Trang

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

5501. Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn Và Những Người Kể Về Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp

 BBT đăng tin để tiện việc đối chiếu về bốn chữ PHIẾN QUÂN CAO ĐÀI.

Giáo Hoàng đã ký sắc lệnh công nhận: “cuộc tử đạo của Linh mục người Việt Nam Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp dưới bàn tay của phiến quân Cao Đài sau khi ông bị bắt làm tù binh cùng với những dân nghèo mà ông ra sức bảo vệ.   VOA. 28-11-2024.

Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn Và Những Người Kể Về Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp



 


Thưa quý bạn, về việc linh thiêng của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp thì ở trong nước, cả lương cũng như giáo, hầu như ai cũng biết. Riêng việc ngài mất như thế nào và ai giết ngài thì chỉ mới là "nghe nói", chưa ai biết rõ. Bởi vậy nên ngày 4/8/2011 vừa qua, Linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên và Thầy Giuse Mai Đức Nhuận đã đi phỏng vấn để tìm hiểu thật chính xác về vấn đề này.


 http://thuchoamdhk.com/Duc%20Hong%20Y%20pham%20Minh%20Man%20va%20Nhung%20Nguoi%20ke%20ve%20cha%20Truong%20Buu%20Diep.html

Đầu tiên, họ phỏng vấn Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, một "nhân chứng sống" nhỏ tuổi hơn Cha Trương Bửu Diệp nhưng ở cùng quê Giá Rai, Bạc Liêu với Cha Diệp. Sau đó, những ngày kế tiếp, họ phỏng vấn các nhân chứng khác, có những nhân chứng như sơ Marie Nguyễn Kim Ly, người gọi Cha Diệp bằng bác, rồi chị em bà Trần Thị Hường, Trần Thị Cảnh v.v... là những người đã từng bị lùa cùng với Cha Diệp và các giáo dân khác vào trong lẫm lúa nhà ông Giáo Sự, sau đó cha bị giết cách đấy không xa. Đặc biệt, ông Ngô Minh Quang, một người năm ấy 21 tuổi, chính tay mình đã cùng với người cha dượng là ông Huỳnh Văn Số, chèo xuồng tới vớt xác Cha Diệp ở cái ao nhà ông Giáo Sự, đem về chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo (họ sợ cũng sẽ bị giết nên phải chôn giấu). Các nhân chứng này nay đã lớn tuổi nhưng hãy còn sống, những lời họ kể chắc chắn chính xác và cho chúng ta biết rõ ai giết Cha Diệp, giết như thế nào, tại sao lại giết. Xin mời quý bạn coi qua các cuộc phỏng vấn đó...

Phỏng vấn "nhân chứng sống" Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài Gòn

Cuộc phỏng vấn diễn ra tại văn phòng Đức Hồng Y lúc 10 giờ sáng ngày 4/8/2011. Hiện diện gồm có: Đức Hồng Y Goan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Cha Roland Jacques, Cha Phêrô Trần Thế Tuyên và Thầy Giuse Mai Đức Nhuận.
Đức Hồng Y làm chứng về đời sống của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp trên ba phương diện: đó là một vị linh mục thánh thiện, một vị linh mục thương yêu, lo lắng cho đàn chiên, và là một linh mục dám hy sinh mạng sống vì các con chiên.
Sau đây là lời kể của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn về bản thân ngài trước khi kể những chuyện về Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp mà ngài và nhiều người khác là các "nhân chứng sống":

