Vì sao chính quyền Việt Nam bỏ tù chín nhà sư và phật tử Khmer?
Một buổi chiều mùa hè, ông Thạch Hanh(*), một nông dân Khmer sống tại xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, đang làm rẫy thì nhận được tin báo người thân bị bắt.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cx247vp9v24o
Bảy tháng sau tòa mới đưa người ra xét xử.
Nhưng cho đến khi tòa tuyên án, ông Hanh nói với BBC rằng ông "vẫn không biết người nhà mắc tội gì".
Người nhà ông Hanh được đưa ra xét xử cùng ngày với các nhà sư Khmer khác tại Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long hôm 26/11/2024.
Chín người ra tòa hôm đó bị tuyên tổng cộng hơn 25 năm tù về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" và "bắt giữ người trái pháp luật".
Báo Công an Nhân dân đưa tin rằng sự việc xảy khi tổ công tác của UBND huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đến chùa Đại Thọ (hay còn gọi là chùa Măng Kol Bô Rây theo tiếng Khmer) tại xã Loan Mỹ để "nắm tình hình" vào ngày 22/11/2023, nhưng "người trong chùa không chấp hành".
Trụ trì chùa là ông Thạch Chanh Đa Ra đã tham gia và chỉ đạo những người khác bắt giữ người của tổ công tác, đồng thời cho quay video và phát lên Facebook về sự việc với lời lẽ "vu khống, xúc phạm cán bộ", vẫn theo báo Công an Nhân dân.
Báo Phú Thọ, trong khi đó, gọi các nhà sư này là "phường côn đồ" mặc áo nhà sư để "chia rẽ khối đại đoàn kết".
Đài Truyền hình Vĩnh Long có một phóng sự dài về vụ việc, nói ông Đa Ra liên kết với các tổ chức phản động bên ngoài để lôi kéo, kích động, chống phá.
Trang Phật Sự Online của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay chùa Đại Thọ bị khám xét là do sư Đa Ra "treo ba tấm vải hình chữ nhật có ba màu lam, vàng, đỏ, không phải cờ Phật giáo" trước cổng chính của chùa.
Chính quyền huyện Tam Bình đã đến chùa để "vận động tháo gỡ" lá cờ trên nhưng sư Đa Ra không chịu mà "chỉ đạo các tu sĩ trong chùa đóng cổng" và "có phát ngôn mang tính kích động, xúc phạm, đe dọa tổ công tác...".
Ông Thạch Chanh Đa Ra đã bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tam Bình kỷ luật, khai trừ khỏi hội vào năm ngoái.
Ngay sau khi bản án được tuyên, Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền và Lao động châu Á (AHRLA) đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho chín người nói trên, gọi họ là "nhà sư Phật giáo" và cho rằng bản án đối với họ là "vô lý và không thể chấp nhận được", đồng thời nói rằng hành vi bỏ tù họ là "vi phạm tự do tôn giáo".
"Điều thực sự bị xét xử là quyền của người Khmer Krom được thực hành tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa của họ mà không bị Đảng Cộng sản cầm quyền Việt Nam can thiệp," giám đốc AHRLA Phil Robertson viết trong thông cáo báo chí, ý nói đến đến nhóm dân tộc Khmer sống ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, phần lớn là người theo đạo Phật.
Ông Phil Robertson cho rằng các bản án cho thấy chính phủ Việt Nam không khoan nhượng với quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng bên ngoài các cấu trúc chính thức được kiểm soát chặt chẽ.
"Cộng đồng quốc tế nên công khai lên án những hành vi vi phạm quyền trắng trợn này và yêu cầu các nhà sư và nhà hoạt động này phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện," ông Robertson nói.
Người trong cuộc nói gì?
Sau phiên tòa, ông Thạch Hanh từ làng quê Vĩnh Long nói với BBC rằng trước khi bị bắt vào tháng 11/2023, người nhà ông đã tham gia xây dựng nhà nguyện (hay còn gọi là Ngôi Giảng đường) Sala Chol Tian cho chùa Đại Thọ - công trình đã bị chính quyền địa phương phá bỏ vào ngày 1/4/2024.
