Trang

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

3122. TAM GIÁO QUI NGUYÊN, NGŨ CHI PHỤC NHỨT LÀ GÌ?


VẤN:
Ban Biên Tâp vui lòng giải thích Tam Giáo Qui Nguyên, Ngũ Chi Phục Nhứt nghĩa là gì?
HỒI ĐÁP.
1/- Tam Giáo Qui Nguyên về tôn giáo.
Thiễn nghĩ cần phải xác định Tam Giáo là gì?
Là Phật giáo, Tiên giáo và Nho giáo.
Vậy chữ giáo đây là tôn giáo hay lời chỉ dạy.


BBT hiểu chữ giáo đây là lời dạy (không hiểu chữ giáo là tôn giáo).
Từ lời dạy mới có tôn giáo. Khi đã có tôn giáo thì mỗi tôn giáo lại chia ra nhiều nhánh với những cách thức hành đạo khác nhau tùy theo phong hóa của mỗi địa phương.
Lấy thí dụ Phật Giáo. Chỉ tính từ thời Đức Phật Thích Ca đến nay đã chia ra rất nhiều nhánh và có tại nhiều quốc gia mà ai có lưu tâm quan sát cũng đều thấy. Các nhánh khác nhau thì tự thân mỗi tôn giáo đó giải quyết theo tín lý và pháp luật của họ chứ tôn giáo khác lấy tư cách chi mà xen vào. Việc xen vào như thế rất vô lý và vi phạm quyền tự do tôn giáo của người khác.
Còn Tiên giáo thì không phải là một tôn giáo, vì không có tổ chức mà do sự tu tập, rèn luyện của mỗi vị.
Cho nên hiểu chữ giáo là Tôn giáo là không thỏa đáng.
Cón hiểu chữ giáo là lời dạy thì đó là lời dạy của các vị Phật, Tiên, Thánh và những lời dạy đó cùng xuất phát từ cái gốc là đạo và cùng có mục đích là hướng dẫn con người làm lành lánh dữ, sống vị tha. Xử thế theo lẽ công bằng và thương yêu.
Hiểu như thế tự thân nơi Đạo Cao Đài đã có sự qui nguyên tam giáo.
Phái Ngọc, màu đỏ (Nho Giáo). Đặc trưng của Nho Giáo là tổ chức, tổ chức và tổ chức cho nên phái Ngọc phụ trách ba viện: Hòa, Lại, Lễ để giử việc khuôn thước và pháp luật của đạo. Quan sát thể pháp tại Cửu Trùng Thiên phái Ngọc ở dưới hết để lo việc ổn định tôn giáo. Thầy dùng quyển Xuân Thu để biểu tượng của Nho Giáo. Mà Xuân Thu là bộ biên niên sử không phải chỉ ghi chép mà còn nghị luận, phê phán việc đúng sai theo nguyên tắc nhất quán.
Phái Thượng, màu xanh (Tiên giáo). Đặc trưng của Tiên giáo là đào luyện trí tuệ cho nên phái Thượng phụ trách 03 viện: Học, Y, Nông để lo về giáo huấn, sức khỏe và canh nông để xã hội được ấm no. Con người phải có trí tuệ để nhận định đúng sai theo nguyên tắc, khuôn luật của tổ chức tôn giáo trước khi vươn tới những tầm cao khác. Có Thanh Tịnh Trí Phật rồi mới có Diệu Minh Lý Phật. Biểu tượng của Tiên giáo là Phất Chủ (Chổi tiên).
Phái Thái, màu vàng (Phật giáo). Đặc trưng của Phật giáo là từ bi, bác ái cho nên phái Thái phụ trách 03 viện: Hộ, Lương, Công phụ trách về tài chánh, lương thực và công nghiệp để lo cho sự phát triển xã hội. Muốn xã hội phát triển thì người hành đạo phải có từ tâm để phụng sự cho việc kinh thương trong tôn giáo, các chính sách đề ra phải phù hợp với bác ái và công bằng chứ không phải dùng mọi cách để làm giàu trên sự đau khổ của tha nhân và xã hội. Biểu tượng của Phật giáo là Bình Bát Vu.
