Trang

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

2788. Việt Nam đứng 2 trên thế giới về báo cáo vi phạm tự do tôn giáo



Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo ở Đông Nam Á Lần 4: Phong trào đang lan rộng

·         Việt Nam đứng 2 trên thế giới về báo cáo vi phạm tự do tôn giáo
Mạch Sống, ngày 26 tháng 8, 2018
Mới đây chuyên gia của LHQ về tự do tôn giáo xác nhận là Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Iran, về số báo cáo vi phạm tự do tôn giáo. Trong khi đó, giới chức về nhân quyền của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, cho biết là các cộng đồng Cao Đài đã nộp nhiều báo cáo nhất trong tất cả các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam.
Đặc Sứ của Liên Âu về Tự Do Tôn Giáo thì nhận xét rằng tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam mang tính cách trầm trọng và phổ quát nhất Đông Nam Á. Cũng vậy, đại diện cho Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế cho biết là Việt Nam thuộc danh sách 16 quốc gia có tình trạng đàn áp tôn giáo tệ hại nhất thế giới.
Cả 4 giới chức này cùng có mặt ở Bangkok, Thái Lan trong tuần qua để dự Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo Hay Niềm Tin Đông Nam Á Lần 4. Hội nghị hàng năm này, viết tắt là SEAFORB (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief), được tổ chức lần đầu vào năm 2015 bởi BPSOS, FORUM-ASIA, và International Commission of Jurists (ICJ) với sự hợp tác của văn phòng Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin.
Hội nghị SEAFORB năm nay thu hút trên 150 tham dự viên đến từ nhiều quốc gia thuộc Đông Nam Á và từ Bắc Mỹ Châu, Âu Châu, Á Châu và Úc Châu. Trong đó, khoảng 30 người Việt đến từ Việt Nam và 15 từ các cộng đồng người Việt hải ngoại. Ngoài ra, trong ngày khai mạc, 2 tổ chức luật gia quốc tế đã hướng dẫn gần 50 sinh viên luật từ nhiều quốc gia đến dự thính.
Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, phát biểu khai mạc hội nghị, ngày 17/08/2018 (ảnh BPSOS)
Hình Thành Mạng Lưới Tự Do Tôn Giáo ĐNÁ
Mục tiêu của hội nghị SEAFORB Lần 4 này là hình thành mạng lưới của các tổ chức xã hội dân sự, các cá nhân, và các nghị sĩ tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo ở toàn vùng Đông Nam Á, với trọng tâm nhắm vào 4 quốc gia: Việt Nam, Miến Điện, Indonesia và Malaysia.

Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ Ahmed Shaheed và một tín đồ Cao Đài đến từ Việt Nam, ngày 18/08/2018 (ảnh BPSOS).
(Chú thích của HTE: trong ảnh Chánh Trị Sự Huỳnh Văn Thắng, chợ Lách Bến Tre, người đã bị Đại Úy Cai đánh gãy răng năm 1996).
Tháng 5 năm 2016, Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam được hình thành, mô phỏng theo Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Hoa Kỳ mà BPSOS là một thành viên. Đây là một diễn đàn thường trực và thường xuyên để những ai quan tâm đến tự do tôn giáo hay niềm tin chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, phối hợp hành động, và tương trợ lẫn nhau. Sau 2 năm hoạt động, Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam đã được ghi nhận bởi Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và bởi Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Hoa Kỳ.
Năm nay, BPSOS chia sẻ kinh nghiệm của bàn tròn đa tôn giáo Việt Nam với các tham dự viên của hội nghị để làm thông tin nền khi bàn thảo việc thành lập mạng lưới quốc gia để phát huy quyền tự do tôn giáo ở Miến Điện, Indonesia và Malaysia.
Song song, BPSOS cùng với một số tổ chức quốc tế và khu vực thiết lập cơ cấu yểm trợ cho cả 4 mạng lưới kể trên, và nối kết chúng với các mạng lưới tương tự trên thế giới.
Mô hình nối kết toàn thế giới này phù hợp với nội dung của Tuyên Ngôn Potomac được ban hành nhân cuộc họp cấp bộ trưởng do Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo triệu tập vào cuối tháng 7 để phát huy tự do tôn giáo toàn cầu.

