Trang

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2025

5877. VNTB – Trùng tên đường ở Sài Gòn: câu chuyện có mới?

 

VNTB – Trùng tên đường ở Sài Gòn: câu chuyện có mới?

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Đổi tên đường, không chỉ đơn thuần là thay đổi cái bảng tên hiển thị trên con đường đó mà còn ảnh hưởng không ít đến đời sống người dân. Việc đổi tên có thể sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề thay đổi rất phức tạp

 

Sau ngày 1 tháng 7 năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu để trở thành Thành phố Hồ Chí Minh mới.

Với việc này, đô thị vốn dĩ đông đúc như Thành phố, nay lại càng thêm đông khi được cộng dồn dân số của hai tỉnh nói trên. Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM – (HIDS), quy mô kinh tế sau hợp nhất của thành phố mới đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng – chiếm gần 1/4 GDP năm 2024 của cả nước. Thu ngân sách của thành phố mới cũng vượt trội khi chiếm gần 1/3 cả nước với 682 nghìn tỷ đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh mới cũng sở hữu những thế mạnh trong kết nối hạ tầng với các tỉnh trong nước và thành phố trong khu vực, sở hữu hai sân bay là: sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay Côn Đảo, cùng hơn 80 bến cảng lớn nhỏ và hệ thống đường sá, cơ sở vật chất.

Tuy vậy, cũng còn đó những thách thức cho một Thành phố mới. Một trong những số đó, được đặt ra, là vấn đề trùng tên đường.

Đây có thể nói là một vấn đề hoàn toàn không mới. Trước khi sáp nhập, Thành phố cũng đã “xuất hiện” tình trạng này. Kể đến như tên Phan Văn Trị có ở quận Bình Thạnh và quận 5; đường Lê Lợi ở quận 1, quận Gò Vấp và quận Tân Bình; đường Phạm Ngũ Lão ở quận Gò Vấp và quận 1; đường Hoàng Hoa Thám ở quận Bình Thạnh và quận Tân Bình; Quang Trung thì ở Gò Vấp, trong khi đó, Nguyễn Huệ thì nằm ở quận 1…

Sau sáp nhập, việc trùng tên không những không giảm, mà có vẻ như sẽ tăng lên khi Nguyễn Văn Trỗi, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Cách mạng tháng 8, Phạm Văn Đồng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… do được nhiều địa phương ưu tiên.

Trước tình hình đó, tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 91/2005 về quy chế đặt tên, đổi tên đường do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức chiều 10 tháng 7 năm 2025, nhiều chuyên gia đã đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ bài toán này một cách thận trọng, tránh xáo trộn cuộc sống người dân.

Giữ tên, thêm địa chỉ hoặc phân biệt bằng số

Một trong những ý kiến góp ý cho việc thay đổi tên đường, đó là thêm các con số phía sau tên đường, ví dụ như Dân Chủ 1, Dân Chủ 2… Có thể nói đây là một cách, tuy nhiên, ít nhiều cũng sẽ gây nhầm lẫn. Đơn cử, nếu tên đường chỉ đơn thuần với hai chữ Dân Chủ thì dễ dàng phân biệt 1,2 chỉ là số thứ tự. Nhưng nếu tên đường là Danh nhân Văn hoá – Lịch sử, liệu rằng, sẽ có sự hiểu nhầm? lấy đường Trần Hưng Đạo A và Trần Hưng Đạo B là một ví dụ.

“Việc trùng tên đường ở Thành phố, theo góc nhìn của tôi, là câu chuyện cũ rích. Với những con đường mà không nói rõ phường, quận, dễ dàng bị nhầm lẫn, kể cả với giới xe ôm hay người giao hàng. Một con đường có thể kéo dài từ quận này sang quận khác; hoặc một con đường nhưng hai bên khác phường, có khi khác luôn cả quận. Chính vì thế, để tránh nhầm đường, cần nêu rõ luôn thông tin về phường. Như vậy, cho dù có trùng tên, cũng không quá khó khăn trong tìm kiếm”, ông Ba Tài, một cư dân của xứ Gia Định chia sẻ.

Cần thận trọng trong việc đổi tên đường

Đổi tên đường, không chỉ đơn thuần là thay đổi cái bảng tên hiển thị trên con đường đó mà còn ảnh hưởng không ít đến đời sống người dân. Việc đổi tên có thể sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề thay đổi như điều chỉnh giấy tờ nhà đất, hộ khẩu, căn cước công dân, cơ sở đăng ký kinh doanh, tài chính ngân hàng, hợp đồng điện tử… Đó là chưa kể đến sẽ ảnh hưởng đến quỹ thời gian, chi phí, sức khỏe của người dân.

Một con đường với nhiều hộ dân sinh sống, từ những căn nhà mặt tiền cho đến những hộ sâu trong hẻm, ít nhiều cũng đã ảnh hưởng. Nói chi đến việc nhiều con đường trùng tên sau sáp nhập.