Trang

Thứ Năm, 6 tháng 7, 2023

4695. QUỐC SỰ VỤ

 Phiên nhóm Bộ Quốc Sự Vụ ngày mồng 9 tháng 2 năm Ðinh Hợi (1947)

 Đức Hộ Pháp.

Hôm nay chúng ta bàn giải về Quốc sự, vậy trước khi bàn đến vấn đề Quốc sự, tôi có mấy điều đưa ra trước để chúng ta vạch một con đường mà chúng ta sẽ đi hay nói là sẽ làm, vì chúng ta phải có mục đích rõ ràng.


Chúng ta cũng dư hiểu, hiện giờ các liệt cường như các nước Pháp, Anh, Mỹ, Nga mỗi nước đều có một chế độ chánh trị riêng. Nói đến chánh trị, chúng ta nên hiểu rằng, chế độ chánh trị do một mục đích, một chủ nghĩa, một tinh thần của quần chúng tạo ra.

Như xưa kia, nước Pháp còn dưới chế độ Quân chủ độc tài làm cho dân Pháp chịu không nỗi sự bất công tàn bạo của nhà vua, nên trong quần chúng có nhiều nhà triết lý cao thâm như: Jean Jacques Rousseau, Montesquieu, họ muốn đem lại công lý dân quyền, nên ngồi bóp trán suy nghĩ tạo nên một tinh thần chánh trị dân chủ, mà một khi đã phát sanh một tinh thần dân chủ rồi thì mới lập thành một chế độ chánh trị dân quyền.

Chế độ nầy phát sinh ra rồi thì quần chúng Pháp nhìn nhận nó là một chủ nghĩa dân quyền, phải tìm phương thi hành cho kỳ được, để đả đảo chế độ quân chủ độc tài. Nước Nga cũng thế, trước kia dân Nga bị oằn oại bóp chẹt dưới chế độ quân chủ độc tài nên Lénine cũng ngồi suy nghĩ tìm tòi phát sanh ra một tinh thần dân chủ và do tinh thần dân chủ đó nên lập thành một chế độ dân quyền Cộng Sản.

Tóm lại, quần chúng của mỗi nước vì cái nạn độc tài của quân chủ hay của một ông Thủ Lĩnh phát sanh ra một tinh thần cách mạng, rồi thì quần chúng lại tạo ra chế độ dân quyền.

Nếu đã có tinh thần chế độ chánh trị dân quyền rồi, thì quần chúng coi đó là một chủ nghĩa phải theo đuổi để bài trừ một chế độ không hợp lòng dân.

Ðến đây tôi xin để một câu hỏi? Vậy chớ quần chúng phải làm thế nào để bài trừ cái chế độ chánh trị tàn bạo kia hầu áp dụng chế độ dân quyền.

Theo tôi thấy thì quần chúng dùng hai phương pháp sau nầy:

Phương pháp thứ nhất: - Tranh đấu về tinh thần như biểu tình phản động, hoặc ngoại giao tranh đấu, hoặc bất hợp tác hay dùng kinh tế tranh đấu để bóp chẹt, đánh đổ một chế độ quần chúng cho bất hợp thời.

Phương pháp thứ nhì: - Vì tranh đấu theo phương pháp trên, quần chúng bị binh vực đàn áp, thế nên quần chúng hiệp lại thành khối, tạo nên một lực lượng binh bị tương đương làm hậu thuẩn đối phó lại để ủng hộ cái chủ nghĩa của mình.

Nói đến đây chư vị cũng dư hiểu rồi, vì ủng hộ cho một chủ nghĩa nên quần chúng tạo thành quân đội, để ủng hộ cái chủ nghĩa hay mục đích của mình vậy.

Nếu đã biết rằng vì ủng hộ một chủ nghĩa, nên chủ nghĩa đó tạo ra quân đội để làm hậu thuẩn, thì chúng ta phải nhận định rằng chánh trị tạo ra quân đội chớ quân đội không khi nào tạo ra chánh trị.

Cũng như chúng ta ngày nay, hỏi vậy chúng ta theo đuổi chủ nghĩa nào?

Có phải chúng ta theo đuổi chủ nghĩa Cao Ðài không? Nếu đúng như thế thì chủ nghĩa Cao Ðài vì muốn tồn tại nên phải lập ra quân đội. Như vậy quân đội là của chánh trị lập thành, nên quân đội phải tuân theo nguyên tắc chánh trị. Như thế quân đội phải do chánh trị điều khiển vì chúng ta làm chánh trị.

Làm chánh trị là làm Quốc sự, nên nước nào cũng có Bộ Quốc Sự . Bộ Quốc Sự muốn đạt thành con đường chánh trị của mình thì quân đội là cơ quan tạo nên để ủng hộ chánh trị đó vậy.

