Trang

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

73. CẢNH THƯƠNG KHÓ CỦA ĐẠO LỊNH 01/1979.


CẢNH THƯƠNG KHÓ CỦA ĐẠO LỊNH 01/1979.
“ĐHNS sẽ xác định những người lên án ĐL 01 là ai?”

TOÀN VĂN & ẢNH CHỤP ĐL 01.

Trên internet luu hành 02 văn bản quan trọng liên quan đến tình trạng thương khó của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Đạo Cao Đài) hiện nay là: Bản Án Cao Đài ngày 20-07-1978 và Đạo Lịnh 01 ngày 01-03-1979. Những người có công đưa 02 văn bản đó lên cống hiến cho xã hội không hề ngờ rằng các vị đã đưa thiếu. Hiểu sự thiếu đó là một sự ngẫu nhiên và ngẫu nhiên hay là sự sắp xếp của thiêng liêng để dành công quả ấy cho tập thể Khối Nhơn Sanh phát hiện ra chổ thiếu cũng đều đúng...
Đoạn thiếu trong Bản Án Cao Đài chúng tôi đã bổ sung đầy đủ.
Đoạn thiếu trong Đạo Lịnh 01 qua bản pdf là hôm nay chúng tôi bổ sung đầy đủ. Đồng thời cung cấp bản đánh vi tính sát với bản gốc hơn.
Còn một văn bản quan trọng nữa là Quyết Nghị ngày 13-12-1978 của chính quyền Tỉnh Tây Ninh. Theo chổ chúng tôi biết Quyết Nghị ra đời đã 36 năm nhưng chưa ai đưa nguyên văn lên internet. Đến năm 2014 anh Sĩ Tải Phùng Văn Phan cho mượn tờ báo Tây Ninh có đăng bài trên và chúng tôi đánh vi tính lại để đưa lên blog đầy đủ.
Xép theo thứ tự thì Bản Án Cao Đài (20-07-1978), quyết nghị (13-12-1978) rồi tới Đạo Lịnh 01/1979 (01-03-1979). Ngược thời gian nữa phải kể Nghị Quyết 297 (11-11-1977) khoản buộc cầu phong, cầu thăng phải qua Ủy Ban Nhân Dân cùng cấp; dp vậy Hội Thánh Cao Đài dâng sớ xin ngưng cầu phong, cầu thăng để bảo toàn giá trị Chức sắc Thiện phong. Đó là nguồn cơn sâu xa của Bản án ngày 20-71978.
Đọc ba văn bản trên thì mới thấy Đạo lịnh 01 là nạn nhân mà Bản Án và Quyết Nghị là thủ phạm. Chỉ có người thiếu trí mới không thấy, không hiểu áp lực Hội Thánh phải chịu khi lập Đạo Lịnh 01/1979. Chỉ có người bất nhân mới lên án nạn nhân, chỉ có người thiếu dũng mới không dám chỉ ra thủ phạm. Họ đã đọc Văn Tịch Pháp Nhơn Luân Chi Đạo của Ngài Hồ Bảo Đạo chưa nhĩ???
Như vậy những người đem ĐL 01/1979 ra chê bai, chì chiết là thiếu trí, thiếu bi và thiếu dũng mà người tu cần phải có.
Những người lý luận SUÔNG rằng chính quyền viết sẳn rồi ép Hội Thánh ký... Đó là những người muốn tạo ra cái án Quan Âm cho Hội Thánh Cao Đài. Án Quan Âm là gì? Là kiểu làm án căn cứ vào những lý luận suông mà không có một vật chứng nào.
Họ tạo Án Quan Âm để làm gì? để tỏ ra mình giỏi, mình biết sâu hiểu rộng mà không biết rằng Thầy đã gọi đó là những cái tài vô dụng.
Chúng tôi ghi nhận từ lâu rằng: Những người lên án ĐL 01/1979 (hay lấp lững hai hàng) ở Việt Nam năm nào cũng nhận được quà xuân từ chính quyền hay các ban bộ đoàn thể.
Còn những người yêu cầu làm đúng Đạo Lịnh 01/1979 thì bị đánh đâp bị tù đày. Ngày 26-06-1996 chính quyền bắt 03 người: Phó Trị Sự Võ Văn Liêm, Đạo Sở Trần Văn Khoa và Đạo Hữu Dương Xuân Lương đưa ra Tòa xử tù là một bằng cớ. Tại sao như vậy? Chúng tôi để cho quí vị tự vấn lương tâm và giải đáp.
Tương lai không xa người đạo sẽ chứng kiến những người chống ĐL 01/1979 là ai? Họ thực sự đóng vai gì trên sân khấu đạo. Có Đại Hội Nhơn Sanh của ĐĐTKPĐ thì mọi việc sẽ rõ như ban ngày.

Đạo Hữu Dương Xuân Lương.

@@@

BẢN VI TÍNH ĐẠO LỊNH 01/1979 (CÓ PHÂN TRANG).


HỘI THÁNH CAO ĐÀI.
Tòa Thánh Tây Ninh.
Số: 01/HT-ĐL.
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.
(Ngũ Thập Tứ Niên).
