Trang

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2023

4744. TAM GIÁO QUI NGUYÊN LUẬN GIẢI.

 Đây là bài thuyết trình khi hội luận. BBT.

TAM GIÁO QUI NGUYÊN NGŨ CHI PHỤC NHỨT LUẬN GIẢI.

 

Tam Giáo Qui Nguyên Ngũ Chi Phục Nhứt là 8 chữ bố trí tại Bát Quái Đài, bên dưới Quả Càn Khôn. Chữ Tam tại cung Càn, đi ngược chiều kim đồng hồ đến chữ Nhứt tại cung Đoài (Chánh Tây). Khi vào kỉnh lễ Đức Chí Tôn trong Đền Thánh là đối diện với chứ Nhứt. Trong lòng sớ văn trong mỗi đàn cúng đều có câu: Tam Giáo Qui Nguyên Ngũ Chi Phục Nhứt … Do vậy một số người Đạo Cao Đài thường hiểu rằng nhiêm vụ của người Đạo Cao Đài là QUI NGUYÊN TAM GIÁO HIỆP NHỨT NGŨ CHI. Hiểu như vậy có chính xác hay không? Chúng tôi căn cứ vào Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Pháp Chánh Truyền Chú Giải và Đạo Sử của Bà Nữ Đàu Sư Hương Hiếu để thảo luận.


A/- TAM GIÁO QUI NGUYÊN (Qui Nguyên Tam Giáo).

I/- Các trích dẫn.

1/- Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q 1, bản in năm 1972.

1.1/- Ngày 18-9-1926 (13-8-Bính Dần) trang 39: Các con! Thầy đã lập thành Thánh Thất, nơi ấy là nhà chung của các con; biết à.

Thầy lại qui Tam Giáo lập Tân Luật, trong rằm tháng mười có đại hội cả Tam Giáo nơi Thánh Thất. Các con hay à!

Nhận xét: Theo trích đoạn nầy khi lập Tân Luật là Thầy đã qui Tam Giáo. Vậy đại diện cho Tam Giáo là ai?

1.2/- Ngày 9-8-1926 (1-7-Bính Dần) trang 33: Trong Tam Kỳ Phổ Độ và qui Tam Giáo này:

Phật thì có Quan Âm.

Tiên thì có Lý Thái Bạch.

Thánh thì có Quan Thánh Đế Quân khai đạo.

Nhận xét: dại diện cho Tam Giáo về phần vô vi chính là Tam Trấn. Phần hữu hình chính là các vị tiền bối đã được Thầy và các Đấng dạy lập ra Tân Luật.

1.3/- Ngày 16-1-1927 (13-12-Bính Dần) trang 65:

THÁI BẠCH.

Lão khen chư đạo hữu … Đại hỉ … Đại hỉ.

Thượng Tương Thanh coi Lão hành sự mà bắt chước.

Mời Chưởng Pháp phái Nho.

Thơ, chư hiền hữu bình thân.

Đứng dậy phân hai hàng.

Chưởng Pháp, Đầu Sư tọa vị. Phối Sư tam phái tới trước. Thái Thơ Thanh phải ôm bộ chú giải các luật, Tân Luật của các hiền huux dến dung cho ba vị Đầu Sư….

2/- Đạo Sử.

Dimanche 16 Janvier 1927 (13-12-Bính Dần).

THÁI BẠCH

Lão khen chư Ðạo Hữu, đại hỉ, đại hỉ, đại hỉ.

Thượng Tương Thanh, coi Lão hành sự mà học chước.

Mời Chưởng Pháp phái Nho. Chư Hiền Hữu bình thân. Ðứng bái ban.

Chưởng Pháp, Ðầu Sư tọa vị. Phối Sư Tam Giáo tới trước.

Thái Thơ Thanh phải ôm bộ Chú giải các Luật, Tân Luật của chư Hiền Hữu cải đó nữa.

Thơ Thanh ôm chí mày dâng cho Tương Thanh, rồi Tương Thanh cũng phải làm như vậy mà giao cho Trang Thanh phò.

Bái nhau....

Trang Thanh ôm Luật, hiệp với nhị vị Hiền Hữu đến dâng cho ba vị Ðầu Sư. Ba vị Ðầu Sư đồng đứng dậy bái mà tiếp Luật một lượt, thế nào sáu bàn tay đều có trong mấy bộ Luật.