"Tôi sinh năm 1934 ở Cái Rắn. Cha tôi được mọi người gọi là ông Sáu Hào. Mẹ tôi tên Quới. Cha tôi được lưu danh nhờ đào một con kênh, gọi là kênh "Ba Ngàn", bởi vì kênh này dài 3,000 thước. Dân địa phương cũng còn gọi là Kênh Sáu Hào.
Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ở Tắc Sậy. Ngài không phải là cha sở của chúng tôi nhưng hay tới lui thăm cha sở họ đạo tôi là cha Công và cha sở Hòa Thành lúc đó là cha Tứ. Mỗi khi có dịp như thế, các ngài thường đến thăm gia đình tôi.
Khoảng năm 1939, lúc đó tôi mới 6 tuổi. Trong một lần đến thăm, Cha Diệp nói với mẹ tôi: "Bà Sáu cho thằng Mẫn đi học kinh tiếng La Tinh và đi giúp lễ đi". Mẹ tôi làm theo, cho tôi đến nhà thờ học kinh tiếng La Tinh và đi giúp lễ.
Mỗi lần giúp lễ là mỗi lần tôi nhìn thấy cha sở dâng lễ. Thấy ngài giơ Mình Thánh Chúa lên, tôi liên tưởng tới nõn cây chuối mà mẹ tôi xắt cho heo ăn vậy. Sau này, tôi suy nghĩ và lấy làm lạ rằng cha Phanxicô Trương Bửu Diệp không phải cha sở của tôi nhưng ngài quan tâm tới thiếu nhi nên khuyên mẹ tôi cho tôi tới gần với Chúa qua việc giúp lễ.
Lần thứ hai, chừng 5 năm sau, tôi 11 tuổi, Cha Diệp một lần đến thăm gia đình tôi với các cha khác, bảo bố mẹ tôi: "Ông bà Sáu lo cho thằng Mẫn đi tu ở trường Cù lao Giêng đi, sau này làm linh mục". Sau đó, tôi được cha mẹ gởi đi tu ở Tiểu chủng viện Cù lao Giêng.
Cha Diệp là cha sở họ đạo Tắc Sậy nhưng rất thương yêu giáo dân các nơi và ngài lập nhiều họ đạo lẻ khác, trong đó có họ đạo Chủ Chí. Ngài xây nhà thờ cho giáo dân có nơi dự lễ rồi khai khẩn đất đai giúp dân có đất làm ruộng. Ngài giao cho ông nội tôi làm ông biện, trông nom nhà thờ và chăm sóc ruộng đất cho Nhà chung. Cả lương lẫn giáo ai cũng quí mến và kính trọng ngài.
Năm tôi 11 tuổi và đã đi học ở Tiểu chủng viện Cù lao Giêng rồi, hè năm 1945 được đi theo các cha sở trong hạt, chèo xuồng từ Hòa Thành lên để thăm Cha Diệp ở Tắc Sậy. Năm ấy loạn lạc, tang thương khắp nơi, người ta phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn đi đến các vùng an ninh. Tôi không chính tai nghe mắt thấy quý cha nói chuyện với nhau điều gì, nhưng sau này được biết là quý cha khuyên Cha Diệp nên rời bỏ Tắc Sậy để đi lánh nạn, nhưng cha không thay đổi quyết định ở lại với đàn chiên. Sau đó, chiến tranh tới hồi khốc liệt, gia đình tôi di tản lên Bạc Liêu. Cha Diệp ở lại và bị giết chết.
Tôi ghi nhận ba điều về Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp: Thứ nhứt, ngài là một linh mục thánh thiện, luôn luôn nghĩ đến tương lai của Giáo Hội nên thường khuyến khích mọi người đi tu. Thứ hai, ngài là vị linh mục hết lòng thương yêu giáo dân, đi tới đâu là lo xây dựng nhà thờ và cả nhà ở cho lương cũng như giáo. Thứ ba, ngài là vị linh mục một lòng sống chết vì đàn chiên.
Cám ơn quí Cha đã lo xúc tiến việc tuyên thánh cho Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Thực sự, cả người ngoại đạo và lẫn người vô thần đã tuyên thánh cho ngài từ lâu rồi. Khi tôi còn làm Phó Giám Mục ở Mỹ Tho, bà bí thư phường tại đó đã tổ chức thuê xe đò, mời bà con lương giáo đi hành hương, kính viếng ngôi mộ Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp tại Tắc Sậy, Bạc Liêu".

