Đạo Cao Đài: Một trường hợp bị đánh cắp căn cước.
Cú lừa trắng trợn dài 2 thập niên bắt đầu bị
đưa ra ánh sáng
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày
2 tháng 3, 2018
Chính quyền Việt Nam
chọn cách riêng để triệt Đạo Cao Đài: đánh cắp căn cước. Tại buổi họp với
Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và rồi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 21
tháng 2 vừa qua, các giới chức dự họp đã ngỡ ngàng khi tôi đã phát biểu như vậy.
Đó là buổi họp mà
BPSOS sắp xếp cho phái đoàn vận động tự do tôn giáo, gồm những tín hữu hay
người am tường về Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo, Tin Lành Tây Nguyên, Tin Lành
Hmong và Công Giáo. Tôi có mời một tín đồ Cao Đài tham gia phái đoàn, nhưng vào
phút chót người ấy không đi được nên tôi phải nói thay.
Trong phần trình bày
về Đạo Cao Đài, tôi khởi đầu bằng lời khẳng định rằng Bộ Ngoại Giao và Toà Đại
Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, cũng như các tổ chức quốc tế, đều bị qua mặt trong suốt
20 năm qua. Họ lẫn lộn giữa 2 tổ chức khác nhau đại diện cho 2 tôn giáo khác
nhau: một đằng là Đạo Cao Đài được sáng lập cách đây gần một thế kỷ và đằng kia
là một chi phái do nhà nước Việt Nam dựng lên mới được 20 năm và không được Đạo
Cao Đài công nhận.
Đạo Cao Đài, sáng lập
năm 1926, được chính quyền Việt Nam Cộng Hoà công nhận tư cách pháp nhân năm
1965, với tầm hoạt động quốc gia và quốc tế và có cơ sở trung ương đặt tại Toà
Thánh Tây Ninh.
Sau khi chiếm miền
Nam, chế độ Cộng Sản không chấp nhận Đạo Cao Đài. Ngày 20 tháng 7, 1978, Mặt
Trận Tổ Quốc Tỉnh Tây Ninh công bố “bản án Cao Đài”, cáo buộc rằng Đạo Cao Đài
là một tôn giáo phản động, chống đối chính quyền cách mạng. Tiếp theo đó, ngày
13 tháng 12, 1978 Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh ra nghị quyết giải tán cơ cấu
hành chánh Đạo Cao Đài, và Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh đã thực hiện nghị
quyết này. Các cơ quan lãnh đạo Đạo Cao Đài phải ngưng hoạt động, chỉ để lại
Hội Đồng Chưởng Quản dưới Hiệp Thiên Đài để liên lạc với tín đồ và đối phó với
chính quyền.
Đại Sứ Lưu Động Sam Brownback và phái đoàn vận
động tự do tôn giáo, ngày 21/02/2018 (ảnh HT TVL)
Năm 1996 Tỉnh Uỷ Tây
Ninh của Đảng Cộng Sản đề ra kế mới để tiêu diệt Đạo Cao Đài, ghi trong bản Kế
Hoạch 01, ngày 27 tháng 5, 1996. Bản kế hoạch này xác định rằng chủ trương của
Đảng Cộng Sản là tiêu diệt Đạo Cao Đài bằng cách “khoanh lại trong địa phương
Tây Ninh, đến một lúc nào đó sẽ tiêu vong” đã thất bại, cho nên phải thay đổi
bằng cách lập ra một chi phái để làm phương tiện xóa Đạo Cao Đài. Ngày 29 tháng
5, 1996 Đảng Bộ Tỉnh Tây Ninh thành lập Ban Chỉ Đạo gồm các viên chức nhà nước
để dựng lên một tôn giáo mới với những điều kiện:
·
Xác định tôn giáo Cao đài Tây Ninh là một chi phái
·
Không sử dụng cơ bút
·
Bộ máy giáo hội 2 cấp
Tôn giáo mới này, tạm
gọi là Chi Phái Tây Ninh 1997. Tôi không dùng từ “Cao Đài” vì nghĩ rằng tôn
giáo mới này không chỉ khác mà còn nghịch lại với Đạo Cao Đài.
