WiFi công cộng và chứng mất trí nhớ của Gell-Mann
1-7-2023
https://baotiengdan.com/2023/07/01/wifi-cong-cong-va-chung-mat-tri-nho-cua-gell-mann/
Cách đây vài tuần tôi thấy báo Lao Động đăng một tin như thế này: “Nguy cơ mất sạch tiền vì chuyển khoản qua wifi miễn phí
Chuyển khoản ngân hàng khi dùng wifi miễn phí đẩy người dùng đối mặt với hàng loạt rủi ro. Thay vào đó để đảm bảo an toàn, chuyên gia khuyên nên chuyển sang dùng mạng 3G, 4G cá nhân.
[…]
Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Thế Thao – Trưởng nhóm bộ phận an ninh mạng tại NextTech – nhấn mạnh về hàng loạt rủi ro tiềm ẩn bởi kẻ xấu có thể lợi dụng để lừa đảo đánh cắp thông tin của người dùng.
“Để đảm bảo an toàn, người dùng nên chuyển sang dùng mạng 3G, 4G cá nhân. Nếu trường hợp bất đắc dĩ phải dùng mạng wifi công cộng thì nên dùng giải pháp VPN (truy cập ẩn danh). Nếu làm việc tại công ty thì sẽ có sẵn VPN, còn nếu không thì bạn có thể tự mua giải pháp VPN ở ngoài để mã hoá các thông tin giao dịch trên internet, từ đó đảm bảo an toàn hơn” – ông Thao cho hay.”
Những nhận định này có thể đúng cách đây 15-20 năm, nhưng ngày nay hầu hết dữ liệu truyền trên mạng Internet đã được bảo vệ bằng giao thức TLS (trước đây gọi là SSL). Tôi đã trực tiếp chứng kiến thay đổi mang tính cách mạng này và cũng đã có những đóng góp nhỏ, giúp Internet an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Các ngân hàng đều sử dụng TLS. TLS đảm bảo rằng, kể cả khi sử dụng WiFi công cộng, dữ liệu và tài khoản của bạn vẫn an toàn. Tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu chuyên gia đang nói đến rủi ro gì.
Chưa kịp viết phản hồi thì ngay hôm sau đi ăn trưa, tôi nghe một bác đại biểu quốc hội lặp lại y chang lời trên tờ Lao Động, rằng xài WiFi công cộng rất nguy hiểm, nhiều nguy cơ mất tiền trong tài khoản ngân hàng!
Bác này đã nhiều lần phản biện sắc sảo những chuyện quốc gia đại sự, tức là một đại biểu có khả năng suy nghĩ độc lập (woah!), nhưng bác ấy tin hoàn toàn lời trên mặt báo về lĩnh vực mà bác ấy không rành.
Tôi chợt nhớ đến Chứng Mất Trí Nhớ của Gell-Mann (Gell-Mann Amnesia).
“Briefly stated, the Gell-Mann Amnesia effect is as follows. You open the newspaper to an article on some subject you know well. In Murray’s case, physics. In mine, show business. You read the article and see the journalist has absolutely no understanding of either the facts or the issues. Often, the article is so wrong it actually presents the story backward—reversing cause and effect. I call these the “wet streets cause rain” stories. Paper’s full of them.
In any case, you read with exasperation or amusement the multiple errors in a story, and then turn the page to national or international affairs, and read as if the rest of the newspaper was somehow more accurate about Palestine than the baloney you just read. You turn the page, and forget what you know.” – Michael Crichton (1942-2008).
Murray Gell-Mann là một nhà vật lý lỗi lạc, từng đoạt giải Nobel. Michael Crichton là một nhà văn nổi tiếng, tác giả của Jurassic Park và một truyện mà tôi rất thích The Andromeda Strain.
Crichton mô tả, đại loại chứng mất trí nhớ Gell-Mann là hiện tượng chúng ta thường thấy báo chí viết sai bét trong lĩnh vực mà ta rành — tức là báo chí không đáng tin — nhưng khi chuyển sang đọc những đề tài không rành ta lại tin như sấm.
Không chỉ riêng báo chí truyền thống mà mạng xã hội cũng đều không đáng tin, đọc gì xem gì cũng cần phải suy nghĩ, kiểm chứng độc lập. Nhưng làm vậy thì mệt quá, ai có thời gian, nên phải dựa vào chuyên gia hay những nguồn chính thống như báo chí.
Câu hỏi là: Chúng ta phải làm sao khi chuyên gia không biết mình đang nói gì, còn nhà báo thì không có thói quen kiểm chứng độc lập?
Tôi không thấy câu trả lời nào khác, ngoại trừ một sự hoài nghi vĩnh cửu.