Trang

Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

4753. Đạo luật RICO và tôn giáo.

 

(VNTB) – Liệu có thể ‘quốc tế hóa’ một vấn đề tạm gọi ‘tranh chấp tôn giáo’ mang tính nội bộ ở Việt Nam?

VNTB – Đạo luật RICO và tôn giáo

VNTB – Đạo luật RICO và tôn giáo

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Liệu có thể ‘quốc tế hóa’ một vấn đề tạm gọi ‘tranh chấp tôn giáo’ mang tính nội bộ ở Việt Nam?

 

“Khi Chi Phái 1997 bị phán quyết là tổ chức tội phạm theo Luật RICO, là luật liên bang Hoa Kỳ, thì tiếp tục núp sau một tổ chức tội phạm để ném đá giấu tay sẽ bất lợi hơn là có lợi cho nhà nước Việt Nam. Chẳng hạn, sẽ dễ dàng hơn để chính phủ Hoa Kỳ chế tài cá nhân các giới chức bảo kê cho một tổ chức tội phạm để đàn áp quyền tự do tôn giáo của tín đồ Cao Đài” – trích thông cáo báo chí của một tổ chức xã hội dân sự tại Hoa Kỳ.

Đạo luật RICO là gì?

Các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua Đạo luật về các tổ chức tham nhũng và những ảnh hưởng của xã hội đen (Rico Act, Racketeer Influenced and Corrupt Organizations) năm 1970 để kết tội các ông trùm mafia khét tiếng trong quá khứ. Hầu hết các bang đều ban hành luật tương tự với một số khác biệt.

Đạo luật RICO được xem như một công cụ để chống lại tội phạm có tổ chức. Luật cho phép các công tố viên nhắm mục tiêu vào những người có chức vụ quyền lực trong một tổ chức tội phạm, chứ không chỉ những người cấp dưới làm công việc bẩn thỉu.

Đạo luật không chỉ áp dụng giới hạn cho tội phạm có tổ chức. Tòa án Tối cao Mỹ năm 1989 nói rằng luật đã được soạn thảo “đủ rộng để bao gồm một loạt các hoạt động tội phạm, dưới nhiều hình thức khác nhau”.

Hầu hết các tiểu bang của Mỹ đã thông qua đạo luật tương tự, nhưng có những khác biệt nhất định.

Đạo luật RICO và quyền tự do tôn giáo

Dường như đạo luật RICO thường được vận dụng với các tổ chức xã hội chính trị, các hội đoàn hơn là về tổ chức tôn giáo.

Luật RICO có lẽ được biết đến nhiều nhất để chống lại các gia đình Mafia và các nhóm tội phạm có tổ chức khác, nhưng các điều khoản của luật này cho phép “bất kỳ người nào có công việc kinh doanh hoặc tài sản bị ảnh hưởng” được tiến hành một vụ kiện RICO đối với các hành vi vi phạm đạo luật này”.

Đạo luật RICO đang được nhắc nhiều khi được sử dụng để chống lại ông Trump. Theo đó, đại bồi thẩm đoàn bang Georgia của Mỹ đã quyết định truy tố cựu Tổng thống Donald Trump với 13 tội danh trong đó có vi phạm Đạo luật RICO; đưa ra các tuyên bố và bài viết sai lệch; âm mưu phạm tội giả mạo ở cấp độ đầu tiên; nộp hồ sơ giả… Các tội danh này liên quan nghi vấn ông can thiệp kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 tại bang Georgia.

Các trường hợp sử dụng đạo luật RICO vốn rất phức vì trước tiên các công tố viên phải chứng minh sự tồn tại của một tổ chức tội phạm. Và điều này cho thấy nếu vận dụng đạo luật RICO vào vấn đề tôn giáo của một quốc gia nào đó muốn mở rộng hoạt động của mình ở Hoa Kỳ, thì thường sẽ căn cứ vào Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền năm 1948 (UDHR), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 1966 (ICCPR).

Tự do tôn giáo qua lăng kính pháp luật Hoa Kỳ

Năm 2006, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã chọn ngày 16 tháng 1 hằng năm là “Ngày tự do tôn giáo”. Sự kiện này liên quan đến một sự kiện lịch sử cách đó 220 năm của Hoa Kỳ, ngày 16 tháng 1 năm 1786, đạo luật về tự do tôn giáo với tên gọi là Đạo luật Virginia đã được thông qua tại bang Virginia thuộc miền bắc Hoa Kỳ.

Đạo luật này do Thomas Jefferson soạn thảo. Ông cũng chính là tác giả của bản dự thảo “Tuyên ngôn độc lập” của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ (United States of America)  được thông qua trước đó gần 10 năm, ngày 4 tháng 7 năm 1776.

Việc George W. Bush chọn ngày 16 tháng 1 hằng năm là “Ngày tự do tôn giáo” với tư tưởng dân tộc Mỹ là sự lựa chọn của Chúa, “một dân tộc thống nhất trước Chúa” cho thấy vị Tổng thống Hoa Kỳ này muốn một lần nữa tuyên bố với thế giới rằng, Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ là người bảo vệ tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Chính vì thế, trong tuyên bố của mình nhân kỷ niệm ngày này, George W. Bush chỉ nói tới tự do tôn giáo trên thế giới chứ không hề đề cập tới tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ.

Tiếp bước các tổng thống tiền nhiệm, ngày 2 tháng 6 năm 2020 Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành Lệnh hành pháp về việc thăng tiến tự do tôn giáo quốc tế.

Tại Điều 1 của Lệnh hành pháp này viết: “Tự do tôn giáo, quyền tự do đầu tiên của Hoa Kỳ, là một lệnh truyền luân lý và có tính quốc gia về an ninh. Tự do tôn giáo cho mọi người khắp thế giới là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hiệp Chúng Quốc và Hiệp Chúng Quốc sẽ tôn trọng và mạnh mẽ cổ vũ quyền tự do này”.

“Chính sách của Hiệp Chúng Quốc là vận động mạnh mẽ và liên tục để các tổ chức và xã hội dân sự, kể cả các tổ chức tại các nước bên ngoài, chịu thông báo cho Chính phủ Hiệp Chúng Quốc các chính sách, chương trình và hoạt động liên quan tới tự do tôn giáo quốc tế”.

Người Mỹ quan niệm rằng, tự do tôn giáo là một trong những quyền tự do giá trị nhất của công dân Hoa Kỳ. Điều sửa đổi đầu tiên (hay còn gọi là Tu chính án I) trong 10 Điều sửa đổi của “Luật về các quyền” (The Bill of Rights), sau này quen gọi là “Tuyên ngôn nhân quyền” của Hoa Kỳ, viết:

“Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào liên quan đến việc thành lập một tôn giáo, hoặc cấm tự do tín ngưỡng; hoặc hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí; hoặc quyền của người dân hội họp một cách hòa bình, và kiến nghị chính phủ sửa chữa nhưng bất bình”.