TÒA THÁNH TÂY NINH.


ÐẠO LỊNH Số: 01/HT- ÐL.
-Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền,
-Chiếu Thánh Giáo đêm Rằm tháng tư Giáp Thìn (26/5/1964) và đêm mùng 1 tháng chạp Nhâm Tý (4/1/1973) của Ðức Lý Đại Tiên Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, giáng  Cơ tại Cung Ðạo Ðền Thánh, tấn phong Thượng Sáng Thanh và ân thăng Ngọc Nhượn Thanh phẩm ÐẦU SƯ chánh Vị,
-Chiếu Thánh Giáo tại Cung Ðạo Ðền Thánh đêm mùng 1 tháng 3 Bính Thìn (31/3/1976) Ðức Hộ Pháp chấp nhận Vị Thời Quân Bảo Ðạo Hồ Tấn Khoa quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài.
-Chiếu Thông Tri số 01/HT/TT ngày 16 tháng Giêng Kỷ Mùi, (12/02/1979) của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ về việc thực  hiện nghiêm chỉnh các Nghị Quyết:
* Nghị Quyết Số 297/CP ngày 11.11.1977 của Hội Đồng Chánh Phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về Chánh sách đối với các Tôn Giáo,
* Quyết Nghị ngày 13.12.1978 của Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh,
- Nguyện vọng chánh đáng của nhân dân và toàn Ðạo đã kiến nghị lên Hội Thánh, nhằm chấn chỉnh nền Ðạo CAO ÐÀI Tây Ninh trở  nên một Tôn giáo thuần túy và chân chính, đúng theo Giáo pháp Chơn Truyền của Ðạo buổi ban sơ nên:
ÐẠO LỊNH
ÐIỀU THỨ NHỨT:   Kể từ ngày ký tên Ðạo Lịnh nầy, Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ quyết định giải thể toàn bộ các cơ cấu tổ chức Chánh Trị Ðạo, từ Trung ương đến Ðịa phương, danh mục kể từ đây:
1/- Hiệp Thiên Đài.
- Pháp Chánh HTÐ, các phiên Tòa và Pháp Chánh địa phương.
- Ban Kỹ luật Hiệp Thiên Ðài.
- Ban Thế Ðạo.
- Ban Ðạo Sử.
- Cơ quan Phát Thanh Giáo Lý.
2/- Phước Thiện.
- Hội Thánh Phước Thiện Nam, Nữ.
- Cửu Viện Phước Thiện Nam, Nữ và các Sở trực thuộc.
- Ban Kỹ luật Phước Thiện.    %%% (TRANG 02).
- Ban Trật tự.
- Ban Kiến trúc Tòa Thánh.
- Ban Cai quản Bộ Nhạc.
- Ban Cai quản Bộ Lễ.
- Ban Cai quản Ðồng nhi, Tổng Trạo.
- Ban Cai quản Nhà Thuyền Bát Nhã.
- Ban Vận động xây dựng Vạn Pháp Cung.
- Ban Tổng quản Trí Giác Cung.
- Ban Kỳ Lão Phạm Môn (Trí Huệ Cung- Phạm Nghiệp)
- Quản Châu Thành Thánh Ðịa
- Quản Trấn Ðạo.
- Quản Châu Ðạo.
- Quản Tộc Ðạo.
- Quản Phận Ðạo.
- Ban Cai quản Phước Thiện Nam, Nữ.
- Các Sở Lương Ðiền, Công nghệ, Thương mại.
- Ban Lễ Viện Ðiện Thờ Phật Mẫu địa phương.
3/- Cửu Trùng Đài.
- Tòa Nội Chánh.
- Cửu Viện Hành Chánh Nam, Nữ và các Cơ sở trực thuộc.
- Sở Quản Thủ Thánh Ðịa.
- Ban Huấn Ðạo.
- Ban Giám Ðốc Hạnh Ðường.
- Ban Kiểm soát Hổn hợp Tài chánh.
- Ban Trật Tự
- Ban Tiếp Tân
- Cơ Thánh Vệ và các Ban trực thuộc
- Cơ Bảo Thể
- Văn phòng Ðường Nhơn
- Văn phòng Tần Nhơn
- Cai Quản Tà Mun
- Văn phòng Kim Biên Tông Ðạo
- Văn phòng Trung Tông Ðạo
- Văn phòng Bắc Tông Ðạo
- Khâm Thành Thánh Ðịa
- Khâm Trấn Ðạo
- Khâm Châu Ðạo
- Ðầu Tộc Ðạo
- Ðầu Phận Ðạo
- Ban Trị Sự Nam, Nữ
- Ban Tứ vụ Thánh Thất
- Trưởng thập nhị gia
- Nông Vụ địa phương
- Nông Vụ tự túc
4/- Phổ Tế.