Theo Đạo Sử của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu ngày dâng Tân Luật 13/12/Bính Dần (16/11/1927) Đức Lý Giáo Tông đã gọi Phối Sư của 03 phái Thái, Thượng, Ngọc là Phối Sư Tam Giáo.
Đây là chứng cứ rất mạnh để hiểu rằng đã có sự qui nguyên Tam Giáo qua 03 phái Thái, Thượng, Ngọc trong thánh thể của Thầy (Cửu Trùng Đài)
Phật Mẫu Chơn Kinh dạy:
Hiệp Vạn chủng nhứt môn đồng mạch,
Qui thiện lương quyết sách vận trù,
Xuân Thu, Phát Chủ, Bát Vu,
Hiệp Qui Tam Giáo hữu cầu chí chơn
Cho nên việc chúng ta hiểu cho đúng ý nghĩa là rất quan trọng.
Muốn hiểu đúng chúng ta cần liên hệ đến Thể pháp tôn giáo tại Cửu Trùng Thiên.
(Ảnh chụp: Cửu Trùng Thiên tại Đại Đồng Xã)
Theo thể pháp tại Cửu Trùng Thiên thì ba màu vàng, xanh, đỏ lại ở dưới màu trắng. Khối màu trắng ấy như hai quả cân úp phần nhỏ vào nhau. Trong tôn giáo thì đạo phục Hiệp Thiên Đài toàn trắng và về mặt hữu hình có nhiệm vụ cầm cân pháp luật trong tôn giáo (nắm quyền Tư pháp).
Thể pháp biểu hiện: Lời dạy của Nho, Tiên, Phật phải được vận hành theo cùng một khuôn khổ pháp luật. Đó là ý nghĩa Qui Nguyên Tam Giáo trong Đạo Cao Đài.
Đồng thời cũng là một phần trong ý nghĩa câu kinh: Cửu Trùng Thiên mở lối qui nguyên (Kinh Hạ Huyệt).
2/- Ngũ chi phục nhứt.
Theo Đức Hộ Pháp giảng dạy thì Thầy Qui Nguyên Tam Giáo lại và chia ra năm cấp học từ thấp đến cao cho môn sinh tùy vào căn cơ mà vào học và thực thi tam lập. Nói cho dễ hiểu thì Thầy dạy lập ra cái thang có năm bậc cho môn đệ Thầy theo đó mà đi lần về với Thầy. Trong các cấp ấy lại chia ra nhiều lớp, lớp nào có bài của lớp đó,
Kinh Đệ Tứ Cửu:
Sắc huỳnh chiếu roi vàng đường hạc,
Cõi Huỳnh Thiên nhẹ gót chơn Tiên,
Năm rồng đở nổi đầu thuyền,
Vào cung Tuyệt khổ kiến Huyền Thiên Quân.
Thứ đến trong Di Lặc chơn kinh (Kinh Tận Độ):
Nhiệm vụ Đức Di Lặc Vương Phật là tầng Hổn Ngươn Thiên;
Nhiệm vụ Nhiên Đăng Cổ Phật là tầng Hư Vô Cao Thiên;
Nhiệm vụ Kim Bàn Phật Mẫu là tầng Tạo Hóa Huyền Thiên;
Nhiệm vụ Từ Hàng Bồ Tát là tầng Phi Tưởng Diệu Thiên;
Nhiệm vụ Chuẩn Đề Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát là tầng Hạo Nhiên Pháp Thiên.
Lưu ý rằng Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa có dạy rằng: trong Di Lặc Chơn Kinh không dùng Phật hiệu mà nói lên nhiệm vụ của Đấng đó. Theo đó mà hiểu được cái lý tại sao khi tụng xong đọc Nam Mô Di Lặc Vương Phật chỉ lạy có một lạy. Đó là lạy cái nhiệm vụ của Đấng ấy, còn nếu như hiểu là Phật hiệu thì phải lạy 09 lạy như Thầy đã dạy: Lạy Tiên Phật là chín lạy (Cửu Thiên Khai Hóa).
