Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2023

4747. PHƯỚC THIỆN LUẬN GIẢI.

 

PHƯỚC THIỆN LUẬN GIẢI.
“Phước Thiện không có trong Pháp Chánh Truyền mà do nơi Thiên Thơ. Phước Thiện giúp cho Thánh Thể Đức Chí Tôn tự chủ khi hành đạo…”.

Vấn nạn của nhân loại: Từ khi nhân loại tiến lên để tạo lập ra quốc gia xã hội thì nhân loại luôn luôn bị giới cầm quyền nắm quyền phân phát áo cơm. Khi giới cầm quyền nắm độc quyền phân phát áo cơm thì dân chúng bị cai trị theo ý muốn của kẻ có quyền. Giáo dục là để dạy dỗ người dân tùng phục hệ thống của giai cấp thống trị. Pháp luật đặt ra là để phục vụ cho giai cấp thống trị. Người có lòng với nhân loại muốn giúp nhân loại ra khỏi vòng luẫn quẫn của vật chất, kim tiền cũng đành thúc thủ. Kinh tế giải quyết tất cả là một thực trạng đau lòng mà dân tộc Việt Nam là một nhân chứng khi đồng minh đến Miền Nam Việt Nam và khi đồng minh bỏ chạy trong cuộc chiến tranh 1954-1975.


Nhân loại bất bình với quyền phân phát áo cơm của giới cầm quyền và bị hấp dẫn bởi thuyết đánh đổ giai cấp thống trị để nắm quyền kiểm soát kinh tế, chủ yếu là lấy của giai cấp thống trị để chia cho giai cấp bị trị. Nhưng thực tế cho thấy khi đã đánh đổ giai cấp thống trị thì đảng phái hô hào đánh đổ ấy nắm quyền thống trị còn khắc nghiệt hơn. Chủ nghĩa cộng sản là một điển hình của việc đánh đổ giai cấp thống trị sau đó đảng cộng sản nắm luôn quyền phân phát áo cơm còn tệ hại hơn. Phần nhân loại mắc bẩy cộng sản thức tỉnh và tìm cách thoát độc tài càng làm cho họ sợ hãi và kiểm soát tàn bạo hơn.   

Chủ nghĩa duy vật và duy tâm gây ra những cuộc chiến tranh kinh hoàng trên bình diện toàn thế giới xét cho đến cùng là do tranh đoạt về kinh tế mà ra. Thế chiến thứ nhất (1914-1919) và thế chiến thứ hai (1939-1945) đều có nguyên nhân từ kinh tế là những chứng cứ lịch sử rõ ràng.

Nền văn minh mới ra đời:

Trong khi nhân loại còn trong vòng hắc ám thì Đức Chí Tôn dùng cơ bút lập ra Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ) vào năm 1926 tại làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh, Nam phần nước Đại Nam. ĐĐTKPĐ được tổ chức theo triết lý QUỐC ĐẠO nên có tam quyền phân lập riêng biệt. Quốc Đạo là nền đạo được tổ chức có quy củ như một quốc gia.

Nhiệm vụ của ĐĐTKPĐ là xây dựng một nền văn minh mới, đặc điểm của nền văn minh mới là tự chủ lấy mình về vật chất và tinh thần nên gọi là duy chủ. Đức Chí Tôn dạy Hội Thánh Cao Đài thiết kế Hành Chánh và Phước Thiện để đưa chuyến xe Như Ý Cao Đài làm nhiệm vụ xây dựng nền văn minh mới. Theo đó Hành Chánh: dạy cho khôn (như người cầm lái chuyến xe như ý); Phước Thiện: nuôi cho lớn (là động cơ là nhiên liệu của chuyến xe như ý). Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài là lập quyền cho nhân loại; Ngài không cho một ngành nào, một cơ quan nào, chức phẩm nào độc đoán, độc quyền rồi hà khắc con cái của Ngài nên luôn phân quyền minh bạch nên tạo Hành Chánh Đạo và Chánh Trị Đạo phân minh. Trong nền minh mới Hành Chánh có quyền (vì có trong Pháp Chánh Truyền) thì không làm ra kinh tế, còn Phước Thiện là bộ máy kinh thương lại không có quyền (vì không có trong Pháp Chánh Truyền). Hành Chánh thuộc về Cửu Trùng Đài, ấy là phần xác, phần đời của đạo nhưng lại lo giáo hóa: dạy cho khôn (tinh thần); Phước Thiện thuộc về Hiệp Thiên Đài, do Chi Đạo chủ quản, ấy là cơ quan thuộc về phần đạo nhưng lại lo lắng về vật chất cho tôn giáo và Tín Đồ: nuôi cho lớn (vật chất). Cả hai đều phát xuất từ Thiên Thơ và thể hiện: Trong Đạo có Đời, trong Đời có Đạo, cả hai đan xen vào nhau, nương tựa nhau để làm nhiệm vụ xây dựng nền văn minh mới. Đây là hồng ân Đức Chí Tôn ban cho nhân loại trong thời Tam Kỳ Phổ Độ. Trong bài nầy chúng tôi luận giải về Phước Thiện trong nền văn minh mới.

