Trang

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

3419. TÀI LIỆU HỌC TẬP: GIÁO LÝ CĂN BẢN (tt, 4)

 BÀI 4

TÌM HIỂU Ý NGHĨA TANG LỄ TRONG ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ.

(Bài 4, 3 tiết)

*/- Mục đích: Hiểu được ý nghĩa của tang lễ trong nền văn minh tâm linh. Nếu Thầy không đến kịp, thì các con vẫn ở trong vòng của sự chết (TNHT Q1 NGÀY 13-6-Bính Dần).

**/- Yêu cầu: Nắm vững triết lý của ĐĐTKPĐ về sự hiện sinh của con người theo Luật Tam Thể, hiểu sự hằng sống theo triết lý Tam Kỳ Phổ Độ Luân Chuyển Hóa Sanh thay cho Sinh Lão Bịnh Tử thời Nhị Kỳ Phổ Độ. (Từ các bài kinh Cửu đến Di Lặc Chơn Kinh).

***/- Kỹ năng: trình bày cho người thân, bạn đồng môn và người muốn tìm hiểu về ĐĐTKPĐ hiểu được tình thương của Đại Từ Phụ ban cho nhân loại qua tang lễ. 

HIỂU ĐÚNG TỪ NGỮ.


-/- Ý nghĩa văn minh tâm linh. Bước khởi đầu của văn minh tâm linh là đồng tử dùng cơ bút tiếp lấy cái thiêng liêng của của Thầy và các Đấng để tạo ra thể pháp như kinh sách, công trình kiến trúc…; người đạo tiếp nhận thể pháp và học hỏi để bước vào trường học của Trời hầu khai mở tâm linh của chính mình để thực hiện đạo làm người (xây dựng cá nhân, tôn giáo và xã hội) theo pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ (Tam Lập); nghĩa là đạt bí pháp để tạo nghiệp cho chính mình. Tóm lại tài nguyên của văn minh tâm linh do tâm linh đồng tử tiếp lấy cái thiêng liêng của Thầy tạo thành thể pháp, nhơn sanh nương vào thể pháp để học hỏi, thực thi theo môi trường mà đạt lấy bí pháp cho chính mình. (Đặc điểm của văn minh tâm linh sẽ trình bày trong phần nguyên lý & triết lý ĐĐTKPĐ)

-/- Mối tương quan của Luật tam thể và Luân chuyển hóa sanh. Con người hiện sinh có ba thể: thể xác do cha mẹ hữu hình ban cho; chơn thần do Phật Mẫu ban cho và chơn linh do Chí Tôn ban cho. Trong tam thể xác thân thì chơn thần là cầu nối của thể xác và chơn linh. Luật Tam thể & Luân chuyển hóa sanh liền lạc nhau như hai mặt của một bàn tay.

Con người chết đệ nhứt xác thân nhưng đệ nhị và đệ tam xác thân vẫn tồn tại: Kinh Bạch Ngọc muôn lằn điển chiếu, Kêu chơn hồn vịn níu chơn linh (Kinh khi đã chết rồi)

Câu đối trên thuyền bát nhã:

Vạn sự viết vô nhục thể thổ sanh hườn tại thổ.

Thiên niên tự hữu linh hồn thiên tứ phản hồi thiên.

(Chữ hữu & vô trong câu liễn trên hẳn là khác với hữu vi và vô vi)

TANG LỄ CHO NGƯỜI ĐẠO.

Tang lễ là phần quan trọng nên cần hiểu đúng và thi hành thống nhất trong đạo. Phần nầy trích lục các lời dạy từ Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo; Châu Tri 61 (1938) do 03 Chánh Phối Sư và một số chức sắc Cửu Trùng Đài soạn, có sự phê chuẩn của Đức Hộ Pháp; Quan Hôn Tang Lễ (1976). Bài soạn dụng quyển QUAN HÔN TANG LỄ làm căn bản do bởi tính tổng hợp, toàn diện và cập nhật. Tổng hợp vì đối chiếu và phối hợp từ nhiều nguồn; toàn diện vì nêu lên công việc từ A đến Z cho các phẩm và mới nhất so với các hướng dẫn liên quan. (Xem phụ lục 1).

