Tự do tôn giáo – ‘con ngựa thành Troy’ về tư tưởng và nỗi sợ của đảng CSVN
"Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo với khoảng 26,5 triệu tín đồ, chủ yếu là Phật giáo và Công giáo, cũng như các tín ngưỡng đa dạng, phong phú, tôn giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội - chính trị của Việt Nam và Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng." Phát biểu này do Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đưa ra trong cuộc tiếp Đại sứ Jean Christophe Peaucelle, Cố vấn Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp về các vấn đề tôn giáo; hôm 04/7.
Hai nhà quan sát về tự do tôn giáo và nhân quyền Việt Nam từ Pháp, ông Paramita Thành Đỗ, từ Đại học Phật giáo Linh Sơn Paris, và ông Menras André Marcel, cựu giáo chức, nhà làm phim tài liệu, đã chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do ý kiến bình luận về phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Ông Thành Đỗ: Thật ra, những điều bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam phát biểu khi tiếp ông Jean Christophe Peaucelle, cố vấn Bộ trưởng Âu châu về vấn đề Tôn giáo hôm 03/07/23 tại Hà nội rằng " Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tự do Tôn giáo và tín ngưỡng " theo tôi là không sai, nhưng hình như bà ấy chưa nói trọn vẹn và tôi xin giải thích ngay.
Câu trả lời của bà Thứ trưởng muốn được xem như trọn vẹn có thể phải nói rõ thêm là "Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tự do Tôn giáo và tín ngưỡng theo định hướng xã hội chủ nghĩa", nghĩa là tự do trong khuôn khổ được ấn định thông qua sự quản lý của các Ủy ban Tôn giáo của đảng, chính phủ, và đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc, một trong ba chân kiềng của chế độ là Đảng, Nhà nước và khối đoàn thể chính trị - xã hội nối dài – mà đây là Mặt trận Tổ quốc trong lĩnh vực liên quan này.
Ông Menras André Marcel: Tôi cho rằng chế độ cộng sản ở Việt Nam còn xa mới gọi là tạo điều kiện để cho tự do tôn giáo và tín ngưỡng được thực thi mà không có hạn chế. Trải nghiệm cá nhân của tôi là những cuộc gặp gỡ ở vùng Tây Nguyên ở Việt Nam với những người dân Việt Nam là cư dân sắc tộc bản địa ở đó, đấy là những người có tín ngưỡng liên hệ với môi trường sống về mặt địa lý của họ, đặc biệt là với rừng, và họ đã bị bắt nạt bởi những cuộc tấn công văn hóa, kinh tế, chính trị, những hạn chế, bó buộc của công an, mà cuối cùng đã gây ra sự bùng nổ bạo lực ở những vùng đó, và tôi cũng gặp những người là giáo dân Công giáo Việt Nam, cá nhân tôi không phải là người theo Công giáo, nhưng tôi có những người bạn Công giáo, chẳng hạn như ở giáo phận tỉnh Hà Tĩnh, tôi đã được gặp Giám Mục Phalo Nguyễn Thái Hợp, Ngài đã giải thích với tôi rằng tất nhiên là có sự ‘tự do’ hành lễ, thờ phụng, nhưng tất cả những hoạt động ấy đều bị kiểm soát, theo dõi như những gì là nguy cơ có thể thoát khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, và nhà nước, Đảng Cộng sản ở Việt Nam do đó không hề có sự khoan dung, mà họ chỉ muốn độc quyền về tư tưởng và niềm tin. Do đó, không hề có việc tạo điều kiện thuận lợi thực sự cho tự do tôn giáo và tín ngưỡng được thực hành.
Tôn giáo nào giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội – chính trị VN?
RFA: Cũng vị Thứ trưởng Ngoại giao của Việt Nam tại buổi tiếp Đặc sứ, cố vấn của Chính phủ Pháp, được truyền thông Việt Nam trích lời, khẳng định "tôn giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội - chính trị của Việt Nam", theo quý vị, tôn giáo nào ở Việt Nam có vai trò 'quan trọng' đó?
