10.636. Chính sách Tái Quân Bình
và An Ninh cho Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Posted by adminbasam on 01/11/2016
Xây
dựng một mạng lưới an ninh theo nguyên tắc
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm. Tháng 11-12/2016
Lời người dịch: Ash Carter đúc kết thành quả việc
triển khai chính sách Tái Quân Bình hướng về khu vực châu Á -Thái Bình Dương
của Obama qua các hợp tác liên minh quân sự với các đối tác. Trước hung đồ của
Trung Quốc, Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ việc xây dựng một mạng lưới an ninh theo
nguyên tắc và hy vọng rằng Hoa Kỳ có thể bảo đảm tương lai cho khu vực sẽ ổn
định và thịnh vượng hơn. Thực ra, bài này là diễn văn từ biệt của Ash Carter
với lời hứa hẹn trấn an cho các đối tác trước các biến chuyển triệt để gần đây.
Một là, Chiến lược Tái Quân Bình
sẽ chấm dứt khi nhiệm kỳ của Obama kết thúc. Tổng thống kế nhiệm sẽ tái tục cam
kết hỗ trợ cho khu vực hay không sẽ còn tùy thuộc vào các vấn đề quốc nội mà
trào lưu chống toàn cầu hoá là một thách thức chính. Hiện nay, 71 % dân chúng
Hoa kỳ mong cải thiện tình hình sản xuất nội địa băng các biện pháp bảo hộ mậu
dịch. Tăng trưởng kinh tế là mục tiêu ưu tiên mà chính quyền mới phải giải
quyết.
Hai là, chuyển hướng ngoại giao
của Philippines trong việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Với hàng loạt hợp
đồng trị giá gần 15 tỷ đô la và nhận được 9 tỷ tín dụng, Trung Quốc sẽ giúp cho
Philippines tạo 2 triệu công việc trong vòng 5 năm sắp tới. Hợp tác này tạo
nhiều bất ổn chiến lược khó lường cho tương lai khu vực và liên minh quân sự
Mỹ-Philippines. Philippines sẽ còn hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ hay
không như Ash Carter hy vọng là chuyện chưa thể xác định, nhưng Hoa Kỳ sẽ có ít
thiện chí hơn để đối phó với mọi tình huống mới ở Biển Đông và tập trung khả
năng cho nhu cầu về tự do hàng hải quốc tế.
Ba là, Việt Nam dù tiếp tục «đa
dạng hóa và đa phương hóa» trong chính sách đối ngoại, nhưng sẽ còn chịu nhiều
áp lực của Trung Quốc trong khi chưa xác định được tầm mức tác kại do
Philippnes gây ra. Hoa Kỳ chưa trình bày lập trường trong tình hình mới, thì
Việt Nam cũng chưa thể có một đối sách phù hợp. Thành tựu tương lai của Liên
minh Quân sự Việt – Mỹ cũng sẽ không có phép lạ để biến đổi nội tình suy yếu
của Việt Nam. Việt Nam sẽ giải quyết được một phần nào của vấn đề khi toàn dân
có sự hiểu biết, đồng thuận chính trị và quyết tâm chuyển hướng. Đồng thuận
Diên Hồng sẽ là phương sách đổi mới chính trị cho đất nước và sẽ có khả năng
thay thế cho đồng thuận của Hà Nội với Bắc Kinh và Washington.
***
Trong tháng Tư, tôi đã đặt vòng
hoa tại Nghĩa trang người Mỹ tại Manila, Philippines [1], nơi có khoảng 17.000
người Mỹ được mai táng. Nhìn lên bản đồ cẩn khảm của các trận đánh mà các địa
danh này vẫn còn âm hưởng trong Bộ Quốc phòng Mỹ – các trận chiến ở
Guadalcanal, Midway, vịnh Leyte, và nhiều trận khác nữa, thật là khó để không
tri ân vai trò thiết yếu mà quân đội Mỹ từ lâu đã đóng góp trong khu vực châu Á
– Thái Bình Dương. Nhiều người trong số các cá nhân được chôn cất tại nghĩa
trang này đã giúp giành chiến thắng trong Thế chiến II [2].
Đối với người dân và các quốc gia
trong khu vực, họ cũng giành được cơ hội để thực hiện một tương lai tươi sáng
hơn.
Kể từ khi Thế chiến II, những
quân nhân nam nữ của Mỹ đã làm việc từ ngày này qua ngày khác để giúp bảo đảm
an ninh cho khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Nhân viên người Mỹ trong khu vực
này được huy động ra tiền phương, họ phục vụ tại trại Humphreys và căn cứ không
quân Osan tại Hàn Quốc, căn cứ hải quân Yokosuka và căn cứ không quân Yokota ở
Nhật Bản, và ở các nơi khác, tất cả đã giúp cho Hoa Kỳ ngăn chặn các cuộc tấn
công và phát triển các mối quan hệ sâu đậm hơn với các quân đội trong khu vực.