Phỏng vấn ông Đôminicô Nguyễn Văn Đức và mẹ của ông là bà Huỳnh Thị Tú
Ngày 14/8/2011, tại Họ đạo Chủ Chí và Đầu Sấu.
Sở dĩ gọi là Họ đạo Chủ Chí bởi vì cách nay nhiều chục năm, vùng đất này thuộc về ông Cả Chí, thường gọi là ông Chủ Chí, từ đó có địa danh Chủ Chí.
Địa phận Chủ Chí nằm cách huyện lỵ Hộ Phòng tỉnh Bạc Liêu khoảng 15 cây số về phía Thạnh Trị. Nhà thờ cũ đã bị phá sập. Nền nhà thờ cũ bây giờ không còn dấu vết, dân cư đã xây cất nhà cửa trên đó. Nhà thờ mới đang trong chương trình xây dựng trên phần đất mới.

- Ông Đôminicô Nguyễn Văn Đức:
(Sinh năm 1936 và ông cho biết: Tôi được Cha Diệp rửa tội năm 1945. Tuy nhiên, không còn tìm thấy bút tích rửa tội của tôi trong số 1643 người do Cha Phanxicô rửa tội trong 16 năm ở Tắc Sậy.
Ông Đức kể tiếp: Cha Diệp vô nhà thờ Chủ Chí làm lễ hằng tháng hay đôi ba tuần một lần. Cha đến ăn uống và ngủ lại nhà của cha mẹ tôi tên là ông Nguyễn Văn Lễ và bà Huỳnh Thị Tú. Ngôi nhà này hiện nay chúng tôi đang ở.
Ông Cao Trường Phát là tướng Cao Đài trong vùng hồi đó. Ông Mười Thính là cận vệ của ông Cao Trường Phát. Ông Mười Thính kể cho tôi nghe nhiều lần rằng không phải Cao Đài hay Việt Minh giết Cha Diệp mà là hai tên lính Nhật đã bị giải giáp (tức bị tịch thu khí giới sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh năm 1945 - ĐD) rồi nhập vô phe Cao Đài của ông Cao Trường Phát. Hai tên này đổi qua tên tiếng Việt là Cao Trường Thắng và Cao Trường Ngươn. Ba tên tất cả nhưng một tên nữa thì tôi không nhớ rõ.
Thắng và Ngươn rất hung dữ và thù ghét Pháp vô cùng. Thấy Cha Trương Bửu Diệp hay lui tới với người Pháp, hai tên này bèn trả thù bằng cách dẫn lính Cao Đài của ông Cao Trường Phát, tới lùa Cha Diệp và giáo dân nhốt vô lẫm lùa của ông Châu Văn Sự ở Cây Gừa, đặng chất rơm thiêu sống tất cả, rồi kêu Cha ra, chém Cha và xô xuống chiếc ao gần bên. Ông Cao Trường Phát nghe tin, nghĩ rằng ông đã nuôi ong tay áo, hai tên lính Nhật này giết người dễ dàng như thế thì cũng có lúc phản bội sẽ giết ông chăng? Ông bèn bí mật ra lệnh cho người của mình giết hai tên Nhật mang tên Việt là Thắng và Ngươn này. Tên lính Nhật còn lại ông cũng âm thầm cho người thanh toán sau đó.

- Bà Huỳnh Thị Tú, sanh năm 1905, mẹ của ông đức:
Bà không nhớ nhiều chi tiết về Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Bà khóc khi nhắc đến Cha và tình thương của Cha. Bà nói: Mọi chuyện đều do Cha lo. Áo trắng mặc khi rửa tội hay khi rước lễ, khăn tang hay hòm chôn người chết cha đều lo cho dân nghèo. Cha dạy giữ lửa bằng cách lấy trái ổi non, phơi khô, đốt lên rồi bỏ trong lon đậy sơ lại, một tuần sau vẫn còn than đỏ.

