Chi phái 1997 bị khép vào luật RICO là tê liệt hoàn toàn ở hải ngoại. BBT.
Phán quyết toà án đối với Chi Phái 1997 theo Luật RICO: các câu hỏi thường hỏi
- TỰ DO TÔN GIÁO & NHÂN QUYỀN
- POSTED ON
- Nhiều cơ hội để khai thác thành quả
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 19 tháng 8, 2023
Ngày 16 tháng 8, toà án Texas ở Dallas phán quyết một tổ chức tôn giáo mạo nhận là Hội Thánh Cao Đài lẫn người cầm đầu nó phải đồng trách nhiệm bồi thường 50,000 Mỹ kim và phải đóng phạt thêm cho 3 nguyên đơn gấp 3 số tiền ấy, tổng cộng là 200,000 Mỹ kim. Tổ chức này là Chi Phái 1997 do nhà nước cộng sản Việt Nam dựng lên năm 1997 và người cầm đầu nó là Ông Nguyễn Thành Tám.
Câu hỏi thứ nhất: Phán quyết mang tính lịch sử này mang ý nghĩa gì?
Trước hết, vụ kiện cho thấy người Việt ở hải ngoại có thể vận dụng cả 3 nhánh chính quyền làm phương tiện đấu tranh. Vận động lập pháp tức Quốc Hội và hành pháp như Toà Bạch Ốc hay Bộ Ngoại Giao không mới. Nhưng sử dụng nhánh tư pháp qua vụ kiện chưa từng có.
Thứ hai, vụ kiện cho thấy khả năng chuyển vấn đề từ sân chơi nội địa ở Việt Nam, nơi nhà cầm quyền nắm trịch, ra sân chơi quốc tế nơi chúng ta nắm thế thượng phong. Các tín đồ Cao Đài có thể thúc thủ trước hành vi tội phạm của Chi Phái 1997 ở Việt Nam nhưng đồng đạo của họ ở Hoa Kỳ đã chuyển vấn đề ra sân chơi ở Hoa Kỳ, nơi có luật pháp công minh.
Hình 1 -- Từ trái: Ông Bùi Văn Quan, Ông Dương Xuân Lương, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Ông Lê Minh Đạo đại diện Thánh Thất Mountain View, và Luật sư Brian Turner đại diện các nguyên đơn, tại toà án ngày 7 tháng 8, 2023
Thứ ba, khi Chi Phái 1997 bị phán quyết là tổ chức tội phạm theo Luât RICO, là luật liên bang Hoa Kỳ, thì tiếp tục núp sau một tổ chức tội phạm để ném đá giấu tay sẽ bất lợi hơn là có lợi cho nhà nước Việt Nam. Chẳng hạn, sẽ dễ dàng hơn để chính phủ Hoa Kỳ chế tài cá nhân các giới chức bảo kê cho một tổ chức tội phạm để đàn áp quyền tự do tôn giáo của tín đồ Cao Đài.
Điểm trên đây minh hoạ cách dùng kết quả gặt hái được từ nhánh tư pháp để vận động nhánh hành pháp thực thi luật chế tài do nhánh lập pháp ban hành. Cách vận dụng xoay vòng cả 3 nhánh chính quyền giúp củng cố thế thượng phong của chúng ta ở sân chơi Hoa Kỳ. Tương tự ở các sân chơi của những quốc gia khác trong thế giới tự do.
Câu hỏi thứ hai: Các nguyên đơn khai thác phán quyết ra sao?
Trước hết là thực thi phán quyết. Sẽ rất ít triển vọng Chi Phái 1997 và người đứng đầu nó là Ông Nguyễn Thành Tám sẽ tự giác đóng tiền bồi thường và tiền phạt theo phán quyết của toà án. Trong trường hợp đó, nguyên đơn có thể siết tài sản của họ tại Hoa Kỳ. Nếu Ban Đại Diện tại Hải Ngoại của Chi Phái 1997, đặt ở Orange County, California, có tài sản thì có thể tịch thu. Nếu thánh thất Cao Đài ở Hoa Kỳ nào đã trao thân cho Chi Phái 1997 quản lý thì có thể siết. Để tránh bị siết tài sản, họ có thể sẽ phải cắt đứt mọi quan hệ với Chi Phái 1997.
