Trang

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2022

4086. Góc khuất nhân quyền

 

VNTB – Góc khuất nhân quyền

VNTB – Góc  khuất  nhân quyền

Tử Long

https://vietnamthoibao.org/vntb-goc-khuat-nhan-quyen/

 (VNTB) – Tư nhân không được quyền làm báo, và đó chính là góc khuất của nhân quyền ở Việt Nam.

 

Trong những năm gần đây, nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài và không ít trang web trong và ngoài nước nói rằng ở Việt Nam “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”, “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”… Ủy Ban bảo vệ nhà báo (Committee to Protect Journalists, viết tắt là CPJ) cũng nhiều lần ra báo cáo nói rằng Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia kiểm duyệt bảo chí nhiều nhất.

Nhận xét trên là không sai vì tự do báo chí được hiểu là thể hiện qua việc tự do thông tin, tiếp nhận thông tin qua tất cả các nguồn khác nhau, bày tỏ quan điểm chính kiến mà không sợ bị giam cầm hay trù dập.

Tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí là quyền cơ bản của con người. Trên thế giới ngày nay, tự do ngôn luận và tự do báo chí là các yếu tố hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia, đồng thời là biểu hiện trực tiếp của quan niệm, chính sách nhân quyền ở quốc gia đó.

Nói Việt Nam chưa có tự do báo chí, vì không chỉ chuyện tư nhân không được quyền làm báo, mà ngay cả báo chí nhà nước cũng chịu sự giới hạn trong lựa chọn loại hình báo chí. Đơn cử như với lý do quy hoạch báo chí, thời gian qua Việt Nam đã chuyển đổi rất nhiều tờ báo sang thể loại tạp chí kèm ràng buộc là nội dung các bài trên báo, trên tạp chí phải tuân thủ theo “tôn chỉ – mục đích”.

Xin được trở lại vụ án “Báo Sạch”.

Cơ quan tuyên truyền của Đảng đưa ra lập luận rằng “Không thể đặt quyền tự do ngôn luận lên trên pháp luật” bằng biện giải như sau (trích):

“Lật lại quá khứ, với khẩu hiệu “Độc lập với nguồn tin – Kiểm chứng thông tin – Trung lập với chính trị” nghe hết sức văn minh nhưng nhóm “Báo Sạch” lại hoạt động chẳng hề sạch.

Họ đã lợi dụng cái họ coi là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để tung tin xấu độc, sai sự thật, chưa hề được kiểm chứng hòng hạ bệ, bôi nhọ danh dự của nhiều cá nhân, tổ chức; tuyên truyền những thông tin sai lệch chống Đảng, Nhà nước. Chính điều này đã được “Danh cùng cộng sự” cúi đầu thừa nhận khi đứng trước vành móng ngựa.

Hầu hết bài được viết, đăng tải lên tài khoản cá nhân của Trương Châu Hữu Danh và Fanpage “Báo Sạch”, Group “Làm Báo Sạch”… do Danh và đồng phạm lập ra đều núp dưới danh nghĩa đấu tranh chống tiêu cực, đi sâu khai thác mặt trái của xã hội cùng những vấn đề “nóng” đang tồn tại ở các địa phương, trong đó có Cần Thơ.

Nhiều bài viết, video thiếu thông tin kiểm chứng, gây hoang mang dư luận mà chính cá nhân các bị cáo thừa nhận đã làm xâm phạm đến quyền lợi của tổ chức, xúc phạm uy tính, danh dự của một số cán bộ lãnh đạo Trung ương và nhiều địa phương, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp.

Bị cáo Trương Châu Hữu Danh đã thừa nhận 31 bài viết phản ánh liên quan đến Cần Thơ là sai sự thật. Chưa kể đến, 51 bài viết của Trương Châu Hữu Danh trên mạng xã hội Facebook đều vi phạm pháp luật, vi phạm các hành vi bị cấm và không chấp hành đúng quyền, nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo Nghị định 72/3013 của Chính phủ” (dừng trích).

Phía công tố và cả cơ quản lý nhà nước chuyên trách về báo chí rõ ràng là với vụ án kể trên đã cố tình quên đi một câu hỏi rất quen thuộc, đó là “động cơ phạm tội” nếu có ở đây là gì?

Nếu như pháp luật về báo chí không giới hạn về quyền làm báo, mà cho phép tất cả các pháp nhân theo Luật Doanh nghiệp chẳng hạn đều có thể đăng ký ngành nghề sản xuất báo chí – truyền hình, thì có lẽ những nhà báo tự do lẫn đang làm việc trong các tòa soạn báo chí nhà nước họ không cần mượn nền tảng mạng xã hội như Facebook, WordPress… để thực hiện quyền tự do báo chí như Hiến định.

Nếu nói ở Việt Nam có quyền tự do báo chí theo như cách hiểu phổ quát chung của thế giới, thì có lẽ bên cạnh cái gọi là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, giới làm báo ở Việt Nam còn được quyền chọn cho riêng nghề của mình một ngày “cúng Tổ” khác không từ tố “cách mạng” – đơn cử như lấy ngày ra mắt tờ báo bằng tiếng Việt đầu tiên là Gia Định báo, vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn chẳng hạn, coi như là ngày của “Tổ Nghề báo Việt Nam” theo đúng nghĩa về nghiệp vụ chuyên môn lẫn giá trị lịch sử vốn có của nó.