Từ hàng ngàn chiến sĩ hải quân và thủy quân lục chiến hải ngoại này đến hàng
ngàn người khác thuộc các chiến hạm USS John C. Stennis, USS Blue Ridge, USS
Lassen, và các chiến hạm đã qua bao chuyến hải hành hàng triệu dặm, qua vô số
các lần chuyển qua các bến cảng, và đã bảo đảm an ninh cho các tuyến đường biển
của thế giới, bao gồm cả trong biển Đông. Và nhân viên người Mỹ đã hỗ trợ đào
tạo trong nhiều thập niên, bao gồm cả tổ chức tập trận với Philippines trong
hơn 30 năm mà ngày càng phức tạp.
Mỗi lần chuyển qua bến cảng, mỗi
giờ bay, mỗi cuộc tập trận, và mỗi cuộc hành quân đã làm tăng thêm cấu trúc của
sự ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Và mỗi quân nhân, thủy thủ,
phi công, và chiến sĩ thủy quân lục chiến đã giúp bảo vệ những nguyên tắc quan
trọng, chẳng hạn như giải quyết hòa bình các tranh chấp, quyền của các quốc gia
để tạo cho an ninh và sự lựa chọn kinh tế thoát khỏi sự ép buộc, và tự do không
lưu và tự do hàng hải được luật quốc tế bảo đảm.
Từ lâu, bảo đảm an ninh và duy
trì các nguyên tắc là chính sách của Hoa Kỳ. Trong các chính quyền của Đảng Dân
chủ và Đảng Cộng hòa, trong các thời gian lúc thặng dư và khi khiếm hụt, trong
chiến tranh và hòa bình, Hoa Kỳ đã đóng góp một phần vào các vấn đề an ninh,
ngoại giao và kinh tế của khu vực. Sự dấn thân này đã kéo dài bất chấp những dự
đoán thường xuyên rằng Hoa Kỳ sẽ nhường lại vai trò của người bảo chứng về an
ninh trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương.
Các kết quả thật là đặc biệt: từ
lâu, khu vực châu Á -Thái Bình Dương đã là một khu vực mà mọi quốc gia đều có
cơ hội để phát triển. Thật vậy, hết phép lạ kinh tế này đến phép lạ kinh tế
khác đã xảy ra ở đó. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và các nước Đông Nam Á đã
trỗi dậy và thịnh vượng, Trung Quốc và Ấn Độ hiện nay đang làm tương tự
như vậy. Sự tiến bộ của con người đã tạo ra các thắng lợi to lớn, khi giáo dục
được cải thiện và dân chủ được duy trì. Và nếu so với nhiều vùng khác trong
những thập niên gần đây, thì khu vực châu Á -Thái Bình Dương đã trải nghiệm ổn
định hơn và hòa bình.
Trong chiều hướng tiến bộ của khu
vực châu Á -Thái Bình Dương và tất cả các thay đổi trong các lĩnh vực quân sự,
chính trị và kinh tế mà nó đã mang lại, trong năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack
Obama đã công bố rằng ông đã “thực hiện một quyết định cân nhắc và chiến lược
xem Hoa Kỳ như là một quốc gia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò lớn
hơn và lâu dài hơn trong việc định hình cho khu vực này và cho tương lai. “Cái
gọi là Chính sách Tái Quân Bình [3] hướng về Châu Á -Thái Bình Dương đã tìm
cách tái khởi động năng lực các kết ước về quân sự, ngoại giao và kinh tế của
Hoa Kỳ. Sau một thập niên chống khủng bố và chiến tranh ở Trung Đông, Hoa-Kỳ
-và Bộ Quốc Phòng- sẽ chuyển các đầu tư, cam kết, và các hoạt động đến khu vực
châu Á -Thái Bình Dương. Từ năm năm nay, khi Bộ Quốc Phòng vận hành một giai
đoạn mới nhất của chủ trương Tái Quân Bình, điều quan trọng là xem xét sự tiến
bộ mà chúng tôi đã thực hiện, khi Hoa Kỳ làm việc để bảo đảm rằng khu vực châu
Á -Thái Bình Dương vẫn còn là một khu vực mà tất cả mọi người trỗi dậy và thịnh
vượng
Một khu vực đang thay đổi
Châu Á -Thái Bình Dương đang ngày
càng trở thành trung tâm thu hút về quân sự, chính trị và kinh tế của thế giới.
Chỉ việc dân số thay đổi cũng là đáng kinh ngạc: hơn một nửa của đời sống nhân
loại vốn dĩ đã nằm trong khu vực, và đến năm 2050, bốn nước của châu Á là Ấn
Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam dự kiến sẽ tăng với khoảng tổng số là
500 triệu người. Mặc dù một số dự báo gần đây của việc tăng trưởng giảm, khu
vực châu Á -Thái Bình Dương vẫn là một động lực chính của nền kinh tế toàn cầu
và thị trường không thể thiếu đối với hàng hóa Mỹ. Đây là khu vực đã làm cơ sở
của một số quân đội lớn nhất thế giới, và kinh phí quốc phòng cho khu vực đang
tăng lên. Bảo đảm an ninh trong tất cả các thay đổi này là ưu tiên đối với Hoa
Kỳ và nhiều quốc gia khác, vì những động lực này là những cơ hội mang đến không
chỉ cho sự phát triển và tiến bộ hơn, nhưng cũng còn cho cạnh tranh và đối đầu
to lớn hơn. Vì vậy, chủ trương Tái Quân Bình được thiết kế để bảo đảm sự ổn
định tiếp tục và tiến bộ của khu vực độc đáo này vào thời điểm của sự thay đổi.
