Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

2572. Khẳng định căn cước, giải độc dư luận, xử trị vi phạm


Để giành lại căn cước, người Cao Đài chân chính phải làm 3 việcTrên cùng của Biểu mẫuDưới cùng của Biểu mẫu. Khẳng định căn cước, giải độc dư luận, xử trị vi phạm
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 9 tháng 3, 2018
Sau khi phổ biến bài viết “Đạo Cao Đài: Một trường hợp bị đánh cắp căn cước”, tôi nhận được nhiều nhận định, góp ý và câu hỏi. Có một câu hỏi mà tôi thấy là căn bản và cần được trả lời ngay: Giải pháp nào để buộc Chi Phái Tây Ninh 1997 trả lại căn cước cho chúng tôi (Cao Đài 1926)?

Theo tôi, một giải pháp hiệu quả sẽ phải bao gồm 3 công việc: (1) Giúp mọi tín đồ Cao Đài nhận thức ra và khẳng định căn cước của mình, (2) đánh tan ngộ nhận trong dư luận, và (3) xử trị những ai cố tình tiếp tục vi phạm.
Nhận thức ra và khẳng định căn cước Đạo Cao Đài.
Tôi biết chắc rằng khá nhiều, nếu không phải là tuyệt đại đa số, tín đồ Cao Đài ở trong và ngoài nước vẫn chưa phân biết được rằng Chi Phái Tây Ninh 1997 là một tôn giáo khác, được nhà nước cộng sản dựng lên 71 năm sau Đạo Cao Đài, với những tín lý, cơ cấu tổ chức, hiến chương, nội quy, và tiêu chuẩn cũng như thể thức chọn và phong chức sắc khác với Đạo Cao Đài. Không những thế, một số tài liệu nội bộ của Đảng Cộng Sản cho thấy Chi Phái Tây Ninh 1997 được hình thành để làm công cụ tiêu diệt Đạo Cao Đài.
Vì không phân biệt được sự khác nhau ấy, không ít tín đồ Cao Đài đã vô tình “cải đạo” – từ Đạo Cao Đài, họ đã chuyển sang tôn giáo khác mà không hay biết. Sự lẫn lộn xảy ra vì Chi Phái Tây Ninh 1997 đã chiếm lĩnh Toà Thánh và hầu hết các Thánh Thất của Đạo Cao Đài ở Việt Nam, người của Chi Phái Tây Ninh 1997 mặc trang phục và dùng một số nghi thức tương tự như Đạo Cao Đài, và chức sắc của họ cũng mang những chức danh giống như của Đạo Cao Đài.
Việc chiếm lĩnh Toà Thánh được thực hiện một cách tiệm tiến để không tạo sự chú ý. Mãi đến cuối năm 2015, với hành động trục xuất các chức sắc Hiệp Thiên Đài ra khỏi Nội ô Toà Thánh Tây Ninh, Chi Phái Tây Ninh 1997 mới thực sự chiếm trọn cơ sở trung ương của Hội Thánh Đạo Cao Đài. Và người của họ ở từng địa phương cũng tiến hành việc chiếm cứ các thánh thất của Đạo Cao Đài, như đã xảy ra ở Định Quán, Đồng Nai năm 2009; tại Phù Mỹ, Bình Định năm 2012; tại Long Bình, Đồng Nai năm 2013; tại An Ninh Tây, Long An năm 2015, tại Phù Thanh A, Đồng Tháp năm 2017 và nhiều nữa.
 
Người của Chi Phái Tây Ninh 1997 tấn công và đánh đập tín đồ Cao Đài để chiếm Thánh Thất Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, ngày 16/09/2012
Để giành lại căn cước cho Đạo Cao Đài, các tín đồ chân chính có nghĩa vụ giải thích cho toàn thể 4.5 triệu đồng đạo ở Việt Nam và trên thế giới phân biệt được, một cách dứt khoát, rằng Chi Phái Tây Ninh 1997 không phải Đạo Cao Đài -- nó không những khác mà còn nghịch lại với Đạo Cao Đài.
Thước đo về thành quả cho công việc này là bao nhiên tín đồ Cao Đài:
-          Không thừa nhận các chức sắc của Chi Phái Tây Ninh 1997 là chức sắc của Đạo Cao Đài và chỉ gọi họ bằng thế danh; và
-          Hiệp lại với nhau ở từng địa phương để bầu các Bàn Trị Sự, cấu thành Hội Thánh Em với sứ mạng phục hoạt Hội Thánh Anh đã bị nhà nước xoá sổ và thay vào đó là cơ cấu chỉ đạo của một tôn giáo khác.
Đánh tan ngộ nhận trong dư luận
Khi mà chính tín đồ Cao Đài còn lầm lẫn thì người ngoài đạo khó tránh khỏi ngộ nhận và đánh đồng Chi Phái Tây Ninh 1997 với Đạo Cao Đài. Tất cả các giới chức Liên Hiệp Quốc, giới chức Hoa Kỳ, và các tổ chức nhân quyền quốc tế mà tôi quen thân đều lẫn lộn giữa 2 tôn giáo khác nhau ấy. Gần đây, khi được tôi giải thích, họ hết sức ngỡ ngàng. Tuy nhiên, chắc chắn còn rất nhiều nhân vật, nhiều tổ chức còn cần được giải thích.
Người ngoài đạo còn bao gồm người dân nói chung ở trong và ngoài nước, đặc biệt là các thành viên của các tôn giáo khác. Trong buổi vận động ngày 21 tháng 2 vừa qua ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, khi nghe tôi giải thích về hiện tượng “đánh cắp căn cước” mà Đạo Cao Đài là nạn nhân, nhiều người trong phái đoàn vận động, nghĩa là “phe ta”, cuối ngày đã quay ra và thú nhận rằng chính họ cũng bị lần lẫn cho đến giờ.
Công việc thứ hai mà các tín đồ Cao Đài có tâm với đạo là thực hiện một nỗ lực truyền thông dai dẳng, đa dạng và đa diện để giải độc dư luận trong và ngoài nước, trong nội bộ người Việt với nhau và ra đến quốc tế.
Thước đo về thành quả cho công việc này là có bao nhiêu người từ nay:
-    Không gọi Chi Phái Tây Ninh 1997 là Đạo Cao Đài và không xưng hô với các chức sắc của Chi Phái Tây Ninh 1997 theo chức danh của Đạo Cao Đài; và
-    Mạnh hơn nữa, chính thức lên tiếng kêu gọi Chi Phái Tây Ninh 1997 ngưng “đánh cắp căn cước” của Đạo Cao Đài.
 
