Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

2082. QUAN ĐIỂM TRÙNG HỢP CỦA HIỀN TÀI HỒ XƯA & CHI PHÁI 1997 VỀ THÁNH LỊNH 257.

QUAN ĐIỂM TRÙNG HỢP CỦA HIỀN TÀI HỒ XƯA & CHI PHÁI 1997 VỀ THÁNH LỊNH 257.
Bài 01.
Đạo hữu Dương Xuân Lương.
Tháng 10 năm 2016 một số vị Hiền tài hải ngoại tự phong lên quốc sĩ… Dĩ nhiên việc làm của các vị là sai với pháp luật đạo. Đồng đạo đã căn cứ vào pháp luật đạo để chỉ ra việc sai trái rất mạnh mẽ và minh bạch.
Ông Hiền Tài Hồ Xưa cũng nhận định rằng các vị tự phong đã sai.
Tuy nhiên điều chúng tôi đặc biệt quan tâm là nhân đó ông Hồ Xưa trình bày quan điểm về Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp lập năm 1957. Ông Xưa viết: Đó là luật tạm thời giải quyết ách tắc của Đạo trong lúc nguy khốn trước đây.

Quan điểm ông Hồ Xưa rất giống với quan điểm của chi phái Cao Đài quốc doanh lập năm 1997: Vì thế, nội dung Thánh lịnh 257 là phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của thời đó.
Chúng tôi lại hiểu rằng Thánh Lịnh 257 có giá trị trong suốt chu kỳ (Thất ức niên) của Đạo Cao Đài. Hội Thánh Cao Đài cũng không có quyền hủy bỏ Thánh Lịnh 257. Chỉ có Đức Hộ Pháp hay Đấng Thiêng Liêng về cơ tại Cung Đạo tuyên bố hủy bỏ Thánh Lịnh 257.  
Do vậy chúng tôi đưa ra nhận định về quan điểm của Ông Hồ Xưa và chi phái 1997 đồng thời làm sáng tỏ giá trị Thánh Lịnh 257.
Chúng tôi nghĩ rằng việc tiếp xúc với những quan điểm khác nhau sẽ giúp ích cho đồng đạo còn theo chánh giáo chơn truyền của Đạo Cao Đài 1926 hiểu đúng giá trị Thánh Lịnh 257.
I/- Trích văn từ ông Hồ Xưa và chi phái 1997.
Chúng tôi xin trích văn như sau:
1/- Quan điểm ông Hồ Xưa (tháng 10.2016).
Họ còn luận biện những điều nghich lý, lấy Thánh lịnh 257 của Đức Tôn Sư Phạm Hộ Pháp năm 1957, làm căn bản để phong phẩm Quốc Sĩ, Hiền Tài cho mình và cho người khác, kể cả người không có Đạo.
        Tại sao không tìm hiểu để biết rằng: Thánh lịnh 257 vốn là lời dạy của Đức Tôn Sư chỉ bảo để phòng hờ trong giai đoạn cực kỳ khó khăn khi chế độ Ngô đình Diệm tìm cách tiêu diệt Đạo, bức hại các Chức sắc lãnh đạo Hội Thánh. Hộ Pháp dạy các Chức sắc, Chức việc bên dưới chuẩn bị tinh thần, sẳn sàng lo bầu cử người thay thế lãnh đạo Hội Thánh liền theo Tân luật, PCT để giữ vững và điều hành mối Đạo của Thầy. Đó là luật tạm thời giải quyết ách tắc của Đạo trong lúc nguy khốn trước đây. Ai cho phép quí vị lấy Thánh lịnh đó để tự ban phẩm Quốc sĩ, Hiền Tài một cách tự biên tự diễn? Tài liệu mang ý nghĩa một đàng lại đi làm theo một nẽo, theo phàm tâm, thật là phi lý….
2/- Quan điểm chi phái Cao Đài quốc doanh (tháng 5.2015).
Báo Tây Ninh đăng ngày 29.05.2015.