Ông Thành Đỗ: Theo tôi, trung thành và theo sát các phương cách đối phó với tôn giáo của Trung Quốc, Việt Nam cũng vậy, họ muốn quy hoạch, quản trị các hệ Tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành, Hồi giáo (hay đạo Islam), Đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo…, những ai từ chối sự can thiệp thô bạo của đảng cộng sản thì sẽ gặp các khó khăn với các quan chức địa phương và đôi khi còn bị vây hãm, khủng bố tinh thần, vật chất bởi cả những thế lực ‘xã hội đen’ mà nhà nước đứng nhìn không can thiệp như trường hợp ở Tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng xảy ra với cố Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh.
Mặt khác, các tổ chức tôn giáo được Nhà nước cưng chiều và cho phép thường thấy họ có các hoạt động đi lệch hướng các hoạt động tôn giáo truyền thống với mục đích là hạ thấp giá trị tôn giáo trong xã hội Việt Nam như truyền bá mê tín tệ hại, biến chùa chiền, nhà thờ thành các cơ sở kinh tài, Trung tâm du lịch tâm linh, kinh doanh cơ sở thờ phượng thu lợi cho quan chức địa phương.
Ông Menras André Marcel: Để nêu nhận định về vấn đề này trong vài câu thì thật là khó, nhưng tôi thấy rằng các tôn giáo, như là Phật giáo, Công giáo, Tin lành v.v…, là đối tượng trong cuộc chiến nhằm tranh giành ảnh hưởng chính trị, bởi vì các chính quyền độc tài cho rằng tự do tôn giáo, tín ngưỡng là một hành vi mà có thể thoát ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền, và sự tự do ấy là một thứ quyền lực của các cá nhân và của các tôn giáo, cho nên người ta tìm mọi cách để kiểm soát. Thế nên đặc biệt như trường hợp của Việt Nam, chính quyền rất e ngại, không thích nguy cơ đó, và họ làm đủ mọi cách để kiểm soát, đồng thời đảng và chính quyền cộng sản cũng nỗ lực để có mặt khắp nơi trong các tổ chức tôn giáo, từ Phật giáo cho đến Công giáo v.v…
Nhưng họ dường như cho rằng Công giáo nguy hiểm hơn Phật giáo, nơi mà dường như họ có ít được hơn sự kiểm soát về mặt chính trị. Song mặt khác, tôi biết có những cán bộ, thậm chí những quan chức Cộng sản trung, cao có những niềm tin, tín ngưỡng mà họ tin vào những thế lực siêu nhiên, những thầy ngoại cảm, mà trong khía cạnh nào đó có thể bị một số người coi là ‘mê tín’, tin rằng những lực lượng siêu phàm ấy có thể giúp cho họ và gia đình của họ có thể tìm lại được hài cốt mất tích của những thành viên gia đình là liệt sỹ thuộc bên của chính quyền cộng sản mà đã thiệt mạng trong chiến tranh. Như thế, ngay với nhiều quan chức, cán bộ cộng sản, tín ngưỡng, tôn giáo vẫn là một thế giới linh thiêng, đầy tính chất cá nhân, mà khó ai có thể thoát khỏi, do đó đàn áp tự do tôn giáo, tín ngưỡng cũng có nghĩa là việc cố gắng cắt bỏ một phần tinh thần mà không thể tách rời của cá nhân trong xã hội, cộng đồng, đấy sẽ là một cuộc chiến bất khả chiến thắng, và Đảng Cộng sản theo tôi sẽ không bao giờ có thể xóa bỏ được trong đầu óc, tâm trí của mọi người tinh thần tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Đã có tự do tôn giáo, tín ngưỡng thực sự hay chưa?
RFA: Theo quý vị ở Việt Nam đã có tự do tôn giáo, tín ngưỡng thực sự chưa? Có việc bắt bớ, tù đầy với những người thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, giáo sỹ, nhà tu hành, tín đồ v.v... hay không? Hay đó chỉ là những người 'vi phạm pháp luật hình sự' thông thường, mà không có gì liên quan tới (quyền) tự do tôn giáo, tín ngưỡng?