Ông Hùng Thanh, thuộc Chi Phái Tây Ninh 1997, hất đổ mâm cơm của các tín đồ Cao Đài, ngày 12/11/2015

Xử trị những thủ phạm cố ý
Hai công việc kể trên sẽ có tác dụng phụ là giúp cho những người theo Chi Phái Tây Ninh 1997 hiểu ra rằng họ đang không theo Đạo Cao Đài. Một số người, khi nhận ra sự thật ấy, sẽ quay về với Đạo Cao Đài. Một số người khác sau khi biết mình lầm lẫn vẫn chọn ở lại với Chi Phái Tây Ninh 1997, nhưng sòng phẳng và không mạo nhận mình là tín đồ Đạo Cao Đài – họ chấp nhận rằng đạo họ theo là tôn giáo khác, tôn giáo Chi Phái Tây Ninh 1997. Cuối cùng, cũng sẽ có một số người biết nhưng vẫn cố tình lập lờ, tiếp tục đánh cắp căn cước của Đạo Cao Đài. Với thành phần này, cách duy nhất là xử trị.
Có 4 biện pháp có thể vận dụng để xử trị.
Trước hết là công luận. Những người cố tình vi phạm sẽ bị lên án bởi công luận. Càng nhiều người biết về tình trạng đánh cắp căn cước thì sự lên án càng tăng cường độ và lan rộng.
Kế đến là toà án. Ở Hoa Kỳ, người bị thiệt hại chỉ cần thuê luật sư là có thể kiện ra toà kẻ đã gây thiệt hại cho mình, với điều kiện bị đơn cũng đang cư ngụ hoặc có hoạt động ở Hoa Kỳ.
Kế đến là luật đối ngoại. Các cộng đồng Cao Đài ở Hoa Kỳ có thể vận động Bộ Ngoại Giao chỉ định Chi Phái Tây Ninh 1997 là một thực thể phải quan tâm đặc biệt (entity of particular concern) vì đã vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống và mang tính cách khủng bố đối với hàng triệu tín đồ Cao Đài.
Cuối cùng là biện pháp truy tố hình sự. Đánh cắp căn cước có chủ ý để trục lợi là một tội hình sự theo luật pháp Hoa Kỳ. Tội càng nặng nếu mang tính cách xuyên tiểu bang (bưu điện, điện thoại, vận chuyển…).
Bốn biện pháp kể trên có thể xem như một xâu chuỗi với tính cách leo thang. Đối với số người không đặt nặng lương tri và nhân cách, thì cần áp dụng các biện pháp ở mức độ tăng dần. Trước nguy cơ bị chỉ định là tổ chức mang tính khủng bố hay bị truy tố hình sự, người chây lì cách mấy cũng sẽ phải nao núng. 

Công an xã An Hòa, Trảng Bàng, Tây Ninh chỉ huy côn đồ tấn công cướp thánh tượng vào ngày 15/07/2015

