Vụ án Đặng Văn Hiến: Phán ai giết người mới đúng tội?
Sau khi Đặng Văn Hiến bị tuyên án tử hình trong vụ tranh chấp đất với công ty Long Sơn tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, nhiều người dân tham dự phiên tòa đã lập tức phản đối bản án ngay tại chỗ.
Theo họ, kẻ đầu sỏ và phải gánh trách nhiệm trong vụ việc đã gây ra cái chết cho ba người và khiến 13 người khác bị thương không phải là ông Hiến, mà là Phó giám đốc Công ty Long Sơn, Nguyễn Xuân Thiên Sửu. Ông Sửu là người đã ra lệnh cho khoảng 30 người của đội cưỡng chế của công ty Long Sơn sử dụng máy móc và hung khí để tiến vào và tấn công mảnh đất nơi ông Hiến và gia đình cư trú.
Người dân Tuy Đức có thể không biết rằng lý lẽ và cảm nhận của họ là hoàn toàn tương đồng với một khái niệm pháp lý lâu đời trong hệ thống thông luật: Nguyên tắc “mưu sát đại hình” (Felony Murder Rule).
Khái niệm của mưu sát đại hình có thể hiểu là, một bị cáo có thể bị buộc tội mưu sát cấp một (first degree murder) cho dù không trực tiếp ra tay giết chết nạn nhân.
Mưu sát tức là cố ý giết người – chứ không phải là tội ngộ sát hoặc lỡ tay giết người. Tội danh mưu sát cấp một có hình phạt cao nhất là án tử hình trong luật hình sự Hoa Kỳ.
Cùng là hai quốc gia đại diện cho hệ thống thông luật, nhưng Anh và Mỹ có định nghĩa và phương thức áp dụng nguyên tắc “mưu sát đại hình” hoàn toàn khác nhau. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ bàn và tham khảo luật Hoa Kỳ. Bởi vì tuy rằng nguyên tắc này từng được Anh quốc áp dụng bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ 17, nhưng nó đã bị xóa bỏ tại đây. Từ thế kỷ 19 cho đến nay, Hoa Kỳ mới là quốc gia áp dụng nguyên tắc “mưu sát đại hình” một cách rộng rãi nhất.
Ta hãy xem xét hai ví dụ sau đây:
Ví dụ thứ nhất: một người nông dân vì tranh chấp đất đai mà châm lửa đốt một cái chuồng nuôi bò bỏ hoang trên trang trại của người láng giềng trong đêm. Chẳng may lửa lan quá nhanh và làm cháy toàn bộ ngôi nhà của người láng giềng dẫn đến chết người. Người phóng hỏa trong vụ việc có thể bị buộc tội mưu sát cấp một mặc dù anh ta chưa chắc đã có ý định gây ra thương tích cho bất kỳ ai. Phía công tố chỉ cần đưa ra bằng chứng về ý đồ phóng hỏa cái chuồng bò của bị cáo là đủ để truy tố tội mưu sát.
Ví dụ thứ hai: hai kẻ cướp xông vào ngân hàng nhưng lực lượng cảnh sát đã kịp đến. Hai bên đều nổ súng và cảnh sát lỡ tay bắn chết cô thu ngân. Viên cảnh sát được xem là vì đã bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân mới nổ súng, nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, cả hai người đi cướp ngân hàng đều có thể bị truy tố tội mưu sát cấp một nếu phía công tố áp dụng nguyên tắc “mưu sát đại hình” trong vụ án này.
Mưu sát đại hình là một ngoại lệ trong các định nghĩa về mưu sát trong hệ thống thông luật. Nguyên tắc này không đòi hỏi phía công tố phải chứng minh kẻ bị buộc tội giết người có mưu đồ giết chết nạn nhân (intent to kill), hoặc có hành vi quá sức tắc trách dẫn đến chết người (act with intent or a reckless indifference). Bị cáo thậm chí cũng chẳng cần phải là người trực tiếp gây ra cái chết của nạn nhân.
Đòi hỏi duy nhất đó là bị cáo đã tham gia vào một vụ án có tính chất nguy hiểm cố hữu (inherent dangerous crimes). Trong hệ thống thông luật, những tội hình sự “có tính chất nguy hiểm cố hữu” thường bao gồm (nhưng không phải toàn bộ): trộm cắp, đánh cướp, bắt cóc, phóng hỏa và hãm hiếp.