Ông Thành Đỗ: Nếu nhìn theo hướng nhìn của Trung Quốc thì Việt Nam đã có tự do tôn giáo, một thứ tự do có định hướng, với các nhà chùa, nhà thờ được phép tổ chức lễ hội vui vẻ, ngay cả các hoạt động như chiêu hồn, cầu vong, Đạo Hồ Chí Minh ‘nhảy múa’, hoàn toàn ‘tự do’, các chức sắc sư sãi ‘quốc doanh’ được ra nước ngoài nhằm thực hiện nghị quyết 36 của đảng để thâu tóm các cơ sở tôn giáo của cộng đồng người Việt hải ngoại về tay đảng cộng sản.
Nhưng nếu chúng ta nhìn tự do tôn giáo theo nghĩa chính danh, nghĩa được hiểu theo Phương Tây là tự do không có định hướng và không bị nhà nước can thiệp thì Việt Nam là một nước mà tự do tín ngưỡng đang bị chà đạp thô bạo.
Chính quyền của đảng cộng sản loại bỏ, bỏ tù, bức hại cho những ai không theo họ, các chức sắc "cứng đầu" của mọi Tôn giáo đều có người vào tù nhiều năm. Đó chính là điều mà các tổ chức bảo vệ quyền tự do Tôn giáo muốn nói đến mà nhà nước Việt Nam không muốn nghe.
Ông Menras André Marcel: Ngay tại Hà Tĩnh, tôi đã gặp gỡ rất nhiều gia đình nạn nhân của những thảm họa do phát triển công nghiệp với những quy mô quá đáng, gây ra những thảm họa như là thảm họa môi trường biển Formosa, tôi đã gặp gỡ nhiều thành viên gia đình, bạn bè của họ, và nhiều người bị theo dõi, bị hành hung, bị bắt giữ là những giáo dân Công giáo, nhiều người cho tôi biết rằng ngoài nguyên nhân những nạn nhân này và bè bạn của họ đấu tranh, họ chụp hình, họ đưa lên mạng, họ biểu tình v.v…, thì còn có một lý do, mà nhiều người cho rằng đó là họ là những thành viên của những cộng đồng Công giáo, một yếu tố mà có thể chính quyền của đảng cộng sản Việt Nam cảm thấy nguy hiểm vì hàm chứa những nguy cơ mà có thể thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền.
RFA: Quý vị đánh giá thế nào về sự theo dõi của Pháp nói riêng, và EU, phương Tây nói chung, về vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, tác động đó nếu có thế nào, và có gì cần lưu ý, bổ sung, tăng cường hay không như một khuyến nghị thêm?
Ông Thành Đỗ: Phương Tây nói chung, Pháp nói riêng cũng biết rõ là chính phủ cộng sản Việt Nam, xưa nay, trước các câu hỏi về ba lãnh vực như: tự do tín ngưỡng, nhân quyền và tự do báo chí thì họ (chính quyền) đều lấp liếm, họ tránh né các câu hỏi trực tiếp và câu trả lời muôn đời vẫn là mỗi nước có đặc thù văn hóa, hoàn cảnh xã hội nên không thể dùng tiêu chuẩn Phương Tây để đánh giá các thành tựu của chính quyền cộng sản Việt Nam về các giá trị phổ quát này. Thế nhưng họ vẫn kiên trì, vẫn tạo áp lực và chỉ mong sao nhà cầm quyền Việt Nam dè dặt hơn, nương tay hơn như thể ‘vuốt mặt thì phải nể mũi’, chứ họ không mong gì Việt Nam có thay đổi hướng tiếp cận mang tính dân chủ khi Trung Quốc chưa thể khá hơn về phương diện này. Học trò Việt Nam không được phép qua mặt ông thầy Trung Quốc, theo góc nhìn của tôi.
‘Con ngựa thành Troy’ về tư tưởng và nội sợ của chính quyền
Ông Menras André Marcel: Lịch sử, đặc biệt là lịch sử của Việt Nam, dạy chúng ta rằng tôn giáo thường đi trước và là cái cớ cho sự xuất hiện của súng ống. Các cường quốc nước ngoài đã sử dụng nó để mở rộng sự thống trị của họ. Và tôi hiểu chế độ cộng sản hiện nay sợ rằng tôn giáo sẽ can thiệp vào chế độ độc tài của nó như “con ngựa thành Troy” của một tư tưởng khác. Theo tôi, cần phải làm sao lưu ý với chính quyền Việt Nam rằng vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng không thể là một cái cớ để nhà nước, chính quyền can thiệp vào những vấn đề nội tâm của người dân, trái lại phải tạo điều kiện cho những người dân, những cá nhân được thực hành tôn giáo, tín ngưỡng của họ trong sự tự do, và vấn đề tự do này phải không được tách rời khỏi các quyền của con người, quyền dân sự, và tôi mong muốn vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng đó, khi chúng ta (phương Tây) đề cập, phải là thành tố hữu cơ, không tách rời của nhân quyền hơn là tự do tôn giáo tách biệt.
