Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

2078. 10.676. Chính sách ngoại giao xoay trục của Tổng thống Duterte

Posted by adminbasam on 04/11/2016

LS Nguyễn Văn Thân. 4-11-2016


Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte vừa thực hành chyến công du Trung Quốc 4 ngày từ 18-21 tháng 10 vừa qua cùng với một phái đoàn có hơn 400 doanh nhân theo tháp tùng. Nước chủ nhà Trung Quốc đã long trọng trải thảm đỏ đón Duterte tại Đại sảnh đường Nhân dân Bắc Kinh. Tổng thống Phi hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ Tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc Hội Trương Đức Giang, tức là 3 nhân vật lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc. Sau các cuộc họp mặt, hai bên công bố hàng loạt hợp đồng thỏa thuận và viện trợ kinh tế trị giá 24 tỷ Mỹ kim.

Nhưng điều đáng chú ý nhất là lời phát biểu của Duterte. Ông tuyên bố là đã đến lúc Phi Luật tân nói lời chia tay với “người tình trăm năm” Hoa kỳ. Ông còn bạo miệng cảnh báo là Phi Luật tân sẽ cùng với Trung Quốc và Nga lập ra một trục ”3 quốc gia” để đối trọng với “thế giới” (dưới tầm ảnh hưởng của Mỹ?). Vẫn biết Duterte là một người thường có những lời phát biểu bốc đồng nhưng câu nói này đã gây chấn động lớn không chỉ ở Mỹ mà toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Không lẽ đồng minh thân cận và lâu đời nhất của Mỹ sẽ ngoảnh mặt quay lưng và kết thân với “tình địch”, một viễn cảnh không thể tưởng tượng được.
Lý do tại sao lại có cảnh ngang trái thế này? Một số nhà bình luận cho rằng là vì quyền lợi kinh tế. Phi Luật tân là một nước đang phát triển. Hàng năm Mỹ viện trợ khoảng 170 triệu Mỹ kim cho Phi Luật tân mà căn bản là trong lãnh vực quốc phòng. Đây là một con số rất thấp so với 1.5 tỷ mà Mỹ viện trợ cho Ai cập và Pakistan cũng như 3.5 tỷ cho Do Thái. Duterte muốn tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng cụ thể là hệ thống đường sắt. Trung Quốc với chính sách viện trợ bằng cách cho vay ưu đãi với lãi suất thấp (concessional loans) là một giải pháp mà đôi bên cùng có lợi. Nước được viện trợ thì có hệ thống giao thông giúp cho kinh tế phát triển. Các nhà thầu, công ty Trung Quốc có cơ hội xâm nhập vào thị trường bản địa. Và dĩ nhiên chính quyền Trung Quốc đạt được mục đích chiến lược. Đây là quốc sách mà Trung Quốc đã và đang thực hiện với nhiều quốc gia gồm có Việt nam, Cam bốt, Lào cũng như một số nước ở châu Phi. Phi Luật tân chỉ là “khách hàng ngon nhất” vì mới vừa giựt được trên tay từ đối thủ Hoa Kỳ.
Thật ra, kinh tế chỉ là một yếu tố phụ. GDP của Phi Luật tân tăng trưởng khoảng 7% trong vài năm qua. Nhưng cuộc chiến chống ma túy của Duterte cùng với những phát ngôn ngoại giao tiền hậu bất nhất đã có một số ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chánh và đầu tư. Đồng Peso tụt giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua. Một số dự án đang bị khựng lại vì các nhà đầu tư không tiên đoán được bước đi kế tiếp của chính phủ Phi. Điều quan trọng hơn là cá tính và tư duy chính trị của Duterte. 
Duterte là một lãnh tụ có khuynh hướng độc tài, chuyên chế và ông có thành kiến nặng nề với Hoa Kỳ. Duterte sinh ngày 28/3/1945 tại Maasin. Vào năm 1948, gia đình Duterte di chuyển tới Mindanao là nơi có đông người Hồi Giáo trong một quốc gia mà đa số dân chúng thuộc đạo Công Giáo. Khu vực này chưa bao giờ hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát của chính quyền thực dân Tây Ban Nha. Khi Hoa Kỳ đánh bại Tây Ban Nha và tiến vào thay thế, cư dân địa phương nổi dậy chống lại mạnh mẽ. Hình ảnh của các cuộc dẹp loạn đẫm máu vẫn còn ăn sâu trong ký ức của nhiều người dân Mindanao.
Bố của Duterte từng là Thống Đốc Mindanao. Theo lời của một người chị, bà nội của Duterte là người Hồi Giáo và là người đã kể lại nhiều câu chuyện đàn áp và hiếp đáp dân lành của quân lính thực dân Mỹ.  Chính Duterte cũng cho biết là ông đã từng bị lạm dụng tình dục bởi một vị linh mục người Mỹ là Father Mark Falvey SJ. 
Thưở thiếu thời, Duterte là một cậu bé ngổ ngáo và từng bị đuổi học vì dám vấy mực lên áo của một vị linh mục và là thầy giáo tại một trường đạo Jesuit. Ông Carlos Dominguez III là bạn học và hiện nay là Bộ Trưởng Tài Chánh trong Nội Các của Duterte kể lại là hồi đó Duterte rất thích đánh lộn. Cũng theo lời kể của một người chị, có một buổi tối bà nhìn thấy Duterete lảo đảo bước vào nhà tay ôm vết thương bị dao đâm từ một trận ẩu đả ở ngoài đường. Trong lúc vận động tranh cử tổng thống hồi tháng 4 năm 2016, chính Duterte tự thú là đã từng dùng súng bắn một người học cùng trường vì bị nhạo báng về màu da và chủng tộc. Hậu quả là người bạn này bị thương ở chân còn Duterete thì bị đuổi học.