Phỏng vấn ông Louis Lê Hữu Giàu, Sài Gòn

Ông Louis Lê Hữu Giàu sanh năm 1926 tại Khúc Tréo, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Ông được rửa tội tại nhà thờ Khúc Tréo. Năm lên 10 tuổi, khoảng năm 1936, Cha Trương Bửu Diệp gởi ông vào Tiểu chủng viện Cù lao Giêng.
Chỉ được một năm, ông không nhớ rõ lý do, không tiếp tục học tại Tiểu chủng viện Cù lao Giêng nữa mà năm sau, tức khoảng năm 1938, ông được Cha gởi lên Sài Gòn, học tại Tiểu chủng viện Thánh Giuse đường Cường Để lúc trước. Được hai năm, cha ông tức ông Lê Hữu Ánh mất, ông rời chủng viện rồi về nhà luôn.
Không lâu sau đó, mẹ ông dời nhà về Tắc Sậy sống với bên ngoại. Ông trở thành người gần gũi với Cha Diệp, chèo xuồng cho Cha đến các họ đạo lẻ như Gành Hào, Chủ Chí để làm lễ và ông cũng giúp lễ cho Cha.
Thời kỳ 1945-1954, Pháp trở lại Đông Dương, Nhật bị giải giáp, đồn của Pháp đóng trên Hộ Phòng chỉ cách Tắc Sậy hơn hai cây số. Đây là thời gian vô cùng loạn lạc và tang thương. Những phe nhóm chính trị ở vùng đó như Cao Đài, Thổ (tức người Miên gốc Khơ-me) và Việt Minh xuất hiện, tranh chấp ảnh hưởng để hùng cứ vùng đó.
Nhiều người nơi khác tản cư, riêng họ đạo Tắc Sậy và cả Khúc Tréo, bà con không đi vì trông cậy vào Cha Phanxicô. Chính ngài đã tạo nên một sự ổn định tương đối và là chỗ dựa cho cả lương lẫn giáo ở đấy. Thỉnh thoảng, lính Pháp đi ngang qua bảo vệ an toàn cho họ đạo, nhưng khi họ rút về đồn rồi thì lại có vẻ bất an. Ông Giàu cho biết các chức sắc trong họ đạo đề nghị ngài rời vùng Tắc Sậy lộn xộn này, lên Bạc Liêu cho an toàn bản thân. Nhưng ngài từ chối, ngài nói rằng ngài được Chúa sai chăn dắt con chiên, chiên ở đâu thì người chăn chiên ở đó, chủ chiên không bỏ con chiên.

Biến cố tháng Ba năm 1946
Ông Giàu kể, một buổi sáng tháng 3 năm 1946, có một tốp lính mặc đồ trắng, trương cờ trắng đi trước để nếu gặp lính Pháp thì đó là dấu hiệu họ đã đầu hàng, nhưng phía sau lại trương cờ có hình con mắt tức cờ Cao Đài. Tốp lính đến lùa mọi người cả lương lẫn giáo từ khu Đất Thánh cho tới khu quá nhà thờ, trong đó có Cha Phanxicô, các bà phước và giáo dân, đông hơn một trăm người. Chúng dẫn xuống Cây Gừa, cách đó chừng hơn ba cây số, lùa vô hai lẫm lúa, một lẫm gồm Cha, các bà phước và những người công giáo. Lẫm kia thì đa số là người ngoại đạo. Lúc đó là khoảng sau 12 giờ trưa.

Cha bị mời ra ba lần. Hai lần đầu, mỗi lần chừng mười lăm hay hai mươi phút. Cha trở vào, không nói gì cả. Lần thứ ba, Cha không trở lại, sau này mới biết là Cha đã bị giết và xô xác xuống ao nhà ông Giáo Sự.
Đến khoảng chập tối, có người mở cửa cho mọi người về và bảo rằng lo tản cư đi, đừng có nán lại, hễ còn nán lại là sẽ bị giết hết. Bà con tản cư ngay trong đêm hôm đó. Ông Giàu đưa các dì phước sang bên kia sông, vào các nhà trống ở tạm rồi lên Hộ Phòng báo cho lính Pháp biết. Họ xuống và mang các dì phước lên Hộ Phòng an toàn.
Việc đi lấy xác Cha Phanxicô, tẩn liệm và chôn cất ngài thì ông Giàu cho biết ông không có mặt, chỉ nghe nói là người ta tìm thấy xác Cha dưới ao, mang về Khúc Tréo và chôn cất Cha trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo.