I/- Tang Lễ cho người Đạo Cao Đài ăn chay từ 10 ngày trở lên khi mất được tiến hành đầy đủ nghi lễ, kinh được hành pháp xác. Khi đến tuần cửu được tụng các bài Kinh Cửu, Tiểu Tường và Đại Tường… (Theo nghĩa được thọ bửu pháp). (Lưu ý: hành pháp độ thăng là dành cho phẩm Giáo Hữu và tương đương trở lên khi qui vị)

1/- Thượng Sớ Tân Cố là dâng sớ lên Đại-Từ-Phụ các Đấng Thiêng-Liêng, Địa-Tạng Vương-Bồ-Tát cứu-độ vong-hồn người đã CỐ nơi thế gian, TÂN nơi cõi thọ. Thế gian đối với họ đã là cũ (Cố) và nhập vào mạch sống mới (Tân). Tân và Cố là hai mặt của một bàn tay. Cố nơi thế gian là Tân nơi cõi thọ.

2/- Nhập Mạch: Khi để xác chết vào quan tài gọi là LỄ NHẬP MẠCH. Còn ăn chay không đủ 10 ngày khi để xác vào quan tài gọi là TẨN LIỆM. Cùng đọc bài kinh như nhau nhưng có ý nghĩa khác nhau.

3/- Cúng Thầy, Cúng Thời và Cầu nguyện Thầy.

Thiết lễ Cúng Thầy là khi người chết không rơi vào giờ Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Cúng Thầy đọc đủ kinh như khi cúng tứ thời và dâng đủ Tam bửu.

Cúng Thời: Khi vào giờ Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu thì cúng theo Tứ Thời nghĩa là thời nào dâng bửu đó (nhưng khi quan tài còn tại nhà thì trên thiên bàn vẫn có đủ tam bửu).

Cầu nguyện Thầy: Lên nhang đèn tử tế, không có đọc kinh cúng TỨ THỜI… (Xem thêm Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo).

TÝ: khởi từ 0 giờ đến 2 giờ. (Đền Thánh cúng thời Tý bắt đầu từ 0 giờ là chánh Tý. Chữ CHÁNH theo nghĩa là chánh thức vào giờ Tý, không theo nghĩa là chính giữa giờ Tý, như một số người hiểu và cho rằng giờ Tý bắt đầu từ 23 giờ đến 01 giờ)

Các qui định khác đã có trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Quan Hôn Tang Lễ…

II/- Tóm lược ba lễ bạt tiến.

Có 03 Lễ Bạt Tiến: cho người ăn chay 06 ngày trong tháng, cho người sa ngã bỏ đạo và cho người chưa nhập môn cầu đạo.

1/- Bạt Tiến cho người đạo ăn chay 06 ngày trong tháng.

1.1/- Theo Tân Luật tại điều Điều Thứ Mười Hai, khoản 01:

Nhập môn rồi gọi là tín đồ. Trong hàng tín đồ có hai bực:

Một bực còn ở thế, có vợ chồng làm ăn như người thường, song buộc phải giữ trai kỳ họăc 6 họăc 10 ngày trong tháng, phải giữ Ngũ Giái Cấm và phải tuân theo Thế Luật của Đại Đạo truyền bá. Bực này gọi là người giữ Đạo mà thôi; vào phẩm hạ thừa (hết trích).

Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo chỉ rõ ăn chay 06 ngày là: 1, 8, 14, 15, 23 và 30 (tháng thiếu ăn ngày 29)

Người đạo ăn chay 06 ngày không phải là diện sa ngã bỏ đạo.

1.2/- Châu Tri 61: 

Còn dưới 10 ngày chay, không được làm phép xác, không được tuần tự y theo Tân Kinh, chỉ được cầu siêu Bạt tiến, nghĩa là tụng bài "Đầu Vọng Bái Tây Phương Phật Tổ” và tụng “Di Lạc Chơn Kinh“ mà thôi. Được thượng sớ cầu siêu cho vong linh.  (KHOẢN CHỮ B số 1). (1)

1.3/- Quan Hôn Tang Lễ năm 1976:

Tang lễ của chư Đạo Hữu Nam Nữ giữ Lục Trai

Hấp hối: Kinh Khi Hấp Hối (Rắp nhập cảnh ...)

Tắt hơi: Kinh Khi Đã Chết Rồi (Ba mươi sáu cõi ...)

Thượng sớ Tân cố: Tại tư gia hoặc Thánh Thất.

Quan Hôn Tang Lễ năm 1976 không gọi là Bạt Tiến. Nhưng căn cứ vào Châu Tri 61 gọi Bạt Tiến vẫn đúng. Vì năm 1938 Đức Hộ Pháp cầm quyền Chí Tôn tại thế phê chuẩn.

