình cái tội bất tuân Luật Pháp.

Đối với bổn đạo: … Chức Việc là cái gương để cho bề dưới soi chung mà noi bước, thì phải giữ mình cho trong sạch, tâm hồn cho trong sạch chơn chánh, bác ái, vị tha, mở rộng tình thương giúp đỡ lẫn nhau, dìu dắt nhau trên đường hành thiện theo Thánh ý của Đức CHÍ TÔN Đại Từ Phụ

4/- Trong Quan Hôn Tang Tế.

những bậc Tiền Bối trong nền Đạo đã dày công nghiên cứu, châm chước và biên soạn ra các nghi lễ dùng việc Quan, Hôn, Tang, Tế. Ấy vậy, nghi lễ trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chẳng phải do ai tự ý bày vẽ ra mà là một công trình chung,

Những sự sửa đổi về nghi lễ do ý riêng của mình rất tai hại vì nó làm cho tổ chức Tôn giáo tại mỗi địa phương có hình thức một nhóm riêng, chẳng khác nào mỗi nơi đạo hữu tự ý bày ra thêm những kiểu vở, màu sắc đạo phục khác để mặc vậy, dần dần theo thời gian những sự khác biệt ban đầu nhỏ bé sau sẽ lớn dần ăn sâu vào tâm trí của nhơn sanh, thì sự thất kỳ truyền cũng do nơi đó mà ra.

Phận sự của Chức việc Bàn Trị Sự là những người thân cận với Tín đồ hơn ai hết, phải nghiên cứu cho tường tận những nghi lễ về Quan, Hôn, Tang, Tế và sắp đặt mọi việc y theo lời chỉ dạy của Hội Thánh thế nào để nhơn sanh đâu đâu cũng nhìn thấy Đạo Cao Đài nghi lễ chỉ có một chớ không hai.

III/- Đường Đạo rất gập ghềnh, lại dẫy đầy chông gai hiểm trở.

Xin trích những lời dạy của Đức Hộ Pháp: Ngày 15 - 8 - Quí Dậu (dl 4 - 10 - 1933) để cùng nhau suy gẫm: …..

Thể pháp (nghĩa là ngoại dung) thì buộc, nào là phẩm, nào là quyền hành, chớ trước Bí pháp (nghĩa là nội dung) cả con cái của Chí Tôn đồng một bực. Không phân lớn nhỏ, chẳng kể sang hèn, hình tướng Chí Linh vẫn đồng một thể.

Bần đạo hằng nghe mấy vị Chức việc mấy Họ Đạo Lục Tỉnh than rằng: Phận thiệt thòi nên không dám trèo đèo luận biện với Bề trên Chức sắc.

Bần đạo xin tỏ rằng: Duy bậc phẩm hèn của Đạo mới dày công nghiệp với Chí Tôn, còn có công nghiệp thì có đủ quyền hành, có quyền hành thì có tự do ngôn luận. Cũng vì Chư Đạo hữu trong Hội Nhơn Sanh chưa hiểu rõ quyền hành nên Chức Sắc Thiên Phong lộng phép. (Xin Chư Đạo hữu lưỡng phái đọc luật cho thường, rồi kiếm hiểu)…

Chí Tôn đã dạy rằng, phải tùy theo phong hóa của các sắc dân sanh mà truyền giáo, thì người cũng tùy Nhơn đạo lập chơn truyền, bởi ta tham trọng thế lớn quyền, Thầy mới tạo ngôi Tiên vị Phật…

Hễ mọi điều chi có hữu ích thì có hữu hại.

“Sau nầy Thầy e cho cơ bút sẽ hại cho nhơn sanh mê tín dị đoan cũng bởi vì ưa ham phẩm vị. Nào là thành Tiên hiển Phật, nào là xưng Thánh hô Thần, xúi tục tánh ham gần mộng mị.”

Lời tiên tri nầy ngày nay kết quả.    

Ta thử thầm hỏi lấy tâm ta rằng: Đại Từ Phụ muốn cho ta ra phận sự gì? Nó ắt trả lời: Thế thì Thầy muốn cho ta thiện niệm, thiện hành, thiện tu thiện giáo, đặng nêu gương cảm hóa người đời, còn làm trái hẳn tôn chỉ cao thượng của Thầy mà gieo ác thì là kế Quỉ vương giục loạn.

