Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

4034. TỪ HẢI NGHE THÚY KIỀU NÊN CHẾT.

 Năm 1994 Ukraine là một cường quốc hạt nhân. Tin vào 3 nước Mỹ, Anh và Nga (cam kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ) nên chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Nga. Sau đó bị Nga chiếm Crime (2014), rồi tháng 2 năm 2022 bị Nga xâm lăng... Bài học thật đau đớn. BBT Blog.

VNTB – Giác thư Budapest để làm gì?

VNTB – Giác thư Budapest để làm gì?

Triệu Long

 

(VNTB) – Tháng 12-1994, Ukraine có kho kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, và từ năm 1994 đến 1996, Belarus, Kazakhstan và Ukraine đã từ bỏ vũ khí hạt nhân.

 

Ngày 25-12-1991, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tuyên bố từ chức và giải thể Liên Xô. Vào lúc này, cường quốc hạt nhân lớn thứ ba trên trái đất không phải là Anh, Pháp hay Trung Quốc. Đó là Ukraine.

Sự sụp đổ của Liên Xô dẫn đến việc Ukraine mới độc lập được thừa hưởng khoảng 5.000 vũ khí hạt nhân mà Moscow đã đóng trên đất của họ. Các hầm chứa dưới lòng đất tại các căn cứ quân sự của nước này chứa các tên lửa tầm xa mang tới 10 đầu đạn nhiệt hạch, mỗi đầu đạn mạnh hơn nhiều so với quả bom đã san bằng Hiroshima.

Hoa Kỳ, dưới thời Tổng thống Bill Clinton, đã thuyết phục Ukraine, Belarus và Kazakhstan trả lại vũ khí hạt nhân của Liên Xô cũ cho Nga và từ bỏ vũ khí hạt nhân mãi mãi.

Giác thư Budapest là giác thư (memorandum) được ký vào ngày 5-12-1994 tại Budapest trong khuôn khổ hội nghị của tổ chức OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu).

Trong giác thư này 3 nước, Hoa Kỳ, Anh Quốc và Nga bảo đảm trong 3 tuyên ngôn riêng biệt đối với Kazakhstan, Belarus và Ukraine, coi như là để đối đáp với việc từ bỏ vũ khí nguyên tử, là sẽ tôn trọng ranh giới hiện thời của các nước này (điều 1) cũng như sự độc lập về chính trị và kinh tế (Điều 2 f.) và trong trường hợp các nước này bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử thì sẽ thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra những biện pháp trực tiếp đáp ứng. (Điều 4).

Giác thư có đoạn: “Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tái khẳng định nghĩa vụ kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine, và rằng sẽ không có vũ khí nào của họ được sử dụng để chống lại Ukraine ngoại trừ để tự vệ hoặc theo cách khác phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc”.

Kazakhstan, Belarus và Ukraine là 3 nước khi Liên Xô giải thể đã sở hữu vũ khí nguyên tử. Giác thư Budapest là điều kiện được đòi hỏi trước khi họ đồng ý ký từ bỏ vũ khí nguyên tử. Tới năm 1996 tất cả các vũ khí nguyên tử của Liên Xô trước đây được mang về Nga, nước tiếp nối Liên Xô được quyền sở hữu vũ khí nguyên tử.

Belarus đạt được quy chế không có vũ khí hạt nhân vào tháng 11-1996, Kazakhstan vào tháng 4-1995 và Ukraine vào tháng 6-1996.

Giờ đây, thỏa thuận đó lại trở thành tâm điểm chú ý.

Ukraine vào thời điểm đó được thông báo rằng Hoa Kỳ cùng các cường quốc phương Tây thực sự xem trọng các cam kết chính trị của họ. Đây là văn bản được các nguyên thủ quốc gia ký ở cấp cao nhất. Vì vậy, họ tin rằng phương Tây sẽ đứng về phía họ, hoặc chắc chắn là Hoa Kỳ, các bên ký kết, và Anh Quốc, sẽ đứng lên bảo vệ Ukraine nếu nước này bị đe dọa.

Từ những lý do trên nên mới đây Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo nước này có thể từ bỏ cam kết trở thành quốc gia phi hạt nhân hóa và đảo ngược quyết định từ bỏ vũ khí nguyên tử nếu tiếp tục bị Nga đe dọa.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 19-2 đã cảnh báo nước này có thể đảo ngược quyết định từ bỏ vũ khí nguyên tử. Phát biểu trên được ông Zelensky đưa ra tại Hội nghị an ninh Munich ở Đức.

Ông Zelensky chỉ ra rằng năm 1994, Ukraine đã tham gia giác thư Budapest và từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo an ninh. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng ẩn ý rằng động thái này có thể bị đảo ngược nếu Ukraine bị nước láng giềng Nga đe dọa.

“Ngày nay chúng tôi không có vũ khí và an ninh. Chúng tôi đã mất một phần lãnh thổ còn lớn hơn Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ. Chúng tôi đã mất hàng triệu công dân của mình”, ông Zelensky nói.

Bản ghi nhớ (hay còn gọi bằng từ Hán Việt là giác thư) Budapest chỉ bắt buộc các quốc gia hạt nhân, cũng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tìm kiếm hành động tại Hội đồng Bảo an và triệu tập tham vấn của các bên ký kết.

Vào ngày 5-3-2014, các cuộc tham vấn như vậy đã được triệu tập và đưa ra một tuyên bố ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nhưng Nga đã từ chối tham dự. Hoa Kỳ cũng đưa ra một nghị quyết của Hội đồng Bảo an để phản đối việc sáp nhập Crimea vào ngày 15-3-2014, nhưng nghị quyết này bị Nga phủ quyết và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Giờ đã bước sang tháng 3-2022. Rất có thể mọi chuyện đã khác hẳn…