Tại trường Đại Học Manila, Duterte ghi danh học chính trị với Jose Maria Sison là người sau này sáng lập ra Đảng Cộng Sản Phi Luật Tân và cũng khởi động một cuộc cách mạnh võ trang vào năm 1969. Sison hiện nay đang sống lưu vong tại Hòa Lan và nói rằng đã từng truyền đạt cho Duterte nhiều bài học về “tội ác của Đế Quốc Mỹ” cũng như mối quan hệ tham nhũng giữa Hoa Kỳ và những gia đình chính trị nắm quyền tại Manila. Duterete tốt nghiệp Cử nhân Văn khoa (Khoa học Chính trị) vào năm 1968 và cử nhân luật tại San Beda Law College vào năm 1972. Sau đó, ông làm việc cho văn phòng công tố của Thành Phố Davao từ 1977 tới 1986 khi ông trở thành Phó Thị Trưởng Davao. Tới năm 1988, ông tranh cử và làm Thị Trưởng Davao cho tới 1998 khi ông trở thành dân biểu đại diện cho Davao. Tới năm 2001, ông trở lại tranh cử và tái đắc cử làm Thị Trưởng Davao tới năm 2016, tổng cộng là 7 nhiệm kỳ với một thời gian ngắn bị gián đoạn vì luật giới hạn nhiệm kỳ liên tục.
Về gia thế, Duterte cưới bà Elizabeth Zimmerman là một chiêu đãi viên hàng không vào năm 1973. Họ có chung với nhau 3 đứa con. Bà Zimmerman đệ đơn xin ly dị vào năm 1998 và được tòa chấp thuận vào năm 2000. Duterete thẳng thắn nhìn nhận lý do hôn nhân đổ vỡ là vì sở thích ngoại tình và bay bướm của ông. Người dân Phi thích Duterte là ở tánh thẳng thắn và thành thật, có sao nói vậy chớ không biện bạch hoặc tránh né. Trong khoảng thời gian Duterte làm Thị Trưởng Davao, các tổ chức nhân quyền quốc tế như Amnesty International và Human Rights Watch gọi ông là “kẻ trừng phạt” (the punisher). Hàng ngàn người gồm có trẻ em vô gia cư mà Duterte gọi là “tội phạm cặn bã của xã hội” bị sát hại mà không thông qua một phiên tòa xét xử nào. Chính Duterte lên truyền hình đọc tên “tội phạm” và một số người sau đó đã bị giết chết. Ông nói rõ là đối với ông, “tội phạm là mục tiêu chính đáng để bị thủ tiêu“.
Ngay khi mới nhậm chức tổng thống, Duterte đã áp dụng chính sách bài trừ ma túy như thời ông làm Thị Trưởng Davao. Chỉ trong vài tháng mà đã có hơn 3,000 tay mua bán kiêm con nghiện bị giết chết. Ông nói là nếu Phát Xít Đức có Hitler giết chết 3 triệu người Do Thái thì Phi Luật tân cũng có Duterte rất sẵn sàng tàn sát 3 triệu người Phi sử dụng ma túy.
Duterte cũng được biết tới như là “cái miệng thúi” (dirty mouth). Ăn nói tục tĩu thì khỏi bàn tới rồi. Vào khoảng tháng 4 năm 2016, trong lúc tranh cử tổng thống, Duterte phát biểu với ký giả là ông “ước gì được là người đầu tiên hãm hiếp” Jacqueline Hamill là một nữ Truyền Giáo người Úc đã bị phiến quân hãm hiếp tập thể và giết chết vào năm 1989 trong cuộc khủng hoảng con tin tại Davao. Khi Tổng Thống Obama có ý định đặt vấn đề nhân quyền với những vụ giết người như vậy thì liền bị Duterte chửi bới và gọi Obama là “con của một con đĩ”. Đại sứ Hoa kỳ tại Phi là Phillip Goldberg cũng bị Duterete miệt thị bởi vì ông là người đồng tính. Duterte có nhiều kinh nghiệm bất bình với Mỹ. Vào năm 2002, một công dân Hoa Kỳ trốn khỏi một khách sạn ở Davao một cách bí ẩn sau một vụ đánh bom. Duterter nghi ngờ là có liên can tới CIA. Sau đó không lâu, Hoa Kỳ từ chối không cấp visa cho Duterte và hủy visa làm việc của bà vợ sau của Duterte. Lý do là vì chính sách thủ tiêu tội phạm của Duterte. Cũng trong năm 2002, Hoa Kỳ yểm trợ cho quân lính Phi trong cuộc chiến với những phần tử Hồi Giáo ly khai tại Davao cũng như tiến hành tập trận chung vào năm 2007. Duterte thuyết phục Hội Đồng Thành Phố Davao ban hành nghị quyết ngăn chận cuộc tập trận chung này. Ông nói với truyền thông Phi là “tôi không muốn bất cứ lính Mỹ nào trong thành phố của tôi. Vì sự ngạo mạn và tự đại, Mỹ đã xâm lược Iraq để giết Saddam Hussein nhưng hủy diệt cả một quốc gia. Chúng ta không muốn điều đó xảy ra với đất nước Phi của mình“.
Trong một cuộc điều trần ở Thượng Viện Phi vào tháng 9 vừa qua, nhân chứng Edgar Matobato khai rằng ông từng là một sát thủ trong “Biệt đội Sát thủ” có khoảng 300 thành viên do Duterte lập ra để ám sát các tay mua bán ma túy. Từ 1988 tới 2013 khi Duterete làm thị trưởng thì có hơn 1,000 người đã bị ám sát. Matobato cũng khai rằng chính Duterte đã dùng súng máy bắn chết một nhân viên tư pháp. Thượng Nghị sĩ Leila de Lima là cựu Bộ Trưởng Tư Pháp và người lên tiếng chỉ trích Duterte mạnh mẽ nhất về chính sách bắn giết tội phạm bừa bãi. Cũng vì vậy mà bây giờ bà không dám sống ở nhà vị địa chỉ và số điện thoại tư nhân của bà đã bị Quốc Hội do nhóm thân cận với Duterte tiết lộ. Bà Lima đã ly dị vào năm 2007 và có quan hệ tình cảm với tài xế của bà là một người đàn ông đã có vợ. Theo truyền thống Công Giáo thì bà đã phạm tội ngoại tình. Phe cánh của Duterte hăm he là sẽ cho chiếu một cuốn phim có cảnh nóng của bà (sex tape). Còn Duterte thì nói rằng mỗi khi xem cuộn băng này thì mất ông mất cảm hứng. Không hiểu tại sao một vị tổng thống 71 tuổi lại thích coi phim sex mà còn khoe khoang như vậy? Có lẽ chỉ có ở Phi Luật tân mới có một vị tổng thống có thái độ hèn mạt như vậy đối với phụ nữ.