…Chúng tôi hỏi, trong Thư trình bày về việc tổ chức ĐHNS, những người tự xưng KNS có trích dẫn Thánh lịnh 257 ngày 11 tháng Giêng năm Đinh Dậu (10.2.1957) do Đức Hộ pháp ấn ký, theo đó “…Dù cho cội đạo bị cốt từ trên tới gốc đi nữa thì nó vẫn nẩy chồi, biến thành năm, bảy cây khác. Đó đã chỉ rõ rằng Hội thánh của đạo Cao Đài chẳng hề bị tuyệt. Ấy vậy, chiếu theo khuôn luật trên: Hễ quyền trên của ai đã bị quỉ quyền truất phế thì dưới phải tiếp tục cầm quyền thiêng liêng của đạo. Nói cho cùng chức sắc thiên phong mà bị bắt đi nữa thì dưới này các Bàn tri sự và tín đồ cùng công cử người thay thế cho họ”.
Như thế việc những người tự xưng KNS dựa vào Thánh lịnh 257 để tự tổ chức ĐHNS là đúng hay sai? Ông Phối sư trả lời: Việc này phải xem xét theo điều kiện lịch sử cụ thể. Chúng ta biết, bối cảnh lịch sử năm 1957 là cả miền Nam chìm đắm trong “đêm trường trung cổ” do chính quyền Ngô Đình Diệm không thực hiện Hiệp định Genève quy định việc hiệp thương bầu cử thống nhất đất nước, cố duy trì tình trạng đất nước chia hai, đồng thời ra sức đàn áp các tổ chức đảng phái, tôn giáo chống lại chúng, trong đó có đạo Cao Đài.
Thời đó chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài bị Ngô Đình Diệm bắt bớ, giam cầm, thủ tiêu rất nhiều, thậm chí Đức Hộ pháp phải lưu vong sang Campuchia. Do đó, Đức ngài mới ban Thánh lịnh để củng cố đức tin của người đạo, động viên tín đồ giữ gìn nền đạo khỏi phải “bị tuyệt”.
Vì thế, nội dung Thánh lịnh 257 là phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của thời đó. Còn bây giờ đạo Cao Đài vẫn tồn tại và phát triển liên tục suốt 90 năm, nhất là từ khi đất nước hoà bình thống nhất 40 năm qua, số lượng tín đồ ngày càng đông đảo, số lượng ngôi thờ phượng Chí tôn, Phật mẫu ngày càng nhiều, ngày càng lộng lẫy nguy nga, Tổ đình Toà thánh hết sức khang trang, hằng năm vào các kỳ đại lễ có hàng trăm ngàn tín đồ trong, ngoài nước về dự lễ, sinh hoạt tín ngưỡng hoàn toàn tự do… chứ có phải đạo “bị tuyệt”, chức sắc, chức việc, tín đồ bị bắt bớ, giam cầm, thủ tiêu như thời chính quyền Ngô Đình Diệm cai trị miền Nam đâu mà phải vịn vào Thánh lịnh 257 để biện minh cho việc làm trái luật đạo, như việc tự động tổ chức ĐHNS của nhóm người tự xưng KNS?!
3/- Đối chiếu và nhận xét:
Ông Hồ Xưa nhận định rằng: Đó là luật tạm thời giải quyết ách tắc của Đạo trong lúc nguy khốn trước đây.
Chi phái quốc doanh nhận định: Vì thế, nội dung Thánh lịnh 257 là phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của thời đó.
Nhận xét:
Điểm căn bản của Hiền Tài Hồ Xưa và chi phái Cao Đài quốc doanh lập năm 1997 là Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp chỉ là tạm thời….
Ông Hồ Xưa và chi phái Cao Đài quốc doanh có quan điểm rất giống nhau về Thánh Lịnh 257.
Vậy nhận định như thế là đúng hay sai theo pháp luật tôn giáo?
Chúng tôi sẽ phân tích trong bài tiếp theo.

(Còn tiếp: Hiểu như thế là sai pháp luật đạo).