Báo Vĩnh Long từng đưa một vài thông tin sơ lược về vụ phá dỡ này.
Theo đó, từ năm 2020, sư Thạch Chanh Đa Ra và một số người dân tại ấp Tổng Hưng (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) đã khởi công xây dựng "trái pháp luật" nhà nguyện Sala Chol Tian trên đất trồng lúa của một người dân trong xã.
Tòa án nhân dân huyện Tam Bình đã đưa vụ việc ra xét xử năm 2023, buộc ngưng việc xây dựng.
Đại diện tỉnh Vĩnh Long khẳng định cơ quan chức năng của tỉnh không cưỡng chế "cái gọi là ngôi giảng đường" mà chỉ cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên phần đất của người dân theo qui định nhà nước, đồng thời thực hiện theo bản án quyết định của Tòa án nhân dân huyện Tam Bình.
Nhưng ông Hanh nói với BBC rằng khu giảng đường này được xây dựng nhờ vào sự đóng góp của cộng đồng người Khmer địa phương và xây trên phần đất do một người dân hiến tặng, nhằm phục vụ nhu cầu của cộng đồng Khmer sống xa chùa Đại Thọ.
Ông Hanh giải thích rằng từ chùa đến ấp của ông mất 14 km, nên "các ông bà già khó khăn trong việc đi chùa giữ giới, khó cho trẻ đi học tiếng Khmer... Nên khu giảng đường này dành cho những việc như vậy, rồi dành cho làm đám tiệc, đám ma, đám giỗ cho các gia đình nghèo, neo đơn, rồi làm lễ như các lễ cầu an hằng năm..."
Ông nói thêm rằng theo truyền thống, nhu cầu được đi chùa thường xuyên của người Khmer là rất lớn.
Cũng theo ông Hanh, do xin phép chính quyền bốn lần mà không được, người dân vẫn tiến hành xây dựng và khi khánh thành thì cán bộ xã vẫn tham dự. Nhưng đến thời điểm tháng 4/2024 thì chính quyền cho người đến đập bỏ.
Một số người tham gia vào việc xây dựng giảng đường này, như người nhà ông Hanh, bị bắt vào tháng 11/2023.
Người nông dân giấu tên cũng cho biết không ai trong số chín người bị xét xử có luật sư.
"Tôi không biết bắt vì tội gì, không biết lý do vì sao. Họ có kích động gì đâu. Mấy ông chính quyền bắt mấy ông này bỏ tù là oan dữ lắm. Họ không chống đối gì chính quyền," ông nói với BBC, và nói thêm rằng kể từ khi người thân bị bắt, gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn vì mất đi những trụ cột chính.
Khi được hỏi về đời sống người Khmer tại địa phương, ông nói chính quyền cũng có một vài "nâng đỡ", như giảm tiền bảo hiểm y tế và tiền học phí cho một số con em hộ nghèo; trường dân tộc nội trú của tỉnh có chương trình dạy tiếng Khmer.
Nhưng nhìn chung, đời sống một bộ phận người Khmer vẫn khó khăn.
Như ở địa phương ông, 200 hộ Khmer đang sống trong cảnh không có đường sá và nước sạch. Việc dạy tiếng Khmer ở trường theo ông "chỉ một vài tiết học" mỗi tuần là không đủ, trong khi dân tự tổ chức dạy thì lại bị gây khó dễ. Rồi đến việc chùa chiền cũng cũng phải làm theo chỉ đạo của chính quyền thì mới yên - theo lời ông Hanh.
"Tôi đi tu từ 1971 tới 1977, không có làm giấy tờ gì, chỉ xin phép gia đình rồi gia đình giao cho trụ trì chứ chính quyền không nhúng tay vô."
"Nay đi tu phải xin phép, mở trường học tiếng Khmer trong chùa cũng phải xin phép, mà phải dạy theo chương trình của chính quyền chứ mình không có quyền. Mà học ổng cũng theo dõi dữ lắm," ông kể lại.