(Lưu ý: Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo không dạy về trường hợp ăn chay 06 ngày hành dám tang như thế nào.)

Qua 02 trích dẫn trên đã đủ để kết luận:

Người Đạo ăn chay 06 ngày trong tháng, không phải diện sa ngã bỏ đạo và hành lễ Bạt Tiến CÓ THƯỢNG SỚ.

2/- Bạt Tiến cho người sa ngã bỏ đạo.

Người đã có nhập môn cầu đạo mà không giữ được 06 ngày chay là người sa ngã bỏ đạo.

2.1/- Theo Châu Tri 61. KHOẢN CHỮ B số 3 dạy:    

Trong nhà, con có Đạo, có thờ Đức Chí Tôn mà cha mẹ hoặc một người con nào không có nhập môn, rủi có qui vị thì Đạo Hữu được đến cầu siêu Bạt tiến, chớ không làm theo Tân Kinh và không thượng sớ được, vì không có chưn trong nền Đạo và không phải môn đệ của Đức Chí Tôn,... (hết trích)

Như vậy theo Châu Tri 61 có nhập môn là đã có chưn trong nền đạo, nhưng sa ngã bỏ đạo nhưng vẫn ĐƯỢC THƯỢNG SỚ.

2.2/- Quan Hôn Tang Lễ 1976:

Tang lễ của chư Đạo Hữu sa ngã, và những người Ngoại Đạo muốn Cầu Siêu theo Lễ Đạo.

Hấp hối: Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối (Rắp nhập cảnh ...)

Thượng sớ Tân cố: Tại tư gia, nếu có nhập môn.

2.3/- Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.

Khi dạy về tang lễ cho người sa ngã bỏ đạo hay người chưa nhập môn cầu đạo không có dạy về việc có thượng sớ hay không có thượng sớ.

Nhưng ở mục 3 dạy: Nếu người trong thân chịu Nhập môn thì dễ hơn. Chức việc cứ Thượng Tượng cho Nhập môn rồi thiết lễ tang sự luôn (hết trích).

Như vậy Nhập môn đây là người thân chịu Nhập môn chứ không phải người chết Nhập môn. Lưu ý rằng khi ban hành Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo (1936) không có khoản người chết nhập môn (nhập môn vô vi). Việc nhập môn vô vi do Đức Hộ Pháp cho phép vào 12-12-Đinh Dậu (31-01-1958) khi Đức Ngài lưu vong sang Campuchia, ông Võ Văn Kỵ (ở Vạn Pháp Cung) được các Đấng giáng tâm dạy làm và Quyền Chí Tôn tại thế nhìn nhận (liên quan đến Anh Linh Miếu). Như vậy trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo không có dạy nhập môn vô vi.

Tóm lại: Người có nhập môn (là có chưn trong đạo) mà sa ngã bỏ đạo nhưng trước khi chết biết tin vào Đức Chí Tôn hay chết rồi mà thân nhân biết tin vào Đức Chí Tôn thì hành lễ Bạt Tiến CÓ THƯỢNG SỚ.

3/- Bạt Tiến cho người chưa nhập môn.

Hành lễ Bạt Tiến như người sa ngã bỏ đạo.

KHÔNG THƯỢNG SỚ.

(Vì chưa nhập môn là chưa có chưn trong đạo).

(Trường hợp nhập môn vô vi cho người chết đã có đề cập trong bài Lễ Nhập Môn).


 
Cho dù người ăn chay 10 ngày hay hành lễ bạt tiến đều được tụng DI LẶC CHƠN KINH nên đó là một trong những ý nghĩa của tận độ (không chừa ai) và độ tận (đưa tới nơi).

Khi người đạo thỉnh giáo vì sao Thiên Bàn Thờ Chí Tôn tại Khách Đình (Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh) chỉ có Thiên nhãn?

Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa giải thích rằng: Bởi vì con cái Đức Chí Tôn rất sợ Ngài nên khi sống thường tránh Ngài. Nhưng lòng từ bi của Chí Tôn là vô biên nên khi con cái của Ngài mãn phần Ngài dùng phép ẩn thân để LÉN Tam Giáo Tòa đến ôm ấp thi hài đứa con yêu dấu của Ngài (Trích ý).

Theo đó thì Lễ Bạt Tiến là hồng ân lớn lao của Chí Tôn ban cho nhân loại trong thời Đại Ân Xá kỳ ba.