Xin chư vị thử nghĩ coi có phải thế không? Nếu phải thì chúng ta nên nhìn nhận rằng: Quân đội phải chịu quyền điều khiển của chánh trị để chúng ta làm quốc sự. Chúng ta Bộ Quốc Sự để làm chánh trị thì quân đội phải tuân hành theo những qui tắc chánh trị, còn về việc điều khiển quân đội khi hành binh thì do Bộ Tham Mưu quân đội được trọn quyền và được quyền đòi hỏi những vật liệu chiến tranh nơi Bộ Quốc Sự.

Tóm lại, chúng ta đã xác định rằng: Bộ Quốc Sự phải ban hành những qui tắc chánh trị để điều khiển quân đội hầu Bộ Quốc Sự đủ lực lượng và đủ điều kiện làm chánh trị.

Cũng như cổ kim lập triều đình, định chánh thể rồi, muốn ra nguyên tắc lập quân đội, quân đội không tuân hành đi nghịch lại mạng lịnh của triều đình thì triều đình bất lực nảy sanh loạn lạc. Bất cứ một ai trong nước mạnh đặng yếu thua, giựt giành thì không còn gì chánh trị nhân nghĩa nữa.

Trên đây là một sự thật của lịch sử tiến hóa chánh trị hay một phương pháp làm chánh trị.

Quần chúng vì làm chánh trị để tranh đấu lợi quyền nên lập ra quân đội làm hậu thuẩn cho chánh trị. Như vậy thì quân đội của quần chúng chớ không phải quần chúng của quân đội hay nói với sự hiểu rộng thì triều đình lập ra quân đội vậy.

Chúng ta ngày nay vì làm chánh trị nên phải có quân đội, ngày nào nếu chúng ta không làm chánh trị nữa thì quân đội phải giải tán.


 

Song thời cuộc bắt buộc chúng ta phải làm chánh trị, nên chúng ta đã bỏ thăm công nhận thành lập Bộ Quốc Sự rồi để thay mặt quần chúng làm Quốc Sự, cứu vãn sanh mạng và quyền lợi của họ vậy. Như thế chúng ta nên triệt để ủng hộ Bộ Quốc Sự của Hội Thánh để chống lại cái nạn chánh trị khốc hại của chế độ bốc lột hay nói là Ðế quốc chủ nghĩa.

Một bằng cớ trươc mắt chúng ta là ông D'Argenlieu sang Ðông Dương để lại cái trách vụ của Nội Các Pháp phú thác cho, hỏi vậy cái trách vụ ấy là những gì? Có phải là những Huấn Lịnh, những nguyên tắc, những điều kiện về chánh trị buộc D'Argenlieu phải tuân hành không?

Còn ngày nay chúng ta xem sao, chúng ta thấy rằng nước Pháp muốn áp dụng xứ nầy một chánh trị liên bang để thu hoạch cho được cái mục đích quyền lợi của họ, nên Nội Các Pháp sai ông Bollaert là một nhà chánh trị có biệt tài sang Ðông Dương mang theo những Huấn Lịnh, những điều kiện, những qui tắc chánh trị để tranh thủ với cái mục đích chánh trị của dân chúng Ðông Dương mà nhứt là dân chúng Việt Nam.

Bởi thế nên quân đội Pháp ở Ðông Dương phải chịu dưới quyền điều khiển của ông Bollaert, nghĩa là ông Bollaert có quyền định đoạt sự chiến hay hòa, hoặc kháng chiến, hoặc đánh với đối phương nào và những chỗ nào quân đội không được đụng chạm tới.

Như thế thì chúng ta rõ rằng ông Bollaert qua đây làm chánh trị, làm quốc sự chớ không phải qua đây chỉ có một lịnh chiếu.

Thử hỏi, nếu ông Bollaert không làm chánh trị thì chiến đấu để làm gì? Cho mục đích chánh trị nào? Bây giờ chúng ta lo làm quốc sự để đạt thành chủ nghĩa của chúng ta nên mới có Bộ Quốc Sự chuyên lo vạch con đường chánh trị sáng suốt để bàn định và giải quyết với cái chánh trị sáng suốt của ông Bollaert mang từ Pháp sang đây, vì theo tin tiếp được thì ông Bollaert và Thủ Tướng Hoạch sẽ đến Tòa Thánh nay mai.

Ngày nay chúng ta trên con đường phụng sự quốc gia phải tranh đấu về chánh trị để thâu hoạch lại những cái gì mà chúng ta có quyền hưởng một cách xứng đáng.

 

(*1) Trước kia trong Ðạo quan Quốc Sự Vụ.