Đạo Cao Đài: danh xưng bị biến thành thương hiệu.
Chi Phái 1997 đăng ký độc quyền
“thương hiệu” Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại Mỹ
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 26 tháng 3, 2018
Trong khi các nhóm Cao Đài độc lập ở hải ngoại bị tản lực thì
một nhóm người xoay chiều đã lẳng lặng cầu chứng thương hiệu “Đại Đạo Tam Kỳ
Phổ Độ Toà Thánh Tây Ninh” với chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ từ năm 2014.
Là chủ nhân của thương hiệu này, họ có quyền yêu cầu mọi thánh
thất Cao Đài phải ngưng sử dụng tên của tôn giáo mình nếu không được họ cho
phép. Theo tôi, đó là lý do đủ để các nhóm Cao Đài vượt qua sự khác biệt nhỏ và
chung sức cho việc lớn: sự tồn vong của toàn đạo.
Chiếm
danh xưng ở hải ngoại
Trong 2 bài trước, tôi đã viết về kế hoạch mà Chi Phái Tây Ninh
1997, một tổ chức do Đảng Cộng Sản Việt Nam dựng lên năm 1997, đánh cắp căn
cước của Đạo Cao Đài được sáng lập trước đó 71 năm. Họ đã không ngưng ở đó. Năm
2011, họ triển khai kế hoạch để chiếm tên của Đạo Cao Đài ở hải ngoại. Đó là
bước đầu trên lộ trình đánh cắp nốt căn cước của Đạo Cao Đài trên toàn thế
giới.
Người thực hiện kế hoạch này là Ông Trần Quang Cảnh, cựu Chủ Tịch
Hội Đồng Đại Diện của Cơ Quan Truyền Giáo Hải Ngoại. Đây là một tổ chức được
những tín đồ Cao Đài ở hải ngoại thành lập năm 1998 với tôn chỉ là đối phó với
chính sách diệt Đạo Cao Đài của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Lộ trình
đánh cắp nốt căn cước của Đạo Cao Đài diễn tiến như sau.
Năm 2005, Ông Cảnh dùng danh nghĩa Cơ Quan Truyền Giáo Hải Ngoại
(CQTGHN) để về Việt Nam móc nối với chính quyền và Chi Phái Tây Ninh 1997. Khi
hay tin, Hội Đồng Giám Sát của tổ chức này ra thông báo phủ nhận tính cách đại
diện của Ông Cảnh: “Nội dung các cuộc vận động không phù hợp với tôn chỉ và mục
đích của CQTGHN.”
Thông
báo của Cơ Quan Truyền Giáo Hải Ngoại phủ nhận tính cách đại diện của ông Trần
Quang Cảnh
Ông Cảnh rời bỏ CQTGHN và hợp tác với Chi Phái Tây Ninh 1997.
Ngày 17 tháng 6, 2011, Ông Cảnh được Chi Phái Tây Ninh 1997 hợp thức hoá chức
Chánh Trị Sự và phong phẩm Lễ Sanh của chi phái này. Ngày 18 tháng 6, 2011, Ông
Cảnh được Ông Nguyễn Thành Tám, người đứng đầu Chi Phái Tây Ninh 1997, giao nhiệm
vụ “hướng dẫn chức sắc, chức việc và tín đồ nam, nữ ở nước ngoài hướng về Hội
Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh” – tức là tuyên vận cho Chi Phái Tây Ninh
1997.
Ông
Trần Quang Cảnh và Ông Nguyễn Thành Tám, San Francisco, ngày 20/09/2016 (ảnh
của Chi Phái Tây Ninh 1997)
Thực hiện nhiệm vụ tuyên vận này, ngày 19 tháng 7, 2012 Ông Cảnh
đăng ký tổ chức “CaoDai Overseas Missionary” với tiểu bang California, như một
tổ chức tôn giáo. Địa chỉ dùng để đăng ký là nhà riêng của vợ chồng Ông Cảnh – vợ của
Ông Cảnh, Bà Võ Kim Thoàn, sau này cũng được phong chức Lễ Sanh của Chi Phái
Tây Ninh 1997. Theo đơn đăng ký hoạt động, một mục tiêu của tổ chức CaoDai
Overseas Missionary là giữ liên lạc với các thánh thất và tổ chức Cao Đài ở
trên thế giới cùng với Hội Thánh Cao Đài ở trong nước – tức là Chi Phái Tây
Ninh 1997; đúng theo nhiệm vụ mà Ông Cảnh được giao phó.