Nền văn minh mới nâng đỡ người bình dân ít học thành người có hiểu biết, giúp người nghèo khó có cuộc sống sung túc, nghĩa là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người đạo, người dân lên để tự chủ trong cuộc sống (Long Hoa Chuyển Thế) (1) mà không phải đánh đổ một chủ nghĩa nào hết.

I/- Pháp lý của Phước Thiện:  

Đạo Cao Đài là một tôn giáo pháp quyền, cho nên từ nhân sự cho đến các văn kiện hành chánh, các mệnh lệnh đều phải xét đến tính pháp lý trước tiên. Kinh Đệ Ngũ Cửu dạy: … Đắc văn sách thông Thiên định Địa, … mà muốn đắc văn sách thì phải căn cứ vào kinh sách có con dấu kiểm duyệt của Hội Thánh làm gốc (chương trình hiến pháp, 1928), Hội Thánh minh giao sách Trường Xuân (Đệ Tam Cửu).

Phước Thiện không có trong PCT nên nhiều chức sắc không phục và có ý xin giải tán. Ngài Phạm Ngọc Trấn biết tin và dâng thỉnh giáo lên Đức Hộ Pháp. Ngài ghi chép lại lời dạy của Đức Hộ Pháp, Hội Thánh ban hành trong Bán Nguyệt San Thông Tin số 77 (10/6/1973) nên có đủ pháp lý trong đạo. Xem nguyên văn và ảnh chụp tại link:

https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/03/3099-ban-nguyet-san-thong-tin-so-77.html#more.

  Xin trích dẫn những điểm cần thiết:

1/- Thỉnh giáo.

-/- Bạch Đức Thầy, mấy con theo Thầy học Đạo do Thầy chọn lựa vào môn đệ. Thầy đã mở cửa Phạm Môn là lập công học Đạo, chỉ mong được hưởng phẩm vị Thiêng Liêng thuộc về bóng chớ không thiệt hiện ra mặt xã hội. Từ năm 1929 Phạm Môn đã có, cho đến năm Mậu Dần là 09 năm thì trở thành danh từ Phước Thiện chớ không còn danh từ Phạm Môn. Nên Phước Thiện đã công khai với chính phủ cùng khắp trong nước, Đạo Đời đều hiểu và đã có sự công nhận của Quyền Vạn Linh và liệt vào Đạo Luật năm Mậu Dần…

Mấy con có nghe rõ Chức Sắc Cửu Trùng Đài có một vài người tổ chức Hội Nhơn Sanh tới đây sẽ đem danh từ Hội Thánh và Khâm Châu, Đầu Tộc Phước Thiện ra trình bày để chỉ trích vì Phước Thiện không có trong Pháp Chánh Truyền, chỉ có Hội Thánh Cửu Trùng Đài mà thôi và nói rằng Phạm Môn, Phước Thiện là của Thầy đặt riêng. Mấy con rất lo ngại.

Ngày giờ Thầy cầm quyền thống nhứt thì không ai dám bác bỏ, dầu cho Hội Nhơn Sanh cũng không qua quyền thống nhứt của Thầy đặng. Sợ một ngày kia Thầy có về Thiêng Liêng rồi, Nhơn Sanh cùng các cơ quan khác chiếu trong luật không có trong Pháp Chánh Truyền rồi giải tán cả cơ quan Phước Thiện…

2/- Trả lời.

