Trang

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

3416. TÀI LIỆU HỌC TẬP: GIÁO LÝ CĂN BẢN (tt, 1)

BÀI 1. 

MÔN NGHI LỄ.

Căn cứ vào tầm quan trọng của nghi lễ trong Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

Căn cứ vào đề xuất và sự thảo luận của Ban Tổ Chức khóa Giáo Lý.

Căn cứ vào thực tế của nền đạo và ý kiến các học viên.

Môn Nghi Lễ có các bài sau:


1/- Lễ Nhập Môn. (2 tiết).

2/- Lễ Thượng Tượng. (Bao gồm cả cách bắt ấn Tý và bố trí Thiên Bàn, cúng tại tư gia) (3 tiết).

3/- Ý nghĩa của Lễ trong ĐĐTKPĐ (1 Tiết)

4/- Lễ Tang. (Bạt Tiến và Tuần cửu) (3 tiết).

5/- Trách nhiệm của Bàn Trị Sự (Hội Thánh Em) trong các nghi lễ trên. (2 tiết).

Mỗi tiết là 60 phút trên lớp.

Dự trù 11 tiết là 11 tuần. Một tiết phát sinh để giải đáp các câu hỏi hay vấn đề của học viên nêu ra. Cộng lại 12 tiết, là 3 tháng.

Ban biên soạn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

LỄ NHẬP MÔN CẦU ĐẠO.

(Bài 1, 2 tiết)

*: Mục đích: Giúp học viên hiểu được tầm quan trọng của Lời Minh Thệ: Quyết định sự tồn vong của đạo.

**: Yêu cầu: Nắm chắc điều kiện tiên quyết Chỉ có MỘT Đạo Cao-Đài của Ngọc-Đế lập năm 1926. Luật Lệ tôn giáo đều phù hợp với tiền đề trên.

***: Kỹ năng: Biết cách trình bày cho bạn đồng môn hiểu đúng, làm đúng Lời Minh Thệ, người ngoại đạo, tôn giáo bạn hiểu ý nghĩa Lời Minh Thệ.

@@@

 Nội dung.

Lễ nhập môn cầu đạo hay Lễ nhập môn có nghĩa là gia nhập vào Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nói tắt là Đạo Cao-Đài do Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế lập ra vào năm 1926. (Nhập là vào, môn là cửa.)

Trên thực tế đó là ngày một người trưởng thành minh thệ với Đức Chí Tôn tại Đền Thánh, Thánh Thất hay Tư gia trước Thiên Bàn có sự hướng dẫn của vị chủ lễ và có sự chứng kiến của đồng đạo. Vị chủ lễ nhập môn là chức sắc hay chức việc đương quyền hành chánh.

Minh thệ là gì? Là lời thề hứa được nói lên công khai, rõ ràng.

Minh thệ với ai? Minh thệ với Đức Chí Tôn có nhân sự trong tôn giáo làm chứng cho sự tự nguyện thề hứa của mình.

I/- Lễ nhập môn cho người sống.

Một người đủ 18 tuổi có thể nhập môn cầu đạo. Lễ nhập môn thường được tiến hành sau một thời cúng. Có thể tổ chức cho một hay nhiều người nhập môn cùng một lúc. Vị chứng đàn cùng quì và cầu nguyện với các vị nhập môn; xong thì đứng dậy bước qua một bên đọc Lời Minh Thệ và các vị khác đọc theo (nếu là nhiều người thì phần tên và họ tự đọc thầm); xong Lời Minh Thệ thì vị chứng đàn trở vô quì lạy cùng với người nhập môn; khi lạy xong tất cả đứng lên và bước ra.

1/- Điều kiện và nơi tổ chức Lễ nhập môn.

Được qui định tại Tân luật Chương II.

Điều thứ chín:

Muốn xin nhập môn phải có hai người đạo đức tiến dẫn đến người làm đầu trong Họ. Hai người tiến dẫn phải lo lắng chỉ biểu và dìu dắt người mới cho hiểu biết đạo lý. (Hết trích)

Nơi nhập môn và yêu cầu khi nhập môn.