3/- Trích đoạn Đức Hộ Pháp dạy về Tam Giáo và Ngũ Chi.
Đức Hộ Pháp giảng trong bài thuyết đạo Ngày 14 - 2 - Mậu Thìn (dl 5 - 3 – 1928).
Qui Tam Giáo là gì ?
Em xin giải quyết vì cớ nào mà qui Tam Giáo trước đã, lại luận đủ hình thể và tinh thần cho trọn vẹn.
* Về hình thể:
Ai sanh ra dưới thế nầy cũng phải giữ đủ tôn chỉ của ba đạo : Nhơn đạo, Tiên đạo và Phật đạo mới làm đặng hoàn toàn phận sự con người.
Tỉ như Nhơn đạo thì dạy mình vẹn giữ Tam cang Ngũ thường, mới biết bổn phận mình đối với xã hội nhơn quần thế nào cho nhơn loại cộng hưởng hòa bình, chẳng nghịch lẫn nhau, không tiêu diệt lẫn nhau mà phải trái hẳn với đức háo sanh của Thượng Đế.
Muốn cho nhơn loại đặng lòng hữu ái mà kính mến lẫn nhau thì Tiên đạo lại dạy ta phải lão luyện tinh thần cho đặng thông minh trí hóa, hầu kiếm phương giúp đỡ binh vực lẫn nhau. Nơi địa cầu 68 nầy là nơi luyện cảnh (monde expiatoire), chúng ta chẳng những bị ma hồn quỉ xác cám dỗ mà thôi, mà chúng ta lại còn bị thiên tai mộc ách, chúng ta chẳng những phải đối địch cùng sự hung bạo của đời mà thôi, mà ta lại còn phải đối địch cùng các nghiệt bịnh của trời hành xác nữa.
Ôi ! Vì vậy mà nhiều bậc văn tài trí sĩ bên Âu Tây cắm cúi cả đời tìm kiếm một phương hay mà sửa đời đặng binh vực nhơn sanh khỏi điều tận diệt. Trí não phải tháo luyện đến đỗi nhiều vị đoạt đặng cơ bí mật của Trời mà làm ra một khoa học, có nhiều phương hay và quá trí khôn của người, nên ta coi các Đấng ấy như là Địa Tiên cũng phải.
Khi chúng ta đã đặng đủ khôn ngoan chiếm đoạt cơ bí mật của Trời mà lập ra các cơ khí, nếu không có Phật giáo dạy ta giữ dạ từ bi mà cứu độ nhơn sanh thì cái học thức khôn ngoan ấy nó trở lại hại nhơn sanh hơn nữa.
Cái lý hữu nhân hữu quả, em xin để mấy anh mấy chị thẩm nghĩ. Em chỉ tưởng lòng bác ái từ tâm thì buộc người phải có, bằng chẳng vậy thì dầu cho toàn xã hội đều công chánh mà có một kẻ bất lương vụ ngã lộn vào thì cũng đủ làm cho xã hội trở nên rối loạn. Biểu sao chúng ta không thấy dưới mắt chúng ta đời chẳng khác nào một buổi chợ mơi : khôn ngoan thì đặng hơn, thiệt thà thì bị ép.
Người biết Đạo người thì là trọng mình, mà trọng mình thì phải giữ tinh thần cho tinh tấn. Tinh thần tinh tấn mới đủ tư cách dạy đời làm lành lánh dữ. Ấy là Tam Giáo qui nhứt.
Nếu trong một xã hội mà mỗi người đặng vậy thì xã hội đặng hưởng phước hạnh thái bình, còn ước như các xã hội trên mặt địa cầu nầy đều đặng vậy thì đời mới nào ? Cái hạnh phước của toàn nhơn loại trên địa cầu 68 nầy có ngày đặng vậy chăng ?
Coi lại tôn chỉ của Đạo thì anh em ta có lòng dám tin chắc rằng sẽ đặng điều hạnh phước ấy không sai.