Về danh hiệu thì Đạo
Cao Đài có tên chính thức là “Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ” (6 chữ), gọi tắt là Đạo
Cao Đài (3 chữ). Trong khi đó, chi phái mà nhà nước Cộng Sản dựng lên có danh
hiệu là “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh” (10 chữ), gọi tắt là Đạo Cao
Đài Tây Ninh (5 chữ). Về luật pháp thì đây là 2 tổ chức khác nhau.
Về tín lý, hai tổ
chức có nhiều điểm khác biệt về căn bản. Đạo Cao Đài 1926 có 3 Hội là Hội Nhơn
Sanh, Hội Hội Thánh và Thượng Hội, lập nên quyền vạn linh ngang bằng với quyền
của Đức Chí Tôn tại thế. Chi Phái Tây Ninh 1997 không có Thượng Hội nên cũng
không có quyền vạn linh. Chi Phái Tây Ninh 1997 cũng không có Bàn Trị Sự. Trong
Đạo Cao Đài, các Bàn Trị Sự cấu thành “Hội Thánh Em” để thay mặt Hội Thánh (còn
được gọi là Hội Thánh Anh) hành đạo nơi địa phương; khi Hội Thánh Anh bị uy
hiếp hay bị xóa bỏ thì Hội Thánh Em phải lo khôi phục. Không có Bàn Trị Sự thì
Pháp Chánh Truyền của Đạo Cao Đài không được thể hiện ở phần hạ tầng, đến các
tín đồ.
Cũng thể hiện tín lý
là việc cầu phong chức sắc. Chức sắc của Đạo Cao Đài thì phải được thiên phong,
nghĩa là qua thể thức cầu cơ bởi Hiệp Thiên Đài tại Cung Đạo để chấm phái (Thái,
Thượng, Ngọc) tương ứng với Nho, Tiên và Phật. Trong khi đó, chức sắc của Chi
Phái Tây Ninh 1997 là phàm phong, còn gọi là “banh phong” – nghĩa là dùng 6
trái banh sơn 3 mầu vàng, xanh, đỏ để bắt banh chọn phái cho các chức sắc. Như
vậy, mọi chức sắc của Chi Phái Tây Ninh 1997 đều không đủ tiêu chuẩn chức sắc
theo Đạo Cao Đài.
Về tổ chức, cơ cấu
của Chi Phái Tây Ninh 1997 chỉ có 2 cấp, khác với cơ cấu tổ chức 5 cấp của Đạo
Cao Đài. Trong Đạo Cao Đài thì Toà Thánh Tây Ninh đóng vai trò “trung ương” đối
với các chi phái. Trong khi đó, Chi Phái Tây Ninh 1997 dù chiếm ngự Tòa Thánh
Tây Ninh vẫn không thể xác định tư cách trung ương đối với các chi phái Cao Đài
khác.
Về hiến chương, Đạo
Cao Đài có đủ hai Hội Thánh Hiệp Thiên Đài lo về Tư Pháp (Điều 8) và Cửu Trùng
Đài lo về Hành Pháp (Điều 9). Chi phái Tây Ninh 1997 không có Hội Thánh Hiệp
Thiên Đài và Cửu Trùng Đài mà chỉ có chức sắc Hiệp Thiên Đài và chức sắc Cửu
Trùng Đài; Hội Đồng Chưởng Quản, do người của nhà nước cài cắm, nắm toàn quyền,
một mình một chợ.
Về luật đạo, hai bên
cũng khác nhau. Trong Đạo Cao Đài, Đạo Luật Mậu Dần (1938), Điều III, Mục 7
ghi: “Nếu như một ai còn đương quyền Đời mà muốn vào hàng phẩm Chức Việc, thì
phải từ bỏ quyền Đời đặng để trọn tâm lo tròn trách nhậm Đạo.” Thế nhưng, các
chức sắc thành lập và nắm quyền của Chi Phái Tây Ninh 1997 lại tham gia các tổ
chức chính quyền và của đảng cộng sản, kể cả các tổ chức chịu trách nhiệm tiêu
diệt Đạo Cao Đài:
·
Ông Hồ Ngọc Thơ, Hội Trưởng Hội Đồng Chưởng Quản, là Phó Chủ
Tịch Uỷ ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (Đại hội lần thứ IV nhiệm kỳ
1994 – 1999), đồng thời cũng là Ủy Viên Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Tỉnh Tây
Ninh, là tổ chức đã ra “bản án Cao Đài” năm 1978.