Chọn đúng trọng tâm
Mỗi công việc trên đây đều to tát, đòi hỏi toàn tâm toàn lực của số tín đồ Cao Đài có tâm với đạo. Muốn cứu đạo, họ phải hành động có trọng tâm và có kế hoạch.
Chỉ trích hiến chương, tín lý, nội quy, thể thức cầu phong cầu thăng… của Chi Phái Tây Ninh 1997 đều không đúng trọng tâm, vì làm như vậy vẫn là mặc nhiên thừa nhận Chi Phái Tây Ninh 1997 là Đạo Cao Đài, nghĩa là vẫn mắc mưu. Khi đã xác định rằng họ không là Đạo Cao Đài, thì đường ai nấy đi. Họ làm gì thì là việc riêng của họ, miễn đừng mạo nhận là Đạo Cao Đài.
Đạo Lệnh 1 ngày 01 tháng 3 năm 1979 cũng không là trọng tâm. Việc diễn giải cách khác nhau văn kiện này đã tạo nên mối bất hoà giữa những người Cao Đài cùng tâm nguyện bảo vệ đạo; có người xem đó là một văn kiện quy phục chính quyền, nhưng người khác lại cho đó là kế cầm cự để chờ ngày quang phục. Cách diễn giải nào cũng đều không tháo gỡ được tình trạng bế tắc hiện nay của Đạo Cao Đài.
Căn nguyên là Đạo Cao Đài bị Chi Phái Tây Ninh 1997 chiếm dụng cơ ngơi và đánh cắp căn cước. Rồi từ đó Chi Phái Tây Ninh 1997 đánh hoả mù hay gây áp lực để tín đồ Cao Đài cải đạo, do không biết hay biết mà vẫn phải làm theo, và đánh lận dư luận trong nước và quốc tế. Đó mới là trọng tâm.
Muốn tháo gỡ thì phải làm rõ là Chi Phái Tây Ninh 1997 không là Đạo Cao Đài, phải giúp mọi tín đồ Cao Đài hiểu được điều ấy, phải vận động quần chúng và quốc tế đứng với mình, và phải xử trị những kẻ cố tình tiếp tục vi phạm. Đó mới là hành động có kế hoạch.
Tôi mong rằng mọi người Cao Đài có tâm với đạo sẽ tập trung vào trọng tâm này và thực hiện kế hoạch ấy. Nếu hợp tác với nhau thì tốt. Bằng không thì song song thực hiện các phần khác nhau của kế hoạch kể trên.
Những việc chúng tôi có thể hỗ trợ
Tổ chức BPSOS sẵn sàng hỗ trợ mọi tín đồ hay nhóm tín đồ Cao Đài để thực hiện các công việc kể trên.
Trước hết, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ việc thông tin đến các giới chức LHQ, chính quyền quốc tế, và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Chúng tôi đã dịch sang Anh ngữ tất cả những văn kiện cần thiết để xác định rằng Chi Phái Tây Ninh 1997 khác với Đạo Cao Đài. Chúng tôi cũng đã dịch sang Anh ngữ nhiều hồ sơ về các hoạt động mang tính cách khủng bố của Chi Phái Tây Ninh 1997. Một số tài liệu này đã được tải lên trang DVOV.org của BPSOS. Xem: http://dvov.org/religious-freedom/
Song song, chúng tôi sẽ tạo cơ hội để các phái đoàn Cao Đài từ các thành phố và tiểu bang Hoa Kỳ, và kể cả ngoài Hoa Kỳ, tiếp xúc với chính quyền Hoa Kỳ nhân Ngày Vận Động Cho Việt Nam hàng năm – năm nay sẽ tổ chức vào giữa tháng 7 tới đây. Đây sẽ là cơ hội để kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ chỉ định Chi Phái Tây Ninh 1997 là thực thể đặc biệt quan tâm (entity of particular concern). Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank Wolf, được ban hành cuối năm 2016, có thêm điều khoản chỉ định này dành cho các tổ chức ngoài chính quyền có hành vi mang tính khủng bố nhằm đàn áp tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng.
Hội nghị về tự do tôn giáo toàn vùng Đông Nam Á lần 4 do BPSOS đồng tổ chức vào trung tuần tháng 8 ở Bangkok, Thái Lan, sẽ là cơ hội quý báu cho tín đồ Cao Đài gặp gỡ trực tiếp và thực hiện công tác “giải độc” đối với các giới chức quốc tế và các chuyên gia về tự do tôn giáo đến từ khắp thế giới.
Về khai dụng luật Hoa Kỳ, đầu năm nay BPSOS thành lập Quỹ Pháp Lý Vì Công Lý (gọi tắt là Quỹ Công Lý) và đã ứng ra hơn 60,000 Mỹ kim cho một hãng luật để nghiên cứu chuyên sâu vấn đề này và các biện pháp có thể sử dụng. Chúng tôi sẽ công bố kết quả nghiên cứu trong vài tuần tới.
Cuối cùng, tổ chức BPSOS sẽ giúp phổ biến thông tin, bằng những phương tiện truyền thông có sẵn, đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại và các cộng đồng tôn giáo mà chúng tôi quen biết ở Việt Nam. Chúng tôi có thể giúp tổ chức hội nghị về Đạo Cao Đài ngay tại thủ đô Hoa Kỳ với sự tham gia của giới chức Hành Pháp và Quốc Hội Hoa Kỳ, và các chuyên gia về tự do tôn giáo để làm nền tảng cho cuộc vận động chính sách.
Trên đây là những gì BPSOS có thể và sẵn sàng thực hiện để yểm trợ. Tuy nhiên, chủ lực vẫn phải là những tín đồ Cao Đài quyết tâm giành lại căn cước và bảo vệ sự trường tồn cho tôn giáo của mình.
Bài liên quan:
Đạo Cao Đài: Một trường hợp bị đánh cắp căn cước