Nhận xét: trích dẫn 1.3 trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển và Đạo Sử cho thấy cùng một đàn cơ nhưng Đạo Sử thì có sao ghi vậy còn Hội Thánh khi tuyển lại thì đổi Phối Sư tam giáo thành Phối Sư tam phái. Điều đó phù hợp với ba phái của Cửu Trùng Đài chính là Tam Giáo.

3/- Tân Luật bản in năm 1972.

Tiểu Tự

… Cái tông chỉ của Đại đạo là gồm cả ba đạo chánh là NHO THÍCH ĐẠO chuyển cả ba đạo ấy mà hiệp làm một. Nên chi chúng ta tu Đại Đạo thì phải noi theo tông chỉ của tam giáo….

Nhận xét: trong Tân Luật có tông chỉ của tam giáo như Thánh Ngôn Thầy dạy trong trích dẫn trên: … Thầy lại qui Tam Giáo lập Tân Luật… Một điều quan trọng nữa là Tân Luật dạy người đạo theo Tân Luật mà tu chứ không hề dạy chúng ta có nhiệm vụ qui tam giáo.

4/- Pháp Chánh Truyền Chú Giải bản in năm 1972.

4.1/- Trang 26. PCT: Chưởng Pháp của ba Phái là: Đạo, Nho, Thích.

CHÚ GIẢI: Nghĩa là: mỗi Phái là một vị, mà ba Đạo vẫn khác nhau, nội dung, ngoại dung, đều khác hẳn luật lệ vốn không đồng, chỉ nhờ Tân Luật làm cơ qui nhứt, cho nên Thầy mới nói.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Pháp Luật Tam Giáo tuy phân biệt nhau, song trước mặt Thầy vẫn coi như một".

CHÚ GIẢI: Vì coi như một, nên Thầy mới đến cho nhơn loại lập Tân Luật, thế nào cho phù hạp với nhơn trí, hiệp tánh với nhơn tâm, chung chịu một Đạo Luật, có phương hành Đạo, chẳng nghịch với Thiên Điều, đặng lập vị mình dễ dàng, mới toàn câu phổ độ.

4.2/- Trang 28: PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Vậy thì một thành ba, mà ba cũng như một.

CHÚ GIẢI: Ấy vậy Tân Luật đã gồm trọn Tam Giáo, tức là một thành ba, mà ba Cựu Luật của Tam Giáo hiệp nhau thì cũng như một, nghĩa là: "Tân Luật".

4.4/- Trang 75: Dưới Cửu Trùng Đài có Tòa Tam Giáo cũng như Bát Quái Đài có Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng. Khi nào có Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Đài xử đoán rồi mà người bị cáo còn uất ức hàm oan thì mới kêu nài đến Tòa Hiệp Thiên Đài, thảng như Tòa Hiệp Thiên Đài xử rồi mà người bị cáo còn uất ức nữa thì phải kêu nài lên Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng là quyền của Bát Quái Đài chưởng quản. Dầu cho lập Tòa Tam Giáo dưới Cửu Trùng Đài hay là đệ lên cho Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng là Bát Quái Đài, cũng đều phải do nơi Hộ Pháp.

II/- Lời dạy của Đức Hộ Pháp.

Thánh thư hải ngoại số 13/HP.HN tại Kim Biên, ngày 12 tháng 3 năm Mậu Tuất (dl.29-4-1958)

Mấy em có biết chăng? Khi nước Pháp đã lên án Cao Đài là phục cựu, cốt là nói Đạo Cao Đài sản xuất ra để giải ách lệ thuộc của Việt Nam khỏi tay thống trị Pháp. Pháp lại gài cho ta phục hồi Nho Giáo là nền văn minh đã cầm vận mệnh của thiên hạ để đổ tội cho Đạo Cao Đài gánh chịu….

… Khi nói rằng Đạo Cao Đài phục cựu. Đạo Cao Đài xuất hiện ra đặng trả thù Công Giáo và giải ách lệ thuộc của Pháp... thì mấy em nghĩ coi làm thế nào Pháp không tìm phương diệt Đạo Cao Đài từ lúc mới nãy sinh trong trứng.