Gương hy sinh vì con chiên của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp đã ảnh hưởng tới đời sống công giáo của ông Giàu rất nhiều. Ông luôn luôn đi đọc kinh và giúp kẻ đau ốm, bệnh tật. Ông sẵn sàng tham gia làm nhân chứng sống cho việc tuyên thánh của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.
(Cuộc phỏng vấn này do Linh mục Phêrô Trần thế Tuyên thực hiện lúc 4 giờ chiều ngày 20/8/2011 với sự phụ giúp của anh Thịnh ở nhà thờ Lạc Quang, ĐT di động: 01265452323).

Tường trình ngày 15/8/2011, lúc 2:30 chiều

Ông Phêrô Ngô Minh Quang, Khúc Tréo, xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, sanh năm 1925 và được Cha Diệp rửa tội tại nhà thờ Khúc Tréo. Tuy nhiên, không tìm ra bút tích rửa tội.
Ông sanh ra và lớn lên ở Khúc Tréo từ 1925 cho đến 1951. Năm 1951, 26 tuổi, ông đi lính ở Bạc Liêu thời ông Sáu Hào, cha của Đức Hồng Y Mẫn làm quan. Rồi ông đi lính ở Sa đéc năm 1952. Năm 1954 về lại Khúc Tréo sinh sống cho đến ngày nay.

Ngày Cha Diệp bị giết chết năm 1946, lúc ấy ông Quang đã 21 tuổi. Một số bà con Công giáo ở Tắc Sậy chạy tránh nạn chiến tranh xuống Khúc Tréo và thông tin cho biết là Cha Diệp đã bị bắt và bị giết chết ở Cây Gừa, gần lẫm lúa nhà Giáo Sự. Cha ghẻ của ông là Huỳnh Văn Số, người Công giáo, rất tốt và rất thương Cha Diệp, khi nghe hung tin bèn kêu ông đi để lấy xác Cha Diệp về chôn cất. Hai người chèo xuồng suốt quãng đường xa chừng năm cây số, đến nhà ông Giáo Sự ở Cây Gừa.
Tới nơi, ông thấy Cha Diệp chết trần truồng, nằm úp mặt, đang bềnh bồng trên mặt chiếc ao không sâu và cũng không đầy nước. Cha bị chém hai nhát, một nhát phía trên sọ đầu, một nhát phía sau ót nhưng không đứt lìa. Óc Cha chắc đã bị cá ăn hết. Ông Số và ông rửa ráy cho Cha rồi mang lên xuồng chở về Khúc Tréo vào khoảng xế chiều.
Hai người mang xác Cha vô nhà ông Biện Thơ. Biện Thơ là ông biện thời bấy giờ.
(Biện: người lo công việc cho nhà thờ và họ đạo, ngoài Bắc gọi là ông Trùm - ĐD).
Biện Thơ là cha của Chín Phước, tức Trần Đại Phước, sau này làm trưởng đồn quốc gia đóng ở Tắc Sậy. Biện Thơ lấy áo dài khăn đóng của mình mặc cho Cha. Ông cũng lấy bộ ván ngựa tốt ở nhà đóng hòm cho Cha và chôn cha trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo.

Ai giết Cha? Tại sao lại giết?
Ông Quang kể rằng ông Chủ Cận ở Đồng Gò chiếm đoạt đất đai của nhà thờ ở Tắc Sậy. Cha Diệp nhờ điền địa của Tây đo đạc, bắt ông Chủ Cận phải trả lại phần đất lấn chiếm. Ông Chủ Cận thù ghét Cha, bèn trả thù bằng cách xúi Cao Trường Phát là tướng Cao Đài lúc đó rằng Cha Trương Bửu Diệp thân Pháp, duy trì giáo dân ở Tắc Sậy để giữ đất cho Pháp, có ngày Pháp sẽ đem quân tiêu diệt quân Cao Đài của Cao Trường Phát.
Theo ông Ngô Minh Quang, có lẽ Cao Trường Phát đã cho lính dưới sự dẫn đầu của hai tên Nhật Bổn đã bị giải giáp và đổi sang tên tiếng Việt là Cao Trường Thắng và Cao Trường Ngươn, đến lùa Cha, các dì phước và giáo dân vào lẫm lúa nhà ông Giáo Sự ở Cây Gừa để thiêu sống. Nhưng Cha đã tự ý xin chết thay cho mọi người nên giáo dân được thả và mọi việc đã diễn ra như vậy.
Cha Diệp khi còn sống thường đến nhà thờ Khúc Tréo làm lễ. Ai cũng thương yêu Cha. Ông Ngô Minh Quang nói rằng khi ấy ông 21 tuổi, nghe tin Cha bị giết chết thì tức tốc đi với cha ghẻ tới Cây Gừa lấy xác chứ không hề nghĩ đến nguy hiểm.
(Linh mục Trần Thế Tuyên ghi nhận tại nhà ông Ngô Minh Quang lúc 14:30 ngày 15/8/2011).