Tóm lại, tư cách của Duterte không khác gì Donald Trump và có lẽ còn tệ hơn. Thần tượng của Duterte là Ferdinand Marcos, cựu tổng thống Phi và là một nhà độc tài. Trước khi bị lật đổ, Marcos đã giết, tra tấn và bỏ tù hơn 100,000 người Phi và biển thủ hơn 10 tỷ Mỹ kim. Duterte muốn đưa hài cốt của Marcos về Nghĩa Trang Anh Hùng Quốc Gia để tưởng niệm nhà độc tài này. Không biết rồi đây “thành tích” của Duterte sẽ như thế nào khi so sánh với Marcos? Nếu ông thực hành đúng lời nói là sẽ tàn sát hết 3 triệu người Phi đang sử dụng ma túy thì tội ác của Marcos chẳng thấm vào đâu. Tòa Án Hình Sự Quốc tế đã cảnh báo là Duterte có thể bị truy tố về tội ác chống nhân loại. Cũng không có gì khó hiểu khi Duterte qụy lụy với Trung Quốc vì Bắc kinh không những không chỉ trích mà còn tích cực ủng hộ Duterte trong chiến dịch bắn giết tội phạm. Trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua thì cũng đã có một số mạnh thường quân Trung Quốc ẩn danh đóng góp trả tiền quảng cáo tranh cử cho Duterete. Xét cho cùng, một chính trị gia có tư duy độc tài và khát máu thân thiện tỏ tình với một nhà nước độc tài và khát máu thì không có điều gì khó hiểu.