Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

4059. Đồng bào theo Đạo Thiên Chúa ở vùng Tây Nguyên bị chính quyền đàn áp

VNTB – Đồng bào theo Đạo Thiên Chúa ở vùng Tây Nguyên bị chính quyền đàn áp

VIỆT NAM THỜI BÁO. Quang Nguyên
https://vietnamthoibao.org/vntb-dong-bao-theo-dao-thien-chua-o-vung-tay-nguyen-bi-chinh-quyen-dan-ap/

 

Trong 2 ngày 10 & 11 tháng 3, 2022 Hội Luận về Thiên Chúa Giáo tại Tây Nguyên được BPSOS tổ chức có sự tham dự của tân Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ, Ông Rashad Hussain; Uỷ Viên của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Ông Frederick Davie, các nhà hoạt động cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực tự do tôn giáo hay niềm tin và các nhân chứng trong đó có ông Y Phic Hdok. Ông Y Phic Hdok đã chia sẻ lại câu chuyện bị bách hại từ chính quyền Việt Nam và tình trạng chung đã xảy ra của người dân bản địa tại Tây Nguyên.

VNTB – Đồng bào theo Đạo Thiên Chúa ở vùng Tây Nguyên bị chính quyền đàn áp

*****

Kính chào tất cả quý vị có mặt trong cuộc họp ngày hôm nay, trước tiên cám ơn Chúa đã cho tôi cơ hội này:

 

Tên tôi là Y Phic Hdok, sắc tộc Ê đê, sinh ra và lớn lên tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Daklak, Tây Nguyên. Lý do tôi có mặt ngày hôm nay là để chia sẻ lại câu chuyện bị bách hại từ Chính quyền Cộng Sản Việt Nam và tình trạng chung đã xảy ra của người dân bản địa tại Tây Nguyên.

Khoảng năm 2012-2013, tôi bị bắt lên đồn công an bởi vì đã tải và nghe nhạc tiếng mẹ đẻ của mình, lúc ấy tôi 16-17 tuổi. Lần 1 họ mời tôi đến một quán cà phê, nơi đó họ tra hỏi tôi với nhiều hình thức ép dọa tinh thần.

Lần thứ 2 họ chở tôi lên trụ sở công an tỉnh. Lần thứ 3 bắt tôi lên đồn công an thành phố. Họ hăm dọa sẽ cho tôi vào tù nếu tôi không nhận là tôi lấy nhạc đó từ người ở tổ chức bên Mỹ, và làm việc với tổ chức ở bên Mỹ để tuyên truyền chống phá nhà nước. Thực sự lúc ấy tôi không biết gì hết. Họ đã đập bàn ghế,

chỉ vào mặt, lăng mạ, hăm doạ. Họ đã lấy chữ ký của người khác ký vào tờ giấy để ép tôi nhận tội. Họ hỏi tôi có thường xuyên đi nhà thờ không. Sau khi thả tôi về nhà họ dặn tôi không được kể chuyện này với ai, và chỉ vào mặt tôi sẽ nhớ mặt tôi đến suốt đời.

Từ đó cuộc sống của tôi trở nên bị dòm ngó nhiều hơn. Tôi cảm thấy mọi người xung quanh xem tôi với một ánh mắt khác, như một tên phạm tội, trong khi đó tôi chẳng làm gì sai với pháp luật. Ngay cả cô giáo cũng báo công an khi tôi không hát quốc ca.

Tôi không chịu nổi cuộc sống mất tự do, không thoải mái của mình nên đến năm 2014 tôi rời Buôn Ma Thuột để đến Sài Gòn để học và làm việc.

Tôi phụ giúp nhà thờ để dạy kinh thánh cho mấy em thiếu nhi trong một hội thánh tư gia. Trong thời gian vắng nhà thì tôi cũng bị chính quyền qua nhà để hỏi gia đình tại sao không thấy tôi ở địa phương. Lúc ấy tôi ít liên lạc với gia đình vì không muốn họ lo lắng.

Tôi rất muốn giúp đỡ trẻ em người Montagnards ở quê, nhưng vì đã từng bị đe dọa, liên quan đến với tôn giáo thì chắc rất khó để làm việc một cách cá nhân tự tổ chức, tất cả đều phải thông qua chính quyền, đã thông qua thì chuyện ấy sẽ không bao giờ được họ cho phép.

Năm 2016 tôi chọn Campuchia để đến làm việc và giúp đỡ trẻ em Việt Nam vô quốc tịch, sống ven sông, không có giấy tờ, họ không được cấp giấy tờ bởi chính phủ Campuchia, và Việt Nam cũng không nhận họ, mỗi ngày tôi dạy họ tiếng mẹ đẻ của mình, Kinh Thánh và tiếng Anh căn bản. Tôi cảm thấy rất vui khi làm được những điều mình mong muốn, giúp đỡ, xây dựng và khích lệ những người đang gặp hoàn cảnh bi đát. Từ lúc đấy thì sự chú ý từ công an đến tôi càng nhiều hơn, họ đến nhà ba mẹ ở VN, hỏi tôi đang ở đâu và kêu tôi về với đủ mọi lý do, như về khám sức khỏe để đi nghĩa vụ quân sự.