… Đại Từ Phụ, lại chỉ dạy rõ rằng: Đạo Cao Đài là Nho Tông chuyển thế, nên nói rõ Đạo Cao Đài là Quốc Đạo của ta thì hiển nhiên mình đã cố tâm khai trước thiên hạ rằng mình muốn phục cựu, rõ ràng còn chối cãi với ai đặng nữa. Vì vậy mà Pháp mưu toan tiêu diệt mình là đúng lý.

Qua muốn cho mấy em hiểu rõ nên Qua nói dài dòng xin mấy em thứ lỗi. Qua xin kết luận rằng:

Đạo Cao Đài nảy sinh ra giữa sự thù địch của thiên hạ về công lý và về tín ngưỡng. Qua nói rằng Đạo Cao Đài là một nền Đạo hoàn toàn do tinh thần của nòi giống Việt Nam mà xuất hiện. Nó thiệt quả nhiên là Quốc Đạo của ta.

Ta cũng biết như thế, nhưng ta không dám nói rõ. Duy chỉ có mạng lịnh của Đại Từ Phụ biểu là tuyên bố cho toàn thể hoàn cầu đều biết. Nên chúng ta không phương dấu diếm. Chính mình phải tự hiểu lấy mình rằng: Đứng trước một kẻ thù nghịch của mình đủ quyền năng, đủ thế lực mưu hại lại mình mà dám vỗ ngực xưng tên rằng mình là kẻ thù địch của họ... thì họ tìm phương hại lại mình là đúng, còn than thở trách móc mà làm gì.

Dầu rằng mình biết lẽ ấy; nên đã đề xướng ra thuyết: QUI TAM GIÁO, HIỆP NGŨ CHI đặng làm cho dịu bớt tình thế. Nhưng cũng không đủ phương bào chữa. Và cũng vì nơi đó mà chính Qua đủ đức tin chịu nổi khổ hạnh đặng tranh đấu vượt qua các trở lực. 

Nhận xét: Theo lời dạy của Đức Hộ Pháp trên đây thì do Đạo Cao Đài lâm vào tình thế nguy hiểm nên Đức Ngài đưa ra thuyết QUI TAM GIÁO HIỆP NGŨ CHI để giảm bớt sự nguy hiểm cho đạo.

Về tôn chỉ của đạo, Đức Chí Tôn dạy ngày 6-12-1926 (2-11-Bính Dần (trang 56): … Ta vì lòng đại từ đại bi, vẫn lấy đức háo sanh mà dựng nên mối Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ; Tôn chỉ để vớt những kẻ hữu phần vào nơi địa vị cao thượng, để tránh khỏi số mạng luân hồi và nâng những kẻ tánh đức bước vào cõi nhàn, cao hơn phẩm hèn khó ở nơi trần thế nầy….

III- Kết luận nhỏ:

Qua các trích dẫn từ Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đạo Sử, Tân Luật và Pháp Chánh Truyền chú giải, lời dạy của Đức Hộ Pháp chúng ta đã đủ cơ sở để kết luận rằng: Thầy đã qui tam giáo để lập thành Tân Luật và Pháp Chánh Truyền, người Đạo Cao Đài tuân y theo pháp luật đạo là theo tông chỉ của tam giáo. Nói cách khác là các trích dẫn trên đây không dạy người Đạo Cao Đài phải làm công viêc qui tam giáo (vì Thầy đã qui tam giáo rồi, đừng làm đốc công cho một công trình đã hoàn thành).

Về thể pháp: Ba phái Thái, Thượng và Ngọc trong Đạo Cao Đài là thể pháp của Nho, Tiên và Phật. Thứ nữa cổ pháp tam giáo (Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Vu) cũng đã thể hiện Đức Chí Tôn đã qui tam giáo trong pháp luật Đạo Cao Đài. Xét câu minh thệ gởi mình cõi thăng là hiệp đồng chu môn đệ gìn luật lệ Cao Đài nghĩa là người đạo căn cứ theo pháp luật mà tu hành để xây dựng nền văn minh mới.

IV/- CHỮ GIÁO NGHĨA LÀ GÌ?

