Trang

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

4702. HAI KIẾP KHỔ CỦA BÀ THẤT NƯƠNG...

 Ngày 15-12-Ðinh Hợi (1947),

 Ngài Tiếp Ðạo Cao Đức Trọng thuyết đạo tại Ðền Thánh vào thời Tý.

Ngài Cao Tiếp Ðạo nói về cái khổ của Thất Nương vì chữ Hiếu, trích ra như sau:


"Cái khổ đó chưa ai tránh được, dầu cho bực Thần Thánh có thân hình cũng phải vào cảnh khổ đó. Chính Thất Nương cũng vì khổ đó, cho nên mới có để lời than, sau khi đã lãnh lịnh xuống cõi Âm quang độ con cái của Chí Tôn đang bị giam hãm nơi đó, lựa chỗ cho đầu thai. Thật là một ân huệ vô cùng vô tận của Ðức Chí Tôn để độ tận con cái của Người vậy.  Thất Nương là vì Hiếu, khi hay tin cha mẹ mắc tội nơi Phong Ðô, liền bỏ Cung Diêu Trì, xuống đó độ rỗi nên bị Thiên đình bắt tội.

Ðã hai kiếp sanh khổ vì Tình vì Hiếu, nên sau khi Thất Nương được đặc ân của Ngọc Hư Cung xá tội, liền tình nguyện đến cõi Âm Quang độ rỗi các chơn hồn thất thệ, đặng trả nghĩa cho Thầy.

Trước khi đi, trong một kỳ đàn, Thất Nương có đến từ giã và để lời than với Ðức Hộ Pháp và một vài Chức sắc Hiệp Thiên Ðài.  Bài thơ ấy, tôi xin nhắc lại:

THI:

Hai kiếp đeo đai lắm nợ trần,

Cái thân vì khổ bận cho thân.

Niềm duyên đổ ngọc lan phòng nguyệt,

Nỗi hiếu rơi châu tưới mộ phần.

Giữ Ðạo mong chờ ngày độc tịch,

Bán mình quyết cứu độ song thân.

Nước non càng ngắm càng thêm chạnh,

Chạnh thảm khi mang mảnh xác trần.

THẤT NƯƠNG

 

Bần tăng tả cảnh khổ trên đây để các bạn nhập tâm ghi nhớ.  Thất Nương là một vị Nữ Phật thứ 7 trong hàng Cửu vị Nữ Phật mà còn không tránh khỏi khổ. Ðó là bài học của tâm hồn trí não, nếu tránh được khổ thì trên con đường lập vị, chúng ta rất may duyên sẽ gặp đặng Ðức Chí Tôn mà hằng ngày Người hằng trông ngóng. "

Trong số Cửu vị Tiên Nương Diêu Trì Cung (hay Cửu vị Nữ Phật), chỉ có Bát Nương và Thất Nương là thường giáng cơ dạy Ðạo và cho thi văn nhiều nhất, kế đó là Lục Nương. Còn các vị khác thì ít khi giáng cơ.