Hành đạo là khó, mà bảo chơn lại càng khó, bởi đó mà phận sự của Hội Thánh rất nên yếu trọng. Nầy là mặt luật, nọ là nhơn tâm, vẫn đôi bên phản khắc. Nếu muốn đắc nhơn tâm phải phế vong mặt luật, còn như thi hành chánh luật ắt là thất nhơn tâm, hỏi Hội Thánh phải hành pháp thể nào đặng vừa lòng công chúng?

Phải theo công chúng bỏ chơn truyền hay là nắm chơn truyền đặng hành quyền cùng công chúng?

Phải quấy để lòng người suy gẫm, Bần đạo không minh luận ra đây.

Sự vừa lòng công chúng đã hại nhiều tôn giáo chơn chánh qui phàm, chúng ta nên noi gương ấy mà tùng theo, hay là phải tìm đường xa lánh?

Còn như không vừa theo công chúng, người chê bai xa lánh Đạo mới sao?

Thật là khổ!  Phải cho có đủ khôn ngoan trí thức thiêng liêng mới tìm thấy trung dung Đại Đạo.

Hạng phẩm và trách nhậm đặc biệt phân minh của Hội Thánh có nên để cho rối loạn cùng chăng?

Nếu trật tự không vững gìn, dầu Chí Tôn có cho Hội Thánh quyền hành cao trọng thể nào, Đạo rẻ giá bất năng vô ích.

Luật pháp cốt để giữ nghiêm trật tự của Chức sắc Thiên phong biết phận sự mình, hiểu phẩm hạnh mình, đủ thể diện bảo an Hội Thánh.…

Thật phải vậy đó chút. Hễ phá pháp luật là phá giá trị của Hội Thánh, mà Hội Thánh mất giá trị thì Đạo phải điêu tàn tiêu diệt. Bần đạo tưởng muốn hại Đạo, không có thế nào hay hơn là phá tiêu pháp luật.….

Hiệp Thiên Đài là cơ quan bảo thủ chơn truyền có nên để cho Chức sắc lộng quyền phá tiêu pháp luật hay không?  Bần đạo để cho chúng sanh định lý mà trả lời giùm, chớ ngòi bút của kẻ biết tu chẳng nỡ để câu ác luận. Chức sắc Thiên phong cốt để thi hành luật pháp, chớ chẳng phải nương chánh giáo đặng làm quyền. Hễ vị nào lập thế lực riêng thì vị ấy tự nhiên lộng pháp (hết trích).

Trung Dung Đại Đạo là gì?

Trong Hành Chánh Đạo có Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài. Nhiệm vụ của hai đài vẫn khác nhau.

Hiệp Thiên Đài là cơ quan bảo thủ pháp luật chơn truyền. Còn bên Cửu Trùng Đài là giáo hóa chơn truyền. Theo thiển ý trung dung đại đạo là sự vận dụng hài hòa nhiệm vụ của hai đài khi hành đạo.

Người hành đạo là giúp cho người đạo hiểu biết về pháp luật chơn truyền, hiểu tầm quan trọng và sự thăng đọa của một kiếp sinh là do sự giữ gìn pháp luật chơn truyền để họ tự giác, tự nguyện thực hiện.

Kinh Cầu Hồn khi hấp hối: Xét câu Minh Thệ gởi mình cõi thăng…) cho nên nhiêm vụ của người hành đạo là đem lại sự an lạc và hòa thuận cho người đạo mà vẫn đúng với pháp luật chơn truyền, ấy là giúp cho đồng đạo tự lập vị lấy họ. Cái hư hoại của một tập thể, một tổ chức thường là từ thượng tầng nắm quyền hành rồi ra những luật lịnh thuận tiện cho phần cai trị mà đẩy cái khó cho hạ tầng, dụng oai quyền cấp trên mà không xét đến khó khăn cấp dưới khi ra công văn ấy là làm cho thất nhân tâm. Do vậy Pháp Chánh Truyền buộc chức sắc phải triệt để tuân theo tinh thần con một cha, anh lớn lo cho em nhỏ ấy là triệt cái mầm tự chuyên của thượng tầng. Chức sắc mà làm đúng với Pháp Chánh Truyền thì Hội Thánh Em tuân phục. Hội Thánh Em mà làm đúng với Pháp Chánh Truyền là gương sáng cho Tín Đồ noi theo; ấy là diện thể thiên hành hóa.

Hành đạo mà không truyền bá pháp luật chơn truyền, không thân cận để giáo hóa đàn em, để cho đồng đạo sai phạm rồi mới áp dụng pháp luật để trừng răn để tỏ ra cái oai quyền của cá nhân ấy là dụng pháp luật đạo để hành hình nên sẽ thất nhân tâm. Khi đã thất nhân tâm thì mọi việc đều khó.