* Về thiêng liêng:
Trước không có chi trong càn khôn thế giới là vô vi. Thoạt nhiên, hai lằn không khí chẳng biết gốc nơi đâu, kêu là Hư Vô Chi Khí đụng nhau mới có chơn linh của Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực.
Trái lửa Thái Cực là cơ của hữu hình, vâng lịnh Thầy mà phân ra Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, và biến Bát Quái, nhứt nhứt có trật tự : Ấy là cơ Nhơn đạo. Rồi sanh ra vàn vàn muôn muôn Địa cầu cùng khắp trong càn khôn thế giới và 72 trái Địa cầu có nhơn loại ở : Ấy là phép biến hóa của Tiên đạo.
Khi chia mình ra mà lập càn khôn thế giới rồi thì khối lửa Thái Cực của Thầy đã tiêu mất trở lại vô vi, tức là cơ mầu nhiệm của Phật đạo đó vậy.
Bát Quái biến hóa vô cùng mà lập ra các Địa cầu trong càn khôn thế giới và vạn vật mà chúng ta thấy đặng dưới mắt rõ ràng đây.
Ấy là một cuộc hữu hình, mà trọn cuộc hữu hình nầy dường như vâng mạng lịnh của một quyền hành Thầy rất lớn, không xâm phạm lẫn nhau mà phải hại. Cơ mầu nhiệm Nhơn đạo rõ ràng đó vậy.
Mỗi trái Địa cầu có nhơn loại, tức là có chơn linh ở, hằng ngày tô điểm sửa sang làm cho nó đặng đẹp. Hễ Địa cầu đẹp thì tinh thần của các chơn linh phải tấn hóa thêm cao đến ngày cực điểm văn minh. Ấy là cơ mầu nhiệm của Tiên đạo.
Chừng Địa cầu đặng toàn hảo, các chơn linh đặng cực điểm văn minh rồi, dầu hưởng đặng lâu hay mau thì rồi phải bị tiêu diệt. Ấy là cơ mầu nhiệm của Phật đạo.
Người lúc chưa vào thai bào thì là hư vô, khí Âm Dương tương hiệp biến thai ra nhơn hình, tới lúc sanh ra cho đến khi trưởng thành là cơ mầu nhiệm của Nhơn đạo.
Khi đã trưởng thành lại học tập tu luyện tinh thần cho trí hóa trở nên khôn ngoan, là cơ mầu nhiệm của Tiên đạo.
Khi già rồi chết, thi hài bị tiêu diệt là cơ mầu nhiệm của Phật đạo.
Luận qua hiệp Ngũ Chi (theo hình thể):
Ngũ Chi là : Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo. Cả toàn địa cầu nầy, hễ làm người thì có Nhơn đạo nơi mình rồi, mà mình nong nả làm ra người hữu dụng cho đời, tức nhiên mình đã hơn người, ấy là Thần đạo đó vậy.
Hễ hữu dụng cho đời, tức là mình hơn đời, gọi là quán thế, tức nhiên mình làm Thánh đạo đó vậy.
Mình hơn đời là nhờ cái khiếu thông minh nó hứng sự thông suốt của đời dạy mình cho nhiều, rồi lại biến hóa ra thêm, trí hóa phù hạp với cơ huyền vi mầu nhiệm của Trời Đất. Nếu đoạt đặng cơ mầu nhiệm ấy mà làm của mình, rồi lại truyền bá cho cả nhơn loại học hiểu cái biết của mình mà thật hành ra sự hữu ích cho đời, tức là mình làm Tiên đạo đó vậy.
Biết đời rồi biết mình, rồi biết đến tinh thần mình là chủ tể của mình, mình biết đặng tinh thần mình rồi, hễ nhờ nó mà nhơn phẩm mình đặng cao bao nhiêu thì lại càng yêu thương lại nó bấy nhiêu, nên buộc phải lo cho nó đặng thanh tịnh nghỉ ngơi đôi lúc mà đợi ngày thoát xác, tức là làm Phật đạo đó vậy.