- Phổ Tế Trung Ương và Ðịa phương
5/- Hội Thánh Hàm Phong.  %%%(HẾT TRANG 02)
6- Hội Thánh không nhìn nhận các tổ chức Chính trị, các Hội đoàn xuất phát từ Ðạo Cao Ðài Tòa Thánh Tây Ninh:
- Việt Nam Phục Quốc Hội
- Hội Thương Phế Binh Cao Ðài
- Hòa Bình Chung Sống
- Hòa Bình Giáo Hội
- Hòa Bình Bến Hải
- Hòa Bình Thánh Xa Thơ
- Ðoàn Trung Kiên Ðại Ðạo
- Ðại Ðạo Thanh Niên Hội
- Bá Nghệ Ðoàn
- Ðoàn Hướng Ðạo Cao Ðài.
- Các hoạt động về Chánh trị đạo từ Trung ương Tòa Thánh đến địa phương, kể từ nay chấm dứt hoàn toàn.
- Các cơ sở vật chất, thiết bị vật tư, lương thực, tài chánh, động sản và bất động sản của Ðạo không thuộc chức năng Tôn giáo mà Hội Thánh quản lý trước đây, sẽ do một bộ phận của Chánh quyền họp với Hội Thánh cứu xét tại chổ, quyết định cụ thể những cơ sở được chuyển qua Nhà nước quản lý và phục vụ quốc kế dân sinh.
- Chức sắc Cai quản các cơ quan kể trên tạm thời tiếp tục làm nhiệm vụ tại chổ cho đến khi có lịnh mới, phải bảo quản tốt tài sản của Ðạo trước khi chuyển qua Nhà nước quản lý.
ÐIỀU THỨ HAI:
Tất cả chức sắc Hiệp Thiên, Cửu Trùng  Nam, Nữ từ phẩm Giáo Hữu và các phẩm  tương đương trở lên, hợp thành một Hội Thánh duy nhứt là: HỘI THÁNH ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ gồm:
- Hiệp Thiên Đài  nhiệm vụ bảo vệ Giáo pháp Chơn truyền của Ðạo.
- Cửu Trùng Đài nhiệm vụ Giáo hóa và Phổ độ nhơn sanh trên đường Ðạo và đường Ðời.
Hội Thánh ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ Ðộ lập một Cơ quan hành Ðạo duy nhứt tại Tòa Thánh là: Hội Đồng Chưởng Quản của HỘI THÁNH ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ gồm có.
1/- Chưởng Quản.
1/- Phó Chưởng Quản
1/- Từ Hàn
1/- Phó Từ Hàn
8/- Hội Viên.
*  Hội Đồng Chưởng Quản của HỘI THÁNH ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ thay mặt cho Chức sắc Hiệp Thiên và Cửu Trùng  với chức năng và nhiệm vụ sau đây:
a)- Là Cơ quan Thường trực của Hội Thánh, chịu trách nhiệm trước HỘI THÁNH và TOÀN ĐẠO, quản lý nền Ðạo về mặt tín ngưỡng từ Trung ương Tòa Thánh đến các Thánh Thất và Ðiện Thờ ở địa phương; chăm lo sự nghiệp tu hành cho Chức sắc và toàn Ðạo, xây dựng Thánh Thể hữu hình của Ðức Chí Tôn đời này qua đời khác.
(HẾT TRANG 03)
b)- Hội Đồng Chưởng Quản hành Ðạo theo nguyên tắc Dân chủ tập trung, cá nhân phụ trách, chấp hành nghiêm chỉnh và đứng đắn Pháp Chánh Truyền, Tân Luật, Giáo pháp Chơn truyền của Ðạo và các biểu quyết của Hội Thánh về mặt Ðạo, lập các Ðạo Lịnh, Thông Tri, Huấn Lịnh, chỉ đạo chư Chức sắc Nam Nữ làm nhiệm vụ giáo hóa và phổ  độ nhơn sanh trên đường Ðạo và đường Ðời.
c)- Quan hệ gắn bó với Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, với Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam các cấp về mặt đoàn kết dân tộc; chấp hành nghiêm chỉnh các Chánh sách, chủ trương, Pháp luật của Ðảng và Chánh Phủ.
- Ðộng viên toàn Ðạo hăng hái tích cực tham gia thực hiện tốt các Chánh sách, chủ trương đó.
- Tham gia xây dựng quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam Xã Hội Chủ nghĩa.
d)- Nhiệm vụ cụ thể:
- Chưởng Quản và Phó Chưởng Quản phải là hai Chức sắc cao cấp của hai Ðài, có nhiệm vụ lãnh đạo Hội Ðồng, đôn đốc, kiểm tra việc hành Ðạo của các Thành viên Hội Ðồng.
- Thay mặt Hội Ðồng ký các văn kiện: Ðạo Lịnh, Thông Tri và Huấn lịnh chỉ đạo công việc nội bộ của Tôn giáo.
- Triệu tập Hội Thánh và Chủ tọa các kỳ họp của Hội Thánh với chức năng cao cấp của mỗi Ðài, và các kỳ họp cấp đó của Hội Ðồng Chưởng Quản.
- Thay mặt Hội Ðồng Chưởng Quản giao tiếp với Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Chánh quyền, các đoàn thể nhân dân và các Tôn giáo bạn.
- Soạn thảo tài liệu giảng dạy Giáo lý, kết hợp với nội dung đường lối Chánh sách Xã hội Chủ nghĩa, để giáo dục Chức sắc và toàn Ðạo.