Trong Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống (đêm 22-03-Kỷ-Sửu (19-04-1949) Đức Hộ Pháp kể lại cuộc chiến của Kim Quang Sứ với Đức Quyền Giáo Tông Lý Ngưng Dương hai bên đánh nhau mù mịt dai dẳng, Đức Hộ Pháp lược trận mà ngũ gục ba lần vẫn chưa kết thúc. Lần sau cùng Ngài lấy bửu pháp Kim Tiên vẽ một vòng, khi đó Đức Quyền Giáo Tông đánh một gậy thì Kim Quang Sứ hóa hào quang như lọ nồi bay mất.

Ta biết rằng Cửu Trùng Đài lo về giáo hóa, Hiệp Thiên Đài lo về bảo thủ pháp luật chơn truyền. Đức Quyền Giáo Tông (Cửu Trùng Đài) phải nhờ vào sự hỗ trợ của Đức Hộ Pháp (Hiệp Thiên Đài) dụng bửu pháp Kim Tiên vẽ một vòng là đưa mọi việc vào khuôn khổ pháp luật để xét. Khi đã đưa vào pháp luật là có sự hỗ trợ của pháp luật nên chỉ một gậy là kết thúc được cục diện.

Người hành đạo nếu chỉ giáo hóa về đạo lý mà không chú ý đến giáo hóa về pháp luật thì sẽ không có kết quả tốt, câu chuyện giáo hóa đạo lý lan rộng mãi đến buồn chán mà không giải quyết được cục diện. Giáo hóa đạo lý phải đưa vào khuôn khổ pháp luật đạo, phải nhờ pháp luật hỗ trợ thì mới có kết quả hữu ích. Đạo lý là căn cứ là cơ sở để tạo ra pháp luật; pháp luật là kết tinh của đạo lý. Đạo lý như mở bài, thân bài còn pháp luật chính là kết luận của vấn đề.

Ngược lại khi hướng dẫn về pháp luật cũng nên thêm phần giáo lý, nghi lễ để tạo sự hài hòa giữa pháp lý và tình cảm hầu người đạo tự giác tự nguyện thi hành. Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển 2, bài sau cùng Đức Lý Giáo Tông có dạy:... hành pháp thì dễ, hành hình thì khó, theo đó thì hành đúng pháp để tạo sự tâm phục, khẩu phục tạo sự đắc nhân tâm đi đến thuận hòa hơn là chờ đến khi vi phạm rồi dùng pháp luật để sửa trị e rằng lòng người bất phục và thất nhân tâm.

Tóm lại: Nhân sự hành đạo vận dụng hài hòa đạo lý, lễ nghi, tổ chức và pháp luật chính là con đường trung dung đại đạo. Không theo nhơn tình mà bỏ pháp luật, không đem pháp luật để bóp chết nhơn tình, thu phục nhân tâm mà vẫn đúng với pháp luật chơn truyền khi hành đạo. Đó là trung dung đại đạo.

Kết luận: Cần có một la bàn về tang lễ.

Bàn Trị Sự là nhân tố quan trong trong việc thực hiện TANG LỄ. Pháp chánh truyền dạy: Hể trọng quyền ắt có trọng phạt xin cùng nhau suy gẫm: Hội Thánh soạn thảo những đại cương về nghi thức hành lễ như: Lập Đàn cầu bịnh, Lễ Cầu Hồn khi hấp hối, Cầu Hồn khi đã chết rồi, Lễ Tẩn liệm, Thành phục phát tang, Cúng tế, Cầu siêu, Phát hành, An táng, Tuần cửu, Tiểu Tường, Đại Tường …. để giúp cho Chức Việc Bàn Trị Sự Nam Nữ hiểu rõ phương pháp hầu thực hành đồng nhứt trong quyển QUAN HÔN TANG LỄ. Hội Thánh đã cầu thị chỉ ra chỗ sai để dâng lên Đức Lý Giáo Tông những điều cần chỉnh sửa chứ không phải dâng lên phê duyệt lần hai mà sẽ còn rất nhiều lần bởi vì Lễ cũng phải tùy vào tài nguyên và môi trường của đại đạo lẫn xã hội trên đường xây dựng nền văn minh tâm linh.

