Trang

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2022

4071. LHQ cải tổ rồi vẫn còn cần cải tổ nữa ...

 

Việt Nam công bố báo cáo, thể hiện quyết tâm 

ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu trực tuyến trong buổi công bố Báo cáo UPR vào ngày 31/3/2022.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 31/3 công bố báo cáo tự nguyện giữa kỳ về việc thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ thứ ba của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và thông báo về việc tự ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng này cho nhiệm kỳ 2023-2025.

Tại buổi công bố báo cáo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nói rằng mặc dù đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các khuyến nghị UPR, trong đó có việc thu thập số liệu, nhưng các cơ quan của Việt Nam và các bên liên quan đã nỗ lực để làm báo cáo, và ông tin rằng nó “cung cấp một bức tranh tốt về việc Chính phủ Việt Nam thực hiện cam kết nghiêm túc như thế nào đối với quy trình UPR và cam kết thực hiện các khuyến nghị”.

“Bản báo cáo cũng mang đến một bức tranh đầy đủ về nhân quyền ở Việt Nam đã được cải thiện như thế nào cũng như chỉ ra những thách thức vẫn còn nằm ở đâu. Đây sẽ là nền tảng để Việt Nam chuẩn bị cho chu kỳ thứ tư của quy trình UPR trong thời gian hai năm”, Vietnam Plus dẫn lời ông Đỗ Hùng Việt nói thêm.

Cũng trong dịp này, đại diện của Việt Nam tiếp tục giới thiệu với hơn 70 đại biểu tham dự về việc Việt Nam tự ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.

Trong số 291 khuyến nghị nhận được từ 122 nước trong chu kỳ III, Việt Nam chấp thuận 241 khuyến nghị.

Việt Nam lâu nay vẫn bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích về tình trạng trấn áp nhân quyền, đặc biệt các quyền liên quan đến tự do về chính trị, tôn giáo, ngôn luận.

Trong báo cáo về tình hình nhân quyền của các quốc gia trên thế giới được công bố hồi tháng 1, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói chính phủ Việt Nam đã trừng phạt một cách có hệ thống những nhà hoạt động thách thức tình trạng cai trị độc quyền của Đảng Cộng sản.

Báo cáo nói năm ngoái, trong khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, chính quyền Việt Nam đã bỏ tù ít nhất 63 người vì đã bày tỏ quan điểm hoặc tham gia vào các nhóm bị coi là thù địch với chính phủ. Nhiều người bị xử phạt án tù lâu năm sau các phiên tòa bất công.

HRW lên án chính phủ Việt Nam đã hạn chế nghiêm ngặt các quyền dân sự và chính trị cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, được lập hội, hội họp ôn hoà, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, không có truyền thông tự do và độc lập. Chính phủ không cho phép thành lập các đảng phái chính trị hoặc các tổ chức nhân quyền độc lập, và quản lý tất cả các cơ sở tôn giáo.