Kế đến là truy tố hình sự. Luật RICO ban hành năm 1970 bản chất là luật hình sự với điều khoản cho phép nạn nhân ở Hoa Kỳ kiện dân sự nhằm đòi bồi thường thiệt hại -- vụ kiện vừa rồi khai thác điều khoản ngoại lệ này. Cũng đặc biệt, Luật RICO cho phép nguyên đơn chuyển thông tin thu thập được từ vụ kiện dân sự cho cơ quan công lực để điều tra hình sự. Chẳng hạn, nếu có chứng cứ là Chi Phái 1997 chuyển tiền qua lại với người của họ ở Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp chiếu theo luật chống khủng bố Patriot Act thì nguyên đơn có thể yêu cầu FBI vào cuộc điều tra. Để tránh bị điều tra hình sự, các thuộc hạ này có thể sẽ phải ngưng mọi quan hệ với Chi Phái 1997. Trong một số trường hợp tôi biết thì đã quá trễ vì sẽ không kịp phi tang.
HÌnh 2 - Tổ chức trực thuộc Chi Phái 1997 ở Orange County, được thành lập để thay cho tổ chức bị kiện
Câu hỏi thứ ba: Bị đơn có thể kháng cáo không?
Chi Phái 1997 và Ông Nguyễn Thành Tám có quyền làm đơn kháng cáo. Tuy nhiên hầu như vô vọng và sẽ chỉ thêm bị kềm toả bởi luật pháp Hoa Kỳ.
Trước hết, theo luật, việc kháng cáo chỉ có thể xoay quanh vấn đề áp dụng luật đúng hay sai bởi vị quan toà chứ không được đưa thêm lý lẽ hay chứng cứ gì mới. Đã quá trễ để Chi Phái 1997 và Ông Nguyễn Thành Tám phủ nhận các chứng cứ và lý lẽ mà nguyên đơn đã trưng dẫn được toà chấp nhận, rằng bị đơn là tổ chức tội phạm, rằng họ đã dùng phương tiện viễn thông để đánh lừa Bộ Thương Mại Hoa Kỳ khi đăng ký thương hiệu, và rằng điều này cấu thành tội “wire fraud” trong phạm vi Luật RICO.
Không chỉ có thế. Trong phán quyết, vị quan toà còn cài thêm điều khoản mang tính cảnh cáo: Nếu kháng cáo mà thua, bị đơn tự động phải trả phí luật sư cho nguyên đơn.
Và có lẽ yếu tố khó vượt qua nhất là tìm luật sư hoặc hãng luật giỏi chịu làm đơn kháng cáo. Luật sư giỏi, hãng luật có kinh ghiệm không bao giờ muốn mang tiếng là đại diện cho một tổ chức tội phạm với mức phạm tội hình sự nghiêm trọng như Chi Phái 1997 và Ông Nguyễn Thành Tám.
Hình 3 - Ông Trần Quang Cảnh (trái) và Ông Nguyễn Thành Tám, San Francisco, ngày 20/09/2016 (ảnh của Chi Phái 1997)
Câu hỏi thứ tư: Ông Trần Quang Cảnh, đại diện Chi Phái 1997 ở Hoa Kỳ, đóng vai trò gì?