Phước Thiện không có trong Pháp Chánh Truyền, họ trích điểm là phải. Mà chính Thầy cũng nhìn nhận là không khi nào Phước Thiện có trong Pháp Chánh Truyền, dầu rằng mấy con cầu xin xỏ đem danh từ Phước Thiện vào Pháp Chánh Truyền lại còn sai hơn nữa. Thầy vẫn lấy quyền Chí Tôn tại thế, không bao giờ làm trái ngược vậy được.

Bởi khi lập Pháp Chánh Truyền, Thầy có hội cùng Đức Lý Giáo Tông được trọn quyền thay thế Đức Chí Tôn. Hễ cái gì Hộ Pháp và Giáo Tông hiệp lại lập ra trong cửa Đạo tức là lời dạy bảo của Đức Chí Tôn. Không có việc gì từ nhỏ chí lớn mà không có mạng lịnh Chí Tôn trong đó.

Quyền hành và trách nhiệm trọng đại, nên Đức Lý Giáo Tông nôn nóng lập thành Pháp Chánh Truyền chú giải cho kịp Thiên Thơ của Đức Chí Tôn đã định. Nếu lập Pháp trễ thì Đạo phải loạn thì còn gì cho công trình các Đấng Thiêng Liêng dày công dìu dẫn từ ban sơ. Ấy vậy Pháp Chánh Truyền chú giải đó là phân quyền cho Chức Sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài cho khỏi bị giành quyền nhau mà thôi. Và đồng thời trao trọn quyền ấy cho Hộ Pháp có đủ phương kềm chế nền Đạo của Đức Chí Tôn. Pháp Chánh Truyền ở trong cuốn Thiên thơ mà ra, còn chú giải là phân quyền hành. Quyển Thiên Thơ Đức Chí Tôn đã để tại thế gian nầy. Ngài giao cho con cái của Ngài gìn giữ mà làm của báu không gì bằng: Tức là “Thánh Ngôn Hiệp Tuyển”. Trong quyển Thiên Thơ nầy, ngày kia có sản xuất nhiều cơ quan khác trọng yếu nữa chớ không phải một cơ quan Phước Thiện mà thôi.

Mấy con cứ mạnh dạn trả lời: “Pháp Chánh Truyền Hộ Pháp và Giáo Tông lấy trong Thánh Ngôn lập ra thì Phước Thiện, Phạm Môn nó cũng ở trong Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn dạy lập ra chớ không có chi gọi là lạ”.

Ngày kia chủ quyền Đạo hữu hình nầy là Giáo Tông làm chủ, không lẽ Ngài vô tình chiết bớt cánh tay, tức là giải tán Phước Thiện.

Không có điều nào mà Chí Tôn lập ra trong nền Đại Đạo mà không hữu ích. Nếu có Chơn Linh nào không may duyên mới tìm phá hoại sự nghiệp của Chí Tôn, tức nhiên là họ chịu quả kiếp.

Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài còn, mà Hiệp Thiên Đài còn thì các cơ thể trong cửa Đạo vẫn còn; tức nhiên nhơn sanh còn thì quyền Vạn Linh không bao giờ tuyệt. Bởi vậy, đại nghiệp Thiêng Liêng Chí Tôn để tại mặt thế nầy, tức là nền Đại Đạo giao cho quyền Vạn Linh nắm giữ. Còn Thánh thể Đức Chí Tôn là chủ quyền nó sẽ bảo thủ vĩnh cửu trường tồn mãi mãi. (2).

Hộ Pháp Đường ngày 06-08- Tân Mão. (6-9-1951)

Truyền Trạng Phạm Ngọc Trấn.

(Ký tên và đóng dấu)

II/- Tổ Chức Phước Thiện.

1/- Xin mời xem Đạo Luật Mậu Dần (1938). Chương II: PHƯỚC THIỆN. Điều 10 và 11 từ trang 23 đến 33.

Link: 

https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2021/03/3390-ao-luat-mau-dan-1938.html#more

PHƯỚC THIỆN là cơ quan bảo tồn sanh chúng trên đường sanh hoạt nuôi sống thi hài, tức là cơ quan giải khổ cho chúng sanh, tầm phương bảo bọc những kẻ tật nguyền, cô độc, dốt nát, ít oi, hoặc giúp tay cho bên hành chánh thi hành Luật Pháp cho đặng dễ dàng trọn vẹn.

2/- Hiến Chương 1965.

Chương VIII, điều 21, 22 qui định về Phước Thiện.

