Trang

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

2838. HỒI ĐÁP BẠN LONG NGUYEN: Hội Thánh Em & Bàn Trị Sự là một.

Đạo Hữu Dương Xuân Lương.
Bạn Long Nguyên:
Cảm ơn bạn đã gởi câu hỏi. Xin hồi đáp như sau:
Phần một: Vấn về Hội Thánh Em.
1/ Phân biệt Hội Thánh Em (03 chữ) và Hội Thánh Em Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (09) chữ.
1.1/- Hội Thánh Em & Bàn Trị Sự là một.
Bàn Trị Sự và Hội Thánh Em là hai định từ chỉ cùng một thực thể bao gồm 03 vị là: 01 Chánh Trị Sự, 01 Phó Trị Sự và 01 Thông Sự trong cùng một Hương Đạo. Phần nầy rất nhiều vị đã biết.
Còn Hội Thánh Em thì trong quyển Hạnh Đường Bàn Trị Sự (1970) Hội Thánh Cao Đài đã dạy rõ trong đó.

Nguyên văn:      

C. QUYỀN HÀNH CỦA BÀN TRỊ SỰ:
Nói về quyền hành của Chức Việc Bàn Trị Sự. Bàn Trị Sự là Hội Thánh em, có bổn phận Thể Thiên Hành Hóa, đồng quyền, đồng thể, không hơn không kém với Hội Thánh, nhưng trong phạm vi địa phận Hương, Ấp Đạo mà thôi vì theo Pháp Chánh Truyền thì :
CHÁNH TRỊ SỰ: Là người thay mặt Đức LÝ GIÁO TÔNG làm Anh Cả chư Tín Đồ trong Hương Đạo và cũng được gọi là Đầu Sư em, vì người cầm đủ hai quyền Chánh Trị và Luật Lệ cũng như Đầu Sư vậy.
PHÓ TRỊ SỰ: Là người cầm quyền Chánh Trị Đạo song không có quyền về Luật Lệ được đồng thể cùng Thông Sự lại đặng đồng quyền cùng Chánh Trị Sự trong một Ấp Đạo, cũng được gọi là Giáo Tông em, có bổn phận sửa đương, giúp đỡ, dìu dắt, dạy dỗ chư Tín Đồ trong địa phận mình trấn nhậm.
THÔNG SỰ: Là Chức Sắc của Đức LÝ GIÁO TÔNG khuyên HỘ PHÁP lập thành, là người của Hiệp Thiên Đài để tùng quyền Chánh Trị Sự mà hành Đạo, đồng thể cùng Phó Trị Sự trong một Ấp Đạo, song có quyền về Luật Lệ chớ không có quyền về Chánh Trị nên được gọi là Hộ Pháp em, để giữ lẽ công bằng trong địa phận của Phó Trị Sự cai quản.
Vậy Chức Việc Bàn Trị Sự là Chức Sắc của Đức LÝ GIÁO TÔNG và HỘ PHÁP lập thành để thay quyền cho Hội Thánh trong chốn thôn quê sằn dã, có bổn phận rất quan trọng đối với Nhơn Sanh thì chư Học Viên nên thấu triệt yếu lý đó để thật hành cho tròn trách nhiệm, chớ nên thờ ơ xem thường mà đắc tội cùng THẦY.
(hết trích)
Qua hai phần trình bày trên rất mong bạn phân định được phần nào câu hỏi nêu ra và đồng ý rằng: Trong nền chánh giáo của Đức Chí Tôn có sự nhất quán trong hai danh xưng nầy chăng?


1.2/ Hội Thánh Em Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (09) chữ.
Theo vi bằng phiên họp: “V/V: Chọn danh-xưng chính-thức để phát huy nội lực, đẩy mạnh quốc-tế-vận và đối trọng với chi phái 1997: Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ”.
Có ghi rõ:
Thánh lịnh 257 dạy rõ: Vậy thì dù cho cội Đạo bị cốt từ trên tới gốc đi nữa thì nó vẫn nẩy chồi, biến thành năm bảy cây khác. Đó đã chỉ rõ rằng Hội Thánh của Đạo Cao Đài chẳng hề bị tuyệt.
Hiện nay Hội Thánh Anh đã bị cốt (giải thể). Cho nên Bàn Trị Sự, Chức việc và Đạo hữu có trách nhiệm khôi phục lại Hội Thánh Anh. Hội Thánh Em từng địa phương ví như hạt đậu, chưa đủ sức để thực hiện quốc tế vận và chưa thể tạo thành thế lực đối trọng với chi phái 1997.
Phải tổ chức lại bằng cách gom tất cả các hạt đậu lại vào cái chum vàng: Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Trong cái chum vàng đó các Bàn Trị Sự, Chức việc và Đạo hữu tùy theo điều kiện mà tự giác, tự nguyện nhận trách nhiệm và có sự phân công chung để đóng góp công quả xây dựng lại Hội Thánh Anh. Phải có tổ chức như vậy chúng ta mới có điều kiện tối ưu để phát huy nội lực, chính danh trong việc quốc tế vận và đối trọng với chi phái 1997.
(hết trích)

  Phần hai: Muốn học đạo thì học ở đâu?
Đây là một câu hỏi rất lớn và rất quan trọng. 
Trả lời dài thì cả trăm trang cũng chưa hết ý, ngắn thì xin bạn đọc một bài thi của Đức Chí Tôn dạy Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q 2 phần thi văn:
Tìm Đạo mà chi khá hỏi mình,
Bến mê mới vững vớt quần-sinh.
Vun-trồng cội phúc ơn chan thấm,
Giong-ruổi đường Tiên nghĩa tạc gìn.
Tâm chánh nương nhau dìu lối chánh,
Lòng thanh nhờ lẫn lóng hơi thanh.
Thiên-cơ tuy hẳn nêu trưởng khảo,
Lướt khỏi, ngàn thu quả đắc thành.

Hội Thánh Em ĐĐTKPĐ căn cứ vào các văn bản của Hội Thánh Cao Đài để lại làm căn bản trong việc học đạo và hành đạo.
Văn bản của Hội Thánh thì phải có con dấu kiểm duyệt của Hội Thánh. Ngoài ra các văn bút của Đức Hộ Pháp mà Hội Thánh Cao Đài chưa kịp ban hành chúng tôi cũng coi theo đó làm gốc.
Hy vọng chúng tôi đã giải đáp phần nào câu vấn của bạn Long Nguyên.
Rất trân trọng
Thân mến.