Trang

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

5504. VI BẰNG TÌM HIỂU ĐẠO NGHỊ ĐỊNH THỨ TÁM.


KNS&HTE ĐĐTKPĐ
VB: 01/99

   NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG
ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
(Cửu Thập Cửu Niên)
TÒA THÁNH TÂY NINH.


VI BẰNG
“Tìm hiểu về Đạo Nghị Định Thứ Tám”

I/- Thành phần dự họp.


Phiên họp bắt đầu lúc 20 giờ ngày 25-10-Giáp Thìn (25-11-2024).

Chủ tọa: CTS Lương Thị Nở (Phó Ban Chấp Hành HTE ĐĐTKPĐ).

Marie Võ (Phó Ban Chấp Hành HTE ĐĐTKPĐ)

CTS Nguyễn Hữu Khanh (Trưởng BKS Luật HTE ĐĐTKPĐ)

Thư ký HTE ĐĐTKPĐ: Nguyễn Hồng Phượng (PTS)

CTS Trần Quốc Tiến (Trưởng BCH KNS)

Chức việc: CTS Nguyễn Thành Phương, CTS Lê Văn Một, CTS Nguyễn Thị Thu Cúc, PTS Nguyễn Thị Kim Thùy.

Đạo Hữu Nam Nữ: Nguyễn Thị Chợ (Út Cam), John Tùng.

Điều hành Chánh Trị Sự Nguyễn Hữu Khanh.

Đọc Kinh Nhập Hội  (PTS Kim Thùy)

II/- Đề tài: Tìm hiểu Đạo Nghị Định Thứ Tám 16-7-Giáp Tuất (25-8-1934) do Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp lập.

III/- Tiến trình thảo luận.

A/- Mục đích, thỉnh cầu.

Mục đích: Hiểu đúng pháp lý Đạo Nghị Định Thứ Tám trong Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nói tắt là Đạo Cao Đài do Thượng Đế lập năm 1926.

Hiểu đúng lời Thầy dạy ngày vào tháng 2-1927: Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi; …. (TNHT Q1, trang 78 bản in năm 1972). Do vậy Tòa Thánh Tây Ninh là gốc của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ là nơi khai sáng ra Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn lập năm 1926.

Thỉnh cầu: Nắm vững pháp lý và lịch sử để giữ gìn bản sắc trong lành của Đạo, hiểu chính xác pháp lý và hiệu quả của Đạo Nghị Định Thứ Tám. Không bị những văn bút trái với Đạo Nghị Định thao túng tâm lý về chi phái.

Hiểu được hiệu quả Đạo Nghị Định Thứ Tám: ngăn chận nhân sự Tòa Thánh Tây Ninh tách ra lập chi phái. Trình bày trong hòa nhã, minh bạch, không lơ lững.

 

B/- Phân tích và tìm hiểu Điều thứ nhứt.

I/- Về căn bản:

1/- Đạo duy nhứt chỉ có một, tại Tòa Thánh Tây Ninh (Thầy dạy chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi). Do vậy Tòa Thánh Tây Ninh là gốc của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ là nơi khai sáng ra Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn lập năm 1926.

2/- Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ Độ nói tắt là Đạo Cao Đài (danh hiệu đầy đủ 6 chữ, nói tắt 3 chữ) do Đức Chí Tôn dùng cơ bút lập thành. Lễ Khai Đạo tổ chức ngày 18-11-1926 (14-10-Bính Dần) tại Chùa Gò Kén, Tây Ninh.

Thượng Đế dạy trong Phổ Cáo Chúng Sanh ĐĐTKPĐ (13-10-1926), trang 06: “Vậy các con khi nghe nói Cao Đài nơi nầy, Cao Đài nơi kia đừng vội tin mà lầm mưu Tà-Mị”.

3/- Quyền của Đức Lý Giáo Tông hiệp với Đức Hộ Pháp là Quyền Chí Tôn Vô Vi nên toàn đạo phải tuân y, không ai có quyền chỉnh sửa.

II/- Năm yếu tố xác định một chi phái là Bàng Môn Tả Đạo.