Ông Huỳnh Văn Lập tức Ba Lập, Tắc Sậy, lúc nhỏ giúp lễ Cha Diệp

Sanh năm 1935, hiện bị tai biến mạch máu não nên không thể cung cấp chứng từ mạch lạc được. Ông chỉ nhớ đâu nói đó và làm chứng những điều như sau:
Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp có lòng thương người đặc biệt. Cha thương cả người có đạo và người không có đạo. Ông nhớ là thỉnh thoảng Cha kêu những người nghèo khổ không có gạo ăn vô nhà thờ Tắc Sậy và Cha cho người nấu cơm, đãi họ ăn no nê. Cha thường lo cho giáo dân có đất đai làm ruộng để sinh sống. Người ta lấn đất nhà Chung, Cha kiện lên tới đồn Tây. Người ta phải trả đất nhưng thù ghét Cha, có lẽ vì vậy nên tìm cách xúi Cao Trường Phát giết hại Cha.
Cha làm nhiều phép lạ lắm: chính cháu của ông bị kinh phong giật, ông mang vô mộ phần của cha, xô nó nằm lên mộ Cha và cầu xin Cha. Nó hết bịnh cho tới bây giờ.

Soeur Marie Nguyễn Kim Ly, cháu họ kêu Cha bằng bác
(Phỏng vấn ngày 5/8/2011, tại Tòa Giám Mục Long Xuyên)
Soeur Marie Nguyễn Kim Ly sinh năm 1940. Gia đình soeur nấu cơm cho Cha Diệp và sống trong nhà xứ với Cha. Chính Soeur cũng có mặt trong đêm Cha bị giết chết tháng Ba năm 1946. Vì còn quá nhỏ, không biết gì nhiều, nhưng Soeur Marie Kim Ly cũng xin nói những gì mình nhớ:
Cha Phanxicô rất thương người nghèo. Mẹ soeur cho biết là Cha Diệp không cho nấu đồ ăn ngon, vì Cha nói còn nhiều người nghèo khổ hơn mình nữa!. Cha Phanxicô Diệp thực sự chết vì đạo, vì đàn chiên Chúa giao. Cha mẹ soeur nói là người ta bảo Cha phải bỏ Tắc Sậy thì dân mới chịu di tản. Khi dân di tản thì người ta sẽ biến nhà thờ và giáo xứ thành mặt trận đánh nhau. Cha không đi, người ta bắt hết và đòi giết hết. Nhưng Cha đã hy sinh, một mình chết, để bà con sống và di tản đi khỏi giáo xứ.
Cha luôn giữ mình thánh thiện. Lúc nào cha cũng mặc áo dòng đen và siêng năng lần hột và đọc kinh dữ lắm.

