TRẢ LỜI BẠN ĐỌC.
Nhờ hiền
huynh Dương Xuân Lương trả lời: Ngài Hồ Bảo Đạo và Hội Thánh Cao Đài khi ký Đạo
Lịnh 01 có quyền tự do (theo định nghĩa của các nước tự do dân chủ hay không)? (18/3/2020).
HỒI ĐÁP.
Tôi rất
hân hạnh nhận được câu hỏi như thế. Xin thưa lại như sau.
1/-
Về nguyên tắc.
Đá banh và
đánh banh đều là thể thao nhưng mỗi bộ môn đều có luật riêng. Không thể đem luật
đá banh qua luật đánh banh rồi phê phán sao không dùng tay mà lại dùng chân,
sao không xài banh loại nầy mà xài loại banh khác hay khác số người chơi. Đánh
banh thì không chấp nhận hòa nhưng đá banh thì có trận chấp nhận hòa.
Đạo Cao Đài
và các nước tự do dân chủ đều có quan niệm về TỰ DO. Cho nên trả lời câu hỏi Ngài
Hồ Bảo Đạo và Hội Thánh Cao Đài khi ký Đạo Lịnh 01 có quyền tự do (theo định
nghĩa của các nước tự do dân chủ hay không) thì cũng giống như so sánh đá banh
và đánh banh.
Tôi là người
học đạo và hành đạo theo Đạo Cao Đài nên xin trình bày QUAN ĐIỂM về tự do và
dân chủ trong Đạo Cao Đài, từ đó đi đến kết luận Ngài
Hồ Bảo Đạo và Hội Thánh Cao Đài có tự do hay không khi ký Đạo Lịnh 01/1979 theo
quan điểm của đạo mà thôi, không lấn sang việc có phù hợp với quan điểm của các
quốc gia có tự do dân chủ hay không.
Lý do: Đạo
Cao Đài xây dựng một nền văn minh mới nên tự do trong đạo thì phải cầu chứng với
tự thân tôn giáo hay nói cách khác là: Đức tin của đạo phải cầu chứng với
chính nó (Trích ý của Đức Hộ Pháp).
2/-
Tự do theo quan điểm Đạo Cao Đài.
Xin thưa
trước: đây là phần hiểu của cá nhân Tôi để trả lời chớ không phải của toàn đạo
hay của Hội Thánh.
2.1/-
Tự do trong Đạo Cao Đài: Tự do trong đạo đức.
Nhập môn cầu
đạo là quyền tự do của mỗi người. Nhập môn là tự nguyện không ai ép buộc. Khi
chọn nhập môn cầu đạo là chấp nhận minh thệ trước Thiên Bàn và có ít nhất 02 Người
làm chứng. Nội dung minh thệ là:
“Tên gì? Họ gì? Thề rằng: Từ đây biết một Đạo
Cao - Đài Ngọc - Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư Môn - Đệ, gìn luật
lệ Cao - Đài, như sau có lòng hai thì Thiên - tru, Địa - lục.”.
Như vậy người
nhập môn có quyền tự do theo pháp luật đạo. Mà pháp luật đạo là để giử gìn người
đạo đi trên đường đạo cho có trật tự, có lớp lang nên pháp luật đạo là tự do
trong đạo đức.
2.2/-
Dân chủ trong Đạo Cao Đài: Dân chủ có nhân quyền.
Người theo
đạo là theo pháp luật đạo. Luật 03 Hội Lập Quyền Vạn Linh cho phép người đạo
khi thấy điều chi trái luật hay có điều hữu ích cho đạo thì có đủ quyền đề xuất
bằng văn bản và bảo vệ khi hội (nhân quyền), Hội sẽ chất vấn, bác bỏ hay hoặc đề
xuất thêm với tác giả rồi biểu quyết theo tỉ lệ đã định (dân chủ). Đó là dân chủ
có nhân quyền.
Luật Lệ
Chung Các Hội:
Ðiều Thứ Tám: Những việc Nghị viên muốn đem ra
hội.
Nghị viên nào muốn xin canh cải, thêm bớt huỷ bỏ
điều chi trong Luật đạo hoặc nói khác xin hạch hỏi, kích trách tại giữa hội thì
phải gởi tờ xin trước ngày nhóm y theo hạng lệ đã định trong nội luật mỗi Hội
nhóm.
./- Nội Luật
Hội Nhơn Sanh. Ðiều Thứ Tám:
Nghị Viên muốn xin canh cải thêm bớt, huỷ bỏ điều
chi trong luật Ðạo hay là điều chi khác nữa thì phải gởi tờ xin 20 ngày trước bửa
Hội nhóm. Cũng phải chỉ rõ mình xin sửa cải thêm bớt hay là huỷ bỏ việc gì.
3/-
Tìm hiểu về Đạo Lịnh 01/1979.
Đạo phân
biệt rõ pháp và luật. Pháp trên luật. Luật phải tùng pháp chớ chẳng bao giờ có
việc ngược lại. Pháp có Pháp Chánh Truyền và Bát Đạo Nghị Định. Luật thì có nhiều.
Đạo Cao
Đài là một tôn giáo pháp quyền. Từ phẩm Đạo Hữu cho đến bậc Giáo Tông đều phải
theo luật. Chức sắc hành đạo là phải LẬP THỆ làm theo pháp luật đạo. Chức sắc
không có quyền đi ngoài pháp luật đạo. Cho nên quyền TỰ DO của chức sắc là tuân
theo pháp luật chớ không có quyền làm theo tư ý. Đạo dùng luật trị người là như
thế.