Với các Nguyên nhân thì Ngũ Chi tỉ như một cái thang 5 nấc, bắc cho mình leo lên một địa vị ngang bực cùng Thầy, tức là Phật đó vậy.
Chưa ai nhảy một nhảy mà lên cho tới một từng lầu 5 thước bề cao, mà như ai đã để sẵn một cái thang 5 nấc, mình có thể lần hồi mà leo lên đặng.
Thầy hiệp Ngũ Chi đặng làm một trường học năm lớp cho mình tu luyện, chẳng khác một trường học phàm kia vậy, lần lần bước đến đặng đoạt thủ địa vị của mình. Hễ ngồi đặng phẩm nào thì địa vị mình nơi ấy, chẳng ai còn tranh giành ngược ngạo không nhìn nhận cho đặng.
Mình là người tức là có sẵn Nhơn phẩm, mình mới luyện Nhơn hồn theo gương của chư Thần mà chúng ta thờ phụng đó, thì tức nhiên cũng đoạt đặng đức tánh của chư Thần mà làm Thần vị của mình.
Đặng Thần vị rồi, lại xem gương của các Thánh mà tu luyện Thần hồn mình cho đặng Thánh đức, tức nhiên cũng đoạt đặng Thánh vị vậy.
Đặng Thánh vị rồi, cũng luyện Thánh hồn mình theo tánh đức của chư Tiên mà đoạt cho đặng Tiên vị.
Khi biết mình đã vững nơi Tiên vị rồi thì mình cũng cứ đào luyện Tiên hồn theo gương chư Phật mà gấm ghé vào Phật vị.
Thoảng như có kẻ hỏi : Thần, Thánh, Tiên, Phật xa cách với người như Trời với đất, khác nhau kẻ tục người thanh, thì thế nào người phàm mà mong mỏi leo lên phẩm vị ấy cho xứng đáng ?
Ta lại đáp như vầy : Dầu cho hạnh Hóa nhân đi nữa thì là :
- Những Vật chất hồn có một điểm Thảo mộc hồn như bông đá (Éponge) đó vậy.
- Thảo mộc có một điểm Thú hồn như cây mắc cở (Sensitive).
- Thú hồn có một điểm Nhơn hồn như loài cầm điểu thì là : két, quạ, cưỡng, nhồng; như tẩu thú thì là : chó, ngựa, khỉ; như ngư thì là cá ông đó vậy.
- Nhơn hồn có Thần hồn, đã đành chẳng cần phải giải.
- Thần hồn có Thánh hồn, Thánh hồn có Tiên hồn, Tiên hồn có Phật hồn.
Ấy vậy, nơi mình chúng ta đã có sẵn một điểm Thần, Thánh, Tiên, Phật hồn. Nếu ta biết làm cho chơn hồn tăng tiến lên hoài cho tới phẩm vị Tiên Phật thì phải tập luyện tu hành và đắc kỳ truyền mới đặng.
Muốn tu ắt phải có Đạo, vì vậy nên Thầy mới lập Đạo.
Đạo thì hữu hình, nếu có kẻ hỏi : Đạo vốn vô vi mà lấy hữu hình lập thành thì thế nào đắc đạo vô vi cho đặng ?
Ta lại đáp rằng : Không hữu hình, vô vi cũng khó có; mà chẳng có vô vi thì hữu hình vốn không bền vững, tỉ như hồn với xác ta đây vậy. Không hồn thì xác phải tiêu diệt, mà có xác không hồn cũng không cơ khí mà lập thành nên đạo người vẹn vẻ. Hai đàng phải tương hiệp nhau mới đặng hoàn toàn.
Ấy vậy, có vô vi ắt có hữu hình. Chánh pháp và Hội Thánh là hữu hình, mà hữu hình ấy nó phù hạp với luật lệ Thiên điều và đối chiếu với Cửu Thiên Khai Hóa. Luật đạo ấy là Thiên điều, còn Hội Thánh là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại thế đó vậy.
Hết trích.
Xem thêm bài: