Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

4095. “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”

Đạo Pháp Vô Biên cớ chi cột vào Chủ nghĩa xã hội? Mà CNXH là một ảo tưởng thì Đạo Pháp như vậy có giá trị gì? BBT Blog. 

VNTB – “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”

VNTB – “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”

Ngọc Lan

(VNTB) – Nếu thật sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tự do hành đạo thì  không nên áp đặt yêu cầu thể chế chính trị vào tổ chức tôn giáo.

 

Tháng 11 năm ngoái có lẽ với nhiều Phật tử thuần thành họ sẽ thấy rất khó hiểu khi Nhà nước Việt Nam tổ chức rầm rộ qua hình thức trực tuyến chủ đề “40 năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”.

Vì sao lại là 40 năm?

Triết lý nhà Phật nói rằng, “Vì một đại sự nhân duyên, vì lòng thương tưởng, vì hạnh phúc của chúng sinh, vì sự an lạc cho chư Thiên và loài người”, đó là mục đích của Đức Phật khi xuất hiện nơi thế gian.

Để mục đích ấy trở thành hiện thực, Đức Phật đã dạy “Phật pháp là bất định pháp”, nghĩa là, trong quá trình hành đạo và hoằng dương chính pháp, những người con Phật có thể “tuỳ duyên mà hoá độ”, trên cơ sở đó nêu cao tinh thần “tuỳ duyên bất biến – bất biến tuỳ duyên”.

Trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo Việt Nam, tinh thần ấy đã được chư vị tiền bối Phật giáo Việt Nam tiếp thu và nhân rộng trong Phật sự “hoằng pháp, lợi sinh” của mình.

Trong kinh Tăng nhất chi bộ III, Đức Phật nói: “Ví như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy, này Pahàrada, Pháp và Luật của ta chỉ có một vị là vị giải thoát”. “Pháp và Luật” ở đây tức là “Đạo”. Như vậy, với Phật giáo, “Đạo” chỉ có một mục tiêu duy nhất tối hậu là: “Giải thoát”.

Đặt trong mối quan hệ với “Đạo”, Pháp được hiểu là lời nói, hành động, phương pháp và cách thức phù hợp để  đưa Đạo (chân lý) đến với đời, với Phật tử và chúng sinh. Nếu phạm trù “Đạo” là bất biến, là không thay đổi, thì pháp là yếu tố có thể thay đổi, tức là tuỳ thuộc vào điều kiện tự nhiên – xã hội, trình độ, nhận thức… của người tiếp nhận đạo mà sử dụng các phương pháp, cách thức truyền đạo cho phù hợp và hiệu quả.

Từ ý nghĩa này có thể thấy, dù có chức năng, nhiệm vụ cụ thể và đối tượng tiếp cận khác nhau, nhưng các tổ chức Phật giáo ở Việt Nam đều có một mục đích chung là đưa Đạo đến với mọi người mà thôi. Nói rộng hơn, tất cả Phật sự làm hàng ngày cũng đều không vượt ra khỏi chữ Pháp này. Pháp là tùy duyên, là khế cơ, khế lý, khế thời, khế xứ mà đề ra, Pháp là bất định pháp. Vì cuộc sống là muôn mặt nên Pháp cũng phải uyển chuyển và tùy duyên thì Đạo mới đến được với chúng sinh.

Nhưng để sử dụng Pháp một cách linh hoạt và hữu hiệu, có yêu cầu mỗi Phật tử cần thông thạo Ngũ minh và ứng dụng Tứ nhiếp pháp một cách nhuần nhuyễn vào công việc. Đặc biệt, không được lạm dụng hai chữ “tùy duyên” để phóng túng bản thân hoặc dùng những thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc hay ép buộc quần chúng theo đạo.

Với cách hiểu đó thì rõ ràng sẽ không một ý nghĩa gì cho yêu cầu “Chủ nghĩa xã hội” đứng ngang hàng với “Đạo pháp – Dân tộc” cho cái gọi là hành trình 40 năm đồng hành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

40 năm vì đó là Phật giáo thời đại Hồ Chí Minh?

Với hơn hai nghìn năm sống trong lòng xã hội phong kiến, dù gắn với những vương triều cụ thể (những dòng họ được truyền ngôi theo huyết thống), như ở Việt Nam là Đinh, Lê, Lý, Trần…, thì Phật giáo cũng luôn phải tự điều chỉnh để thích nghi và có những thịnh – suy tất yếu (ngoại tác, nội sinh) khi đối mặt với các đòi hỏi khác nhau của thời cuộc. Và theo ngữ nghĩa đó, có lẽ nên uyển chuyển chấp nhận cho tôn vinh “Phật giáo thời đại Hồ Chí Minh” mà chính quyền hiện tại đưa ra.

Bởi, tư tưởng khoan dung của Phật giáo luôn đóng vai trò hoá giải những mâu thuẫn xã hội, vì thế ngay cả vào thời Nho giáo thịnh hành, không phải ngẫu nhiên lại xuất hiện trào lưu “cư Nho, mộ Thích” trong hàng ngũ trí thức Nho giáo, và ở một số triều đại Nho giáo vẫn thấp thoáng hình bóng của những vị vua Phật tử.

Chính sự thúc ước lẫn nhau một cách không rõ ràng của mô hình Tam giáo mà xã hội phong kiến có những đặc thù trong tư tưởng, đòi hỏi người đứng đầu nhà nước và một bộ máy cầm quyền tương ứng ít nhiều đều phải có kiến thức về Tam giáo để phục vụ cho mục đích cai trị, và các khóa thi Tam giáo liên tục được mở ra là một ví dụ.

Do đó, trong sự gia giảm, thúc ước này của Tam giáo, mô hình “Quân chủ Phật giáo” (thời Lý – Trần) hay mô hình “Quân chủ Nho giáo” (thời Lê – Nguyễn) cũng chỉ có tính chất tương đối.

Vì không có một đường lối cai trị xuyên suốt và thống nhất trong các nhà nước phong kiến, nên mỗi tư tưởng được ứng dụng thường gắn với quyết định lựa chọn của một vị vua cụ thể, hay những tác động nhất định đến từ triều đình Trung Hoa.

Bởi cũng trong một triều đại, vua này lên thì ủng hộ tư tưởng này, vua khác lên thì ủng hộ tư tưởng khác. Tuy nhiên, do tính chất thâm nhập vào nhau, nên dù có những bài xích, đấu tranh để khẳng định ưu thế tư tưởng thì không bao giờ một bên kia hoàn toàn bị triệt tiêu.

Nhiều những giá trị thời đại của dân tộc đã được tạo nên bởi tính chất dung hội này, và thực tế lịch sử cho thấy xã hội phong kiến Việt Nam không hề xảy ra chiến tranh tôn giáo.

Thế nhưng nếu đặt để vào đây cách hiểu phổ quát của vấn đề nhân quyền, thì có lẽ ở Việt Nam thấy rất rõ về giới hạn của quyền tự do tôn giáo đang phải chịu trong khuôn khổ, tạm gọi là “định hướng chủ nghĩa xã hội”.