- Từ Hàn và phó Từ Hàn phụ trách, nhiệm vụ quản trị văn phòng Hội Ðồng Chưởng quản, ban hành các Ðạo Lịnh, Thông Tri, Huấn lịnh của Hội Ðồng, lập bộ Chức sắc Nam, Nữ, quản lý việc hành Ðạo của Chức sắc cai quản Thánh Thất và Ðiện Thờ ở Ðịa Phương và Chức sắc trở về gia đình hành Ðạo.
- Thẩm tra công nghiệp của Chức sắc, tuyển chọn Chức sắc đề xuất với Hội Ðồng bổ nhiệm hành Ðạo địa phương.
- (01) một Hội Viên phụ trách nhiệm vụ Thủ Bổn, thu chi phần huê lợi của Ðạo sản xuất tự túc, chăm lo đời sống số người phục vụ ở Tòa Thánh và phần chi phí Nghi lễ, hành Ðạo.
- Bảo quản tài sản của Ðạo, lo tu sửa Ðền Thánh, Ðền Thờ Phật Mẫu và các sở hành Ðạo thuộc về tín ngưỡng.
- (01) một Hội Viên phụ trách nhiệm vụ điều hành sản xuất tự túc lương thực, cải thiện đời sống cho số người phục vụ tại Tòa Thánh, tự túc phần chi phí Nghi lễ và hành Ðạo.
- Giúp sức với Chưởng Quản và Phó Chưởng Quản trong việc giao thiệp với Mặt Trận, Chánh quyền, các đoàn thể nhân dân và các Tôn giáo bạn. %%% (HẾT TRANG 4)
- (01) một Hội Viên phụ trách nhiệm vụ thay mặt Hội Ðồng Chưởng Quản đi thăm viếng, an ủi Chức sắc già nua, bệnh tật, nhắc nhở, đôn đốc Chức sắc trở về gia đình hành Ðạo, ngày càng thực hiện tốt nhiệm vụ với Ðạo, với Nước.
- Quan sát việc Ðạo ở các địa phương, giúp sức cho các vị Cai Quản Thánh Thất và Ðiện Thờ giữ gìn sự trong sạch nền Ðạo.
- Phụ trách các lớp đào tạo Chức sắc.
- (01) một Hội Viên phụ trách nhiệm vụ Nghi Lễ tại Ðền Thánh và Ðền Thờ Phật Mẫu, Kiêm Cai Quản Nhạc, Lễ, Ðồng nhi Nam Nữ.
- (01) một  Hội Viên phụ trách phần cơm nước cho những người phục vụ tại Tòa Thánh, hay khách vãng lai.
- (02) hai Hội Viên phụ trách nhiệm vụ tiếp tục giúp đở cuộc sống cho những Chức sắc già nua, mất sức lao động cô đơn, không hơi nương tựa.
- Giúp đở Chức sắc và nhân viên công quả trở về gia đình, chưa ổn định được cuộc sống hay người còn sức lao động mà chưa có nơi định nghiệp.
- (01) một Hội Viên Nữ, giới thiệu tham gia vào Hội Liên Phụ Nữ Việt-Nam Tỉnh Tây Ninh, để phát huy phong trào giải phóng Phụ Nữ trong Tôn Giáo.
đ)- Nguyên tắc giới thiệu Chức sắc Ứng cử Hội Đồng, Tiêu chuẩn Thành viên Hội Đồng và Nhiệm Kỳ của Hội Đồng.
- Nguyên tắc giới thiệu Chức sắc ứng cử Hội Ðồng Chưởng Quản, thì Chức sắc cấp nào giới thiệu ứng cử cấp đó. Số lượng người ứng cử tùy theo yêu cầu cuộc bầu cử toàn diện hay bầu cử bổ sung mà quy định.
Thí dụ: Bầu cử toàn diện là 12 người và có 4 người khuyết, thì có thể giới thiệu ứng cử 20 người.
- Bầu cử bổ sung 2 người: thì có thể giới thiệu ứng cử 3 người.
- Chưởng Quản và Phó Chưởng Quản Hội Ðồng Chưởng Quản Hội Ðồng Chưởng Quản phải là hàng Chức sắc cao cấp Hiệp Thiên Ðài và Cửu Trùng Ðài Nam Nữ, từ phẩm Chánh Phối Sư và tương đương trở lên. Các thành viên khác từ phẩm Giáo hữu  và tương đương trở lên.
- Thành phần lý lịch bản thân của mỗi ứng cử viên phải không án tiết với Ðạo, với Ðời, phải là chức sắc hết lòng vì Ðạo, vì Nước, vì Chủ Nghĩa Xã hội thiết thực.
- Lý lịch cá nhân phải thông qua Hội Thánh, Chánh quyền địa phương xét duyệt trước khi bầu cử.
- Nhiệm kỳ của Hội Ðồng Chưởng Quản là (04) bốn năm.
Trong nhiệm kỳ nếu có khuyết một Thành viên nào, thì Hội Ðồng rút Thành viên dự khuyết có số thăm cao nhất lên thay.