Phước Thiện là tạo ra của cải làm nền nhân cội nghĩa cho đạo, cứu khổ cho đời. Phước Thiện giúp cho Đạo khỏi phải đi ăn xin thì mới đủ điều kiện để tự chủ trong chủ nghĩa Cao Đài (Duy chủ).

III/- Tương Quan của Hành Chánh và Phước Thiện.

Đạo Luật Mậu Dần (1938) có 4 cơ quan: Hành Chánh, Phước Thiện, Phổ Tế và Tòa Đạo. Căn cứ vào ý chí của Đạo Luật Mậu Dần (1938) thì Phước Thiện phải tùng quyền Hành Chánh.

Chứng minh: Đạo Luật có 4 chương, 17 điều.

Chương I: Hành Chánh từ 1-17.

Chương II: Phước Thiện, rút điều 10 và 11 của chương Hành Chánh. Điều nầy chứng tỏ Phước Thiện độc lập nhưng phải tùng Hành Chánh. Chức sắc Hành Chánh có trong Pháp Chánh Truyền, Chức sắc Phước Thiện không có trong Pháp Chánh Truyền nên phải tùng theo Pháp Chánh Truyền để hành đạo.

Chương III: Phổ Tế, rút điều 14 của Hành Chánh.

Chương IV: Tòa Đạo, rút điều 15 của chương Hành Chánh.

Tóm lại: căn cứ theo ý chí Đạo Luật Mậu Dần (1938) thì Phước Thiện, Phổ Tế và Tòa Đạo độc lập nhưng đều phải tùng Hành Chánh.

Phân quyền như vậy để tránh độc đoán, Hành Chánh (đời) có quyền nhưng phải nương Phước Thiện (đạo) và ngược lại Phước Thiện tạo kinh thương nhưng phải do sự lãnh đạo của Hành Chánh. Ngày nào người Đạo Cao Đài hiểu thấu sự diệu dụng của Hành Chánh và Phước Thiện qua sự bố trí của Đức Chí Tôn dạy thì khi ấy Đạo Đời Tương Đắc và mới đủ sức tạo thời cải thế. Đạo Đời Tương Đắc là tự nơi Quốc Đạo chứ không phải lệ thuộc vào chế độ cầm quyền. Hiểu và thực hành được Thể pháp mới xứng đáng là tôn giáo duy chủ, đủ năng lực lập nền văn minh mới.

Nếu hiểu Đạo Đời Tương Đắc là tôn giáo và chế độ cầm quyền là tự đưa đạo vào thế lệ thuộc và cầu cạnh và không phù hợp với Quốc Đạo. Lệ thuộc vào một chính phủ độc tài hay chính quyền dân chủ vẫn là lệ thuộc, xiềng xích bằng sắt thép hay vàng vẫn là xiềng xích, vẫn là không tự chủ vẫn không phù hợp với triết lý Quốc Đạo. Trong xã hội hiện đại độc lập không phải là cô lập hay biệt lập. Thầy cấm liên hiệp với chính trị nhưng hai bên vẫn đối thoại nhau để không đối đầu nhau hay loại trừ nhau. Tôn giáo và chế độ cầm quyền độc lập nhau để phục vụ cho xã hội theo những cách thế khác nhau.

 IV/- Tầm quan trọng của Phước Thiện.

Theo lời phê của Đức Hộ Pháp: Phước Thiện nên hình là Quốc Đạo đã nên hình. Như vậy quốc đạo hoàn toàn khác với quốc giáo. Quốc đạo là tự thân tôn giáo. Quốc giáo là tùy theo môi trường bên ngoài như tỷ lệ người dân theo tôn giáo được gọi là quốc giáo. Phước Thiện cũng là tài nguyên và môi trường cho người ngoài tôn giáo tham gia.

1/- KHAI MẠC HỘI NHƠN SANH PHƯỚC THIỆN. Cửu Viện Phước Thiện ngày 30-08 năm Tân Mão (1951)

Ấy vậy, Hội Thánh Cửu Trùng Đài là Hội Thánh của Giáo Tông, còn Hội Thánh Phước Thiện là của Hộ Pháp. Hội Thánh bên kia bảo vệ văn hiến Tôn Giáo. Hội Thánh bên này cứu khổ, còn có chỗ nào hay ho hơn nữa.