Những rạn nứt
Những rạn nứt giữa cộng đồng người Khmer tại Nam Bộ, và đặc biệt là tại Campuchia, với chính quyền Việt Nam đã tồn tại nhiều năm qua.
Một trong những điểm nóng từng xảy ra năm 2014, khi cộng đồng Khmer tại Campuchia liên tục biểu tình đòi Nam Bộ - điều mà một số nhà nghiên cứu đánh giá là "vô lý", dựa trên các tài liệu lịch sử.
Việc khơi ra những sự thù hận chống Việt Nam từng được một số nhà quan sát nhận định rằng là chiêu bài tranh cử của một số đảng chính trị ở Campuchia.
Trong khi đó, tại Việt Nam, chính phủ Việt Nam từ lâu đã bị chỉ trích là "muốn đồng hóa người Khmer", và luôn lo ngại về việc hình thành một "Nhà nước Khmer Krom", đã siết chặt việc kiểm soát các hoạt động của cộng đồng này, trong đó có tôn giáo.
Ông Xarong Trần, Phó Chủ tịch Liên đoàn Khmer Kampuchea Krom (KKF) hiện đang sống tị nạn tại Ý, nói với BBC hôm 30/11 rằng toàn bộ sự việc bắt người, bỏ tù nói trên ban đầu chỉ xuất phát từ những mâu thuẫn "rất nhỏ".
Đó là việc ông Thạch Chanh Đa Ra không muốn tuân theo chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cộng đồng Khmer muốn thành lập giáo hội Phật giáo truyền thống của riêng họ.
Từ đó dẫn đến các mâu thuẫn khác, "bé xé ra to", khiến chính quyền ngày càng không ưa ông Đa Ra và những người theo ông.
Chùa Đại Thọ nơi ông Đa Ra trụ trì cũng chia làm hai phe, một phe thân chính quyền, một phe theo ông Đa Ra, ông Xarong Trần cho hay.
"Theo phong tục của người Khmer, muốn đi tu thì chỉ cần xin phép cha mẹ, đâu có liên quan đến chính quyền. Người Khmer không đi tu thì sao học được ngôn ngữ Khmer, sao học được phong tục tập quán người Khmer."
"Xưa tôi cũng đi tu mà chỉ cần xin phép cha mẹ và trụ trì chùa, sau này thì cần làm giấy xin chính quyền địa phương rồi công an rất khó khăn."
"Chính quyền ép buộc họ quá đáng. Đó là chuyện từ xưa của họ, đâu phải từ lúc chính quyền [Cộng sản] lên nắm quyền đâu. Chính quyền nói tự do tôn giáo nhưng là tự do kiểu ràng buộc quá mức như vậy đâu gọi là tự do."
"Những tăng thống, đại đức, trụ trì không do dân bổn sóc đó bầu mà do chính quyền chỉ thị. Đó là chuyện không đúng. Vì chính quyền chỉ cho những người thân chính quyền lên làm trụ trì. Còn dân thì muốn những người thực sự sống vì đạo và vì dân bổn sóc... Chính quyền đã can thiệp quá sâu vào đạo giáo và phong tục của người Khmer."
"Người Khmer có lúc cũng đồng ý một phần nào sự lãnh đạo của đảng, nhưng cũng có cái không đồng ý. Nhưng người dân Khmer chất phác, thành ra họ dễ chấp nhận mọi thứ áp lên họ, dù họ không muốn. Nhưng cái đó chính quyền nên suy nghĩ lại những gì mình đã làm," ông Xarong Trần nói.
Liên đoàn Khmer Krom nói gì?
Liên đoàn Khmer Kampuchea Krom (KKF) có trụ sở tại Mỹ vào ngày 26/11 ra thông cáo báo chí lên án việc kết án tù những nhà sư và nhà hoạt động Khmer, gọi đây là phiên tòa không công bằng.