- Hội Ðồng Chưởng Quản sẽ mãn nhiệm kỳ sau 15 ngày, kể từ ngày bầu cử Hội Ðồng mới và sau khi bàn giao xong nhiệm vụ, thời gian bàn giao không quá 03 ngày. %%% (HẾT TRANG 05).
- Danh sách thành phần Hội Ðồng Chưởng Quản đã được Hội Thánh thông qua ngày mùng 4 tháng giêng Kỷ Mùi (31/01/1979):
1/- Chưởng Quản: Bảo Ðạo HỒ TẤN KHOA
2/- Phó Chưởng Quản: Ðầu Sư NGỌC NHƯỢN THANH
3/- Từ Hàn: Giáo Sư THÁI PHÁT THANH
4/- Phó Từ Hàn: Cải Trạng LÊ MINH KHUYÊN
5/- Hội Viên: Qu. Thái Chánh Phối Sư THÁI HIẾU THANH
6/- Hội Viên: Q. Thượng Chánh Phối Sư THƯỢNG TRỌNG THANH.
7/- Hội Viên: Qu. Nữ Chánh Phối Sư LÊ HƯƠNG TIẾU.
8/- Hội Viên: Qu. tiếp Lễ Nhạc Quân VÕ THANH TƯƠI.
9/-Hội Viên:  Chơn Nhơn ÐĂNG VĂN CHƯỞNG.
10/- HộiViên: Nữ Chơn Nhơn NGUYỄN THỊ KHÉO.
-/- Vì yêu cầu cấp bách bước đầu chấn chỉnh việc Ðạo, Hội Thánh phải tạm thời chỉ định thành phần Hội Ðồng Chưởng Quản do những Chức sắc cao cấp trên đây đảm nhiệm để sắp xếp việc Ðạo cho đến khi ổn định nếp sống Tôn giáo thuần túy, thì Hội Ðồng Chưởng Quản tạm thời này sẽ giải tán, Hội Thánh sẽ bầu lại Hội Ðồng Chưởng Quản chánh thức theo nguyên tắc bầu cử.
- Nay bổ sung:
11/ - Hội Viên    - Nữ Phối Sư TRẦN HƯƠNG MÂY
12/- Hội Viên    - Giáo Sư THƯỢNG TÌNH THANH.
- Ở địa phương, mỗi Thánh Thất và mỗi Ðiện Thờ, Hội đồng Chưởng Quản sẽ bổ nhiệm mỗi nơi một vị Chức sắc làm Chánh Cai Quản và một vị làm Phó Cai Quản, Chức sắc Cai Quản phải hàng phẩm Giáo hữu và tương đương trở lên, nếu thiếu thì chọn hàng Lễ Sanh và phẩm tương đương, nhưng chỉ bổ làm Phó Cai Quản và phải ngoài tuổi nghĩa vụ quân sự.
- Chức sắc hành Đạo địa phương phải gắn liền với sản xuất để tự lực phần lương thực và chi phí nghi lễ.
* Nhiệm vụ chủ yếu của Chánh Phó Cai Quản là:
a)- Thay mặt Hội Thánh và Toàn Ðạo quản lý, chăm lo việc Ðạo về mặt tín ngưỡng trong phạm vi Thánh Thất và Ðiện Thờ. Phổ biến trực tiếp với tín đồ các Chủ trương hành Ðạo của Hội thánh. Ðồng thời trực tiếp với Hội Ðồng Chưởng Quản để báo cáo tình hình thực hiện các chủ trương đó, tình hình thuận lợi hay khó khăn ở địa phương, trên cơ sở đó gìn giử tốt sự trong sạch của nền Ðạo, mở mang nghiệp Ðạo, phổ hóa chúng sanh.
b)- Quan hệ gắn bó với Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và Chánh quyền Cách mạng nơi mình hành Ðạo về mặt đoàn kết dân tộc, hành tốt các Chủ trương, Chánh sách và pháp luật của Nhà nước
-/ Ðộng viên, đôn đốc tín đồ tích cực tham gia thực hiện các Chủ trương, Chánh sách đó.
- Tham gia xây dựng quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động ở địa phương.  %%% (HẾT TRANG 06).
c)- Kiểm tra và chứng nhận công hạnh, tinh thần phục vụ Ðạo Ðời cho Chức sắc trở về gia đình hành Ðạo, giúp đở cho những Chức sắc phạm lỗi lầm, trở lại con đường ngay chánh và tiến bộ. Ðồng thời cũng báo cáo cho Hội Ðồng Chưởng Quản biết những hành động vi phạm luật Ðạo, Luật Nước của những Chức sắc sa ngã, để Hội Thánh kịp thời xử lý.
d)- Hàng năm trong dịp lễ Vía Ðức Chí Tôn, Chức sắc hành Ðạo địa phương, được cử đại diện về Tòa Thánh dự hội nghị Hội Ðồng Chưởng Quản mở rộng, để nghe báo cáo tình hình hành Ðạo chung, tình hình quan hệ giữa Ðạo và Ðời; tình hình mỗi nơi đóng   góp thiết thực vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, để phát huy mặt tích cực, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong Ðạo, quyết tâm vun đắp nghiệp Ðạo trong  sáng, nghiệp Nước thịnh vượng quang vinh.