Để làm như vậy, Washington đang
tăng cường các mối quan hệ kinh tế với khu vực, bởi vì vận mệnh kinh tế của Hoa
Kỳ và châu Á -Thái Bình Dương gắn chặt nhau. Khi các nền kinh tế châu Á tiếp
tục tăng trưởng, Hoa Kỳ muốn tăng cường phương sách cởi mở và kết hợp toàn diện
mà Hoa Kỳ đã được hưởng lợi với rất nhiều nước trong khu vực. Vì vậy, một trong
những sáng kiến quan trọng nhất của chính sách Tái Quân Bình là Quan hệ Đối tác
Xuyên Thái Bình Dương (TPP) [4], với mục đích là để ràng buộc Mỹ chặt chẽ hơn
với 11 nền kinh tế khác, bảo đảm một hệ thống thương mại với các tiêu chuẩn
cao, và hỗ trợ xuất khẩu của Mỹ và các công việc làm có lương cao tại Mỹ. TPP
là một cơ hội mà Hoa-Kỳ và Quốc hội không nên bỏ lỡ.
Dù vậy, qua chủ trương Tái Quân
Bình, Hoa Kỳ cũng đã tái khởi động năng lực về đường lối ngoại giao trong khu
vực. Ngoài tăng cường các cuộc thăm viếng tới khu vực của tổng thống và nội
các, Hoa Kỳ đang đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm thoại để giúp
xác định tương lai về an ninh, chính trị và kinh tế của khu vực châu Á -Thái
Bình Dương. Trong nhiều trường hợp, Hoa Kỳ đã đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán
này. Ví dụ như vào tháng hai, Tổng thống Obama đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh
đầu tiên của các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (tại
Sunnylands, California) tại đất Mỹ. Vào tháng chín, tôi đã tổ chức thảo luận về
các thách thức an ninh trong khu vực với mười bộ trưởng quốc phòng của các nước
ASEAN tại Hawaii.
Ngũ Giác Đài đang vận hành về mặt
quân sự của chính sách Tái Quân Bình để bảo đảm rằng Hoa Kỳ vẫn còn là một nước
chính yếu cung cấp về mặt an ninh cho khu vực trong nhiều thập niên sắp tới.
Giai đoạn đầu tiên của chính sách
Tái Quân Bình là tìm cách tăng cường tư thế quân đội để Hoa Kỳ tiếp tục đóng
một vai trò then chốt trên biển, trong không gian, và dưới lòng biển. Hoa Kỳ
cũng tìm cách tạo tư thế trong khu vực rộng lớn này để phân bổ về mặt địa
lý, có khả năng phục hồi nhanh về mặt hành quân, và tạo bền vững về mặt chính
trị. Bộ Quốc phòng Mỹ đã cam kết giử lại trong nước 60 phần trăm các lực lượng
hải quân hải ngoại và không quân trong khu vực. Bộ cũng đã công bố kế hoạch
hiện đại hoá các lực lượng hiện hữu tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi
duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Okinawa, Nhật Bản, Bộ đã bắt đầu tổ chức lại lực
lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ từ một tư thế tập trung cao độ ở đó đến các
địa điểm phụ thuộc, bao gồm Australia, Guam và Hawaii (xem Guam phục vụ như là
một trung tâm chiến lược).
Trong giai đoạn thứ hai của chính
sách Tái Quân Bình mà tôi đưa ra vào năm ngoái, Ngũ Giác Đài đang tiếp tục đưa
một số nhân viên quân sự giỏi nhất tới khu vực và điều động một số phương tiện
tiên tiến nhất ở đó. Những phương tiện này bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình
kiểu F-22 và F-35, máy bay tuần tra trên biển kiểu P-8A Poseidon, máy bay ném
bom loại V-22 Ospreys, tàu chiến oanh tạc kiểu B-2 và các tàu chiến kiểu mới
nhất. Bộ cũng đang dành nguồn lực cho các khả năng mới quan trọng cho chính
sách Tái Quân Bình. Chúng tôi đang tăng số lượng tàu chiến và làm cho mỗi tàu
trong trong số này có khả năng sát thương hơn, và chúng tôi đang đầu tư vào tàu
ngầm loại Virginia, máy bay tiên tiến không người lái trên biển, các máy bay
ném bom tấn công có tầm xa mới loại B-21, và các loại công cụ cho không
gian mạng, trong chiến tranh điện tử, và không gian.