Nguyên văn Điều Thứ Nhứt, Đạo Nghị Định thứ Tám.

Ðiều thứ nhứt: - Những Chi Phái nào do bởi Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng lịnh Hội Thánh, thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải định quyết là Bàng Môn Tả Ðạo.

Theo lời dạy trên, có 5 yếu tố để xác định một chi phái là Bàng Môn Tả Đạo.

1/- Nhân sự tách ra từ Tòa Thánh Tây Ninh (là cái gốc của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ).

2/- Khi tách ra có lấy đi tài sản của đạo (vật thể: Thánh Thất, Điện Thờ, đất đai … và phi vật thể như chức phẩm tôn giáo là Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự, Lễ Sanh, Giáo Hữu, Giáo Sư, …)

3/- Lập thành Hội Thánh.

4/- Không có mạng lịnh của Hội Thánh Cao Đài tại Tòa Thánh Tây Ninh.

5/- Kết luận: Theo lịnh của Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp trong Đạo Nghị Định thứ tám, Điều thứ nhứt thì chi phái đó là bàng môn tả đạo.

C- Những Chi phái có nguồn gốc từ Tòa Thánh Tây Ninh.

 Có năm chi phái có nguồn gốc từ Tòa Thánh Tây Ninh, chia ra làm hai thời kỳ: Hội Thánh Cao Đài cầm quyền hành chánh tôn giáo (hay có cơ bút); thời kỳ Hội Thánh Cao Đài bị cốt (hay ngưng cơ bút).

Lưu ý quan trọng: Chi phái sinh ra chi phái.

Hiện nay có rất nhiều chi phái Cao Đài nhưng xét đến nguồn gốc lập thành, chỉ có 05 chi phái phát xuất từ Tòa Thánh Tây Ninh (hay do Tòa Thánh Tây Ninh làm gốc lập thành). Các chi phái khác là do nơi các chi phái sinh ra, không có nguồn gốc từ Tòa Thánh Tây Ninh. Nghĩa là từ 05 chi phái trên phát sinh ra những thế hệ chi phái sau đó; không phải do Tòa Thánh Tây Ninh làm gốc lập thành. Trước năm 1975 chỉ có Hội Thánh Cao Đài có pháp nhân, sau năm 1975 Hội Thánh Cao Đài bị cốt (1983), nhà nước hiện nay cấp pháp nhân cho nhiều chi phái Cao Đài.

I/- Thời kỳ Hội Thánh cầm quyền hành chánh tôn giáo hay có cơ bút.

Có bốn chi phái, trong đó chỉ có Chi phái Ban Chỉnh Đạo Bến Tre tách ra sau khi có Đạo Nghị Định Thứ Tám (25-8-1934). 

1/- Minh Chơn Lý. Do Phối Sư Thái Ca Thanh lập năm 1931, tại Thánh Thất Cầu Vỹ, Định Tường. Sau đổi thành Tòa Thánh Trung Ương (TNHT Q2 trang 199, bản in năm 1972; Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy 16-7-Giáp Tuất “1934”).

2/- Minh Chơn Đạo. Do Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang lập năm 1932, (lúc đầu Ngài Trần Đạo Quang hợp tác với ngài Thái Ca Thanh sau đó tách ra, còn gọi là Hội Thánh Hậu Giang (TNHT Q2 trang 199, bản in năm 1972; Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy 16-7-Giáp Tuất “1934”).

3/- Tiên Thiên. Có những đàn cơ từ trước, sau đó các vị nhập vào Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Năm 1932 Giáo Hữu Ngọc Chính Thanh tách ra khỏi Tòa Thánh Tây Ninh. Đến năm 1948, ngài Nguyễn Bửu Tài quay về Tòa Thánh Tây Ninh được Đức Lý Giáo Tông chấp nhận và dạy đưa ra cho Hội Quyền Vạn Linh quyết định thì các vị lại tách ra.

(Lưu ý: Thượng Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh và Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh có nhiều Châu Tri chỉ ra sự mê tín dị đoan khi dùng cơ bút không do Hội Thánh Cao Đài cầu cơ và sai trái về pháp luật đạo của ba chi phái trên đây.)