đ)- Nhiệm kỳ của Chức sắc hành Ðạo địa phương là (03) năm.
- Chức sắc, Chức việc và nhân viên công quả Nam, nữ hiến thân tại Tòa Thánh cũng như các Thánh Thất và Ðiện Thờ ở các địa phương được trở về gia đình tích cực tham gia vào các đoàn thể nhân dân, các tổ chức Cách mạng, tích cực đóng góp tài năng trí tuệ sức lao động và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, với  nhiệt tình hy sinh cao độ, vì Ðạo vì Nước, vì nhân dân mà gương mẫu trên các mặt công tác cách mạng.
Ðộng viên mọi người cùng tham gia thực hiện tốt như mình, thẳng thắng đấu tranh những hiện tượng tiêu cực sai trái trong Ðạo, không ngừng nâng cao phẩm chất tu hành hài hòa với phẩm chất công dân yêu Nước, yêu Chủ nghĩa Xã hội ngày thêm phong phú và cao cả, để xứng đáng một kiếp sanh ngộ Ðạo, một cuộc sống Ðộc Lập Tự do Dân chủ và Chủ nghĩa xã hội.
- Trên phương diện Lập Công, Lập Ðức đó, Hội Ðồng Chưởng Quản sẽ kiểm tra xác nhận đức độ, tài năng và nhiệt tình, của mỗi Chức sắc mà định phần thăng thưởng.
- Từ nay việc hành Ðạo tại Tòa Thánh và địa phương, Chức sắc, tín đồ tùy sở vọng của mỗi người đến giúp việc với Chức sắc có trách nhiệm, xong việc rồi về, nhưng trước hết phải đảm bảo thật tốt nghĩa vụ lao động trong gia đình, nghĩa vụ lao động của nhà Nước, chấp hành tốt việc an ninh công cộng, trật tự xã hội và pháp luật của Chánh quyền.
ÐIỀU THỨ BA: Việc thăng thưởng Chức sắc hữu công cùng Ðạo, việc đào tạo Chức sắc vào hàng Hội Thánh và hình phạt đối với Chức sắc vi phạm luật Ðạo luật Nước.
a)- Căn cứ theo Giáo pháp Chơn truyền của Ðạo, căn cứ vào tình hình phát triễn xã hội Việt Nam đang tiến hành đồng thời ba cuộc Cách mạng: Cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học và kỷ thuật, cách mang về văn hóa và tư tưởng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt, để xây dựng mọi nơi, con người mới, con người Xã hội chủ nghĩa, người Ðạo không thể tách mình ra ngoài cuộc cách mạng đó, người Chức sắc càng phải có trách nhiệm gắn bó với ba cuộc cách mạng hầu dẫn dắt tín đồ thực hiện tốt. Nên từ đây HỘI THÁNH qui định tiêu chuẩn mẫu người Chức sắc Nam Nữ trong hàng Thánh Thể Ðức CHÍ TÔN phải là những tấm gương chói lọi Thánh Ðức lẫn tài  năng, soi sáng cho nhơn sanh trên các mặt của cuộc sống mới.%% (HẾT TRANG 07).
Chức sắc phải là những con người ưu tú lỗi lạc dũng cảm, quên mình để phụng sự cho dân và nước, tức là cho đời, không ngừng tu dưỡng đạo đức cần kiệm liêm chính chí công vô tư, tu dưỡng lòng mộ Ðạo, yêu Nước, yêu Chủ nghĩa xã hội ngày càng sâu sắc, tu dưỡng tài năng mở rộng kiến thức văn hóa, khoa học, kỹ thuật, hiểu biết phần nào về qui luật thiên nhiên, có vậy mới xứng đáng là người hướng đạo nhơn sanh trên đường Ðạo và đường đời trong thời đại ngày nay.
Do đó, HỘI THÁNH qui định bốn (4) tiêu chuẩn căn bản sau đây để tuyển chọn Chức sắc hành Ðạo:
1/- Phương diện hạnh đức thiết thực.
2/- Trình độ văn hóa và khoa học kỹ thuật.
3/- Tinh thần phục vụ Ðạo, phục vụ nhân dân và phục vụ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
4/- Khả năng giáo hóa nhơn sanh mặt Ðạo lẫn Đời.
b)- Phương thức tuyển chọn: Hội Thánh sẽ áp dụng hai phương pháp sau đây:
1/- Công cử đối với Chức sắc, Chức việc, có công với Ðạo, với Nước được Hội Ðồng Chưởng quản xác nhận.
2/- Thi cử đối với tín đồ có tài năng đức độ thiết thực.
- Hội Ðồng Chưởng Quản sẽ ban hành những qui định trong Ðạo lịnh khác.
c)- Về hình phạt:
- Hội Ðồng Chưởng Quản sẽ nghiêm khắc khai trừ ra khỏi cửa Ðạo đối với những Chức sắc, Chức việc và Tín đồ vi phạm nghiêm trọng luật Ðạo, luật Nước, xu hướng theo các tổ chức phản cách mạng, phản bội Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, phản bội nhân dân, có bằng chứng cụ thể mà Chánh quyền đã xử lý hay trong Ðạo phát hiện. Nhưng Hội Thánh cũng khoan hồng cho những ai biết ăn năn tỉnh ngộ, lập công chuộc tội với Ðạo với Tổ quốc.  