Nhận xét: căn cứ theo lời dạy nầy nên chúng tôi hiểu Hành Chánh và Phước Thiện như một đường ray để đưa chuyến xe Như Ý của Đạo đến nơi nhân loại hằng mong muốn: tự chủ về vật chất lẫn tinh thần.

2/- Xét về Thể pháp và Bí Pháp:

Theo Pháp Chánh Truyền: nhân sự Hành Chánh có độ số nên không đủ chỗ cho nhơn sanh lập công. Phước Thiện không giới hạn số lượng nhân sự, lại mở của cho người ngoài tôn giáo tham gia nên là cách đưa đạo vào xã hội rất thiết thực. Thứ nữa có hành chánh vững vàng rồi mới có Phước Thiện. Cho nên xét về Thể pháp và Bí pháp thì Hành Chánh là Thể pháp và Phước Thiện là Bí pháp. Đức Chí Tôn dạy Đức Hộ Pháp mở Thể pháp trước, Bí pháp sau. Chi phái 1997 chiếm đoạt Tòa Thánh lo Hành Chánh nhưng không có nhân sự Phước Thiện, không mở được Đại Hội Phước Thiện. Nghĩa là tà quyền tranh về Thể pháp nhưng không chiếm được Bí pháp. Theo Đạo Luật Mậu Dần (1938) tại Điều 10, mục số V: Quyền phong thưởng hay buộc tội nhân sự Phước Thiện thuộc về Đức Hộ Pháp mà thôi; chi phái 1997 không có cơ bút thì việc phong thưởng ấy là tà quái.  

V/- Phước Thiện trong nền văn minh mới.

1/- Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q 2 (bản in 1972, trang 171). Năm Mậu Thìn (1928) Đức Chí Tôn dạy: … Lợi, Thầy cũng đã dành cho các con chung hưởng cùng nhau mà cũng vì tham, đứa chứa nhiều, đứa chịu đói.

Quyền, Thầy cũng ban cho các con in như Thầy đã ban cho chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, hầu cho đủ thế kiềm-thúc lấy nhau đặng giữ-vẹn thánh chất yêu sanh của Thầy, mà quyền ấy trở nên một cơ-thể buộc trói nhơn-sanh trong vòng tội mọi. Ôi! thảm thay! Cái thất-vọng của Thầy nên ghê-gớm, các con có hiểu vì sao mà cả nhơn-sanh gian-tham chăng?

Thì cũng muốn cho nhiều sanh-mạng chịu phục dưới quyền-thế lợi-lộc đó vậy, sự yếu-trọng của con người là nạn cơm áo, nắm chặt quyền phân-phát cơm-áo, thì chưa ai đã chịu thọ-sanh nơi thế nầy lánh khỏi.

Muốn cho đặng quyền-hành ấy thì làm thế nào?

Dùng hết mưu-chước quỉ-quyệt, thâu-đoạt cho đặng lợi-lộc quyền-thế cho nhiều, vì vậy mà đời trở nên trường hỗn-độn, tranh-tranh, đấu-đấu, giựt-giựt, giành-giành, gây nên mối loạn, nhơn-loại nghịch lẫn nhau giúp cho phép tà-quyền mạnh hơn, yếu-thiệt, mất phép công-bình thiêng-liêng tạo-hóa; cái trường thảm-khổ của thế-gian cũng do nơi đó mà ra.

Vậy gian-tham đã thâm-nhập vào lòng, thì lòng hết đạo-đức.

Tham-gian đã nhập vào nhà, thì nhà không chánh-giáo.

Tham-gian đã nhập vào nước, thì nước hết chơn-trị.

Tham-gian đã lộng toàn thế-giới, thì thế-giới hết Thánh-Thần, Thầy không cần nói sự gian-tham có thể giục các con lỗi Ðạo cùng Thầy mà bị lắm điều tội-lỗi. Ấy vậy gian-tham là trọng tội…

Nhận xét: Đấng cầm quyền càn khôn thế giới đã dạy về cái khổ của nhân loại như vậy nên Ngài đến lập nền văn minh mới giải quyết cái khổ ấy. Đấng ấy cao không vói tới, khuất không rờ đặng lại không nhơn thân phàm ngữ nên dùng cơ bút dạy Hội Thánh tạo dựng nên Thể pháp để hậu tấn căn cứ vào đó mà thực thi để xây dựng tình thương rộng lớn trong đạo lẫn đời. Môn sinh hiểu và khai triển lời dạy ấy chính là xây dựng một thế giới mới, một tiểu thiên địa mới ấy là con đường đúng, phương pháp đúng (Chơn pháp) để đạt được Bí Pháp.