Bộ Quốc phòng cũng đang khai
triển các chiến lược canh tân và khái niệm điều hành và thực tập những ý tưởng
mới trong các cuộc thực tập thao diễn cho chính chúng tôi và với các đối tác.
Ví dụ như mùa hè vừa qua trong các cuộc thực tập thao diễn hàng hải đa phương
trong vùng vành cung Thái Bình Dương [5] (RIMPAC) mà cứ hai năm xãy ra một lần
và đó là lần lớn nhất của loại hình này trong thế giới, nó mang 26 quốc gia hợp
tác nhau để thúc đẩy cho các tuyến đường biển rộng mở. Trong một chương trình
phô diễn hợp tác đáng chú ý, Hoa Kỳ và Trung Quốc thậm chí còn tham gia hải
hành chung từ đảo Guam đến Hawaii để thao diễn, tiến hành một số công cuộc thực
tập dọc theo hải trình, trong đó để tăng cường khả năng tìm kiếm và cứu hộ.
Tăng cường mối quan hệ phòng thủ
Như RIMPAC chứng tỏ, các mối quan
hệ quốc phòng của Mỹ với các đồng minh và đối tác tạo nên nền tảng của sự kết
ước trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Những mối ràng buộc này đã được nuôi
dưỡng trong nhiều thập niên, được thử thách trong các cuộc khủng hoảng, và được
xây dựng trên lợi ích chung, các giá trị chung, và hy sinh chung. Theo chính
sách Tái Quân Bình, Bộ Quốc phòng đang đổi mới các liên minh và đối tác để bảo
đảm rằng họ sẽ tiếp tục phục vụ như là nền tảng của sự ổn định và thịnh vượng
của khu vực.
Tại khu vực Đông Á, Liên minh Hoa
Kỳ – Nhật Bản [6] vẫn là nền tảng của tình hình an ninh châu Á -Thái Bình
Dương. Và với các nguyên tắc hướng dẫn quốc phòng mới mà Washington và Tokyo ký
kết năm ngoái, Liên minh chưa bao giờ mạnh hơn hoặc có nhiều khả năng đóng góp
vào an ninh quanh khu vực và xa hơn nữa. Được cập nhật lần đầu tiên kể từ năm
1997, các nguyên tắc hướng dẫn xem xét các xu hướng mới và công nghệ mới và cho
phép Hoa Kỳ và các lực lượng Nhật Bản hợp tác nhau chặt chẽ hơn và trên một
phạm vi rộng lớn hơn của các phần đóng góp, bao gồm cả những phạm vi dưới mức
độ của xung đột và những phạm vi trong không gian và không gian mạng.
Liên minh Mỹ – Hàn Quốc đã có một
bước tiến nhãy vọt trong năm 2014, khi hai nước đồng ý một sách lược được xác
định dựa trên điều kiện hơn là thời gian, khi Hàn Quốc sẽ tiếp nhận việc kiểm
soát hoạt động của các lực lượng liên minh trong trường hợp có chiến tranh. Và
trong tháng Bảy năm nay, như là một phần trong nỗ lực để chống lại các đầu đạn
nguyên tử của Bắc Triều Tiên, cả hai nước quyết định phối trí một khu vực phòng
thủ tên lửa tiên tiến, được gọi là THAAD (Terminal High Altitude Area Defense)
[7], tại Hàn Quốc vào thời gian sớm nhất có thể được.
Các liên minh Hoa Kỳ – Úc, đang
ngày càng trở thành một liên minh toàn cầu. Hai nước đang tiếp tục hợp tác chặt
chẽ về quốc phòng không chỉ trong khu vực, bao gồm cả việc thông qua một sáng
kiến dựa theo vị thế lực lượng song phương, mà còn ra bên ngoài khu vực, trong
cuộc đấu tranh để đẩy nhanh sự thất bại của Nhà nước Hồi giáo, (ISIS).
Như Obama đã nói rõ, các cam kết
của Hoa Kỳ với Philippines là cứng rắn như thép. Theo chính sách Tái Cân Bằng,
liên minh đã có những bước tiến lớn. Nhân viên của Hoa Kỳ và Philippines thường
xuyên huấn luyện chung, và nhờ có những Hiệp định mở rộng về Hợp tác Quốc phòng
ký vào năm 2014, quân đội Mỹ sẽ giúp hiện đại hóa các lực lượng vũ trang
Philippines.
Trong khi đó, thông qua liên minh
của Hoa Kỳ – Thái, đã là liên minh lâu đời nhất trong khu vực, Hoa Kỳ đang giúp
Thái Lan tự bảo vệ tốt hơn.
Ngoài các liên minh, Hoa Kỳ cũng
đang đào sâu các mối quan hệ đối tác với bạn bè toàn khu vực. Ví dụ như các mối
quan hệ Hoa Kỳ – Ấn Độ được xem như là một trong những đối tác quan trọng nhất
của thế kỷ XXI. Hoa Kỳ và Ấn Độ là hai quốc gia rộng lớn cùng chia sẻ nhiều
điểm chung: đó là các chính phủ dân chủ; các xã hội đa sắc tộc và đa văn
hóa với cam kết tự do cá nhân và tinh thần nối kết; và nền kinh tế mở rộng,
sáng tạo, và đang phát triển. Trong tháng sáu, Nhà Trắng công nhận Ấn Độ là một
“đối tác quan trọng về quốc phòng”, một quy định sẽ tạo thuận lợi chia sẻ về
thương mại, quốc phòng và công nghệ trong một mức độ mà Hoa Kỳ dành riêng cho
bạn bè và đồng minh thân cận nhất.