ÐIỀU THỨ TƯ:   Từ đây Hội Thánh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ sẽ họp theo chu kỳ (04) năm một lần, vào dịp lễ Vía Ðức CHÍ TÔN tại Tòa Thánh với chức năng và nhiệm vụ:
a)- Nghe Hội Ðồng Chưởng Quản báo cáo tình hình hành Ðạo bốn năm trước, kiểm điểm việc chung của Ðạo, rút kinh nghiệm mặt ưu khuyết để ra biểu quyết các vấn đề đi tới của Ðạo ngày càng tốt đẹp, giúp đở Chức sắc ngày càng tiến bộ.
b)- Tín nhiệm hay mất tín nhiệm Hội Ðồng Chưởng Quản hay Thành viên Hội Ðồng Chưởng Quản.
- Bầu cử Hội Ðồng Chưởng Quản mới.
- Thông qua hồ sơ thăng chức của Chức sắc có công, hồ sơ Chức sắc vi phạm luật Ðạo, luật Nước nghiêm trọng và các vấn đề liên quan.
- Chứng kiến việc bầu cử của Chức sắc thăng cấp. %(HẾT TR 08).
c)- Thành phần dự Đại Hội và Nhiệm vụ Hội viên.
- Chức sắc dự Ðại Hội phải từ hàng Giáo Hữu và phần tương đương trở lên. Lễ sanh và phần tương đương được cử đại diện mỗi khu vực Thánh Thất và Ðiện Thờ ở địa phương, mỗi nơi hai người: một Nam và một Nữ, thay mặt cho hàng Lễ sanh, Giáo Thiện và Tín đồ, dự Ðại Hội có quyền phát biểu ý kiến đóng góp xây dựng với Ðại Hội, nhưng không có quyền biểu quyết.
- Mỗi Chức sắc dự Ðại Hội phải thật thà phản ảnh bằng văn kiện sự kiểm điểm phê bình quá trình hành Ðạo của mình giữa hai kỳ họp:
a/- Việc tu dưỡng bản thân,
b/- Thành tích lập công với Ðạo với Nước, với Chủ nghĩa xã hội
-/ Văn kiện nầy phải nộp cho Hội nghị 30 ngày trước ngày khai mạc Ðại Hội.
- Ðại Hội sẽ giao hoàn bộ văn kiện đó cho Hội Ðồng Chưởng Quản thẩm xét mà định phần thăng thưởng cho Chức sắc hữu công và đưa ra Hội Ðồng Kỷ luật đối với Chức sắc vi phạm luật Ðạo Luật Nước mà không thật thà kiểm điểm hay không kiểm điểm.
- Mỗi hội viên phải thật thà tự giác, nhận sự phê phán của Hội nghị, nếu Hội nghị cần giới thiệu ra một vài sự kiện cần thiết để xây dựng hội viên đó.
-/ Ngoài chu kỳ bốn (04) năm, Hội Thánh có thể hợp bất thường theo yêu cầu cho Hội Ðồng Chưởng Quản.
ÐIỀU THỨ NĂM:
-/ Nền Ðạo của Ðức Chí Tôn do cơ bút hình thành Giáo pháp Chơn truyền Ðức Chí Tôn đã định sẳn, ngày nay toàn Ðạo cứ noi theo mà tu hành, lập công bồi đức. Từ đây, Hội Thánh xét thấy không cần thiết sử dụng cơ bút nữa.
- Hội Thánh cũng nghiệm cấm toàn Ðạo tự ý sử dụng cơ bút, vì đã qua có nhiều trường hợp cơ bút bị lợi dụng, vào con đường sai trái với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, làm cho Ðạo phải bị tổn thương chẳng ít.
ÐIỀU THỨ SÁU:
1)- Về Bí Pháp của Đạo.
Hội Ðồng Chưởng Quản sẽ giao nhiệm vụ nầy cho Chức sắc phẩm Giáo Hữu và cấp tương đương trở lên đã có thọ truyền Bí pháp, Cai Quản Thánh Thất hầu thường trú gần Thánh Thất sẽ có nhiệm vụ làm Phép xác, Giải Oan, Tắm Thánh cho con cái Ðức chí Tôn ở Tòa Thánh cũng như ở địa phương. Vị Chức sắc nào không được Hội Ðồng Chưởng Quản giao nhiệm vụ nầy thì không được hành Bí pháp. %%% (HẾT TRANG 09).