Bà Trần Thị Hường tức bà Tư Phẩm
(Tường trình ngày 16/8/2011)

Sanh năm 1933 tại Tắc Sậy. Cha Fx. Trương Bửu Diệp rửa tội cho bà năm 1943. Gia đình ngoại giáo, nhưng cha mẹ gửi con cái đến học với các bà phước ở Tắc Sậy và được rửa tội. Bà có người anh thứ ba tên là Trần Văn Nghĩa và người em gái thứ bảy tên Trần Thị Phụng cũng được rửa tội trước cha mẹ mình.
Năm 1946 giặc giã và ly loạn. Một buổi sáng sớm khoảng sau Tết, lính mặc áo trắng, đến lùa giáo dân từ Đất Thánh cách nhà thờ chừng hơn một cây số vô nhà thờ. Từ nhà thờ họ lùa Cha, các bà phước và giáo dân vô Cây Gừa cách đó chừng ba hay bốn cây số. Hai em trai của bà là Trần Văn Nhân và Trần Văn Ân đi coi bò trong đồng, nên không bị lùa chung.
Không nhớ tháng nào nhưng nhớ là sau Tết vì đất nứt nẻ khô ráo đi đau chân lắm, lại có nhiều rơm. Không biết bao nhiêu người nhưng khá đông chừng bảy hay tám chục người. Đến nơi, bà bị ở chung một chỗ với các bà phước. Cha mẹ bà ở chung với Cha Fx Trương Bửu Diệp. Cha mẹ bà kêu la kiếm bà. Bà được cho đi sang với cha mẹ. Đang khi chạy sang với cha mẹ, bà bị một tên lính Nhật chận lại, đưa dao dài và bén vào cổ, bà té bẹp xuống đất. Lính người Việt Nam nói gì với tên lính Nhật bà không biết và bà được vào chung chỗ với cha mẹ bà.
Chừng 8 giờ sáng, Cha bị mời ra ngoài chừng 15 hay 20 phút. Cha trở vô không thấy gì là buồn phiền hay lo lắng chi hết.
Người ta chất rơm rạ chung quanh lẫm lúa nhà ông Giáo Sự và biết chắc là họ sẽ đốt cháy tất cả. Cha bị mời ra lần thứ hai khoảng 10 giờ sáng. Khi trở vào, mặt Cha đỏ như bị đánh hay bị tát. Cha bảo mọi người ăn năn tội và cha giải tội. Anh ba Nghĩa của bà nói với cha mẹ bà: Thôi, cha má hãy rửa tội đi để rồi tất cả cùng chết với Cha và được lên thiên đàng chung. Cha mẹ bà bằng lòng. Anh ba Nghĩa xin nước nơi người lính canh, nói là để uống, nhưng đưa cho Cha Diệp rửa tội cho bà nội bà, cha bà tên Trần Văn Năng, mẹ bà tên Dư Thị Lượm, em trai bà tên Trần Văn Nuôi lúc đó 7 tuổi, lấy tên thánh là Phanxicô Xaviê, và em gái bà tên Trần Thị Cảnh lúc đó 4 tuổi, lấy tên thánh Anna. Sau này, Cha Huỳnh Minh Ký ở Bạc Liêu đã làm phép bù cho cha mẹ và hai em của bà.

Lần thứ ba Cha bị mời ra khoảng 2 hay 3 giờ chiều. Cha không trở lại. Đoán là Cha đã bị thủ tiêu. Khá lâu sau đó, chừng 7 giờ tối họ mở cửa cho mọi người ra về nhưng dặn phải bỏ Tắc Sậy, nếu không sẽ giết hết không còn con đỏ.
Người ta quay về thu gom đồ đạc và tản cư. Hôm sau, mọi người được tin là cha đã chết. Người ta đi lấy xác Cha ở cái ao chỗ nhà ông Giáo Sự. Có nhiều người đàn ông thương mến và nóng lòng đi phụ tìm xác Cha, trong đó có ông Năng, cha của bà. Họ mô tả: Cha bị chém từ phía sau ót, chết trần truồng và úp mặt. Người ta bỏ Cha lên xuồng chở về nhà ông Biện Thơ ở Khúc Tréo và chôn Cha trong phòng thánh.
* Ghi chú: Lần phỏng vấn này có cả bà Trần Thị Cảnh ở xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Bạc Liêu lên Cái Răng Cần Thơ thăm chị (tức bà Trần Thị Hường, người đang được phỏng vấn). Cả hai đều đồng ý về những điều kể trên.

- Linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên ghi chép