Là một phần của những gì tôi đã
gọi là một “Cái bắt tay chiến lược” – với Mỹ hướng về phía Tây trong chính sách
Tái Quân Bình và Ấn Độ hướng về phía Đông trong chính sách Đông tiến – hai nước
cùng thực hiện các thao diễn quân sự và tăng cường mối quan hệ an ninh song
phương để đối phó với những thách thức chung. Ngoài ra, còn có “Cái bắt tay
công nghệ“ giữa quân đội hai nước. Bốn năm trước, Hoa Kỳ và Ấn Độ tạo ra “Sáng
kiến Công nghệ Quốc phòng và Thương mại“ để tận dụng khả năng công nghiệp và
công nghệ của cả hai nước, một chương trình phù hợp với chiến dịch “Hàng sản
xuất tại Ấn“ của Thủ tướng Narendra Modi, nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất nội
địa. Kết quả là hai nước bắt đầu cùng nhau phát triển và đề ra một phạm vi rộng
lớn hơn của các dự án quốc phòng.
Chính sách Tái Quân Bình cũng đã
giúp Hoa Kỳ phát triển quan hệ hợp tác sâu xa hơn trên khắp khu vực Đông Nam Á.
Chuyến công du lịch sử của Obama tại Hà Nội trong tháng Năm đã được xem là một
sự thể hiện mới nhất về mối quan hệ đối tác Mỹ-Việt, nó đã được tăng cường cách
đáng kể: Mỹ đã huỷ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, sẽ giúp cho
quân sự của Việt Nam có được các thiết bị cần thiết.
Các mối quan hệ Hoa Kỳ-Singapore
cũng tiếp tục phát triển. Trong tháng 12 năm 2015, hai nước đã ký Hiệp định
Tăng cường Hợp tác Quốc phòng. Ngoài ra, Hải quân Hoa Kỳ khởi đầu gửi đến
Singapore các máy bay tuần tra trên biển P-8A Poseidon theo cách luân chuyển,
nơi chúng tôi cũng sẽ phối trí đến bốn tàu chiến tuần duyên của Hoa Kỳ trên cơ
sở luân phiên. Trong khi đó, Hoa Kỳ đang hợp tác với Indonesia và Malaysia để
giúp đáp ứng tốt hơn những thách thức an ninh và thúc đẩy an ninh khu vực.
Tất nhiên, sự trỗi dậy của Trung
Quốc [8] cũng có một tác động sâu đậm đến khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Hoa
Kỳ hoan nghênh sự xuất hiện của một Trung Quốc thịnh vượng, ổn định và hòa bình
mà Trung Quốc đóng một vai trò trách nhiệm và góp phần vào mạng lưới an ninh
của khu vực. Nhiều quốc gia tìm kiếm các mối quan hệ có lợi và hiệu quả với
Trung Quốc, nhưng những lo ngại đang gia tăng về một số hành động của Trung
Quốc và ý muốn của Trung Quốc trong việc chấp nhận sự rạn nứt của khu vực trong
khi Trung Quốc theo đuổi tư lợi. Mặc dù Trung Quốc từ lâu đã được hưởng lợi từ
các nguyên tắc và hệ thống khu vực mà những nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, đã
làm việc để thiết lập và duy trì, với hành động của mình trên các vùng biển,
trong không gian mạng, trong nền kinh tế toàn cầu, và các nơi khác, đôi khi Bắc
Kinh hành sử bằng cách theo quy luật của mình và cắt xén những nguyên tắc này.
Mô hình của Trung Quốc là không
theo các biện pháp mà khu vực châu Á-Thái Bình Dương muốn tiến bước; Trung Quốc
phản ánh quá khứ xa xôi của khu vực, chứ không phải là tương lai có nguyên tắc
của Hoa Kỳ và nhiều nước khác muốn, và phương sách này được chứng minh là phản
tác dụng. Hành động của Trung Quốc đang loại bỏ Trung Quốc ra khỏi phần còn lại
của khu vực châu Á -Thái Bình Dương, họ dựng lại một loại Vạn lý trường thành
trong tinh thần tự cô lập trong một thời điểm mà khi khu vực này cùng nhau tiến
bước về mặt kinh tế, chính trị, và quân sự để cổ vũ cho các lợi ích chung và
một trật tự theo nguyên tắc. Do đó, các nước trong khu vực đang bày tỏ các mối
quan tâm về các hành động của Trung Quốc, công khai và riêng tư, ở cấp cao
nhất, trong các cuộc họp khu vực và toàn cầu trong các diễn đàn.
