Trang

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

4079. Tỵ nạn chính trị khi phải hồi hương sẽ đối mặt tội trốn đi nước ngoài?

 VNTB – Tỵ nạn chính trị khi phải hồi hương sẽ đối mặt tội trốn đi nước ngoài?

https://vietnamthoibao.org/vntb-ty-nan-chinh-tri-khi-phai-hoi-huong-se-doi-mat-toi-tron-di-nuoc-ngoai/

VNTB – Tỵ nạn chính trị khi phải hồi hương sẽ đối mặt tội trốn đi nước ngoài?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Nếu công dân đó trốn đi nhằm để chống chính quyền thì khi phải hồi hương, rất có thể phải chịu án tù cao nhất đến mức 20 năm.

 

Tin tức cập nhật từ truyền thông nước ngoài phiên bản Việt ngữ như VOA, RFA, đưa tin “Nhà tranh đấu Chu Mạnh Sơn đối mặt lệnh trục xuất của Thái Lan, án tù ở Việt Nam” (tham khảo: https://youtu.be/bJgWiwH-bd4https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-vietnam-political-prioner-was-arrestted-by-thailand-police-n-faced-the-risk-of-deportation-04112022035457.html).

Bản tin trên RFA viết, Thái Lan là nơi nhiều người Việt Nam chọn tới xin tỵ nạn để tránh sự đàn áp ở quê nhà vì các lý do như tôn giáo và chính trị, tuy nhiên nước này chưa ký Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc liên quan đến tình trạng người tị nạn.

Những người này thường không có giấy tờ hợp pháp, phải đối diện với việc bị bắt bởi cảnh sát di trú vì bị coi là người cư trú bất hợp pháp.

Ông Chu Mạnh Sơn cho biết, sau khi bị bắt một ngày thì cảnh sát Thái Lan đã đưa họ ra tòa với kết quả những người này bị buộc tội cư trú bất hợp pháp và nhận bản án trục xuất.

“Vợ chồng ông Sơn đi lánh nạn từ Việt Nam sau khi ông bị công an Việt Nam bắt tạm giam hồi đầu tháng 5/2016 với cáo buộc “kích động người dân biểu tình” liên quan đến vụ scandal nhà máy của hãng Formosa làm ô nhiễm biển ở miền trung Việt Nam.

Nói với VOA từ nơi bị tạm giam ở Bangkok, ông Sơn, 33 tuổi, cho hay ông đang làm thủ tục đi tị nạn chính trị ở Canada, và mới đây, theo yêu cầu từ Sở Di trú của nước này, trong vòng 30 ngày, ông phải nộp cho họ giấy chứng nhận tư pháp cho thấy ông không có tiền án, tiền sự ở Thái Lan.

Để có giấy này, hôm 8/4, ông Sơn cùng một gia đình người tị nạn khác gồm 4 người đến một đồn cảnh sát ở Bangkok làm thủ tục. Tuy nhiên, đồn cảnh sát đã báo cơ quan di trú của Thái Lan đến bắt cả 5 người, trong đó có ông Sơn.

Ông cho biết thêm: “Sáng 9/4, chúng tôi bị đưa ra tòa. Chúng tôi bị tòa phạt tiền. Cùng với đó, họ tuyên án là sẽ trục xuất chúng tôi sau khi về IDC” – bản tin trên VOA cho hay như vậy.

(Tham khảo Immigration Detention Center – Trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép, https://www.globaldetentionproject.org/countries/asia-pacific/thailand/detention-centres/246/bangkok-immigration-detention-centre)

Điểm khó hiểu ở đây là vì sao những người chọn “tỵ nạn chính trị” bằng đường bộ đa phần chọn Thái Lan, rồi mượn đường để có thể sang nước thứ ba nào đó ở phương Tây, hoặc bên bờ Đại Tây Dương theo quy chế tỵ nạn chính trị của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR, United Nations High Commission for Refugee)?

Gọi là khó hiểu vì Thái Lan không ký Công ước 1951 về việc công nhận người tỵ nạn, cho nên họ không được ở lại Thái Lan, và phải tìm cách đi đến một nước thứ ba. Dù có được cấp quy chế tỵ nạn thì vẫn bị xem người cư trú bất hợp pháp.

Ghi nhận của VOA, thì theo ông Y Quynh Bdap, người Montagnard theo đạo Tin Lành ở Đắk Lăk và sang Thái Lan tỵ nạn từ năm 2018, cho hay hiện nay số lượng người Montagnard ở Thái Lan gần 800 người, trong đó có 600 người từ Việt Nam sang, còn là từ Campuchia. Đây là một số lượng số người tỵ nạn do chính quyền Việt Nam đàn áp về tôn giáo và chính trị.

Trở lại về trường hợp một người Việt đang đối mặt với lệnh trục xuất của Thái Lan như nêu ở phần đầu bài viết này.

Ở Thái Lan hiện chỉ có trại tỵ nạn cho dân Miến Điện, sát biên giới Miến Điện. Còn lại thì người đang xin tỵ nạn hoặc đã có quy chế tỵ nạn đều sống lẫn lộn với người dân Thái Lan ở các thành thị nên còn được gọi là là “tỵ nạn thành thị” (urban refugees). Họ sống bấp bênh và phải tự bươn chải.

Chỉ những ai đã được UNHCR công nhận tư cách tỵ nạn thì mới được gọi là “người tỵ nạn” (refugees). Những người đang xin nhưng chưa được công nhận tư cách tỵ nạn thì được gọi là “người xin tỵ nạn” (asylum seekers). Những ai đã hoàn toàn bị phủ nhận tư cách tỵ nạn, tức bị đóng hồ sơ, thì được gọi là “người không là tỵ nạn” (non-refugees).

Ngoại trừ trường hợp đã được UNHCR công nhận tự cách tỵ nạn, còn lại thì Thái Lan xem đó là di dân bất hợp pháp. Họ có thể bắt bất cứ lúc nào. Tuy ít khi xảy ra, chính phủ Thái Lan cũng đã trục xuất di dân bất hợp pháp này về nguyên quán.

Canada đứng thứ 2, sau Hoa Kỳ, về định cư người tỵ nạn ở Thái Lan. Canada có 2 chương trình định cư tỵ nạn: chính phủ bảo lãnh và tư nhân bảo lãnh. Trường hợp ông Chu Mạnh Sơn có thể thuộc chương trình định cư tỵ nạn do tư nhân bảo lãnh.

Câu hỏi đặt ra: giả dụ Thái Lan kiên quyết buộc ông Chu Mạnh Sơn phải hồi hương, vậy thì ông có đối mặt với đe dọa tù tội lúc trở lại Việt Nam?

Câu trả lời là có nếu như mục đích trốn đi nước ngoài của ông Sơn là nhằm chống chính quyền Việt Nam, nghĩa là mang yếu tố chính trị. Còn nếu đơn thuần vì sinh kế, và kể cả vì tự do tôn giáo bị giới hạn thì ông sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chánh vì vi phạm quy định xuất nhập cảnh.

Bộ luật hình sự, điều 121. Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân

1. Người nào trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Một lưu ý, cho đến nay Việt Nam vẫn tiếp tục dừng lại ở trạng thái gọi là “đang xem xét khả năng gia nhập” về Công ước về Người mất tích cưỡng bức, Công ước về Quyền của Người lao động di cư và thành viên gia đình họ, Công ước về Quy chế của người tỵ nạn, Công ước về Người không có quốc tịch.