Trang

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

4740. Bài 11, Lời Thuyết Đạo Q 4.

 11/- BÍ PHÁP CỦA ĐỨC CHÍ TÔN.

 

Đền Thánh ngày 15-05 năm Tân Mão (1951)

 

Trước Bần Đạo đã hứa kỳ này giảng về Bí Pháp, ấy là một điều giảng rất khó khăn, Bần Đạo lấy cả tinh túy của nó thuyết ra đây, chẳng phải đứng nơi tòa giảng này mà thuyết cho đủ được. Nếu như không có điều gì trở ngại về bí quyết, Bần Đạo thuyết minh cho toàn thể con cái Đức Chí Tôn thấu đáo, hiểu cho tận tường cái bí pháp Đức Chí Tôn đến trong thời kỳ này để trong nền chơn giáo của Ngài. Ấy vậy Bần Đạo có một điều mơ mộng tìm phương trụ cả đức tin con cái của Ngài nam nữ, đặng cái đức tin ấy làm một ngọn huệ quang Thiêng liêng nó dìu dắt Thánh Thể của Ngài trong con đường Thiêng Liêng Hằng Sống tức nhiên con đường giải thoát.


Bí Pháp là gì? Là những cái hình trạng của Đạo về hữu hình, tức nhiên hình trạng của Hội Thánh, tức là hình trạng của Thánh Thể Đức Chí Tôn tại mặt thế này. Là quyền năng điều khiển Càn Khôn Vũ Trụ tức là quyền năng vô đối của Đức Chí Tôn đã cầm nơi tay, Ngài đến cùng con cái của Ngài, đặng Ngài ban cho một quyền hành đủ phương pháp, đủ quyền năng tự giải thoát lấy mình.

Tiên Nho chúng ta có trạng tả một điều vô hình, để tả ra một hình trạng hữu vi, nó vô tướng mà nó hữu lý làm sao đâu. Tiên Nho gọi chúng ta là khách trần, gọi mặt thế gian, tức là mặt địa cầu 68 nay là "Quán tục" ta là khách, cõi trần này là Quán, nó hay là sao đâu, không lấy tỉ thí gì minh bạch chơn chánh hơn tỉ thí đó. Chúng ta thử nghĩ toàn cơ quan huyền diệu vô biên Đức Chí Tôn đào tạo trong Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật hữu hình, chúng ta có thể quan sát trước mắt chúng ta đây, chúng ta ngó thấy đều do khuôn luật Thiên nhiên tương đối mà ra, hễ có khuôn luật tương đối tức nhiên nó phải có đối cảnh. Bởi khuôn luật tạo ra hình, hễ có hình thì có cảnh, hễ có khuôn luật tương đối tức nhiên phải có đối cảnh, tức nhiên có hình thì có bóng, vô bóng tức nhiên vô hình.(*1)

Chúng ta thử nghĩ luật tương đối, chúng ta lấy điều đơn sơ quan sát chúng ta thấy sống trong giấc ngủ, và chúng ta sống trong khi thức, ngủ là sống với Vạn Linh, thức là sống với vạn vật. Chúng ta quan sát được hai đối cảnh sống với khuôn luật Càn Khôn Vũ Trụ kia cũng vậy không có gì khác, có cảnh sống có cảnh chết, sống chúng ta thể nào chết chúng ta thể nấy, không có chi la. Sống chúng ta là khách của "Quán tục" này, ta chết tức nhiên ta trở về quê Tổ, tức nhiên ta nhập trong cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống chớ không có chi lạ.

Bây giờ hai hình trạng ấy chúng ta thử nghĩ nó có liên quan mật thiết với chúng ta thể nào? Đơn sơ chúng ta nên lấy tỉ thí một cách khoa học là khi chúng ta thức mơ vọng điều gì, làm điều gì cái năng lực trong hành tàng thường thức của chúng ta, trong giấc ngủ chúng ta nằm mộng mơ nói tầm xàm làm đối cảnh của nó, đối buổi thức tức nhiên buổi sống ấy vậy. Thức ngủ là trong khuôn luật sống chết, cái sống phải có cái chết, hành tàng của cái sống chúng ta thể nào thì buổi chết của chúng ta nó cũng hiện tượng ra nguyên vẹn, ấy vậy không có điều gì lạ hết.