Hình chụp lưu niệm của Hội Nghị SEAFORB IV, tại Bangkok, Thái Lan ngày 17/08/2018
Cơ hội lên tiếng cho các cộng đồng tôn giáo bị bách hại ở Việt Nam
Tại hội nghị, các tham dự viên người Việt đã có nhiều cơ hội để lên tiếng. Ngoài Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, thay mặt ban tổ chức phát biểu khai mạc và kết thúc hội nghị, cô Đinh Thị Ngọc Tuyết đã đại diện các tham dự viên người Việt trình bày, ngay trong ngày đầu của hội nghị, tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.
Trong ngày thứ hai, Ông Vũ Quốc Dụng thuộc tổ chức VETO! ở Đức, trình bày về cách mà chính quyền Việt Nam đã sử dụng các cơ chế chính quyền và các tác nhân ngoài bộ máy chính quyền để đàn áp tôn giáo. Cũng trong ngày thứ hai, Ts. Võ Trần Nhật, đến từ Pháp và đại diện cho Uỷ Ban Nhân Quyền Việt Nam, thuyết trình về không gian xã hội dân sự đang bị thu hẹp ở Việt Nam và ảnh hưởng của nó lên các tôn giáo độc lập.
Ngoài ra, ban tổ chức đã sắp xếp nhiều cơ hội cho các giới chức LHQ, Liên Âu và Hoa Kỳ họp riêng với các tham dự viên người Việt đến từ Việt Nam và từ hải ngoại. Qua đó, họ nắm rõ hơn hiện trạng nghiệt ngã mà các cộng đồng tôn giáo độc lập phải thường trực đối mặt ở Việt Nam.
Các giới chức Hoa Kỳ gồm có Bà Nadine Maenza, thành viên của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế; Bà Mariah Mercer, Đơn Vị Trưởng Khu Vực Đông Á và Thái Bình Dương của Văn Phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Bộ Ngoại Giao; Cô Jessica Farmer, Giới Chức Nhân Quyền ở Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam; Ts. Scott Flipse và Ông Paul Protic, phụ tá lập pháp của Dân Biểu Christopher Smith.
Các cuộc tiếp xúc bên lề
Các tham dự viên người Việt đã đến sớm để họp riêng trong 2 ngày 15 và 16 tháng 8 để trao đổi kinh nghiệm. Đây là cơ hội hiếm hoi để các cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng sắc tộc ở trong nước cũng như các nhóm yểm trợ họ ở hải ngoại gặp nhau trực tiếp. Trước đó, nhiều người đã sinh hoạt với nhau nhiều tháng hoặc nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên giáp mặt.
Một số người lần đầu tham dự hội nghị SEAFORB cho biết họ không còn cảm thấy cộng đồng của mình bị đơn độc vì đã nối kết được với những cộng đồng khác cho cùng mục đích đòi quyền tự do tôn giáo hay niềm tin.
Công thức tổ chức của BPSOS để phát huy tự do tôn giáo là mỗi cộng đồng ở trong nước đều có một “nhóm kết nghĩa” ở hải ngoại hỗ trợ. Hai bên đã phối hợp với nhau trong nhiều tháng để chuẩn bị cho việc tham dự hội nghị, từ việc soạn tài liệu, sắp xếp chuyến bay, đón người tại phi trường Bangkok, thông dịch…
Các cuộc phỏng vấn riêng
BPSOS tổ chức nhiều cuộc phỏng vấn cho các giới chức chính quyền, các giới chức LHQ và Liên Âu, và các đại diện các tổ chức nhân quyền quốc tế họ để tìm hiểu tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Trong suốt 5 ngày từ 15 đến 19 tháng 8, từng nhóm “phỏng vấn viên” đã được sắp xếp để luân phiên nhau họp riêng với các cộng đồng tôn giáo có người đại diện. Cũng có một số cộng đồng đã không có người đến từ Việt Nam thì nhóm kết nghĩa đã thay mặt để tiếp xúc với các giới chức quốc tế. Dưới đây là một số cuộc tiếp xúc điển hình:
·         Phỏng vấn các tín đồ Cao Đài về Chi Phái 1997, một công cụ hoàn toàn do Đảng Cộng Sản Việt Nam dựng lên để tiêu diệt Đạo Cao Đài nhưng lại mạo danh là Đạo Cao Đài.
·         Phỏng vấn giáo dân của Giáo Xứ Kẻ Gai, là nhân chứng tố cáo việc chính quyền sử dụng lực lượng Hội Cờ Đỏ để đàn áp giáo dân, nhưng lại bị chính quyền quay ra truy nã để khởi tố.
·         Phỏng vấn các người Hmong và người Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành đã bị tước bỏ quyền công dân vì không chấp nhận bỏ đạo.
·         Lấy thông tin về các tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo đang bị tù đày vì đứng lên đòi tự do tôn giáo, và về cái chết đau đớn của anh Nguyễn Hữu Tấn, tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo, trong đồn công an.
·         Lấy thông tin về các chùa Phật Giáo độc lập đang bị chính quyền địa phương phong toả hoặc đập phá, về tình trạng của Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ và nhiều vị sư đang bị cô lập và giam lỏng.
·         Lấy thông tin từ Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam về các nữ tù nhân lương tâm như Blogger Mẹ Nấm, Cô Trần Thị Nga, Bà Đỗ Thị Hồng…

