Trang

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2023

4746. SỰ GIỐNG NHAU GIỮA HAI CÁI CHẾT.

 

Sự giống nhau của hai vụ ám sát

Trong tuần qua, một trong những sự kiện lớn là lễ kỷ niệm 40 năm ngày tổng thống Kennedy bị ám sát, ngày 22-11-1963.

Việc so sánh giữa cái chết của tổng thống một cường quốc như Hoa Kỳ với cái chết của một chính trị gia Việt Nam, không có mấy danh tiếng gì trên thế giới, tướng Trịnh Minh Thế, năm 1955, xem ra có vẻ là một sự phóng đại.

https://www.bbc.com/vietnamese/regionalnews/story/2003/12/printable/031124_trinhminhthe

Thế nhưng nhìn lại hai vụ này người ta có thể rất nhiều điểm giống nhau.

Ông Sergey Blagov, người đã từng làm phóng viên sáu năm tại Việt Nam, có bài tường thuật sau:

Một lãnh tụ trẻ, táo bạo, bị giết hại trong hoàn cảnh đầy bí ẩn khi đang ngồi trên một chiếc xe mui trần. Một ngôi sao mới nổi lên trên trường chính trị bị một kẻ bắn tỉa từ trên cao, nhắm thẳng vào đầu nạn nhân.

Người ta có thể nói ngay rằng đó là sự kiện xảy ra tại Dealey Plaza ở Dallas, đã kết thúc cuộc đời và nhiệm kỳ Tổng thống Hoa kỳ của ông John Fitgerald Kennedy cách đây 40 năm.

Thế nhưng đoán như vậy là sai, vì đó lại là vụ ám sát ông Trịnh Minh Thế, người đã bị giết hại mà có lẽ là do một viên đạn của một kẻ bắn tỉa nhắm vào sau tai ông ngày 3 tháng 5 năm 1955.

Từ góc mà ông Thế bị bắn người ta có thể thấy là kẻ bắn tỉa dường như đứng ở phía sau, ở vị trí cao hơn ông ta, cũng giống như vị trí mà sau này Tổng thống Kennedy đã bị bắn.

Tranh cãi

Chính thức mà nói thì ông Thế chết trong một vụ đụng độ trên đường phố Saigon, khi đang ngồi trên xe Jeep đi gần cầu Tân Thuận, cách kênh đào nơi binh lính của ông đang giao chiến với một nhóm đối lập có vũ trang khác.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trái ngược và những lỗ hổng trong bản báo cáo chính thức về cái chết của ông Trịnh Minh Thế.

Các nhân chứng nói rằng các vết thương cho thấy viên đạn bắn vào và bay ra ở những vị trí khác.

Tuy nhiên báo cáo chính thức quả quyết rằng ông Trịnh Minh Thế bị chết vì đạn của “kẻ thù”.

Báo cáo viết rằng viên đạn được bắn vào mắt trái của ông Thế, chứ không phải vào sau gáy.

Thế nhưng giả thuyết của chính phủ rằng đạn lạc là nguyên nhân dẫn tới cái chết của ông Thế đã hầu như không thuyết phục được ai.

Bản báo cáo chính thức bị coi là nỗ lực che đậy thực tế là ông Thế bị bắn từ phía đằng sau, và điều đó ám chỉ một âm mưu ám sát.

Nhiều người tin rằng ông Trịnh Minh Thế là người bị bắn từ phía sau, và vết thương đen khói súng cho thấy ông bị bắn rất gần. Người ta nói rằng viên đạn bắn ào bên tai phải và bay ra ở mắt trái ông Thế.

Những điếu trái ngược nhau đó có thể được giải quyết bằng giảo nghiệm thông thường nhưng giới chức trách đã không bao giờ hoàn tất một cuộc giảo nghiệm như thế cả. Và người ta cũng chẳng cần tuyên bố vụ điều tra này đã hoàn tất vì nó chưa hề bao giờ được mở ra cả.

Cáo buộc

Chính phủ Saigon, do Tổng thống Ngô Đình Diệm đứng đầu, sau đó đã bị cáo buộc là che đậy những gì vẫn được coi là một vụ án không tìm ra thủ phạm quan trọng nhất tại Việt Nam.

Người ta đồn đại rằng thi hài của ông Trịnh Minh Thế đã biến mất từ khu mộ và đó cũng là một phần trong việc che đậy đó.

Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những người ủng hộ ông Trịnh Minh Thế nói rằng ông Diệm là người đứng đằng sau vụ ám sát này.

Ông Trịnh Minh Thế là người được nhắc tới trong bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” mới đây của hãng Miramax, trong đó ông được thể hiện là nhân vật chính có tính cách bẩn thỉu, có rất nhiều kẻ thù.

Tuy nhiên những người ủng hộ ông xem ông là một nhà dân tộc chủ nghĩa thực sự độc lập, một người có thể đem lại cho Việt Nam một sự lãnh đạo tốt hơn nhiều so với ông Diệm.

Những đồn đại này nghe cũng giống như những gì người ta vẫn nói rằng nếu như Tổng thống Kennedy còn sống thì ông đã quyết định rút quân ra khỏi Việt Nam.

Người ta cũng có thể lập luận tương tự rằng nếu những nỗ lực lật đổ ông Ngô Đình Diệm của ông Trịnh Minh Thế thành công thì nó có thể đã dẫn tới sự rút quân sớm của Hoa Kỳ.

Nhưng trước sự việc ông Thế chết sớm, ông Diệm đã đàn áp phe đối lập và đó là bước đầu trong quá trình độc tôn quyền lực tại miền Nam Việt Nam, và sau đó tiến tới không thèm đếm xỉa tới miền Bắc và lờ chuyện tổ chức tuyển cử theo như ký kết tại Hiệp định Geneva.

Vì thế các cuộc bầu cử tại Việt Nam đã không bao giờ được tổ chức vì ông Ngô Đình Diệm không muốn, do sợ rằng ông Hồ Chí Minh có thể sẽ thắng cử.

Trước khi bị ám sát, ông Kennedy đã lập ra Ghi nhận hành động n ninh quốc gia, gọi tắt là NSAM, số 263, vạch ra kế hoạch đưa một ngàn lính Mỹ hồi hương vào Noel năm 1963, và tất cả người Mỹ rút ra khỏi Việt Nam vào cuối năm 1965.

Chỉ một ngày sau đám tang của ông Kennedy, tân Tổng thống Lyndon Johnson đã ký NSAM 273, sửa đổi lại các lệnh của ông Kennedy và gia tăng con số binh lính Mỹ tại Việt Nam.

Và mặc dù không có những chữ Nếu trong lịch sử, thì giả thử có chuyện ông Diệm bị ông Thế lật đổ, thì có lẽ đã có thể tránh không xảy ra cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, tình trạng leo thang đã không diễn ra và ba triệu người Việt Nam cùng 58 ngàn lính Mỹ đã không bị thiệt mạng.

.......................................................................................................

Sergei Blagov là tác giả quyển "Honest Mistakes: The Life and Death of Trịnh Minh Thế (1922-1955), South Vietnam's Alternative Leader", xuất bản năm 2001.