3.1/
Pháp Chánh Truyền qui định thẩm quyền của Thập Nhị Thời Quân thế nào?
a/- Pháp
Chánh Truyền phần Hiệp Thiên Đài qui định: "Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành đạo, Thầy cho các con
biết trước rằng: Hễ trọng quyền thì ắt có trọng phạt".
CHÚ GIẢI:... lại muốn tỏ ra rằng: Chức Sắc Hiệp
Thiên Đài thật trọng quyền, Ngài mới ban dây sắc lịnh, buộc cả Tín Đồ và cả Chức
Sắc Thiên Phong, hễ mỗi Chức Sắc Hiệp Thiên Đài mang dây sắc lịnh vào mình mà
hành chánh nơi nào, thì phải tuân mạng, dầu lỗi quấy cũng phải chìu theo, chỉ để
cho Hội Thánh có quyền định tội,...
b/-
Ngài Hồ Bảo Đạo có dây sắc lịnh.
Bất cứ ai
có quan sát Ngài Hồ Bảo Đạo đi cúng ở Đền Thánh đều thấy Ngài mặc đại phục của
thời quân. Khi đảnh lễ Đức Chí Tôn Ngài Hồ Bảo Đạo mặc đại phục có dây sắc
lịnh hẳn hoi thì Ngài có đầy đủ quyền hành theo dây sắc lịnh ban cho.
Vậy Ngài Hồ
Bảo Đạo lập ra Đạo Lịnh 01/1979 là đúng với quyền hạn đã có trong Pháp
Chánh Truyền.
c/-
Hội Thánh định như thế nào?
Hội Thánh
đã nhìn nhận nên ban hành và thi hành.
Sau đó Hội
Thánh không có băn vản nào định tội Ngài Hồ Bảo Đạo hết. Pháp chánh truyền qui
định rõ như vậy, cần hiểu biết chính xác về điều nầy, vì ngôn ngữ của luật chỉ có một cách hiểu.
Còn như xét
theo Đạo Luật Mậu Dần thì chính Ngài Hồ Bảo Đạo cũng đã nhìn nhận là có vi phạm.
3.2/-
Lập trường ba không của đạo.
Luật đạo
qui định: Phẩm Đạo Hữu (là có nhập môn cầu đạo) có quyền sinh hoạt với các Đảng
phái nào mình thích. Từ phẩm chức việc trở lên thì không có quyền tham gia đảng
phái, vì đã nằm trong trong hành chánh tôn giáo. Lưu ý rằng phẩm Hiền Tài thuộc
Ban Thế Đạo (Hiệp Thiên Đài) có quyền tham gia Đảng phái chính trị như phẩm Đạo
Hữu vì không cầm quyền hành chánh tôn giáo.
Đạo có lập
trường ba không: không chống chánh quyền, không theo chánh quyền và không tham
gia chính quyền.
Ủy Ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ra quyết nghị ngày
13-12-1978:
Điều III: giải tán và nghiêm cấm hoạt động hệ
thống tổ chức hành chính đạo từ trên đến cơ sở, xóa bỏ và nghiêm cấm cơ bút,
chính quyền sẻ quản lý toàn bộ cơ sở vật chất mà đạo đang quản lý kinh doanh
không thuộc chức năng tôn giáo để phục vụ cho lợi ích xã hội. Đồng thời căn cứ
vào tính chất tu hành, chính quyền sẽ quy định cụ thể số cơ sở để lại cho Đạo
quản lý và số người trong từng cơ sở để chuyên lo việc tín ngưỡng.
Điều V: Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh chịu trách nhiệm tổ
chức chỉ đạo thực hiện thắng lợi quyết nghị này và báo cáo kết quả lên cấp trên
và Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh trong kỳ họp tới
Theo đó
chính quyền giải tán sạch sẽ hành chánh tôn giáo (05 cấp) mà không hề cho điều
khoản tái lập.
Không chống
chính quyền: Đạo Lịnh 01/1979 giải thể
hành chánh tôn giáo tại điều 01.
Không theo
chính quyền: Đạo Lịnh 01/1979 tái lập hành chánh 02 cấp tại điều 02.
Không tham
gia chính quyền: Rõ ràng là các vị lập ra Đạo Lịnh 01/1979 không phải là viên
chức nhà nước.
Xem thêm tại đây:
Những vị không đồng ý có quyền phản bác bây giờ hay sau nầy
đệ trình ra theo phần dân chủ có nhân quyền trên đây. Chúng ta đều theo đạo chớ chẳng theo người.
4/-
Kết luận:
Ngài Bảo Đạo
và Ngài Ngọc Đầu Sư lập ra Đạo Lịnh 01/1979 là đúng với Pháp Chánh Truyền. Hội
Thánh đã nhìn nhận nên ký tên ban hành và thi hành theo pháp luật đạo.
Đó là
quyền tự do trong đạo đức của hai Ngài.
Tôi xin
thưa lại lần nữa là Tôi cầu chứng với pháp luật tôn giáo nên xin quí vị vui
lòng căn cứ vào Pháp Luật đạo mà chỉ ra cái sai cho Tôi học hỏi thêm thì rất cảm
ơn.
Xin tri ân bạn đọc đã có câu hỏi rất sâu sắc và rất hay.
Nay kính.
Đạo Hữu
Dương Xuân Lương.
SĐT: +1
469 642 4667.
WhatsApp:
cũng số trên.
Email: hoabinhchungsong220513@yahoo.com.