4/- Chi phái Ban Chỉnh Đạo, Bến Tre. Do hai ngài Thượng Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh và Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh lập ra. Hai vị tổ chức lật đổ Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt nhiều lần nhưng không thành công và lui về Thánh Thất Bình Hòa (Gia Định) và Thánh Thất An Hội (Bến Tre). Sơ lược tiến trình lập chi phái Ban Chỉnh Đạo

Ngày 24-7-1934 ra Châu Tri 3, chỉnh đạo.

Ngày 27-7-1934 Chương trình chỉnh đạo.

Ngày 26-9-1934 Châu Tri 5 mời họp lập thành Hội Thánh.

Ngày 20-11-1934 họp. Chiều được tin Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt đăng tiên, nên dừng lại về Tòa Thánh dự tang lễ. Nhưng Đức Quyền Giáo Tông có di ngôn không cho hai vị Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh gặp mặt nên hai vị chỉ được ở vòng ngoài, không được vào kỉnh lễ Đức Quyền Giáo Tông.

Ngày 24.12.1934, mở Đại Hội lập Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo.

II/- Thời kỳ Hội Thánh bị cốt hay không có cơ bút.

1/- Chỉ có chi phái 1997. Ngày 09-5-1997, ông Vũ Gia Tham Q Trưởng Ban Tôn Giáo chính phủ ra Quyết định số 10, công nhận tổ chức tôn giáo có danh hiệu 10 chữ: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh. Tổ chức tôn giáo lập ra năm 1997 lấy TÒA THÁNH TÂY NINH làm trụ sở trung ương (Điều 4 hiến chương 1997). Gọi tắt là chi phái Cao Đài 1997.

2/- Căn cứ để xác định chi phái 1997.

Danh hiệu Đạo Cao Đài 1926.

Danh hiệu chi phái 1997.

ĐIỀU THỨ NHỨT: Danh hiệu là: Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, nói tắt là (Đạo Cao Đài).

Điều 1: Danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh, gọi tắt là Đạo Cao Đài Tây Ninh.

Đối chiếu danh hiệu hiến chương 1965 với hiến chương 1997.

Căn cứ Đạo Nghị Định Thứ Tám.

Đối chiếu danh hiệu hiến chương 1965 của Đạo Cao Đài lập năm 1926 và hiến chương tổ chức tôn giáo lập năm 1997 là hai tổ chức tôn giáo khác nhau. Hai cái căn cước có danh hiệu khác nhau, việc đổi danh hiệu nầy không có mạng lịnh Hội Thánh Cao Đài nên đó là chi phái lập năm 1997.

Chi phái 1997 ra đời tại Tòa Thánh Tây Ninh nên đã chiếm đoạt Tòa Thánh Tây Ninh của người Đạo Cao Đài 1926 và ăn cắp căn cước của Đạo Cao Đài, gây nhầm lẫn trong xã hội.

3/- Cơ quan Hiệp Thiên Đài (Tư pháp của Đạo) xác định chi phái 1997:

Thông Báo ngày 26/11/2015 viết tại trang 02: Hành vi của Đầu sư phàm phong Thượng Tám Thanh là nghịch thiên, phạm pháp, không phải là chức sắc thiên phong của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh nên chúng tôi gọi theo thế danh Nguyễn Thành Tám không gọi Thánh danh…

Kiến Nghị, ngày 15/09/2017 tại trang 10 viết: Chúng Tôi xác định Hội Đồng Chưởng Quản là một chi phái mới phát sinh từ gốc Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh từ năm 1997.

4/- Tóm lược một vài diễn tiến quan trọng dẫn tới chi phái 1997 ra đời.

4.1/- Bản án ngày 20-7-1978 Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Tây Ninh ra Bản Án Hoạt Động Phản Cách Mạng của một số tên phản động trong giới cầm đầu Giáo Phái Cao Đài Tây Ninh.

4.2/- Quyết Nghị ngày 13-12-1978 Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Tây Ninh ra Quyết Nghị giải tán hành chánh tôn giáo 05 cấp từ trung ương đến địa phương.