Như vậy Bạt Tiến có thể hiểu là sự tiến cử, sự giới thiệu từ Đấng Chí Tôn để làm hành trang cho VONG LINH khách trần xa rời quán tục.

Tạm kết: Buổi buộc thì khó buổi mở thì dễ. Tam Kỳ Phổ Độ là buổi mở nên người hành đạo cần chú ý để đem ơn phước của Đức Chí Tôn đến cho nhân loại. Đức Chí Tôn dạy lập ra hệ thống hành chánh đạo để bảo đảm việc ban ơn phước ấy (đưa nhân loại ra khỏi sự chết) được công bằng và trọn vẹn. Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo không dạy việc người chết nhập môn, nhưng các Đấng giáng tâm cho người đạo tiến hành và Quyền Chí Tôn tại thế công nhận đó là một minh chứng cho buổi mở để ban ân cho nhân loại và cũng là trường hợp điển hình hiểu chữ LỆ trong ĐĐTKPĐ./.

(1)/- Châu tri 61.





 

Phụ lục 1. Làm rõ về pháp lý quyển QUAN HÔN TANG LỄ để trọn tâm thực hành.

Công văn 169 của VP Hiến Đạo ngày 23-7-Canh Tuất, (DL: 24-8-1970) cho thông tin ngày 09-02-Canh Tuất (DL: 16-3-1970) Hội Thánh Lưỡng Đài và Phước Thiện họp lập ra Ủy Ban Hỗn Hợp Tu Chỉnh Tang Lễ, Ngài Hiến Đạo Phạm Văn Tươi làm Trưởng Ban.

1/- Quá trình soạn thảo.

1.1/ Vi Bằng số 135-HĐ-VB ngày 6 tháng 7 Nhâm Tý (DL 14-8-1972) của văn phòng Ngài Hiến Đạo Hiệp Thiên Đài phụ trách Thống Quản Cơ Quan Tang Tế Sự mở phiên họp Ủy Ban Tu Chính Tang Lễ (1).

1.2/- Công văn số 46-TĐS/TT vào tháng 4-Giáp Dần (1974) của văn phòng Thượng Đầu Sư hồi đáp Tờ số 214/TCCBB/TT của Thượng Chánh Phối Sư có khoản: Hội Thánh cũng sẽ trình lên thỉnh cầu Đức Hộ Pháp phê chuẩn bổn Tang Lễ để Hội Thánh ban hành cho toàn đạo thi hành nhứt luật… (2)

1.3/- Công văn ngày 14-11-Ất Mão (DL: 16-11-1975) Hội Thánh lưỡng đài mở phiên họp lúc 20 giờ thống nhất trình dâng lên Đức Lý Giáo Tông phê duyệt. (3)

1.4/- Công văn ngày 15-11-Ất Mão (DL: 17-11-1975) Hội Thánh trình dâng lên Đức Lý (4).

1.5/- Đức Lý phê chuẩn lúc 20 giờ 45 phút.

Ngài Hiến Pháp Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài trình dâng tại Cung Đạo Đức Lý Giáo Tông Nhứt Trấn Oai Nghiêm PHÊ CHUẨN và ban hành nhung sau nầy có khuyết điểm thì được chỉnh lại, và do Hội Thánh Lưỡng Đài quyết định (5)

1.6/- Ngày 21-7-Bính Thìn (DL: 16-8-1976) Đầu Phận Đạo Đệ Nhất đã nhận được Thông Tri ban hành và gởi đến các Bàn Trị Sự, các ban chuyên môn để tường hành (6).

1.7/- Công văn số 08/NĐS/TT/NCPS tháng 11-Đinh Tỵ (1977) từ văn phòng Ngọc Đầu Sư Cửu Trùng Đài thu nhận các ý kiến đóng góp để Hội Thánh xem xét giải đáp hay chỉnh sửa.

Nhận xét: Hội Thánh đã có sự chuẩn bị rất công phu khi biên soạn và hoàn tất thủ tục pháp lý để dâng lên cho Đức Hộ Pháp và Đức Lý Giáo Tông Nhứt Trấn Oai Nghiêm phê chuẩn và ban hành. Hội Thánh ban hành, địa phương đã nhận được và thi hành. Sau đó Hội Thánh lắng nghe để giải đáp và chỉnh sửa nếu xét thấy cần ích cho đạo. Nghĩa là chỉ có Hội Thánh Lưỡng Đài mới có thẩm quyền chỉnh sửa (sau đó dâng lên cho Đức Lý phê duyệt), thẩm quyền ấy do Đức Lý ban cho trong đàn cơ. Không một cá nhân nào có quyền chỉnh sửa.