Tài
liệu đăng ký hoạt động cho CaoDai Overseas Missionary với tiểu bang California
Điều đáng để ý là tên của tổ chức mới này rất giống với tên “Cao
Dai Overseas Missionary”, là tên chính thức của Cơ Quan Truyền Giáo Hải Ngoại
trước đây, chỉ khác một điểm: tên của tổ chức mới viết “Cao Dai” dính liền
thành 1 từ, “CaoDai”. Tôi không nghĩ rằng đây là sơ ý, mà là cách để lách luật
vì đã có tổ chức mang tên “Cao Dai Overseas Missionary”.
Từ
trái: Ông Lê Văn Tua, Ông Nguyễn Thành Tám, Ông Lê Văn Cơ, trước Toà Bạch Ốc,
ngày 12/09/2016 (ảnh của Chi Phái Tây Ninh 1997)
Cùng tham gia thành lập tổ chức mới này là Ông Lê Văn Cơ (ở
Woodbridge, Virginia) trong vai Tổng Thư Ký và người em là Ông Lê Văn Tua (ở
Springfield, Virginia) trong vai Tổng Thủ Quỹ. Hai Ông Cơ và Ông Tua được phong
phẩm Lễ Sanh bởi Chi Phái Tây Ninh 1997 năm 2013.
Sau đó Ông Cảnh đã ghi danh với Sở Thuế Liên Bang để lấy số đăng
bộ: 52-1780539. Vì ghi danh như một tổ chức tôn giáo, họ đương nhiên được quy
chế miễn thuế và không phải khai thuế hàng năm.
Thông
tin ghi danh với IRS của tổ chức Cơ Quan Truyền Giáo hải ngoại (năm 2012)
Tuy nhiên, khi ghi danh với Sở Thuế Liên Bang, Ông Cảnh lại dùng
tên “Cao Dai Overseas Missionary”, với 2 từ “Cao Dai” viết rời, y hệt như tổ
chức Cơ Quan Truyền Giáo trước đây.
Ngày 8 tháng 8, 2014 tổ chức “CaoDai Overseas Missionary” thuê
văn phòng luật sư Michael Cohen ở Beverly Hills, California đăng ký bản quyền
“Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Toà Thánh Tây Ninh” như một thương hiệu (trademark) với
chính phủ Liên Bang. Ngày 3 tháng 2, 2015, cơ quan Liên Bang US Patent and Trademark
Office (USPTO) cấp cho tổ chức của Ông Cảnh quyền chủ nhân của thương hiệu “Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Toà Thánh Tây Ninh”.
Hồ
sơ của USPTO về thương hiệu “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Toà Thánh Tây Ninh”.
Không bao lâu sau, ngày 30 tháng 8, 2015, Ông Cảnh được phong
phẩm “Giáo Hữu” bởi Chi Phái Tây Ninh 1997. Và liền ngày hôm sau, Ông Cảnh được
bổ nhiệm chính thức làm “Trưởng Ban Đại Diện Hội Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây
Ninh Tại Hải Ngoại”, văn phòng đặt tại nhà riêng của vợ chồng Ông Cảnh ở
Westminster, California (trước đó Ông Cảnh chỉ là Quyền Trưởng Ban).
Hệ luỵ đối với các tín đồ Cao
Đài
Bị một nhóm người độc chiếm tên của cả tôn giáo có những hệ luỵ
chung đến mọi tín đồ Cao Đài, bất luận họ đang thuộc phe phái nào.