Các tham dự viên người Việt đến từ trong và ngoài nước đang tiếp xúc các giới chức quốc tế và Hoa Kỳ (ảnh BPSOS)
Buổi họp bàn tròn đa tôn giáo Việt Nam
Hội nghị chính thức chấm dứt trưa Chủ Nhật 19 tháng 8, nhưng các tham dự viên người Việt đã ở lại để dự buổi họp bàn tròn đa tôn giáo Việt Nam. Sau phần cập nhật tình hình của mỗi cộng đồng, mọi người đã góp ý và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau cũng như đề nghị một số lĩnh vực hợp tác.
Khá nhiều đại diện của các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng ở nán lại để dự thính. Họ ngạc nhiên khi thấy các cộng đồng tôn giáo, một cách không ồn ào nhưng hiệu quả, đã hợp tác và tương trợ cho nhau để cùng nhau bảo vệ quyền tự do tôn giáo cho chính mình và cho mọi người.
Bàn tròn đa tôn giáo Việt Nam là 1 trong 3 bàn tròn đa tôn giáo trên thế giới. Bàn tròn đa tôn giáo Hoa Kỳ được hình thành năm 2010 và bàn tròn đa tôn giáo Liên Âu năm 2016.
Những thành quả trước mắt
Khu vực hoá và quốc tế hoá vấn đề nhân quyền ở Việt Nam là một chiến lược của BPSOS vì sẽ khó cho chính quyền Việt Nam lên án nỗ lực chung của nhiều quốc gia khu vực và quốc tế.  Điều này cũng áp dụng cho các thể chế độc tài khác như ở Miến Điện và Lào. Một chỉ dấu đo lường là số tổ chức quốc tế và khu vực tham gia, năm nay đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Điều này cho thấy nỗ lực tạo phong trào toàn khu vực ĐNÁ đang có tác dụng.
Lôi kéo các tổ chức quốc tế hợp tác để phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam cũng nằm trong kế hoạch chiến lược của BPSOS. Trong 3 năm qua, ít ra đã có thêm 6 tổ chức quốc tế có chương trình nhắm vào Việt Nam. Qua hội nghị SEAFORB IV, có thêm 4 tổ chức ngỏ ý muốn hợp tác để mở chương trình hướng về Việt Nam.
Từ năm 2014, BPSOS đã phối hợp với 2 tổ chức bạn để huấn luyện cho các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc ở trong nước báo cáo vi phạm. Đến nay trên 1,500 người đã được đào tạo về thu thập và phối kiểm thông tin, và 150 người về viết báo cáo theo đúng thủ tục và tiêu chuẩn của LHQ. Kết quả, gần 150 bản báo cáo về vi phạm tự do tôn giáo đã nộp cho LHQ. Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay niềm tin, Ts. Ahmed Shaheed, xác nhận là về số báo cáo vi phạm thì Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Iran, một quốc gia Hồi Giáo cực đoan. Với số người đang tiếp tục được BPSOS huấn luyện, chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ vượt qua mặt Iran và trở thành quốc gia bị báo cáo vi phạm đứng đầu thế giới.
Ba vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo đã nhận được sự đồng tình hậu thuẫn của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế: Xử trị các thành viên Hội Cờ Đỏ, phanh phui thực chất của Chi Phái 1997, và giải quyết tình trạng “vô tổ quốc” của hàng chục nghìn người Hmong và người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành. Ngoài ra, vấn đề tù nhân lương tâm cũng được nêu lên và thu hút được sự chú ý của nhiều tổ chức quốc tế cho Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cô Trần Thị Nga, Ms. A Đảo, Ông Hoàng Đức Bình và tín đồ Ân Đàn Đại Đạo Đỗ Thị Hồng.
Những tham dự viên, kể cả người Việt và người ngoại quốc, lần đầu tham gia đã mục kích sự thể hiện cụ thể sách lược của BPSOS để dân chủ hoá Việt Nam trong sự ổn định và hoà bình: (1) đào tạo nguồn nhân lực, nhiều trăm người một lúc, cho các cộng đồng để tăng khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích; (2) kết nối các cộng đồng ấy với nhau để cùng phát huy các lĩnh vực nhân quyền mà nhà nước Việt Nam đã cam kết với quốc tế, như nữ quyền, quyền của trẻ em, quyền tự do tôn giáo, quyền lao động, quyền không bị tra tấn…; (3) nối kết các cộng đồng và tổ chức xã hội dân sự trực tiếp với quốc tế; (4) nối kết mỗi cộng đồng với một nhóm kết nghĩa ở hải ngoại để chóng phát huy thế vầ lực.
Sự mệnh bảo vệ
Trước, trong và sau những ngày hội nghị, nhiều tham dự viên đã có dịp tiếp xúc với các nhóm người Việt đang lánh nạn ở Thái Lan, và các luật sư và nhân viên thuộc văn phòng pháp lý mà BPSOS thành lập từ năm 2010 để bảo vệ họ.
Trong số khoảng 1,500 người Việt lánh nạn ở Thái Lan, đa số là nạn nhân của chính sách đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, nhưng cũng có những nạn nhân buôn người, các người tranh đấu cho dân oan, các thành viên của các tổ chức đấu tranh dân chủ, một số blogger… BPSOS là tổ chức người Việt duy nhất có chương trình bảo vệ quyền tị nạn của những đồng bào này.
Riêng phái đoàn của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế đã ở nán lại thêm 2 ngày để phỏng vấn nhiều thành phần nạn nhân bị đàn áp tôn giáo đang được BPSOS giúp đỡ và bảo vệ. Một số anh chị người Việt đến từ các quốc gia khác cũng đã thăm viếng một số nhóm đồng bào đang lánh nạn, tặng bánh kẹo cho trẻ em, gạo cho người lớn, và ít tiền mặt cho mỗi gia đình để chi dụng hàng ngày.