Hoa Kỳ vẫn cam kết hợp tác với
Trung Quốc để bảo đảm tương lai cho khu vực theo nguyên tắc. Hai nước có mối
quan hệ lâu dài về quân sự. Quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc [9] gần đây đã hoàn
thành hai biện pháp xây dựng lòng tin, một trên quy tắc ứng xử về hàng hải và
một trên cách truyền thông trong khủng hoảng, và chúng tôi thường xuyên tham
gia trong các cuộc thao diễn đa phương. Thông qua những hoạt động này, hai nước
đã có những bước tiến lớn trong việc xây dựng các kênh truyền thông nhiều hơn
và tốt hơn và làm giảm nguy cơ của các tính toán sai lầm có thể dẫn đến các
cuộc khủng hoảng.
Phát triển một mạng lưới an ninh
theo nguyên tắc
Chính sách Tái Cân Bằng hướng về
khu vực châu Á -Thái Bình Dương cũng sẽ giúp Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng
trong việc phát triển mạng lưới an ninh của khu vực. Điều này tự nó là một sự
thay đổi cho một khu vực năng động, không giống như ở những nơi khác trên thế
giới, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một cấu trúc chính thức rộng theo khu
vực, giống như NATO ở châu Âu, đã không bao giờ đãm nhận trách nhiệm về việc
thúc đẩy hòa bình và ổn định. Điều đó đã tạo nên một ý nghĩa lịch sử, địa lý và
chính trị độc đáo cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khi khu vực
này trở thành liên kết nhau hơn về mặt chính trị và kinh tế, thì quân đội của
khu vực cũng hợp tác nhau để đề ra kế hoạch chung, luyện tập chung, và hoạt
động chung nhiều hơn bao giờ hết.
Mạng lưới an ninh ở châu Á – Thái
Bình Dương ngày càng phát triển kết nối nhau trong mối quan hệ của các nước để
giúp quân đội của họ làm việc nhiều hơn, có hiệu quả hơn dù với một khoảng cách
lớn hơn. Mối quan hệ này cho phép các nước hành động phối hợp để đáp ứng với
các cuộc khủng hoảng và thiên tai, giải quyết các thách thức chung như khủng
bố, và bảo đảm an ninh và quyền thâm nhập như nhau trong các tài sản công ích
chung, bao gồm cả đường thủy quan trọng. Các ví dụ gần đây của phương sách theo
mạng lưới này có thể được nhìn thấy trong các phản ứng tập thể trong trận bảo
lớn Hải Yến trong năm 2013 và trận động đất ở Nepal trong năm 2015.
Quan trọng nhất, đây là những gì
tôi gọi là “một mạng lưới an ninh nối kết toàn diện và theo nguyên tắc “. Đó là
toàn diện, bởi vì bất cứ quốc gia nào và quân đội nào họ đều có thể đóng góp,
mà không kể đến các vấn đề khả năng, ngân sách, hoặc kinh nghiệm,. Mọi người
đều lên tiếng nói và không có ai là kẻ bị loại trừ, và hy vọng là không có ai
lựa chọn cách sẽ không tham gia. Khi mạng lưới an ninh này phản ánh được các
nguyên tắc mà các thành viên đã duy trì trong nhiều thập niên, nó sẽ giúp họ
nhận ra tương lai theo nguyên tắc mà một số thành viên trong khu vực đã chọn.
Bằng cách chia sẻ gánh nặng cho
việc ổn định khu vực, mạng lưới này thề hiện cho một làn sóng mới trong tình
hình an ninh cho châu Á-Thái Bình Dương. Để giúp dẫn dắt làn sóng này, Hoa Kỳ
đang mang lại các khả năng, kinh nghiệm độc đáo và ảnh hưởng. Ví dụ như Bộ Quốc
phòng đang áp dụng “Sáng kiến An ninh Hàng hải tại Đông Nam Á“ [10], một
cam kết năm năm của Hoa Kỳ với phí tổn sơ khởi là 425 triệu để tạo nhận thức về
lĩnh vực hàng hải và an ninh trong khu vực Đông Nam Á. Không chỉ đơn thuần là
cung cấp tiền bạc hoặc vật chất, sáng kiến này sẽ giúp Indonesia, Malaysia,
Philippines, Thái Lan, và Việt Nam làm việc với nhau và với Hoa Kỳ để mọi người
có thể nhận thức rõ hơn, chia sẻ nhiều hơn, và làm việc nhiều hơn để bảo đảm
cho tình hình an ninh hàng hải ở vùng biển quan trọng của khu vực.