Điều Thứ Mười:

Mỗi Thánh Thất từ đây phải lập minh thệ. Còn ai mới vô Đạo, nội ngày đem tên vào sổ phải ra đứng giữa đại điện thề liền.

Buộc phải thuộc Kinh và thông hiểu Luật Pháp của Đại Đạo truyền ra. (Hết trích)

Tân luật ban hành ngày 01-6-1927 qui định nhập môn tại Thánh Thất vậy căn cứ vào đâu mà bên trên có viết tại Tòa Thánh hay Tư gia?

Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo (1936) dạy rõ Chức việc cứ Thượng Tượng và cho Nhập môn (phần Cầu Hồn và Cầu Siêu cho người chưa nhập môn cầu đạo); Hội Thánh có nhắc lại trong Châu Tri 61 (1938).

Khoản nhập môn tại Tòa Thánh trên thực tế là có thật đó là những người đến viếng Tòa Thánh rồi phát tâm cầu đạo mà địa phương chưa có hành chánh tôn giáo hay những người có hoàn cảnh đặc biệt như những quân nhân tại ngũ… muốn xin cầu đạo Hội Thánh cũng mở rộng cửa cho họ cầu đạo. 

2/- Lời Minh Thệ khi nhập môn.

“Tên gì? ... Họ gì? ... Thề rằng: Từ đây biết một Đạo Cao-Đài Ngọc-Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng Chư Môn-Đệ, gìn luật lệ Cao-Đài, như sau có lòng hai thì Thiên-tru, Địa-lục.”

3/- Ý nghĩa quan trọng.

Xin chọn hai ý nghĩa quan trọng. (1)

3.1/- Biết MỘT Đạo Cao-Đài Ngọc-Đế

Nghĩa là CHỈ CÓ MỘT Đạo Cao-Đài do Ngọc-Đế lập ra vào năm 1926. Ngọc-Đế không có lập Đạo Cao-Đài nào trước năm 1926 và cũng không lập một Đạo Cao-Đài nào sau năm 1926. Nếu có bất cứ tổ chức tôn giáo nào xưng danh Đạo Cao-Đài trước hay sau năm 1926 thì người đạo phải biết rằng không phải của Ngọc-Đế. Đây là ý nghĩa rất quan trọng như một tiền đề.

Chú ý rằng nội dung nầy là riêng cho những tổ chức tôn giáo có liên quan đến danh hiệu Cao-Đài mà thôi, không liên quan đến các tôn giáo bạn có danh hiệu độc lập với Đạo Cao-Đài.

3.2/- Thứ hai: ... chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng Chư Môn-Đệ, gìn luật lệ Cao-Đài ... lòng dạ của một người như thế nào chỉ có chính người đó biết chính xác mà thôi. Người ngoài chỉ có thể suy đoán qua hành động. Như vậy xét về luật nhân quả thì lòng dạ là nhân còn hành động là quả.

Thầy dạy chẳng đổi dạ đổi lòng là chú trọng đến việc gìn giữ cái nhân; từ cái nhân ấy thể hiện qua hai cái quả nhìn thấy được là hiệp đồng với môn đệ Thầy gìn luật lệ Cao-Đài. Giữ được nhân lành thì quả tốt.

Trong lời dạy ấy cũng bao hàm rằng với kẻ không gìn luật lệ Cao-Đài thì Thầy không buộc phải hiệp đồng. Thầy là Đấng Chí Tôn mà còn không vừa lòng hết mọi người thì Thầy cũng không buộc môn đệ phải làm việc chi quá sức của mình.

4/- Xét câu Minh Thệ gởi mình cõi thăng.