Phát bánh kẹo cho các trẻ em tị nạn (ảnh Nga Đinh)
Ngay tại hội nghị, gian hàng CHAMALiiN đã thu hút được nhiều khách mua. Đây là chương trình của BPSOS để giúp một số phụ nữ trong các gia đình đang lánh nạn sản xuất các mặt hàng thủ công để tạo thêm thu nhập. Trong mấy ngày hội nghị, số mặt hàng bán được lên đến trên 2 nghìn Mỹ kim.
Cũng trong sứ mệnh bảo vệ, BPSOS đang theo dõi và viết báo cáo về sự an nguy của các tham dự viên của hội nghị sau khi họ về nước, đối với Việt Nam và Miến Điện. Một giao ước đương nhiên của các quốc gia khi ký kết công ước LHQ về nhân quyền là không được trả thù những ai báo cáo vi phạm. Vì các tham dự viên đến từ Việt Nam và Miến Điện đều đã tiếp xúc trực tiếp với vị Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin để báo cáo các vị phạm ở trong nước, trừng phạt hay gây khó dễ cho họ chính là vi phạm giao ước này.
Ngoài ra, BPSOS cũng đang lập bản báo cáo về việc 8 người Việt thuộc 3 cộng đồng tôn giáo đã bị chặn tại phi trường Tân Sơn Nhất hoặc một số cửa khẩu đường bộ khi họ đang trên đường đến dự hội nghị.
Triển khai nỗ lực phát huy tự do tôn giáo toàn cầu
Từ năm 2014, trong vai trò thành viên, BPSOS đã thúc đẩy Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Hoa Kỳ tập trung sự quan tâm vào vùng Đông Nam Á. Trong các cuộc họp hàng tuần của Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Hoa Kỳ với Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Sam Brownback, nỗ lực của BPSOS để tạo phong trào phát huy tự do tôn giáo toàn vùng ĐNÁ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, nhất là khi Hội Nghị SEAFORB IV được tổ chức chỉ 3 tuần sau cuộc họp cấp bộ trưởng do Ngoại Trưởng Hoa Kỳ triệu tập ở Hoa Thịnh Đốn.
Như là một chỉ dấu của sự liên hệ giữa 2 sự kiện này, khá đông những người đã tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng trước cũng đã có mặt tại Hội Nghị SEAFORB IV, như Uỷ Viên Nadine Maenza của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Bà Mariah Mercer phụ tá của Đại Sứ Lưu Động Sam Brownback, Tiến Sĩ Scott Flipse phụ tá của Dân Biểu Christopher Smith, các thành viên của những tổ chức Religious Freedom Institute, Hudson Institute, Freedom House, Advocates International, ADF International, CSW, v.v.
BPSOS sẽ tường trình về hội nghị SEAFORB tại buổi họp của Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Hoa Kỳ với Bộ Ngoại Giao.

Bài liên quan:
Hoa Kỳ phát động phong trào toàn thế giới bảo vệ tự do tôn giáo
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1380-2018-07-31-19-50-44.html
Tuyên Bố và Kế Hoạch Hành Động Potomac
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1384-2018-08-16-01-35-53.html
Sự kiện lịch sử: Hoa Kỳ triệu tập Hội Nghị Các Bộ Trưởng để Phát Huy Tự Do Tôn Giáo
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1376-2018-07-19-03-56-28.html

Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo ở Đông Nam Á Lần 4: Phong trào đang lan rộng