Mạng lưới an ninh ở châu Á – Thái
Bình Dương đang phát triển theo ba cách phụ thuộc. Đầu tiên, một số cơ chế ba
bên tiên phong đang mang lại các nước có cùng quan điểm chung mà trước đây họ
chỉ hợp tác trên cơ sở song phương. Đối tác của Hoa Kỳ-Nhật Bản-Hàn Quốc sẽ
giúp phối hợp các phản ứng chống lại hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên
về hạt nhân và tên lửa, và đầu năm nay, cả ba tiến hành thao diễn chung đầu
tiên với đầu đạn tên lửa để cảnh báo. Trong ba năm qua, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật
Bản đã tiến hành tập trận hải quân chung ở Malabar, phô diễn phương cách mà mối
quan hệ ba bên đang bắt đầu cung cấp một sự hợp tác an ninh thực tiễn đang lan
rộng trong khu vực. Và bắt đầu từ tháng mười một vừa qua, Hoa Kỳ và Thái Lan
đưa Lào vào một chương trình thành công về việc xử lý các chất nổ, và bây giờ
cả ba đang đào tạo cho nhau để loại bỏ mối nguy hiểm này.
Thứ hai, nhiều nước trong châu Á
– Thái Bình Dương đang phối hợp theo cách của riêng họ, mà không có Hoa Kỳ tham
gia. Ấn Độ đã tăng cường huấn luyện quân sự cho Việt Nam trong bảo vệ quân sự
và bờ biển. Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đã tổ chức một cuộc đối thoại ba bên
năm ngoái, đánh dấu thêm về một sự chào mừng về mạng lưới an ninh của khu vực.
Nhật Bản cũng đang làm việc để xây dựng năng lực của các lực lượng hàng hải của
Philippines. Và trong năm nay, Indonesia, Malaysia, và Philippines đã đồng ý
tiến hành các cuộc tuần tra hỗn hợp chống hải tặc.
Thứ ba, và thậm chí còn trên một
diện rộng hơn, nhiều nước trong khu vực đang tạo ra một cấu trúc an ninh đa
phương thông qua các cuộc họp mở rộng của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. Sáng
kiến này triệu tập các bộ trưởng quốc phòng của tất cả mười thành viên ASEAN
cùng với những Bộ Quốc phòng của tám quốc gia khác, thoả mãn nhu cầu ngày càng
tăng đối với một tổ chức lấy ASEAN làm trung tâm định hướng cho các hoạt động.
Thể chế này tạo niềm tin và thuận lợi cho việc hợp tác an ninh trong thực tế.
Mạng lưới an ninh theo nguyên tắc
không phát triển để đáp ứng cho bất kỳ một quốc gia riêng biệt nào. Đúng hơn,
mạng lưới thể hiện rằng khu vực muốn hợp tác, không ép buộc, và trong một sự
tiếp nối của sự hợp tác không phải là kết thúc của sự hợp tác qua nhiều thập
nhiều của hòa bình và tiến bộ. Quan trọng hơn, vì mạng lưới này không khép kín,
nên các quốc gia có thể làm việc với nhau một cách dễ dàng hơn. Ví dụ như mặc
dù Hoa Kỳ và các quốc gia khác có một số bất đồng với Trung Quốc, chúng tôi cam
kết làm việc thông qua những vấn đề này, song phương và thông qua mạng lưới,
theo những cách mà họ không làm mất ổn định cho khu vực.
Mạng lưới cũng sẽ giúp bảo đảm sự
ổn định trong một số thách thức về mặt an ninh. Bắc Triều Tiên tiếp tục hành vi
khiêu khích. Trào lưu cực đoan dùng bạo lực đã không còn xa lạ hơn với khu vực
châu Á – Thái Bình Dương trong nhiều thập niên qua, và các tổ chức khủng bố,
bao gồm cả ISIS, tiếp tục hoạt động ở các nước trong khu vực. Các tuyến đường
biển đựợc sử dụng nhiều ở châu Á-Thái Bình Dương tạo thành các mục tiêu hấp dẫn
cho hải tặc, họ tìm cách ăn cắp hàng hóa hoặc giữ tàu và thủy thủ đoàn để tống
tiền. Và đã có xảy ra nhiều trận động đất và núi lửa, khu vực châu Á – Thái
Bình Dương cũng thường bị các cơn bão tàn phá, trở nên tồi tệ bởi việc thay đổi
khí hậu ngày càng tăng.
Và sau đó là những thách thức độc
nhất cho khu vực này, bao gồm cả những kết quả từ những năng động về quân sự,
chính trị và kinh tế đang thay đổi. Do các hành vi cưỡng chế của một số quốc
gia, mà đáng kể nhất là của Trung Quốc, các cuộc tranh cãi kéo dài trong khu
vực, đặc biệt là vấn đề biển, đã căng thẳng thêm trong những năm gần đây.
Thật vậy, trong vùng biển Đông, tuyến đường vận chuyển khoảng 30 phần trăm của
thương mại hàng hải thế giới năm ngoái, trong đó có khoảng 1,2 nghìn tỷ trong
thương mại hàng hải có ràng buộc với Hoa Kỳ, vấn đề này có một nguy cơ ngày
càng tăng đối với tương lai thịnh vượng của khu vực.