Điều III: giải tán và nghiêm cấm hoạt động hệ thống tổ chức hành chính đạo từ trên đến cơ sở, xóa bỏ và nghiêm cấm cơ bút, chính quyền sẻ quản lý toàn bộ cơ sở vật chất mà đạo đang quản lý kinh doanh không thuộc chức năng tôn giáo để phục vụ cho lợi ích xã hội. Đồng thời căn cứ vào tính chất tu hành, chính quyền sẽ quy định cụ thể số cơ sở để lại cho Đạo quản lý và số người trong từng cơ sở để chuyên lo việc tín ngưỡng.

4.3/- Hội Thánh Cao Đài ra Đạo Lịnh 01 ngày 01-3-1979.

Điều 1: Giải tán hành chánh tôn giáo 05 cấp.

Điều 2: tái lập cơ cấu hành chánh 02 cấp: trung ương và địa phương; lập ra Hội đồng Chưởng Quản CỦA Hội Thánh Cao Đài để điều hành việc đạo. Hội Thánh viết rõ lập Hội Đồng Chưởng Quản DUY NHẤT để hành đạo. Không có con dấu Hội Đồng Chưởng Quản.

4.4/- Hội Thánh bị cốt, 1983: Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh ra đời năm 1983, ngài Thái Chánh Phối Sư Thái Hiểu Thanh làm đầu. Hội Đồng Chưởng Quản DUY NHẤT CỦA Hội Thánh Cao Đài bị cốt. Hội Thánh Cao Đài không có công văn nào lập ra Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài, nên pháp lý đạo bị đứt gãy tại năm 1983.

4.5/- Chính quyền lập ra Hội Đồng Chưởng Quản và cấp con dấu: Ngày 14/09/1989 Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh ra quyết định số 88/ QĐ – UB về việc: Đổi tên Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh thành Hội Đồng Chưởng Quản của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh.

Cơ quan công an cấp con dấu Hội Đồng Chưởng Quản.

4.6/- Chi phái 1997 ra đời: Ngày 09-5-1997 chi phái 1997 ra đời tại Tòa Thánh Tây Ninh.

IV/- Kết thúc.  

Đọc Kinh Xuất Hội, PTS Kim Thùy.

Chủ tọa cảm ơn cả nhà đã tích cực đóng góp ý kiến và lên Vi Bằng.

Phiên họp kết thúc lúc 22 giờ cùng ngày.

Lập Vi Bằng.

(Đã ký)


CTS Trần Quốc Tiến.

Chủ tọa.

 

(Đã ký)


CTS Lương Thị Nở.

 

 

 




Phụ lục.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đàn cơ lập Đạo Nghị Định 7 & 8.

TÒA THÁNH le 25 Aout 1934.
Phò loan:
HỘ PHÁP – TIẾP ĐẠO.
(Ðêm 16 tháng 7 năm Giáp Tuất)

CAO THƯỢNG PHẨM

Bần Ðạo chào Ðức Quyền Giáo Tông, Hộ Pháp, Thượng Sanh, Cao Tiếp Ðạo và Lê Tiếp Thế.

Xin mời Thái, Thượng, Ngọc Chánh Phối Sư và Nữ Chánh Phối Sư nhập nội.

Bần Ðạo chào Chư vị Ðạo hữu và Ðạo tỷ.

Thưa cùng Ðức Quyền Giáo Tông, xin Ngài làm ơn nhắc nhở giùm Chư vị Chánh Phối Sư phải nhặt gìn phận sự. Xin chỉnh đàn cho nghiêm tịnh đặng tiếp rước Lý Giáo Tông. Bần Ðạo khuyên cả Hội Thánh Nam Nữ đừng ai tư mật mà làm cho người phát nộ thì rất rủi cho Hội Thánh lắm nghe!

Cao Tiếp Ðạo, em ráng nâng loan, có qua trợ lực.

Thăng

 

Tái cầu: 

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
       LÝ GIÁO TÔNG

 Chào Chư Hiền Hữu và Hiền Muội.

Quyền Giáo Tông bạch ...

