Anh kỷ niệm
800 năm quyền tự do.
Nguyễn Giangbbcvietnamese.com
·
31 tháng 12 2014
Vua
John ký Magna Carta công nhận các quyền tự do năm 1215 bên sông Thames
Sang năm mới 2015, Anh Quốc sẽ có nhiều hoạt động chuẩn bị
cho dịp kỷ niệm 800 năm Đại Hiến chương về quyền tự do ‘Magna Carta’.
Văn bản này được coi là ‘món quà quý giá nhất của nước Anh
cho nhân loại’, vì đã tạo cảm hứng cho cả hiến pháp Mỹ và quốc gia khác về dân
chủ và nhân quyền.
Viết bằng tiếng Latinh trên da bê như một thỏa thuận quyền
lực được vua John và giới quý tộc chống lại ông cùng ký năm 1215 bên bờ sông
Thames, văn bản này có gần 400 chữ nhưng phần cốt lõi có thể thu gọn vào bốn ý
chính.
Một là vua cũng không được đứng trên pháp
luật và không được tùy tiện tăng thuế, bắt người.
Hai là không một công dân tự do nào bị bắt,
cầm tù nếu không có tòa án do chính các công dân khác lập ra kết tội. Đây là
tiền đề cho chế độ bồi thẩm đoàn hay hội thẩm nhân dân về sau.
Ba là công lý bị trì hoãn cũng có nghĩa là
công lý bị từ chối: ‘Justice delayed is justice denied’.
Bốn là Giáo hội Anh được tự do, không bị
Vatican kiểm soát.
Đấu tranh quyền lực
Ngày nay nhìn lại, bối cảnh lịch sử khi ấy lại không hề báo
hiệu một tương lai rạng rỡ cho Magna Carta.
Đây chỉ là một tạm ước mà vua John do suy yếu bởi cuộc
chiến tốn kém bên Pháp đành phải ký để câu giờ trước sức ép của đa số các bá
tước Anh.
Ngược lại, khi đòi hạn chế quyền của vua, các
bá tước Anh cũng chỉ muốn ‘tự vệ’ trước các chính sách bóp nặn của triều đình
và giành thêm quyền cho giới quý tộc chứ không phải đấu tranh cho tự do của
thường dân.
Sự kiện ký Magna Carta cũng đến từ một cuộc phiêu lưu
quân sự bên châu Âu của nhà vua.
Sau
khi ký Magna Carta, vua John đem quân vây pháo đài ở Rochester
Thuộc dòng Norman từ Pháp tới, là con của vua Henry II và
hoàng hậu Eleanor xứ Aquitaine (Pháp) vua John khi đó vẫn có đất đai bên Pháp
và nuôi tham vọng tranh giành quyền bính với vua Philip II của Pháp.
Nhưng vì thua trận chiến ở Bouvines, vua John mất hết phần
đất nay là vùng Normandy của Pháp và bị giới quý tộc Anh nổi loạn chống lại.
Không lâu sau khi ký Magna Carta, cả hai phe lâm vào cuộc
nội chiến mà chỉ chấm dứt khi vua John chết vì bệnh năm 1216.
Ở bên ngoài Anh, Giáo hoàng Innocent II cũng bác bỏ hoàn
toàn tính hợp pháp của Magna Carta vì văn bản này cho Giáo hội ở Anh quyền tự
quyết.
Nhưng Magna Carta không vì thế mà mà bị lãng quên.
Hàng chục bản chép tay của Đại Hiến chương về các quyền tự
do cá nhân, tư pháp và tôn giáo này đã được giới quý tộc và tăng lữ Anh đưa về
các địa phương để lưu giữ chủ yếu trong giáo đường để làm bằng chứng.
Các quyền tự do ghi trong văn bản này được
công nhận chung cho người dân và thể hiện tinh thần tiến bộ, đi trước thời
đại và lan tỏa ra cả bên ngoài Anh.
Trong nhiều thế kỷ sau đó, nhiều bản khác cũng được chép lại
và có bản được những người Anh đem sang Hoa Kỳ để trích dẫn tạo ra nền tảng
pháp lý cho tinh thần tự do trong Hiến pháp Mỹ.