2)- Về Nghi Lễ của Đạo:
a)- Nghi lễ tại Tòa Thánh:    Hội Ðồng Chưởng Quản phân công cho một Hội Viên phụ trách Nghi lễ tại Tòa Thánh kiêm phận sự Cai Quản Nhạc Lễ, Ðồng Nhi Nam Nữ với 20 vị Chức sắc thường trú trong Nội ô giúp việc:
- Nhạc Lễ Ðồng Nhi được qui định số người thường trực như sau:
- Nhạc................. 12 người
- Lễ ...................12 người
- Ðồng Nhi .............36 người
- Số người nầy không được thoát ly sản xuất lao-động, nhưng được Hội Thánh thừa nhận, chánh thức cư trú trong Nội ô Tòa Thánh, khi họ vắng mặt vì phải tham gia nghĩa vụ lao động, Hội Thánh chọn người ngoài tạm thay thế.
b)- Nghi lễ ở Ðịa phương:   Các vị Chánh và Phó Cai Quản Thánh Thất và Ðiện Thờ ở Ðịa phương có phận sự phân công trực tiếp quản lý phần Nghi lễ Thờ cúng Ðức Chí Tôn, và Ðức Phật Mẫu cùng các Ðấng Thiêng Liêng, và Nghi lễ Tang Hôn cho toàn Ðạo trong địa phận hành Ðạo.
Nhạc Lễ Đồng nhi thì tùy mỗi nơi mà tuyển chọn cho có người hành lễ, số người nầy không được thoát ly sản xuất
c)- Nghi lễ về Tang Hôn:
- Từ nay, Chức sắc trở về gia đình hành Ðạo, đến khi qui vị, tang lễ sẽ cử hành tại nơi mình thường trú, phải chấp hành tốt chủ trương cải tạo xã hội, về mặt tang hôn của nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, gia đình phải báo tang cho Chức sắc Cai Quản Thánh Thất hoặc cho Hội Thánh biết, để cử Chức sắc đến chung lo việc tang lễ về phần Ðạo.
- Ðối với Chức sắc từ phầm Giáo Hữu và tương đương trở lên, vẫn di Linh cửu vào Ðền Thờ Phật Mẫu tế lễ và hành Pháp Ðộ Thăng tại Ðền Thánh, nếu ở gần Tòa Thánh; còn Chức sắc ở địa phương thì được di Linh cửu vào Ðiện Thờ Phật Mẫu tế lễ, và di vào Thánh Thất gần nhứt để cầu nguyện.
d)- Các hình thức nghi lễ Cúng tế, Tang hôn, Cầu siêu, Tuần cửu v..v.. Hội Ðồng Chưởng Quản sẽ căn cứ vào Tân Luật về tình hình thực tế của xã hội đang thay cũ đổi mới mà giản dị hóa nghi lễ của Ðạo thật gọn nhẹ, nhưng đảm bảo mặt tôn nghiêm thành kính, không làm cản trở việc lao động sản xuất của nhân dân.
- Hãy tập trung cao độ cho khẩu hiệu cả Nước, vì cuộc sống ấm no văn minh, hạnh phúc cho đồng bào, Hội Thánh sẽ ban hành những qui định chân chính phần Nghi lễ của Ðạo cho giản dị. %%%(HẾT TR 10).
ÐIỀU THỨ BẢY: Ðạo Lịnh nầy có thể bổ sung theo đã tiến hóa của nhơn sanh.
ÐIỀU THỨ TÁM: Ðao Lịnh nầy có hiệu lực từ ngày ký tên ban hành, các Ðạo Lịnh trước đây khác với tinh thần nội dung Ðạo Lịnh nầy đều không còn hiệu lực.
ÐIỀU THỨ CHÍN: Chư vị Q. Thái, Thượng, Ngọc Chánh Phối Sư, Q. Nữ Chánh Phối Sư, Qu. Chưởng Quản Pháp Chánh Hiệp Thiên Đài và Chưởng Quản Phước Thiện Nam, Nữ tùy nhiệm vụ thi hành và ban hành Ðạo Lịnh nầy./.
Tòa Thánh, ngày mùng 04 tháng 2 Kỷ Mùi
(DL. 01/03/1979)
TM. HỘI THÁNH ĐẠI ÐAO TAM KỲ PHỔ ÐỘ.
Q. Chưởng Quản HTĐ (Ấn Ký)
Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa
Thượng Đầu Sư CTÐ (Ấn ký)
Thượng Sáng Thanh.  
Ngọc Đầu Sư CTР  (Ấn ký)
Ngọc Nhượn Thanh.
Vâng lịnh thi hành và ban hành.
Quyền Nữ Chánh Phối Sư (Ấn ký)
   Lê Hương Tiếu.
 Quyền Thái Chánh Phối Sư (Ấn ký)
Thái Hiểu Thanh.
Quyền Thượng Chánh Phối Sư (Ấn ký)
Thượng Trọng Thanh.
TM. Q Ngọc CPS (Ấn ký)  
  Q.Thượng CPS.
Thượng Trọng Thanh.
^ ^ ^
P. Chưởng Quản Phước Thiện Nữ phái (Ấn ký).
Chơn Nhơn Nguyễn Thị Khéo.
Q. Chưởng Quản Phước Thiện Nam phái (Ấn ký)
    Chơn Nhơn Đặng Văn Chưởng.
Thượng Thống Lại Viện PT.    (Ấn ký)
    Nữ Chơn Nhơn Trần Thị Lý.
Thượng Thống Lại Viện CTÐ    (Ấn ký)
    Phối Sư Ngọc Đại Thanh.

ẢNH CHỤP ĐẠO LỊNH 01.
(01. 03. 1979).