2/- Kinh Thuyết Pháp (câu 7-8):

Muốn cho thiên hạ đại đồng,

Lấy câu cứu khổ dụ lòng thương sanh.

Khổ có vật chất và tinh thần. Hành Chánh cứu khổ tinh thần; Phước Thiện cứu khổ về vật chất giúp người đạo và xã hội khỏi sự chi phối của vật chất, ấy nên là cánh cửa là con đường hiện hữu dẫn đến nền văn minh mới, dẫn đến cuộc sống đại đồng.

Lập nền văn minh mới trong buổi năm châu chung chợ, bốn biển chung nhà thì Phước Thiện của Đạo Cao Đài phải giúp tôn giáo ra khỏi thân phận ăn xin của Tín đồ, từ quốc nội, đến quốc tế; phải tạo công ăn việc làm cho Tín Đồ, tạo tiền của cho Thánh Thể Đức Chí Tôn thế thiên hành hóa. Hành chánh là giáo hóa mà đi ăn xin của người được giáo hóa thì có phải là nghịch lý hay chăng? Giáo hóa như thế tất nhiên phải lệ thuộc vào Tín đồ. Muốn thoát khỏi sự nghịch lý ấy Đức Chí Tôn dạy lập ra Phước Thiện để nuôi Hành Chánh trên bước đường phổ độ ….

Phước Thiện lập ra cơ sở Lương Điền, cơ sở công kỹ nghệ, những công ty, xí nghiệp cho người đạo vào đó mưu sinh thì mới thực hiện được niềm tin tôn giáo của mình. Phước Thiện tạo tiền đề vật chất để xây dựng nền văn minh mới.

Hội Thánh Cao Đài xây dụng vùng Châu Thành Thánh Địa qua 5 phương án: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo. Phước Thiện đóng góp công sức rất quan trọng. Đó là bài học điển hình cho hậu tấn trên đường thực thi Ngũ Nguyện, thực hiện Tam Lập (Pháp Điều Tam Kỳ Phổ Độ) để tự giải thoát cho mình và bạn đồng sanh.

Ngày 7/2/2023.

Đạo Hữu Dương Xuân Lương biên soạn.

Email liên lạc: hoabinhchungsong220513@yahoo.com.

@@@

Chú thích:

(1)/- Xin xem tại link:

https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2018/03/2589-hue-kiem-guom-than.html#more

(2): Phân biệt Hành Chánh Đạo và Chánh Trị Đạo.

Pháp Chánh Truyền: Hành Chánh Đạo (15 phẩm được ban dây sắc lịnh có pháp lý tuyệt đối trong hành chánh đạo).

Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh: Chánh Trị Đạo (dây sắc lịnh không áp dụng cho Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh).

Diễn văn ngày 04-10-1933 Đức Hộ Pháp dạy: Đạo có Quyền Vạn Linh chớ không có Hội Vạn Linh.

Pháp Chánh Truyền Chú Giải (1932) trang chót dạy rằng: … Vậy thì chúng ta nên chung công hiệp sức cùng nhau, kể từ đây nhứt định chẳng cho ai phạm quyền mình, vì quyền mình là quyền Thầy, dầu cho còn một mặt Tín đồ Hội Thánh cũng giữ quyền Hội Thánh.

Diễn văn ngày 04-10-1933 Đức Hộ Pháp dạy rằng: Á phải! Có hại thật, thật có hại cho quyền Hội Thánh, vì Bần đạo ban rộng rãi cho nhơn sanh đủ thế lực quyền hành dám kháng cự cùng quyền Hội Thánh.

Đối chiếu hai lời dạy trên ta thấy quyền nào ra quyền nấy, cho dầu quyền Hội Thánh mà không phù hợp với đạo lý hay pháp luật đạo thì nhơn sanh vẫn có quyền kháng cự theo khuôn khổ pháp luật. Quyền của đạo là công chánh.

Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu đều có quyền của Thầy ban, nên mọi thành phần đều có quyền Thầy và tất cả phải công chánh. Hội Thánh bị cốt (1983) toàn đạo hành đạo theo Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp.

Mời tham khảo sơ đồ tổng thể.



THÁNH LỊNH 257