Một vụ án nổi tiếng trong những năm gần đây ở bang Indianna, Hoa Kỳ đã xới lên các tranh cãi về nguyên tắc này. Tháng 9/2015, Tối cao Pháp viện bang Indianna (Supreme Court of Indianna) đã lật ngược lại bản án của ba bị cáo trong vụ án thường được gọi là “Vụ án Bộ tứ Elkhart” (Elkhart Four). Ba bị cáo đã bị tuyên án 55 năm tù giam vì bị phía công tố áp dụng nguyên tắc “mưu sát đại hình” để truy tố trách nhiệm hình sự trong cái chết của người đồng phạm.
“Bộ tứ Elkhart” vốn là những thiếu niên có phần nổi loạn ở nơi họ sống, và vào một đêm tháng 10/2012 đã rủ nhau đi trộm nhà một người hàng xóm là ông Rodney Scott. Scott tỉnh dậy kịp lúc và dùng súng bắn vào nhóm bốn người này khiến một bị thương và một tử vong tại chỗ. Bộ Tứ Elkhart không hề mang theo vũ khí, và cũng không có bất kỳ chứng cớ gì để cho thấy họ đe dọa đến tính mạng chủ nhà.
Ông Scott vì tự vệ trong nhà nên không hề bị truy tố hình sự. Ngược lại, ba kẻ trộm còn sống sót đều bị buộc tội giết người cấp một đối với cái chết của người đồng phạm. Tối cao Pháp viện bang Indianna đã lật ngược bản án, nhưng không phải là vì nguyên tắc “mưu sát đại hình” bị xem là không có giá trị pháp lý, mà tòa cho rằng hành vi đào tường khoét vách của “Bộ tứ Elkhart” chỉ là ăn cắp vặt, không đủ cấu thành “hành vi có tính nguy hiểm cố hữu”.
Có thể bạn sẽ thắc mắc, nếu như không có ý định giết người thì làm sao lại có thể buộc tội bị cáo với tội danh mưu sát ở cấp độ cao nhất?
Đó là bởi vì pháp luật Mỹ cho rằng, khi một người có những hành vi mang “tính chất nguy hiểm cố hữu”, thì họ đã cố ý bỏ mặc an nguy và thậm chí là sinh mạng của người khác để phạm tội. Vì vậy, kẻ vi phạm phải gánh trách nhiệm về tất cả các hậu quả mà mối nguy hiểm đó có thể gây ra cho người khác. Điều này bao gồm cả tội mưu sát nếu có án mạng xảy ra, bất chấp là bị cáo có đích thân ra tay hay không.
Nếu giả sử chúng ta áp dụng nguyên tắc “mưu sát đại hình” của luật Hoa Kỳ vào vụ án cưỡng chế đất ở Tuy Đức của công ty Long Sơn thì ai mới là người phải chịu trách nhiệm pháp lý về ba cái chết liên quan?
Theo báo chí, 30 nhân viên của công ty này đã dùng máy móc và hung khí tấn công trước vào mảnh đất mà gia đình của ông Hiến và những nông dân khác đang cư ngụ. Ông Hiến và các đồng phạm vì tự vệ trong cuộc tấn công này nên đã nổ súng gây ra thương vong.
Nếu thật sự là một vụ án ở Mỹ, thì quyền tự vệ của ông Hiến rất có thể được công nhận và ông sẽ không bị truy tố hình sự (tương tự như ông Scott trong vụ “Bộ tứ Elkhart” nói trên). Và nếu chúng ta áp dụng nguyên tắc “mưu sát đại hình”, thì chính những nhân viên và lãnh đạo thuộc công ty Long Sơn có tham dự vào cuộc cưỡng chế mới phải bị truy tố với tội danh giết người.
Lý do là vì, việc một nhóm người mang xe ủi, máy cày và hung khí đến tấn công người khác là hành vi “có tính nguy hiểm cố hữu”. Nó cho thấy nhóm người này vốn xem thường an nguy của người xung quanh và là căn cứ để áp dụng nguyên tắc “mưu sát đại hình”.
Nguyên tắc “mưu sát đại hình” tồn tại đến ngày nay trong luật Hình sự Hoa Kỳ có lẽ là vì người Mỹ vẫn cho rằng, những kẻ đã cố tình gây ra nguy hiểm đến tính mạng và sự an toàn của người khác thì phải chịu sự trừng phạt cao nhất. Đó cũng là một nhu cầu đòi hỏi công lý phải được thực thi của số đông dân chúng Mỹ, mà điểm này cũng thật tương đồng với quan điểm của người dân tham gia phiên xét xử ông Đặng Văn Hiến.