Cho đến nay, tại Anh còn bốn bản gốc của Magna Carta, và
người ta ước tính trị giá mỗi bản lên tới 12.6 triệu bảng, theo thời giá năm
2013.
Về mặt pháp luật, sau Magna Carta còn nhiều văn bản pháp
luật khác được thông qua theo tinh thần bảo vệ công dân.
Năm 1679, Quốc hội Anh thông qua luật Habeas Corpus Act,
nhấn mạnh lại quyền bất khả xâm phạm về thân thể của người dân tự do đã được
ghi trong Magna Carta nhưng phát triển thêm.
Điều 39 nổi tiếng của Magna Carta viết:
“Không một người tự do nào phải chịu cảnh bị
bắt, bị cầm tù, bị tước đoạt tự do hoặc trục xuất, đi đày, truy nã cho tới khi
nào có bản án của những công dân khác xử người đó theo đúng luật của xứ sở.”
Luật Habeas Corpus mở rộng hơn nữa và nhìn vào chế độ nhà
tù ở Anh, cấm nạn bạo hành với người đã bị bắt hoặc đang chịu án, đồng thời
cho phép họ và một thứ ba nhân dân họ quyền kháng án lên triều đình.
Luật này cũng cấm các cai ngục luân chuyển tù nhân từ nhà
tù này sang nhà tù khác hoặc trục xuất họ sang nước khác để xóa dấu vết về các
vụ bạo hành thân thể.
Giống như Magna Carta, luật bảo vệ công dân và tù nhân ghi
trong Habeas Corpus mà theo ngôn ngữ ngày nay là luật cấm tra tấn và cấm lưu
đày, cũng phải được nhắc lại, đề cao liên tục qua các triều đại khác ở Anh.
Liên tục làm mới
Một bản của Magna Carta nay có trị giá trên 12 triệu bảng
Một tiến bộ về nhân quyền và pháp quyền
không chỉ nhờ có việc ra văn bản mà có.
Gần đây nhất, vào các năm 1888, 1971, 1976, văn bản Habeas
Corpus về quyền bất khả xâm phạm về thân thể, dựa trên các nguyên tắc tự do của
công dân trong Magna Carta lại được đề cao và mở rộng trong luật Anh.
Sang năm 2015, các lễ kỷ niệm 800 năm Đại Hiến chương Tự do
Magna Carta sẽ được tổ chức rộng khắp tại Anh.
Bốn bản gốc của Magna Carta hiện có ở Anh sẽ được đưa về
một Thư viện Anh Quốc – British Library, London vào tháng 2/2015.
Thư viện sẽ chọn chỉ đúng 1215 người qua cách bốc thăm để
cho vào xem tận nơi bốn tác phẩm này.
Nhưng các vùng khác như Salisbury, Worcester cũng có các
cuộc trưng bày, triển lãm.
Không xa nơi tôi ở thuộc quận Kent, vùng Đông Nam Anh có
thành phố Faversham, nơi một bản sao của Magna Carta sẽ được giới thiệu với
công chúng năm tới.
Ngay từ giờ, ngành du lịch Kent đã cho biết họ sẽ mở một
tuyến du lịch ‘The Magna Carta Tourist Trail’ để đón khách tham quan tới
Faversham từ tháng 6/2015.
Trong thế giới hôm nay vốn đang có thách thức từ các hệ giá
trị khác như chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, ý thức hệ ‘dân chủ chủ quyền’ (Nga),
‘nhà nước pháp quyền của Đảng’ (Trung Quốc), nước Anh lại càng muốn đề cao các
ý nghĩa nhân quyền.
Về cơ bản, ý tưởng nền tảng nhất của Magna
Carta là nhấn mạnh đến sự bình đẳng giữa từng cá nhân con người, và cho rằng
không vì đang có quyền mà một ai đó, dù là vua hay quan, tổng thống, chủ tịch,
bộ trưởng, giám mục, cảnh sát viên,...lại có thể dùng bạo lực để trói buộc
đồng loại.
Đây chính là điều rất đơn giản, dễ hiểu mà nước Anh nuôi
dưỡng thành công từ thế kỷ 13 trong Đại Hiến chương Tự do.