Cuối năm 2016, tôi được mời tham dự vào cuộc hội nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm tin được tổ chức bởi Amnesty International tại Bangkok Thai Lan. Sau đó chính quyền đến nhà tôi càng dồn dập hơn. Họ xông vào nhà không một sự tôn trọng, xúc phạm gia đình, bắt ép gia đình gọi tôi về, nếu không họ sẽ doạ giết một ai đó trong gia đình. Họ thường đến chỗ bố mẹ tôi làm rẫy, tất cả công an địa phương, trưởng thôn,  tay sai và những công an chìm cũng là người quen ở trong buôn.

Có một công an viên tên là Nguyễn Minh Đức luôn nhắn tin, gọi điện qua Facebook để gọi tôi về.

Ông đến Sài Gòn để hẹn gặp uống cà phê, nhưng tôi biết chắc là để bắt tôi.

Tôi nghĩ rằng hết năm tôi sẽ trở về và giúp đỡ người trẻ Montagnards tại địa phương, nhưng cuối năm 2016 nghe tin bố đã bị bắt cóc và bị giết gần chỗ bố tôi làm rẫy một mình vì chính quyền ép tôi về nhà không được. Tôi rất muốn về, nhưng người nhà đã gọi điện dặn tôi không được về vì chính quyền đang bao vây và đang đợi để bắt tôi, sau khi họ cáo buộc là tôi được đào tạo ở nước ngoài để chống phá nhà nước.Cảm thấy không an toàn đến tính mạng nên tôi đã chạy đi Thái Lan để xin sự giúp đỡ từ Liên Hiệp Quốc. Năm 2017, tôi đã làm việc với cộng đồng, giúp đỡ những người trong tù tại Thái, tham gia huấn luyện lớp Phát Triển Xã Hội Dân Sự (CSDI), và làm việc với tổ chức quốc tế, gặp gỡ các đại diện của tổ chức USCIRF. Tham dự các cuộc hội nghị quốc tế để vận động cho người Tây Nguyên và đòi công lý cho bố của tôi.

Tháng 3 năm 2019, tôi đã tham gia hội nghị tự do tôn giáo tại Đài Loan để vận động cho người Hmong và Montagnards vô quốc tịch, và cũng đã gặp Đại sứ Tự do Tôn giáo Sam Brownback của chính phủ Hoa Kỳ.

Tháng 8 năm 2019, tôi được bộ Ngoại giao Hoa kỳ mời tham dự hội nghị Cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo tại Hoa Thịnh Đốn, DC để vận động cho người Montagnards và chia sẻ trường hợp của bố tôi.

Đến nay, chính quyền địa phương và báo chí quốc gia tiếp tục vu khống tôi và những người khác đang đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo. Tình trạng này không bao giờ chấm dứt và luôn có những nạn nhân bị bách hại, bỏ tù; và nhiều hội thánh tư gia bị cấm cản.

Vào tháng 7 năm 2019, Với mục đích tạo sự thay đổi tích cực cho người Tây Nguyên nói

chung, đặc biệt những người theo Thiên Chúa Giáo, tôi với những người bạn ở Thailand đã lập nên tổ chức Montagnards Stand for Justice (MSFJ). Chúng tôi vừa nâng ý thức và kiến thức cho người Tây Nguyên, vừa thúc đẩy cộng đồng quốc tế quan tâm đến họ. Mong rằng sẽ có sự tích cực thay đổi tốt hơn trong tương lai để người dân không phải sợ hãi khi bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình.

Những điều cần tổ chức quốc tế cùng hỗ trợ cho cộng đồng Tây Nguyên:

– Chúng tôi mong muốn cộng đồng, tổ chức quốc tế khắp quốc gia, LHQ cũng như chính phủ Mỹ có sự quan tâm đặc biệt và biết đến tình trạng vi phạm nhân quyền, hành vi trả thù của chính phủ nhằm có biện pháp hỗ trợ kịp thời để ngăn chặn sự đàn áp, bắt bớ, tra tấn và bỏ tù.

– Xin chính phủ Mỹ làm việc với chính phủ VN để thả tất các tù nhân lương tâm, mục sư của các Hội Thánh. Yêu cầu chính phủ VN tôn trọng quyền đất đai của người dân bản địa và có chính sách hiệu quả để chính phủ VN thực thi một cách nghiêm túc.

– Đặc biệt quan tâm đến tình trạng người Montagnards đang tị nạn để họ có cơ hội đến nước thứ ba sau nhiều năm trú ẩn tại Thailand.

 

– Cám ơn tất cả các quý vị đã lắng nghe bài trình bày của tôi!

 

Xin Chúa ban Phước cho quý vị!