Hệ luỵ thứ nhất là về pháp luật. Tổ chức của các Ông Cảnh,
Cơ và Tua hiện có độc quyền sử dụng tên của Đạo Cao Đài như một thương hiệu, ai
khác muốn dùng thì phải được phép của họ. Trên nguyên tắc, họ có quyền yêu cầu
các thánh thất Cao Đài quy phục, bằng không họ có thể kiện ra toà vì lý do xâm
phạm thương hiệu của họ.
Hệ luỵ thứ hai, quan trọng hơn, là danh dự. Tôi tin
rằng nhóm của Ông Cảnh chưa dám “gây sự” lúc này về vấn đề thương hiệu. Tuy
nhiên, những tín đồ Cao Đài chân chính vẫn mang tiếng là đang chỉ được dùng
“ké” tên đạo mà nay đã trở thành thương hiệu cầu chứng của người khác.
Hệ luỵ thứ ba, quan trọng hơn hết, là uy tín. Có tuyên
bố gì chăng nữa mà không bảo vệ được danh xưng của tôn giáo mình ngay trên vùng
đất tự do với luật pháp công minh, thì thật khó ăn khó nói với mọi người và với
đồng đạo ở trong nước. Nói cách nào cũng bị xem là biện bác để chạy lỗi, và
chẳng ai tin.
Phải
làm gì?
Thực ra, biến danh xưng
chung của cả một tôn giáo thành thương hiệu của riêng mình có thể chính là gót
chân “A-Sin” (tử huyệt) của nhóm Ông Cảnh, tạo hệ luỵ đến toàn Chi Phái Tây
Ninh 1997. Nó mở ra nhiều cơ hội để các tín đồ Cao Đài chân chính và thực
tâm với sự tồn vong của tôn giáo hành động, như là:
(1) Kiện để huỷ độc quyền thương hiệu: Điều này
không khó vì các tín đồ Cao Đài chân chính có thể chứng minh rằng danh xưng ấy
là danh xưng chung của cả một tôn giáo và đã được dùng ở Việt Nam từ 1926 và ở
Hoa Kỳ từ sau năm 1975, không thể nào một tổ chức mới được thành lập cách đây
vài năm lại có thể ngang nhiên biến nó thành thương hiệu riêng.
(2) Điều tra tổ chức CaoDai Overseas
Missionary: Có nhiều dấu hiệu khuất tất đằng sau tổ chức này, nhất là vì 2
trong số 3 người thành lập nó đã từng là Hội Trưởng và Tổng Thư Ký của tổ chức
Cao Dai Overseas Missionary trước đây. Họ không thể thoái thác rằng sự
trùng tên là ngẫu nhiên. Các người Cao Đài chân chính còn có thể đặt vấn
đề là tổ chức của họ về thực chất là tổ chức tôn giáo hay là công cụ của một
đảng chính trị ngoại bang: Đảng Cộng Sản Việt Nam.
(3) Kiện để đòi bồi thường thiệt hại: Không khó
để chứng minh rằng việc tổ chức của các Ông Cảnh, Cơ và Tua biến tên chung của
tôn giáo Cao Đài thành thương hiệu riêng nằm trong kế hoạch dài lâu của Chi
Phái Tây Ninh 1997 để từng bước đánh cắp căn cước của tôn giáo Cao Đài, không
chỉ ở Việt Nam mà còn ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Khi ra toà, muốn chứng
minh điểm này thì chỉ cần trích dẫn chính lời phát biểu trước đây của các Ông
Cảnh và Ông Cơ khi còn là thành viên của Cao Dai Overseas Mission.
(4)
Chỉ định Chi Phái Tây Ninh 1997 là “thực thể đặc biệt quan tâm”: Theo
luật Hoa Kỳ, đây là danh hiệu dành cho những tổ chức ngoài chính quyền có hành
vi đàn áp tự do tôn giáo bằng những hoạt động mang tính cách khủng bố. Từ năm
2012, BPSOS đã thu thập khá nhiều chứng cứ về các hoạt động mang tính cách
khủng bố ấy (xem: http://dvov.org/religious-freedom/). Các nhóm Cao Đài
chân chính ở trong và ngoài nước có thể góp sức để cùng soạn bản phúc trình đầy
đủ, làm căn cứ để vận động chính phủ Hoa Kỳ.