Thông cáo cho biết những người bị bắt và bị đưa ra xét xử là những nhà hoạt động Khmer đấu tranh cho quyền tự do và thực hành tôn giáo ôn hòa.
Thông cáo cũng cho biết chín người này đã không được hỗ trợ pháp lý, không được gặp người thân, và không có cơ hội bảo vệ mình trong suốt quá trình bị tạm giam. Họ thậm chí đã bị ép cung.
Theo thông cáo, ông Đa Ra đã bị ép buộc phải gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam mặc dù ông và cộng đồng Phật tử chùa Đại Thọ đã quyết định duy trì quyền tự chủ và thực hành Phật giáo nguyên thủy của người Khmer một cách độc lập.
Liên đoàn Khmer Krom kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Đa Ra và tám người nói trên, đồng thời kêu gọi Việt Nam "tôn trọng quyền tự do thực hành tôn giáo của người Khmer Krom mà không sợ bị đàn áp".
Hồi tháng 4/2024, khi nhà nguyện Sala Chol Tian bị chính quyền địa phương phá dỡ, KKF đã kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẩn trương hành động vì cho rằng chính quyền Việt Nam đàn áp cộng đồng Khmer ở trong nước, đồng thời kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (HRC).
'Vấn đề Khmer'
Theo tài liệu của KKF, khoảng 1,3 triệu người Khmer hiện đang sống ở các tỉnh miền Nam Việt Nam.
Năm 2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có "vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền".
Chính quyền Việt Nam, trong khi đó, luôn khẳng định vùng đất Tây Nam bộ mà đồng bào Khmer đang sinh sống "là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam".
Truyền thông Việt Nam do Đảng Cộng sản kiểm soát thường xuyên cho rằng "các thế lực thù địch" làm rộ lên vấn đề Khmer, vu cáo Việt Nam "cướp đất Campuchia" với âm mưu của tổ chức phản động Khmer Krom về việc thành lập "Nhà nước Khmer Krom".
Báo chí Việt Nam nói KKF đã lợi dụng các diễn đàn quốc tế để chống phá Việt Nam, lôi kéo người dân tộc Khmer tham gia, cấp thẻ thành viên KKF, vận động các nước gây sức ép với Việt Nam về "vấn đề Khmer Krom".
Cờ của KKF là lá cờ ba màu xanh - vàng - đỏ, cờ mà sư Thạch Chanh Đa Ra treo trước cổng chùa Đại Thọ trước khi bị bắt.
Một bài viết trên website của báo Công an Nhân dân trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 31/8/2023, "bác bỏ những thông tin không có cơ sở, sai sự thật về tình hình người Khmer ở Việt Nam".
Bà Hằng khẳng định "các dân tộc Việt Nam đều được đối xử bình đẳng. Nhà nước Việt Nam bảo đảm và tạo điều kiện phát triển về mọi mặt nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp, đóng góp củng cố khối đại đoàn kết dân tộc".
Ông Xarong Trần, Phó Chủ tịch KKF, thì nói với BBC rằng cộng đồng người Khmer, cũng như các sắc dân khác ở Việt Nam, rất sợ chiến tranh, họ chỉ muốn được yên ổn làm ăn, và được tự do thực hành tôn giáo của mình như truyền thống lâu đời của người Khmer.
Ông giải thích rằng tự do ở đây, không phải là thứ tự do trong kiểm soát mà hiện chính quyền Việt Nam đang thực hiện.
"Đã mấy chục năm rồi không chiến tranh, chính quyền cộng sản Việt Nam nên học theo các nước có các cộng đồng thiểu số xem họ đối xử với các cộng đồng này như thế nào và đem về thực hành..."
Quay lại sự việc chín người bị bỏ tù, ông Xrong Trần nói: "Chính sách, hiến chương có ghi về quyền tự do tôn giáo, nhưng chính quyền không làm, khiến nhiều nhà sư bất mãn."
(*) Tên đã được thay đổi theo yêu cầu của nhân vật vì sự nhạy cảm của vấn đề.