Ừ, Lão còn cầm quyền ngày nào, thì Lão quyết trừ diệt những kẻ tà tâm cho tận tuyệt. Lão nói thật, nền Chánh Giáo của Chí Tôn phải ra thiệt tướng, bằng chẳng vậy, thà Lão thối bước lui chơn hơn thấy Thánh Thể của Người phải ra ô trược.

Ngọc Chánh Phối Sư, mỗi Ðạo Nghị Ðịnh của Lão viết ra phải chính mình Hiền Hữu đọc lại cho toàn Chức Sắc Thiên Phong có mặt tại đây nghe rõ

Chiếu y Pháp Chánh Truyền ban quyền cho Giáo Tông và Hộ Pháp.

Chiếu y Ðạo Nghị Ðịnh số hai ban quyền Giáo Tông phần xác cho Thượng Trung Nhựt.

Chiếu y Ðạo Nghị Ðịnh số ba và số bốn ban quyền hành cho Hội Thánh Cửu Trùng Ðài Nam Nữ lưỡng phái.

Chiếu y Ðạo Nghị Ðịnh số năm định cho Chức Sắc cầm quyền hành chánh thiệt thọ.

Chiếu y mật chỉ Chí Tôn. 

NGHỊ ÐỊNH

Ðiều thứ nhứt: - Cả Chức Sắc Nam Nữ Cửu Trùng Ðài đã trọn hiến thân cho Ðạo buổi sơ khai đẳng đẳng đồng thăng nhứt cấp, trừ ra:

Một là người nào hiến thân cho Ðạo sau ngày Rằm tháng Mười năm Canh Ngọ.

Hai là người không trọn tuân luật pháp, không trọn giữ phận sự của mình.

Ba là người cầm quyền hành chánh chẳng toàn công.

Bốn là người nghịch Chơn truyền Chánh giáo, gầy Tả Ðạo Bàng Môn.

Năm là mới thọ ân phong thưởng.

Ðiều thứ hai: - Cả Chức Sắc Thiên Phong Hội Thánh Ngoại Giáo tùng quyền Chưởng Ðạo Nguyệt Tâm đã đủ ân phong công nghiệp, chẳng đặng thăng cấp.

Ðiều thứ ba: - Những người đã có công nhưng đắc tội cùng Hội Thánh, thì phải giao nạp cho Hiệp Thiên Ðài. Chừng nào Tòa Tam Giáo Hiệp Thiên cho trắng án, thì đặng thăng đẳng cấp như Chức Sắc Thiên Phong hữu công cùng Ðạo.

Ðiều thứ tư: - Quyền Giáo Tông và cả Chức Sắc Thiên Phong Hội Thánh Nhị Hữu Hình Ðài phải thi hành Ðạo Nghị Ðịnh nầy.

Ðiều thứ năm: - Bát cả sớ cầu phong thưởng.

Làm tại Tòa Thánh Tây Ninh,
         Ngày Rằm tháng Bảy năm Giáp Tuất.

Ký tên:

       Hộ Pháp
PHẠM CÔNG TẮC

Giáo Tông
             LÝ THÁI BẠCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tái cầu:

Lão tiếp

Chiếu y Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Ðài và Hiệp Thiên Ðài.

Chiếu y các Thánh Giáo của Chí Tôn.

Nghĩ vì Ðạo duy có một.

NGHỊ ÐỊNH

Ðiều thứ nhứt: - Những Chi Phái nào do bởi Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng lịnh Hội Thánh, thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải định quyết là Bàng Môn Tả Ðạo.

Ðiều thứ hai: - Các Tôn giáo xin nhập môn vào mối Chơn truyền phải có đủ Quyền Vạn Linh và Quyền Chí Tôn công nhận.

Làm tại Tòa Thánh Tây Ninh,
Ngày Rằm tháng 7 năm Giáp Tuất.

Ký tên:

Hộ Pháp
PHẠM CÔNG TẮC

Giáo Tông
LÝ THÁI BẠCH

 

 

Thượng Trung Nhựt, Hiền Hữu phải để ý rằng quyền hành của Hiền Hữu riêng với phần của Lão, nên Ðạo Nghị Ðịnh phải lập riêng ra nghe

 

HẾT.