Ngày 4-6-Mậu Thìn (1928) Đức Tiêu Sơn Đạo Sĩ dạy: ... Tân Luật lập còn thiếu sót nhiều, bởi chức sắc Hiệp Thiên Đài chẳng để mắt đến quyền hành thưởng phạt lộn xộn nên phải chịu dưới quyền Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Đài. Sau sẽ có Thánh lịnh dạy lại. Còn chưa phân minh nhiều chỗ.  (TNHT Q 2).    Nhưng khi chưa chỉnh sửa thì vẫn phải thi hành dúng các điều luật đã ban hành theo triết lý QUỐC ĐẠO.

Chỉ có Pháp Chánh Truyền bất di bất dịch, còn Tân Luật, Đạo Luật… đều cho chỉnh sửa. Riêng về nghi lễ ngay trong Pháp chánh Truyền Thầy đã dạy: Như ngày kia Đạo đã xuất dương ra ngoại quốc thì sẽ có nhiều dân tộc chẳng có thể thờ phượng như Nam, phận sự của Lễ Sanh đây mới ra sao? Như vậy Thầy cho phép uyển chuyển đến cả cách thờ Thầy. Nếu nghĩ rằng chờ chỉnh sửa quyển QUAN HÔN TANG LỄ rồi mới thi hành thì vĩnh viễn không có một la bàn cho toàn đạo trong nghi lễ.

Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi QUAN HÔN TANG LỄ sai với cái gì? Tại điểm nào? Chưa thấy bất cứ một công văn nào của Hội Thánh hay của người có trách nhiệm chỉ ra cái sai nào so với Châu Tri 61 (1938). Vậy người đạo nên căn cứ vào QUAN HÔN TANG LỄ để tạo la bàn về nghi lễ nói chung và tang lễ nơi địa phương./.

@@@

 

 

 

Chú thích:

(1)/- Quyền Hội Thánh và Tổ chức Hội Thánh.

Hội Thánh trong bài học là đề cập đến phần Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng. Pháp Chánh Truyền Chú Giải viết rõ: còn một mặt tín đồ Hội Thánh vẫn giữ quyền Hội Thánh.

Vậy quyền Hội Thánh là những văn bản của Hội Thánh đã ban hành, khi Hội Thánh đã tự giải thể thì các văn bản của Hội Thánh được bảo tồn; không một quyền lực, không một thế lực nào sửa đổi các văn bản ấy được. Ngày nào mà còn MỘT người đạo hiểu và tuân theo luật lịnh đã ban hành bằng văn bản thì quyền Hội Thánh vẫn còn. Khi chúng ta quyết định tôn trọng quyền Hội Thánh thì phải lấy văn bản Hội Thánh làm gốc đó chính là góp phần thiết thực để tạo ra la bàn.

Quyền Hội Thánh và tổ chức Hội Thánh là hai vấn đề gắn liền nhau nhưng không phải là một.

Tổ chức Hội Thánh có 2 phần cần hiểu đúng là CƠ CẤU TỔ CHỨC & NHÂN SỰ.

Cơ cấu tổ chức Hội Thánh có 2 phần: các cơ quan của Hội Thánh và các phẩm bậc hành đạo trong các cơ quan đó; phần nầy theo Pháp Chánh Truyền vẫn còn, không một quyền nào thay đổi được.

Nhân sự hành đạo (chức sắc từ phẩm Giáo Hữu trở lên): nhân sự trong tổ chức Hội Thánh không còn; do từ năm 1978 Hội Thánh Lưỡng Đài đã xin ngưng cơ bút cầu phong, cầu thăng tại Cung Đạo (đây là nguyên nhân chính để nhà cầm quyền ban hành BẢN ÁN ngày 20-7-1978). Nhiệm vụ của người đạo là công cử nhân sự cầm quyền hành chánh tôn giáo theo Thánh Lịnh 257 (là công cử nhân sự nhận lãnh trách nhiệm thay thế cho họ để cầm giềng mối đạo không phải công cử lên phẩm tước).

Nhân sự tổ chức Hội Thánh (là chức sắc Hiêp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài từ phẩm Giáo Hữu và các phẩm tương đương) hiện nay không còn nên chúng ta phải khôi phục lại nhân sự.


LINK LIÊN QUAN:

1/-

https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2021/06/3415-tai-lieu-hoc-tap-giao-ly-can-ban.html#more

2/-

https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2021/06/3416-tai-lieu-hoc-tap-giao-ly-can-ban.html

3/

https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2021/06/4317-tai-lieu-hoc-tap-giao-ly-can-ban.html

4/

https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2021/06/3418-tai-lieu-hoc-tap-giao-ly-can-ban.html

5/

https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2021/06/3419-tai-lieu-hoc-tap-giao-ly-can-ban.html