Theo nguyên lý của Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ thì Đạo từ vô vi đi lần xuống hữu hình hay Nhứt bản tán vạn thù. Nghĩa là từ lời dạy của các bậc Giáo Chủ phát sinh ra nhiều hình thức là các tổ chức tôn giáo hay chi phái khác nhau. Chính các bậc Giáo Chủ như Đức Phật Thích Ca hay Đức Chúa Jesu chỉ để lại lời dạy chứ không lập ra tổ chức tôn giáo. Các môn dẹ dồi sau mới lập ra các tổ chức tôn giáo.

Theo đó chứ GIÁO trong tam giáo là lời dạy chứ không phải là tổ chức tôn giáo. Chữ GIÁO trong tam giáo có nghĩa là lời dạy của chư Phật, chư Tiên và chư Thánh được Thầy dạy môn đệ qui kết lại thành Tân Luật, cho nên Tân Luật có đủ tông chỉ của tam giáo.

Nếu hiểu chữ giáo là tổ chức tôn giáo thì chính người Đạo Cao Đài đã hiểu sai lời dạy của Dức Chí Tôn và hậu quả của việc hiểu sai ấy là làm sai lệch bản sắc trong lành của đạo, tự đi vào con đường bế tắc vì đề ra nhiệm vụ trái với lời Thầy dạy nên là bất khả thi. Về đối ngoại cách hiểu giáo là tôn giáo sẽ gây ra xung đột với các tôn giáo bạn và trái với nhân quyền.

Nho Giáo không phải là một tôn giáo. Tiên Giáo cũng không phải là một tôn giáo. Cả hai không phải tôn giáo thì lấy gì hiểu chữ giáo là tổ chức tôn giáo. Còn Phật giáo? Từ lời dạy của Phật các môn đệ lập ra rất nhiều tổ chức tôn giáo khác nhau, đó là niềm tin tôn giáo của họ lấy cơ sở gì để qui? Cho nên hiểu lệch chữ giáo là lời dạy thành chữ giáo là tôn giáo rất không nên.

B/- NGŨ CHI PHỤC NHỨT.

1/- Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q 1, bản in năm 1972, trang 16 có lời dạy của Đức Chí Tôn: Vốn từ trước Thầy lập ra Ngũ chi Đại-Đạo là:

Nhơn-đạo

Thần-đạo

Thánh-đạo

Tiên-đạo

Phật-đạo

Tuỳ theo phong hoá cuả nhân loại mà gầy Chánh giáo, là vì khi trước Càn-vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn-loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi.

Còn nay thì nhơn-loại đã hiệp đồng. Càn-Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn-loại nghịch lẫn nhau: nênThầy mới nhứt định quy nguyên phục nhứt.

Nhận xét: Theo lời dạy trên đây thể hiện Đức Chí Tôn đã Qui Nguyên Tam Giáo và Hiệp Nhứt Ngũ Chi trong Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

2/- Lời dạy của Đức Hộ Pháp.

Ngày 14-2-Mậu Thìn (5-3-1928) Đức Hộ Pháp Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài có bài diễn văn dạy về Qui Tam Giáo là gì? Và luận qua Hiệp Ngũ chi. Bài khá dài, xin không đăng lại nơi đây, chúng tôi có đăng nguyên văn tại đường link: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2023/05/4637-ba-bai-dien-van-cua-uc-ho-phap.html

C/- LỜI KẾT.

Đức Hộ Pháp dạy tại Đền-Thánh đêm 01-6 năm Tân- Mão (1951): Nói về Thể Pháp chúng ta hân hạnh làm sao, muốn cho chúng ta lập đức, chính mình Đức Chí Tôn đã cho chúng ta mượn danh thể của Ngài tức nhiên Đền Thánh đó là Đền thờ hữu hình của Ngài để tại mặt thế này, chúng ta phải lập công với sanh chúng tức nhiên lập công cùng con cái của Ngài. Ngài để cho chúng ta lập công chớ không phải làm nô lệ cho ai tất cả.  

1/- Thế nào là lập công?

Lập công là một phần trong Tam Lập (lập công, lập đức, lập ngôn). Xét về nguồn gốc lập công hay làm công quả có những nguyên tắc sau:

Thứ nhứt: Tự nguyện nghĩa là do cái tâm của chính đương sự quyết định. Lập công hay làm công quả là tự nguyện nên đương sự có toàn quyền quyết định có bước vào trường công quả hay không bước vào, ngay cả khi bước vào rồi cũng có quyền chấm dứt bất cứ lúc nào đương sự muốn.