Bây giờ luận về phần Thiêng Liêng tức nhiên phần linh hồn của chúng ta. Bần Đạo nói mỗi cá nhân con cái Đức Chí Tôn đều có phẩm vị của họ có từ thử đến giờ, khuôn luật vẫn có một mà thôi. Chúng ta thấy trong Bí Pháp của Phật Tổ Ngài đạt đặng bí pháp Ngài để khuôn luật giải thoát. Chúng ta đã ngó thấy tại sao người khác Đức Chí Tôn không để "Tam Diệu Đề" tức nhiên, Lão, Bịnh, Tử trước mắt đặng lãnh giáo Ngài, lại để cho Đức Phật Thích Ca thấy Tam Diệu Đề, khi Phật Thích Ca thấy Tam Diệu Đề Ngài mới thêm một đề Sanh nữa là Tứ Diệu Đề: Sanh, Lão, Bịnh, Tử, Đức Phật Thích Ca nhờ bí pháp của Đức Chí Tôn để trước mặt Ngài mà Ngài đạt được cơ quan giải thoát có chi đâu. Muốn tránh Tứ Diệu Đề tức nhiên Tứ Khổ thì đừng gây Nhân, có Nhân tức nhiên có Quả, muốn tránh Sanh, Lão. Bịnh, Tử thì phải diệt cho hết Quả, lẽ dĩ nhiên đó vậy...

Bí Pháp Đức Chí Tôn đã cho Phật Thích Ca thế nào, Đức Chí Tôn cũng có thể cho con cái của Ngài mỗi đứa để tự giải thoát lấy mình.

Nếu Đức Lão Tử không làm Thượng Thơ Tịch vô Đại thơ phòng nhà Châu, nếu Ngài không vô Thư Viện nhà Châu lật Bát Quái Đồ của Phục Hi để lại, chưa chắc rằng Ngài đã đoạt pháp, Ngài ngồi tìm tòi coi Bát Quái Đồ để trong Thư Viện nhà Châu, tức nhiên Bí Pháp của Đức Chí Tôn dành để cho Lão Tử. Khi Ngài đã đạt được Bát Quái Đồ rồi, Ngài được trở nên vị Giáo Chủ danh vọng đến đời nay.

Bây giờ tới Đức Chúa Jésus, vị Giáo Chủ danh vọng đương buổi nầy, gồm cả Vạn Quốc các Dân Tộc Âu Châu trong khuôn khổ đạo đức của Ngài nếu không có 40 ngày Ngài đã ra đồng sa mạc thiền định, Đức Chí Tôn không đến cùng Ngài và không bị quỉ cám dỗ thì Bí Pháp của Ngài không hiện tượng ra được.

Bây giờ đến Khổng Phu Tử, nếu Ngài không có khổ về Nhơn đạo của Ngài và xã hội của Ngài giặc giả can qua, bởi Ngài sanh ra gặp buổi loạn ly đời Đông Châu Liệt Quốc, nếu Ngài không có khổ về công danh của Ngài cho đến đổi và nếu Ngài không khổ về tinh thần của Ngài vì hiếu, thì chắc tinh thần của Ngài chưa ngó toàn thể các sắc dân, tức nhiên đồng chủng đồng bào của Ngài, thì tôi tưởng Đạo Nho của Ngài chưa xuất hiện.

Nếu Đức Chí Tôn không để Thánh Thể của Ngài xuống 60 năm trước ngày mở Đạo, không phải ngày nay Ngài không sai các chơn linh xuống thế, không tạo hình ảnh Cửu Thiên Khai Hóa, Ngài không mở rộng cửa Bạch Ngọc Kinh tại thế gian này thì dám chắc nền chơn giáo của Ngài chưa hiện tượng. Huyền diệu thay nền chơn giáo của Ngài! Lấy cả quyền năng vô biên Ngài làm Thể Pháp, Bí Pháp của Ngài, Ngài lấy căn bản Vạn linh, Ngài tạo nên đặng phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật trên mặt thế gian này.

Ấy vậy Bần Đạo nói: Nơi cửa Tịnh Thất chúng ta có thể nói rằng: Nơi chúng ta đưa bạn chúng ta đi cũng là cửa rước bạn chúng ta đến. Bí pháp ấy càng ngày con cái Đức Chí Tôn càng ngó thấy, vì mới mở nên hình trạng chưa có rõ, chớ hoàn thành rồi con cái Đức Chí Tôn sẽ ngó thấy đối tượng Thiêng Liêng của nó thế nào, phải để đức tin vững vàng nơi Thánh Thể Đức Chí Tôn cho cường liệt, cường liệt Đức Chí Tôn mới xoay chuyển xã hội nhơn quần và tạo hạnh phúc cho xã hội nhơn quần được.