Đạo tức là con đường … con đường của người Đạo Cao-Đài bắt đầu từ Lời Minh Thệ cho đến khi sắp lìa trần (hấp hối) được đồng đạo đến nhắc: … Ăn năn sám hối tội tình, Xét câu Minh thệ gởi mình cõi thăng

Đạo là con đường cho cả chúng sanh về với Đức Chí Tôn; mỗi kiếp sanh đi trên con đường ấy như thế nào, được bao nhiêu là phước phần riêng của mỗi người. Gìn luật lệ Cao-Đài như thế nào quyết định việc thăng tiến của mỗi người.

Tầm quan trọng của Lời Minh Thệ rất rõ ràng nên chúng ta cũng nên nêu ra một câu hỏi?

5/- Tại sao Chí Tôn buộc phải Minh Thệ?

Mượn ý câu chuyện thời Nhị Kỳ Phổ Độ có nhiều người biết là Tề Thiên, Bát Giới và Sa Tăng khi thọ pháp nhà Phật với Trần Huyền Trang đều có Như Ý Kim Cô (của Đức Quan Âm) trên đầu. Mỗi khi ba vị ấy gặp khó khăn không giải quyết được thì chính Đức Quan Âm giúp hay là các vị đội Kim Cô cầu viện các Đấng giúp sức. Các Đấng thấy Kim Cô thì hiểu là nhân sự đang thi hành mạng lịnh của Đức Quan Âm nên mới giúp. Khi ngã lòng thì Kim Cô chính là bửu bối để các vị ấy không bỏ cuộc. Nhờ vậy Trần Huyền Trang mới hoàn thành sứ mạng và các vị ấy đắc quả.

Cả nhơn loại là con cái của Thầy. Nhập môn là môn đệ của Thầy. Minh Thệ trước Thiên Bàn có Đức Quan Âm cầm quyền Nhị Trấn. Đức Quan Âm đã ban Kim Cô hữu hình cho các vị Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng thì ngày nay môn đệ Thầy có Cung Như Ý (Tam Cửu), có Xe Như Ý (Ngũ Cửu), có Dở Kim Cô (Thất Cửu)… Vậy Lời Minh Thệ là Kim Cô vô hình, là tình thương của Đại Từ Phụ hòa quyện trong lương tâm ta, giữ gìn hỗ trợ ta trên đường công quả cho đến khi về ngôi xưa vị cũ.

Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển một, bài sau cùng dạy: Thầy có hội chư Tiên Phật lại mà thương nghị về sự lập Đạo tại Đại Nam Việt Quốc. ... nghĩa là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều biết việc Thầy lập Đạo Cao Đài. Biết nhiệm vụ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để xây dựng nền văn minh mới cho nhân loại. Đó là việc là cực kỳ khó khăn.

Thầy thương và lo cho môn đệ thấy khó ngã lòng rồi phế phận mà lỡ làng duyên phận, chịu cảnh trầm luân nên dạy môn sinh phải Minh Thệ. Mục đích của việc Minh thệ là giúp cho môn đệ êm chơn nhẹ bước trên con đường thực thi pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ (tam lập) hầu qui hồi cựu vị. Chư Thần Thánh Tiên Phật tất nhiên là biết việc Chí Tôn sắp xếp, biết người có Minh Thệ là đang có nhiệm vụ thi hành sứ mạng xây dựng nền văn minh mới của Chí Tôn giao phó.  Do vậy mà các Đấng có sứ mạng thời Tam Kỳ Phổ Đ nhìn nhận và hộ trì cho hoàn thành phận sự khi hành đạo.

Nguyên lý của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là hữu hình tiến đến vô vi; hữu hình và vô vi liền lạc nhau như hai mặt của một bàn tay nên hể có hữu hình thì tất nhiên là có vô vi. Lời Minh thệ là hữu hình, khi thực hiện viêc hữu hình thì có vô vi tiếp trợ. Các Đấng thiêng liêng không có nhơn thân, phàm thể nên không thể thực hiện các hành động hữu vi, nhưng khi thọ lịnh của Đức Chí Tôn các Đấng có đủ quyền góp vốn với người có Minh thệ để cùng nhau lập công theo lẽ Công Bằng-Bác Ái.