(5) Phơi bày ra công luận: Tín đồ
chân chính không ai lại biến danh xưng chung của cả tôn giáo thành thương hiệu
riêng của mình. Nhưng nhóm của Ông Cảnh đã làm điều ấy, thừa lệnh của Chi Phái
Tây Ninh 1997. Qua đó, công luận có thể hiểu tại sao cơ quan Hiệp Thiên Đài của
Đạo Cao Đài đã xét Chi Phái Tây Ninh 1997 là “bàng môn tả đạo”. Để giành lại
chính danh, toà án công luận quan trọng không kém toà án tư pháp.
Chúng
tôi có thể hỗ trợ những gì?
Sau nhiều tháng nghiên cứu lai lịch của Chi Phái Tây Ninh 1997,
BPSOS đã quyết định xuất trên 60,000 USD từ Quỹ Pháp Lý vì Công Lý để thuê một
tổ hợp luật sư nghiên cứu các khía cạnh luật pháp mà Chi Phái Tây Ninh 1997,
qua CaoDai Overseas Missionary, đã vi phạm tại Hoa Kỳ. Chính tổ
hợp luật sư này đã truy ra việc cầu chứng danh xưng “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”
thành một thương hiệu. Công cuộc nghiên cứu và điều tra đang tiếp tục.
Chúng tôi có thể hỗ trợ phần nào về đơn kiện, về điều tra, về
truyền thông đại chúng, về vận động chính quyền Hoa Kỳ và quốc tế... Tuy
nhiên, chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ khi mà các tín đồ Cao Đài chân chính đồng
lòng và chung sức để giành lại danh xưng của đạo, đẩy lùi kế hoạch đánh cắp căn
cước bởi Chi Phái Tây Ninh 1997, và phục hồi nền đạo của chính mình.
Thăm dò phản ứng
Đang khi viết bài này, tôi chia sẻ nội dung với một số ít người
theo Đạo Cao Đài để lấy ý kiến. Và tôi đã nhận những phản hồi về cảm xúc như
sau: phẫn nộ, nóng lòng, không thể ngờ, bị ngộp và khó thở, có lỗi, cảm thấy
thôi thúc phải hành động gấp. Nhận định chung của họ là biến tên tôn giáo
thành thương hiệu là việc quá quắt, không người đạo nào dám nghĩ đến chứ đừng
nói là thực hiện vì nó nghịch thiên phạm pháp, là buôn thần bán thánh, là xúc
phạm đến Đức Chí Tôn và toàn thể các tín đồ Cao Đài.
Từ bài viết này, tôi mong sẽ nhận được những phản ứng và nhận
định từ số đông người theo Đạo Cao Đài và kể cả từ những người ở ngoài đạo. Tôi
cũng mong nhận được thêm thông tin về nhóm của Ông Cảnh, các hoạt động của họ,
và những nhân vật hợp tác công khai hay âm thầm với họ.
Mọi thông
tin xin gửi về: ljf@bpsos.org.
Đây là địa chỉ email của Quỹ Pháp Lý vì Công Lý. Xin cảm ơn.
Bài
liên quan:
Đạo Cao
Đài: Một trường hợp bị đánh cắp căn cước:
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1310-2018-03-03-04-01-22.html
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1310-2018-03-03-04-01-22.html
Để giành
lại căn cước, người Cao Đài chân chính phải làm 3 việc:
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1312-2018-03-10-04-27-50.html
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1312-2018-03-10-04-27-50.html
Cần thông
tin về Chi Phái Tây Ninh 1997
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1314-2018-03-17-16-17-48.html
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1314-2018-03-17-16-17-48.html
Thông
Báo: BPSOS Lập Quỹ Công Lý
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1301-2018-02-05-14-11-45.html
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1301-2018-02-05-14-11-45.html