Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

2072. VN cần 480 tỷ đô la để tái cơ cấu kinh tế khi nợ công sắp chạm trần

04.11.2016.  VOA Tiếng Việt.

Trong bối cảnh nợ công Việt Nam gần chạm ngưỡng 65% GDP, Việt Nam dự định chi hơn 10 triệu tỷ đồng – tức là gần 480 tỷ đô la – cho kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.

Tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam (2)

Tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam (2)
Bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng vừa báo cáo với quốc hội về đề án tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Ông cho biết kế hoạch này cần khoảng 480 tỷ đô la. Truyền thông trong nước đưa tin, kế hoạch này đang gây ra những tranh luận trái chiều và về liệu số tiền lớn như vậy sẽ được huy động từ đâu khi ngân sách quốc gia hạn hẹp do nợ công tăng cao.
Phương án tái cơ cấu kinh tế được đề ra vào năm 2013 nhưng theo tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh kế hoạch này đã không được thực hiện hiệu quả do không có đủ phương tiện, và đụng chạm tới các nhóm lợi ích.
Theo tiến sĩ Doanh, tái cơ cấu là chuyển đổi số vốn được đầu tư từ lĩnh vực không hiệu quả sang lĩnh vực khác và chủ yếu là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Việc cồ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được đẩy mạnh trong tháng qua sau khi chính phủ quyết định bán toàn bộ cổ phần trong 2 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất trong lĩnh vực đồ uống - Sabeco và Habeco. Theo tiến sĩ Doanh, nhà nước đã thu được hơn 6.500 tỷ đồng từ cổ phần hóa Sabeco, Habeco và Vinamillk và nếu tiếp tục thực hiện như vậy thì phương án tái cơ cấu kinh tế là khả thi.
Tuy nhiên tiến sĩ Doanh đã chỉ ra những khó khăn và trì trệ của việc thực hiện đề án này trong những năm qua.
"Khó khăn và trì trệ có liên quan tới lợi ích nhóm ở các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước này có các lợi ích nhóm và họ không muốn cổ phần hóa. Nếu họ cổ phần hóa rồi họ cũng rất chậm không chịu ghi danh lên thị trường chứng khoán vì lên thị trường chứng khoác đòi hỏi có tiêu chuẩn về công khai minh bạch và người ta sẽ giám sát chặt chẽ hơn."
Theo tiến sĩ Doanh, lợi ích nhóm không chỉ có trong những doanh nghiệp đó mà nó là “một đường dây mà có câu kết với các quan chức ở các bộ ở trên và không chỉ có một bộ. Năm 2013, thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng đã đề ra phương án đầy tham vọng cổ phần hóa 435 doanh nghiệp nhà nước trong vòng 2 năm nhưng không thực hiện được, và theo ông Doanh “điều đó chứng tỏ rằng lợi ích nhóm và các trở lực vẫn rất là lớn.”
"Vì vậy cho nên việc tái cơ cấu này sẽ phải gắn liền với việc cải cách thể chế chính trị và việc phải công khai minh bạch và phải giám sát chặt chẽ quá trình quản trị của nhà nước."
Khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên thay ông Dũng đã tuyên bố rằng “người nào không cổ phần hóa thì người đó sẽ bị thay thế." Tiến sĩ Doanh cho đây là một dấu hiệu tốt cho sự đổi mới.
"Chứng tỏ rằng là ở đây sẽ có các biện pháp tôi hy vọng là sẽ có hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn để tác động đến cái lợi ích nhóm đấy."
Một trong 3 mục tiêu của đề án tái cơ cấu kinh tế là tái cơ cấu đầu tư công nhưng theo tiến sĩ Doanh quá trình đầu tư công ở Việt Nam bị gắn với các lợi ích nhóm trong nhiều ngành và nhiều dự án công nên đã không hiệu quả.
"Cho nên cái đó phải có sự công khai minh bạch tức là phải có 1 luật đầu tư công mới và phải có sự giám sát độc lập và quy trách nhiệm. Nhược điểm lớn nhất của Việt Nam hiện nay là quá trình đó thường được quyết định bởi một nghị quyết tập thể. Những cái gì khó khăn thì người ta đưa ra quyết định tập thể. Và đấy là một điều rất là không rõ ràng và thiếu trách nhiệm ở cơ chế hiện nay. Và đấy là điều cần phải sửa trong thời gian sắp tới."
Một trong những đề xuất về việc huy động nguồn vốn cho đề án tái cơ cấu kinh tế của chính phủ là kiều hối. Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân tại phiên họp quốc hội hôm 3/11 đã đề xuất “phát huy tốt nguồn vốn nước ngoài thì trong đó kiều hối rất đáng quan tâm.” Theo kết quả nghiên cứu của CIEM công bố đầu năm 2015, lượng kiều hối Việt Nam nhận trong 14 năm là trên 90 tỷ đô la, dòng vốn lớn thứ 2 chỉ sau vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và lớn gấp đôi vốn viện trợ phất triển ODA. Tuy nhiên tiến sĩ Doanh cho rằng điều này là không khả thi bởi huy động kiều hối không theo cơ chế thị trường.
"Điều đó là không tưởng. Nếu như vận dụng biện pháp như vậy (huy động hành chính) thì sẽ rất không có hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng."
Với lượng kiều hối 12 tỷ đô la chảy vào Việt Nam mỗi năm, chiếm khoảng 8% GDP, nó được coi là nguồn lợi nhuận dòng từ nước ngoài gửi về. Nhưng theo đánh giá của các nhà kinh tế và tài chính, kiều hối sẽ trở áp lực cho nền kinh tế khi nền kinh tế không có khả năng hấp thụ nó. Và nhà nước hiện không kiểm soát được kiều hối về Việt Nam vì không được đầu tư theo định hướng.