Hoa Kỳ không phải là nước có yêu
sách đòi bồi thường trong các tranh chấp hàng hải hiện nay ở khu vực châu Á –
Thái Bình Dương, và Hoa Kỳ cũng sẽ không có quan điểm nào là phiá nào sẽ có chủ
quyền tối thượng cao hơn phiá khác về các vùng đất còn đang tranh chấp. Nhưng
Washington hỗ trợ cách giải quyết hòa bình các tranh chấp, đặc biệt là thông
qua các cơ chế như trọng tài quốc tế. Hoa Kỳ nhận thấy phán quyết tháng Bảy của
Tòa án Trọng tài Thường trực về khiếu nại hàng hải và hoạt động ở Biển Đông như
là một cơ hội cho khu vực để tái kết ước với một tương lai có nguyên tắc, ngoại
giao đổi mới, và để làm giảm và giải quyết căng thẳng, chứ không phải gây thêm
căng thằng. Quân đội Mỹ cũng sẽ tiếp tục bay, ra biển, và hoạt động bất cứ nơi
nào luật pháp quốc tế cho phép. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với các đồng
minh và đối tác trong việc giữ gìn nguyên tắc cốt lõi như tự do hàng hải và bay
trên không phận, và sẽ tiếp tục bảo đảm rằng các nguyên tắc cốt lõi áp dụng như
nhau ở biển Đông như Quân đội Mỹ đã làm ở những nơi khác. Chỉ nếu khi tất cả
mọi người tuân theo các quy tắc tương tự có thể khu vực tránh những sai lầm
trong quá khứ, khi các nước thách thức nhau trong các cuộc cạnh tranh của sức
mạnh và ý chí, thì chỉ có những hậu quả tai hại cho nhân loại.
Cung cấp dưỡng khí
Chính sách Tái Cân Bằng tạo ý
nghĩa đối với Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ đã công bố vào năm 2011, nhưng những gì đã trở
nên rõ ràng kể từ sau đó, đặc biệt là các quan chức Mỹ du hành trong khu vực
châu Á -Thái Bình Dương, điều đó làm cho có nhiều ý nghĩa đối với dân chúng
trong khu vực, các quân đội và các quốc gia. Trên mỗi chuyến công du của tôi
đến các khu vực với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, có một điều mà vẫn còn
không thay đổi: các đối tác quốc phòng và các nhà lãnh đạo quốc gia đã yêu cầu
Hoa Kỳ là làm việc nhiều hơn cho khu vực, mà không là ít hơn. An ninh của khu
vực châu Á-Thái Bình Dương từ lâu đã được biết như là như là một loại dưỡng
khí: khi bạn có đủ, bạn không quan tâm đến nó, nhưng khi bạn không có đủ, bạn
không có thể nghĩ đến điều gì khác. Trong hơn 70 năm qua, các thành viên phục
vụ của Hoa Kỳ đã giúp cung cấp loại dưỡng khí – đó là an ninh cho phép hàng
trăm triệu người trên khắp thế giới để cảm thấy an toàn, nuôi dạy con cái, mơ
những giấc mơ, và sống một cuộc sống đầy đủ.
Nhờ có các cuộc đầu tư và lập kế
hoạch trong hai giai đoạn đầu tiên của chính sách Tái Cân Bằng [11], Hoa Kỳ sẽ
có những công cụ cần thiết để tiếp tục giử vai trò này trong khu vực châu Á –
Thái Bình Dương. Và trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Quốc phòng sẽ làm việc để
tăng cường mạng lưới an ninh theo nguyên tắc mới của khu vực đang thành hình
thông qua các khoá huấn luyện và thao diễn thường xuyên hơn và phức tạp hơn. Bộ
Quốc phòng Mỹ cũng sẽ tiếp tục nâng cấp vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực về mặt
phẩm chất và ưu tiên đầu tư bằng cách “đặt cược lớn” vào các công nghệ tiên
tiến. Bằng cách làm việc trong khuôn khổ của mạng lưới an ninh có nguyên tắc
của khu vực và nguyên tắc làm việc riêng, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chứng minh cho các
đồng minh, đối tác, và các khu vực rộng lớn là Hoa Kỳ có kế hoạch để làm nhiều
hơn, không ít hơn cho khu vực châu Á -Thái Bình Dương trong nhiều thập niên
tới.
Với Chính sách Tái Cân Bằng, Hoa
Kỳ đang bảo đảm rằng quân đội Hoa Kỷ cũng đang ở vào vị trí tốt đẹp để giúp
biến đổi một kỷ nguyên của sự thay đổi lịch sử thành một trong những tiến bộ
lịch sử. Bằng việc vận hành cho Chính sách Tái Cân Bằng, và bằng cách hỗ trợ
mạng lưới an ninh theo nguyên tắc đang lớn mạnh của khu vực, Bộ Quốc phòng có
thể giúp bảo đảm rằng 70 năm tới trong khu vực sẽ an toàn, ổn định và thịnh
vượng như trước đây.
______
Nguyên tác: The Rebalance and Asia-Pacific
Security – Building a Principled Security Network;
FOREIGN AFFAIRS, November/December 2016
[10] http://thediplomat.com/2016/04/us-kicks-off-new-maritime-security-initiative-for-southeast-asia/