RFA: Có ý kiến nói rằng Phật giáo dường như đang trở thành một tôn giáo được ưa thích của chính quyền và đảng cộng sản tại Việt Nam, hay ít ra là với một bộ phận quan chức của chính quyền các cấp, có người còn đề cập từ ‘Quốc giáo’ của nhà nước VN, quý vị nghĩ gì về điều này, nếu điều đó là có cơ sở?
Ông Thành Đỗ: Những hiện tượng đầu tư vào các cơ sở tôn giáo thường được các quan chức chính quyền xem như sân sau của họ, nên ta thấy sự thất sủng của ông này bà kia kéo theo khó khăn của các sư thầy ‘quốc doanh’ của bên Phật giáo tại Việt nam. Ví dụ như sự ra đi hay thôi chức của một vài quan chức cấp cao trong ban lãnh đạo đảng, nhà nước được cho là kéo theo các khó khăn về ‘thuế vụ’ và sự ‘rắc rối của sư thầy Thích Thái Trúc Minh ở chùa Ba Vàng, người được coi là 'sân sau' của một vài đương, cựu quan chức đảng, nhà nước, chính quyền cấp cao.
Đã có sự quản lý các cơ sở thờ phượng như một cơ sở kinh doanh mà sự kết nối với quan chức gốc to như một lá chắn cho sự tồn vong của cơ sở tôn giáo. Người dân cũng biết nhưng vì nhu cầu tâm linh, họ chọn giải pháp mũ ni che tai, không dám ăn nói để tránh phiền toái với các quan chức ở địa phương.
Ông Menras André Marcel: Còn tôi đã bị sốc bởi những nhà tu hành Phật giáo ở Việt Nam thuộc các giáo hội, giáo đoàn được nhà nước thừa nhận, những người rất giàu sang, phú quý, có cuộc sống ‘tu hành’ hoàn toàn khác biệt so với tinh thần và đời sống của Đức Phật trước kia. Tôi cũng bị sốc vô cùng bởi những chùa chiền to lớn của nhiều ‘nhà tu hành’ thuộc giáo hội được nhà nước thừa nhận đó, những công trình tôn giáo chùa chiền đó của họ tốn hàng triệu, hàng chục triệu đô-la hay hơn thế để xây dựng, so với đời sống nghèo nàn, thống khổ của bao nhiêu người dân ở trong cộng đồng, xã hội, và ở ngay các vùng miền đó, thì một trời, một vực, và đã có biết bao nhiêu là trung tâm ‘Phật giáo’ như thế đã phát triển như những đại công ty kinh doanh tôn giáo, tín ngưỡng, kể cả lữ hành, du lịch quy mô siêu lớn để kiếm những khoản kinh phí, cúng dường… vô cùng quy mô để mà họ chi phí nội bộ với nhau… Do đó tôi không có bất cứ một sự kính trọng nào đối với những ‘tập đoàn’ tôn giáo mà được chính quyền thừa nhận đó như là những thế lực đầy ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị trong xã hội và trong đất nước ở Việt Nam.
Trên đây là ý kiến của hai nhà quan sát tự do tôn giáo và nhân quyền Việt Nam từ Pháp, chia sẻ với RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng. Ông Thành Đỗ là nhà nghiên cứu và giảng dạy độc lập, Trưởng ban nghiên cứu Phật học của đại học Phật giáo Linh Sơn tại Paris trong hơn 15 năm. Còn ông Menras André Marcel, người Pháp có song tịch Pháp – Việt, và còn được biết đến với tên trong tiếng Việt là Hồ Cương Quyết, là một nhà quan sát dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự và tôn giáo Việt Nam, ông là cựu giáo chức thuộc Bộ Giáo dục Pháp và là một nhà làm phim tài liệu độc lập.