Sức người không đủ xây dựng nền văn minh mới mà phải nhờ đến sự trợ giúp của thiêng liêng: Thiên nhân hiệp nhứt để xây dựng nền văn minh mới.

(Thầy dụng Tam thiên đồ đệ và Thất thập nhị hiền của Đức Khổng Phu Tử rồi thêm vào Tam thập lục thánh “Ba mươi sáu Phối Sư” Tam tiên “Ba Đầu Sư” và Nhứt phật “Giáo Tông” để lập ra Thánh Thể của Chí Tôn là một ví dụ: nhơn lực hiệp với thiên ý)

II/- Nhập môn vô vi (cho người mới chết và chết đã lâu).

Theo triết lý Cao-Đài giáo con người có tam thể trong một xác thân: thể xác (hữu hình), chơn thần (bán hữu hình) và chơn linh (vô vi); cả ba hợp lại theo Luật Tam Thể để tạo nên một người hiện sinh nơi biển trần khổ. Do vậy ngay trong mỗi người đã có hữu hình và vô vi đi liền nhau như hai mặt của một bàn tay, cùng luân chuyển hóa sanh để tạo nghiệp cho chính mình trong vô lượng kiếp.

Theo luật luân chuyển hóa sanh sống chết có tương quan mật thiết với nhau, chết cõi nầy là sống ở cõi khác như hai mặt của một bàn tay. Nên khi bỏ xác mà người thân tin tưởng nơi Đức Chí Tôn thì cửa đạo vẫn rộng mở; thậm chí những người chết đã lâu chơn hồn xiêu lạc tự chơn hồn muốn nhập môn cầu đạo nên nhập vào người phù hợp và nhờ người ấy đến xin nhập môn, Đức Chí Tôn vẫn cho phép; ấy là thể hiện cơ tận độ để độ tận vạn linh qui hồi cựu vị trong thời Đại ân xá.

Tân Luật không có khoản người chết nhập môn; Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo cũng không dạy về việc nhập môn cho người chết nhưng trên bước đường phổ độ Hội Thánh đã căn cứ vào thực tế, căn cứ vào quyền hành được Chí Tôn ban cho để ban bố tình thương và ơn phước của Thầy đến những người không có may duyên gặp đạo lúc còn sanh tiền. (2)

1/- Nhập môn cho người mới chết.

Trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo có dạy phần người trong thân của người chết nhập môn thì Chức việc cứ việc Thượng Tượng cho nhập môn và thiết lễ tang sự luôn. (Lưu ý là đến năm 1958 Đức Hộ Pháp mới cho phép việc người chết đã lâu xin nhập môn)

Nhưng trên đường thể thiên hành hóa Hội Thánh Cao Đài mở rộng cho phép: người mới chết mà trong tang quyến tin tưởng Đức Chí Tôn thì một người thay cho người chết xin nhập môn và được hành lễ bạt tiến.

2/- Nhập môn cho người chết đã lâu.

Người chết đã lâu mà chơn hồn còn lãng vãng cõi trần, nay muốn nhập môn cầu đạo nên nhập xác vào một người sống và nhờ người sống ấy đến xin nhập môn Hội Thánh vẫn cho phép làm lễ nhập môn cho chơn hồn ấy. Một chơn hồn hay nhiều chơn hồn nhập vào xác một người cũng phải xưng tên họ đầy đủ. Nơi tiến hành Lễ nhập môn cho chơn hồn phải tụng DI LẶC CHƠN KINH và dặn các chơn hồn ấy đến nghe để hưởng phước lành mà tự giải thoát lấy.

Tóm lại việc thăng tiến của một người nhập môn cầu đạo là do sự hiểu biết và thực hành về luật lệ Cao Đài theo Lời Minh Thệ./.

Các chú thích.

(1) Châu tri 61.






2/- Dẫn giải Lời Minh Thệ Nhập Môn cầu Đạo.






(3) Nhập môn vô vi