Thứ hai: Khi đã vào trường công quả hay lập công cho đạo thì phải theo khuôn thước của đạo, theo pháp luật của đạo. Đạo Cao Đài là một tôn giáo pháp quyền nên tất cả phải thượng tôn pháp luật từ bậc Giáo Tông cho đến phẩm Đạo Hữu đều chịu chung một khuôn luật. Lập công trong trường công quả là làm theo luật pháp đạo. Trong trường công quả thì quyền nào ra quyền nấy, cho dầu quyền Hội Thánh mà không phù hợp với đạo lý hay pháp luật thì nhơn sanh vẫn có quyền chỉnh đốn theo luật. (((Diễn văn ngày 4-10-1933 Đức Hộ Pháp dạy: Á phải! Có hại thật, thật có hại cho quyền Hội Thánh, vì Bần đạo ban rộng rãi cho nhơn sanh đủ thế lực quyền hành dám kháng cự cùng quyền Hội Thánh.)))

Tóm lại lập công trong một tôn giáo pháp quyền thì phải theo pháp luật đạo chứ không phải viện lý do làm công quả là tự nguyện rồi tự tung tự tác sai với pháp luật đạo, sai với công việc đã thống nhất bằng văn bản hay kế hoạch chung. Hành sự như thế làm như thế là phá hoại chứ không phải làm công quả. Nó ví như người tham gia giao thông mà không tuân theo luật lệ giao thông nên gây nguy hiểm cho chính đương sự và cho người khác. Kẻ vi phạm luật giao thông phải bị xử phạt tùy theo lỗi nặng hay nhẹ thậm chí là bị cấm tham gia giao thông. Hiểu theo thi văn thì Đức Chí Tôn lập trường công quả cho môn đệ cũng như bài xướng và lập công như bài họa. Bài xướng có một, bài họa thì không giới hạn, nhưng phải theo ý tứ và niêm luật của bài xướng.

 2/- Thế nào là làm nô lệ.

Thứ nhất: Người nô lệ không có quyền chọn lựa ngay từ đầu, đương sự bị bắt buộc phải làm nô lệ chứ không có quyền chấp nhận làm nô lệ hay không làm nô lệ.

Thứ hai: Trong môi trường nô lệ thì người trị người (hoàn toàn khác với luật trị người). Người nô lệ phải làm theo lệnh chủ nô chứ không có quyền chi hết. Người nô lệ không có quyền tự chủ trong mọi giai đoạn.

Thứ ba: thành quả của người nô lệ thuộc về chủ nô chứ đương sự không được hưởng thành quả của họ làm ra.

Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài là lập một nền văn minh mới cho nhân loại, nên đạo tổ chức theo triết lý QUỐC ĐẠO. Đạo lập quyền cho nhân loại để xây dựng xã hội hòa bình dân chủ tự do, đạo dụng Nho Tông chuyển thế, đi từ hữu hình đến vô vi. Trời, Người Đồng Trị nên có tam quyền phân lập. Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ là một phát minh mới với đầy đủ công thức (thể pháp) để xây dựng xã hội hòa bình dân chủ tự do. Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài là tạo ra tài nguyên và môi trường để người đạo thực thi những công thức xây dựng tôn giáo (như một phòng thí nghiệm) và khi đã thành công trong tôn giáo thì mới có năng lực đưa đạo vào đời để xây dựng xã hội mới. Đó là khai ngươn và chuyển thế.

Bát Quái Đài cầm quyền lập pháp, Hiệp Thiên Đài cầm quyền tư pháp, Cửu Trùng Đài cầm quyền hành pháp. Đạo có 3 quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp phân minh nên là một tôn giáo pháp quyền. Từ phẩm Tín đồ cho đến bậc Giáo Tông cũng đều chịu chung một khuôn luật. Đạo dùng luật trị người, chấm dứt cảnh người trị người nên tất cả các quyền trong tôn giáo đều có khuôn luật phân minh. Hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp.

Nay kính.

Soạn bài Đạo Hữu Dương Xuân Lương.

SĐT: +1 469 642 4667.

Email: hoabinhchungsong220513@yahoo.com