2/- Tóm lược các diện tang lễ:

Trong phần tang lễ trước hết có phần sơ giải nghi tiết hành lễ và sau đó là các phần việc thực hiện cho một tang lễ. Đây là phần tóm lược.

SST

CÁC PHẨM

 CÁC PHẦN

1

Sáu phẩm: Giáo Tông, Hộ Pháp, Tiên Tử, Chưởng Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh.

Có 06 phần

2

Ba phẩm Tiên Tử, Đầu Sư và Thập Nhị Thời Quân.

Cũng có 6 phần

3

Bảy phẩm: Chánh Phối Sư và Phối Sư, Tiếp Dẫn Đạo Nhơn, Chưởng Ấn, Thánh Nhơn, Hiền Nhơn, Tiếp Lễ Nhạc Quân và Thập Nhị Bảo Quân.

Có 5 phần

4

Chín phẩm:  Giáo Sư, Cải Trạng, Giám Đạo, Chơn Nhơn, Đạo Nhơn, Nhạc Sư, Đốc Nhạc, Đề Nhạc, Hộ Đàn Pháp Quân và Tả Hữu Phan Quân.

Có 4 phần.

5

Tám phẩm: Giáo Hữu, Chí Thiện, Thừa Sử, Truyền Trạng, Lãnh Nhạc, Quản Nhạc, Đội Nhạc, Tổng Giám.

Có 3 phần.

6

Bảy phẩm: Lễ Sanh, Giáo Thiện, Sĩ Tải, Cai Nhạc, Bếp Nhạc, Phó Tổng Giám, Hiền Tài.

Có 3 phần.

7

Mười lăm phẩm: Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự, Luật Sự, Hành Thiện, Thính Thiện, Tân Dân, Minh Đức, Giáo Nhi, Nhạc Sĩ, Lễ Sĩ, Đầu Phòng Văn Khoa Mục, Thơ Ký, Tá Lý, Đạo Sở và Đạo Hữu.

Có 2 phần. (a)

8

Tang lễ của chư Đạo Hữu Nam Nữ giữ Lục Trai.

Có 02 phần. (a)

9

Tang lễ của chư Đạo Hữu sa ngã, và những người Ngoại Đạo muốn Cầu Siêu theo Lễ Đạo.

Có 02 phần. (a)

 

Chú thích (a):

Hai phần là Nghi tiết hành lễ và trật tự đưa đám. Phần nghi tiết hành lễ có khác nhau. Phần trật tự đưa đám như nhau: 1/- Bảng Đại Đạo. 2/- Phướn Thượng Sanh. 3/- Bàn vong. 4/- Đồng nhi tụng Kinh Đưa Linh, có đờn. 5/- Thuyền Bát Nhã chở Linh cữu. 6/- Tang quyến. 7/- Chức Việc, Đạo hữu Nam Nữ. (Tại Nghĩa Địa: Nếu có ai điếu thì đọc. Hạ Huyệt: Tụng Kinh Hạ Huyệt và chú Vãng Sanh 3 lần, niệm chú Chí Tôn 3 lần. Giải tán.) Trật tự đưa đám là phần giúp cho tang lễ được trang nghiêm và thống nhất. Chúng tôi ghi chép lại những điểm cần lưu ý về nghi thức hành lễ và trật tự đưa đám cho người đạo ăn chay từ 10 ngày trở lên và các diện Bạt Tiến để góp phần hiểu đúng và thực hành đúng.

@@@

(1): Vi Bằng số 135-HĐ-VB ngày 6-7- Nhâm Tý (DL 14-8-1972)






(2) Công văn số 46-TĐS/TT vào tháng 4-Giáp Dần (1974)

(3) Công văn ngày 14-11-Ất Mão (DL: 16-11-1975)


(4) Công văn ngày 15-11-Ất Mão (DL: 17-12-1975)



5) Đức Lý phê chuẩn lúc 20 giờ 45 phút

 

 (6) Ngày 21-7-Bính Thìn (DL: 16-8-1976) Đầu Phận Đạo Đệ Nhất đã nhận được và gởi đến các Bàn Trị Sự, các ban chuyên môn để tường hành.

 


 (7) Công văn số 08/NĐS/TT/NCPS tháng 11-Đinh Tỵ (1977)