·
Ông Nguyễn Thành Tám, Phó Hội Trưởng thường trực Hội Đồng Chưởng
Quản, là Ủy Viên Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh (Khóa V, nhiệm kỳ 1994
– 1999), tổ chức đã ra “bản án Cao Đài” năm 1978. Năm 1997, Ông Nguyễn Thành
Tám là dân biểu Quốc Hội.
·
Bà Huỳnh Thị Nhìn, Ủy Viên Hội Đồng Chưởng Quản, cũng là Ủy Viên
Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh (Khóa V nhiệm kỳ 1994 – 1999), tổ chức
đã ra “bản án Cao Đài” năm 1978.
Về nội quy, tất cả
nhân sự hành đạo của Đạo Cao Đài đều phải mặc đạo phục theo qui định. Chi Phái
Tây Ninh 1997 lập ra Ban Trật Tự Nội Ô mặc thường phục là vi phạm nội quy của
Đạo Cao Đài. Họ là lực lượng do nhà nước cài vào. Trên thực tế chính họ dùng
bạo lực để trấn áp người theo Đạo Cao Đài.
Khi tín lý, luật đạo
và hiến chương khác nhau thì rõ ràng đó là 2 tôn giáo khác nhau. Khi danh hiệu,
nội quy và cơ cấu tổ chức đều khác nhau thì rõ ràng đó là 2 tổ chức khác nhau.
Trên nguyên tắc, khi
khác nhau thì mỗi bên sinh hoạt riêng, tôn trọng lẫn nhau. Đằng này Chi Phái
Tây Ninh 1997 đã chiếm lĩnh Toà Thánh Tây Ninh và các cơ ngơi của Đạo Cao Đài,
và rồi tự giới thiệu với tín đồ, với quần chúng và với quốc tế rằng mình là Đạo
Cao Đài. Trong các văn thư, giấy tờ, tài liệu, trang web, chương trình truyền
hình… họ đều dùng danh hiệu Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (6 chữ) mặc dù tên của họ là
khác, gồm 10 chữ.
Theo luật pháp Hoa
Kỳ, thì đó là đánh cắp căn cước (identity theft), dẫn đến hàng loạt các hệ luỵ
về luật pháp như là lạm dụng danh hiệu (trademark), xâm phạm tài sản trí tuệ
(intellectual property), chuyển quyền sở hữu tài sản (conversion), cạnh tranh
bất công (unfair competition), gây tổn thương vật chất và căng thẳng tinh thần
(physical damage và emotional distress)…
Tại buổi họp với Bộ
Ngoại Giao và Uỷ Hội về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, để giải thích hiện tượng khá lạ
lùng này, tôi đã ví von: Hãy tưởng tượng Đảng Phát-Xít Ý thời Đệ Nhị Thế Chiến
dựng lên tổ chức, lấy tên là Catolica (nghe hao hao như Catholic), do người
trong đảng cầm đầu với mục đích tiêu diệt Giáo Hội Công Giáo (Catholic Church).
Tín lý của họ không tin rằng Chúa Giê-Su là con của Đức Chúa Trời. Về tổ chức
họ không công nhận Giáo Hoàng và nghi thức tấn phong, mà chọn linh mục, giám
mục và hồng y bằng cách rút thăm. Họ đã dùng bạo lực để trục xuất các chức sắc
của Giáo Hội Công Giáo và chiếm ngự Toà Thánh Vatican. Và rồi họ tự nhận mình
là Giáo Hội Công Giáo. Với sự ví von có chút tính khôi hài này, mọi người đã
hiểu ngay.