Năm 2007, Chi Phái 1997 sửa Hiến Chương để thêm mục hoạt động ở hải ngoại. Năm 2011, Ông Nguyễn Thành Tám ký huấn lệnh lập Ban Đại Diện tại Hải Ngoại giao cho Ông Trần Quang Cảnh, người Mỹ gốc Viêt, làm trưởng ban. Để hợp thức hoá hoạt động, Ông Cảnh đăng ký Cơ Quan Truyền Giáo Hải Ngoại là một tổ chức tôn giáo ở California. Năm 2014, dùng tổ chức này Ông Cảnh đăng ký quyền sở hữu danh xưng chung của đạo làm thương hiệu riêng của tổ chức. Năm 2015, Bộ Thương Mại cấp quyền sở hữu tạm thời. Tháng 7 năm 2019, quyền sở hữu tạm thời bị huỷ do bị Thánh Thất Cao Đài Mountain View khiếu nại. Tháng 6, 2019 thánh thất Cao Đài này cùng 2 nguyên đơn nữa khởi kiện Chi Phái 1997 và Ông Nguyễn Thành Tám cùng với một số người nữa về phỉ báng và về vi phạm Luật RICO. Ông Cảnh tường thuật về vụ kiện như sau trên trang mạng của Chi Phái 1997:
“Nhóm của Bà Muội thưa Ông Trần Quang Cảnh và Ông Nguyễn Thành Tám ra Tòa Án Dallas, Texas. Ngày 13/6/2019, nhóm của Bà Hương Muội (gồm có Cao Dai Tay Ninh Temples of Texas, Bùi Văn Quan và Dương Xuân Lương) nộp đơn với Tòa Án Dallas, Texas, thưa 7 người : Đặng Phước Reng, Phạm Văn Hiến, Nguyễn Quốc Dũng, Trần Quang Cảnh, Cơ Quan Truyền Giáo Hải Ngoại, Nguyễn Thành Tám và Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cao Đài TTTN). Lý do chính của bên nguyên cáo đưa ra Ông Cảnh là Cộng Sản, Ông Tám đàn áp tín đồ Cao Đài ở VN và bổ nhiệm Ông Cảnh để thi hành Nghị quyết 36. Còn các Ông Reng, Hiến, Dũng bị thưa là vì chống đối với Bà Muội, không chấp nhận Bà Hương Muội đi thưa kiện Ông Cảnh. Kết quả là Tòa Án phán quyết là Ông Cảnh không có dính dáng về vụ thưa kiện này.” Xem: https://caodai.com.vn/vn/news-detail/giao-huu-thuong-canh-thanh-da-man-nhiem-vu-truong-ban-dai-dien-hoi-thanh-tai-hai-ngoai.html
Ông Cảnh nói sai về nội dung của đơn kiện nhưng lại thú nhận rằng chỉ thuê luật sư để gỡ cho chính ông ta ra khỏi vụ kiện còn mặc kệ Chi Phái 1997 và Ông Nguyễn Thành Tám.
Bằng cách gian dối với Bộ Thương Mại Hoa Kỳ, Ông Cảnh đã đưa Chi Phái 1997 và Ông Nguyễn Thành Tám vào tròng của Luật RICO. Và cũng chính Ông Cảnh đã bỏ mặc họ kẹt lại trong vụ kiện để lãnh nhận một cái kết rất đắng.
Bài liên quan:
Chiến thắng pháp lý của Thánh Thất Cao Đài Mountain View là chiến thắng chung của người Việt trong thế giới tự do trước Nghị Quyết 36
https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/1987-chien-thang-phap-ly-cua-thanh-that-cao-dai-mountain-view-la-chien-thang-chung-cua-nguoi-viet-trong-the-gioi-tu-do-truoc-nghi-quyet-36.html
Chiến thắng pháp lý lịch sử cho các nạn nhân của sự bách hại tôn giáo
https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/1985-chien-thang-phap-ly-lich-su-cho-cac-nan-nhan-cua-su-bach-hai-ton-giao.html
Chi Phái 1997: Tưởng khôn hoá dại khi bước vào sân chơi Hoa Kỳ
https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/1351-2018-06-04-02-25-39.html