Đại Sứ Lưu Động David Saperstein, vị tiền
nhiệm của Ông Sam Brownback, đón tiếp phái đoàn của Chi Phái Tây Ninh 1997,
tháng 9, 2016 (ảnh của Chi Phái Tây Ninh 1997)
Tôi chỉ ra rằng năm
2016, giới chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đón tiếp phái đoàn của Chi Phái Tây
Ninh 1997, đinh ninh đó là thành phần đại diện Đạo Cao Đài. Hàng năm Toà Đại Sứ
Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng mời chức sắc Chi Phái Tây Ninh 1997 đến dự các buổi khánh
tiết mà tưởng rằng họ là chức sắc Đạo Cao Đài. Các giới chức Hoa Kỳ không phải
là những người duy nhất đã bị mắc mưu bởi sự đánh cắp căn cước. Các giới chức
của Liên Hiệp Quốc và của nhiều quốc gia Phương Tây cũng ngộ nhận như vậy. Và
kể cả rất nhiều tín đồ Cao Đài ở trong và ngoài nước cũng lầm lẫn.
Nhưng để phân định
trắng đen thì không gì bằng căn cứ vào phán quyết của các chức sắc của Hiệp
Thiên Đài, cơ quan tư pháp của Đạo Cao Đài. Ngày 26 tháng 11, 2015, cơ quan
Hiệp Thiên Đài đã ra thông báo, có phần ghi:
“Hành vi của Đầu Huynh Đạo Sư Phàm Phong
Thượng Tám Thanh là nghịch Thiên, phạm Pháp không phải là chức sắc Thiên Phong
của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Toà Thánh Tây Ninh nên chúng tôi gọi theo Thế danh
Nguyễn Thành Tám không gọi Thánh danh Đầu Sư Thượng Tám Thanh…”
Cũng trong thông báo
ấy, các chức sắc Hiệp Thiên Đài khẳng định rằng Chi Phái Tây Ninh 1997 là “bàng
môn tả đạo”, không được Đạo Cao Đài công nhận dù chỉ trong tư cách một chi
phái.
Lập tức, Ông Nguyễn
Thành Tám đã đóng cửa văn phòng Hiệp Thiên Đài và đuổi các chức sắc Hiệp Thiên
Đài ra khỏi Toà Thánh Tây Ninh. Như vậy, cuối năm 2015, nghĩa là chỉ mới đây
thôi, tổ chức do nhà nước dựng lên đã hoàn tất việc chiếm lĩnh triệt để Toà
Thánh Tây Ninh của Đạo Cao Đài.
Tôi chia sẻ với các
giới chức dự phiên họp rằng chính tôi trước đây cũng hiểu lầm rằng chính sách
của nhà nước Việt Nam là rượu mới, bình cũ, nghĩa là cài người vào thành phần
lãnh đạo của Đạo Cao Đài để rồi lèo lái và lũng đoạn. Nhưng không, chính sách
của họ là rượu khác, bình khác: Tổ chức đang chiếm ngự Toà Thánh Tây Ninh của
Đạo Cao Đài là một tổ chức hoàn toàn khác, đại diện cho một tôn giáo cũng hoàn
toàn khác. Nhưng họ lại đánh cắp căn cước của Đạo Cao Đài.
Tôi chỉ tình cờ khám
phá thực tế này cách đây chưa được một năm. Dựa vào một trao đổi ngẫu nhiên với
một tín đồ Cao Đài mới ở Việt Nam sang Hoa Kỳ, tôi lục lọi các tài liệu về sự
ra đời của Chi Phái Tây Ninh 1997. Rõ ràng, nó khác với Đạo Cao Đài.
Tôi đề nghị với các
giới chức Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế là từ nay chính quyền
Hoa Kỳ phải phân biệt giữa 2 tổ chức đại diện cho 2 tôn giáo khác nhau, và tích
cực tiếp xúc với những thành phần thực sự đại diện Đạo Cao Đài. Họ xin thêm
thông tin để từ nay ứng xử cho đúng. Tôi để lại bản thông tin tóm tắt và hứa sẽ
gửi thêm thông tin chi tiết và đầy đủ trong vài tuần tới đây. Tôi cũng sẽ phổ
biến các thông tin này để mọi người cùng tìm hiểu.
Bài liên quan:
Bản thông tin tóm tắt (tiếng Anh) về thực trạng Đạo Cao Đài:
http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/03/Cao-Dai-Religion-Summary-02-21-18.pdf
http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/03/Cao-Dai-Religion-Summary-02-21-18.pdf
NGÀI ĐẦU SƯ THƯỢNG
TÁM THANH CÙNG ĐOÀN BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ ĐI THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI HOA KỲ (bản
tin của Chi Phái Tây Ninh 1997):