BNS HÒA BÌNH CHUNG SỐNG SỐ 13.
RA NGÀY 01. 06. 2018.
Hội Thánh chưa
kiểm duyệt.
Xin thưa rằng theo chỗ học hiểu của chúng tôi đó là
tam lập: Lập công, Lập đức và Lập ngôn.
Thế nào là Lập công, Lập đức, Lập ngôn?
Theo lời giảng của Đức Hộ Pháp ngày 16. 10. Bính Tý
(29. 11. 1936) với các vị thợ hồ đang tham gia công quả xây cất Tòa Thánh do
nhị vị Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển và Luật Sự Phạm Ngọc Trấn ghi lại lời giảng của Đức
Hộ Pháp và phần phản hồi của các vị công quả:
Đức Hộ Pháp giảng:
Lập công:
Nơi cửa Đạo, trường công quả không buộc, không
ép, hễ ai muốn lập công để tạo quả vị thì làm, rất có nhiều phương lập công, từ
bực thấp hèn dốt nát đến hạng trí thức thượng lưu, đều tùy sức và tài năng của
mỗi người, nam nữ cũng vậy.
Lập Đức:
Người giỏi có văn tài thì làm việc công
văn ngồi bureau, cùng là đi Đầu Họ, Đầu Quận để hành đạo, đúng chơn truyền luật
pháp không sửa cải, họ phổ độ nhơn sanh lập đức chiếm đại công quả.
Lập ngôn:
Học
đạo ngôn ngữ của Thánh hiền phải cẩn ngôn cẩn hạnh, trước khi nói phải suy nghĩ
điều nào phải, điều nào lợi rồi sẽ nói. Một là chơn chánh, hai là dễ thương, ba
là hữu ích. Nhược bằng không được ba điều trên thì nên giới khẩu, làm thinh là
tốt hơn nói.
Ngài đúc kết:
Sự lập
công quả nơi cửa Đạo, dầu việc nhỏ việc lớn, đều là đắc vị được, do tâm đức để
tạo thiện đức, thiện công, thiện ngôn, trong ba mà thiếu một là
chưa chiếm được, dầu cho công phu đào luyện lên bực Đạo Nhơn đi nữa, một lời
nói chơi, nếu có hại cho người cũng đủ tái kiếp trả quả, chớ đừng nói đến sự
ghét giận người, gây oán trách hờn, không trọn tình thương thì không dễ gì đoạt
được Tam Lập.
Phương
pháp thực thi tam lập:
Phương
pháp Tam Lập, nói rõ là chỉ đem trọn mảnh thân nầy làm tế vật cho Chí Tôn đặng
phụng sự nhơn loại, nếu giải rõ thì rất nhiều chi tiết, để có dịp Bần đạo sẽ
thuyết minh hoặc viết sách in ra cho học hỏi.
Ông Trình là người được nghe giảng trực tiếp đúc kết
về tam lập:
Lập công:
Muốn đền ơn cha mẹ và xã hội vì công sanh
thành và xã hội nuôi hột cơm và manh quần tấm áo, nhờ đó mà ta sống, tức nhiên
đụng ai trả nấy, nghĩa là trả cho toàn thể nhơn quần xã hội trên mặt địa cầu
mới đúng thuyết Lập Công.
Lập Đức:
Những hạng văn hay chữ giỏi tài đức, người
ta mới giúp nhơn quần xã hội đúng theo lời thầy dạy là phải giúp nhơn loại khắp
cả hoàn cầu đặng Lập Đức.
Lập ngôn:
Còn Lập Ngôn thì tìm hiểu chép Thánh Ngôn
lời lành lời phải để lại cho nhơn sanh học hỏi cái Đạo ngôn ngữ mà bắt chước, …
Đức Hộ Pháp còn nhiều bài giảng khác về tam lập sau
khi bị đày ở Madagascar về. Nhưng chúng tôi chọn bài nầy vì có thể đây là bài
đầu tiên Ngài giảng rõ về tam lập.
Còn tiếp:
Căn cứ vào đâu để hiểu Tam Diệu Tam Bồ Đề chính là Tam
Lập.
Đạo hữu Dương Xuân
Lương.
SDT: 469 642 4667.
Skype: thu.john2
ĐỨC HỘ PHÁP
nói chuyện với thợ hồ đang xây cất Tòa
Thánh.
Ngày
16-10-Bính Tý (dl 29-11-1936)
Bài
ghi chép của Sĩ Tải Hiển và Luật Sự Trấn.
Công thợ đang ngồi nghỉ mệt nói chuyện, chợt thấy Đức Hộ Pháp đi
vừa đến, cả thảy anh em thợ sợ hãi vội lo kiếm việc làm, kẻ trộn hồ, người rinh
đá, ...
Đức Ngài bảo mấy em nghỉ, cả thảy lại đây.
Mấy em làm có mệt thì nghỉ, đừng có trốn lánh nặng tìm nhẹ thì
công quả không đầy đủ, đừng có tựu lại Sở, ghi tên rồi đi chơi, chờ đến giờ
chạy về làm bộ siêng năng đặng Cai Sở ghi công. Đó là mấy em tưởng làm đây rồi
trả nợ cho qua buổi.
Thường công việc làm ở ngoài Đời, họ buộc từ giờ từ khắc, là vì
mấy em làm ăn tiền, nên cái tật lánh né đã quen. Nơi
cửa Đạo, trường công quả không buộc, không ép, hễ ai muốn lập công để tạo quả
vị thì làm, rất có nhiều phương lập công, từ bực thấp hèn dốt nát đến hạng trí
thức thượng lưu, đều tùy sức và tài năng của mỗi người, nam nữ cũng vậy.
Người giỏi có văn tài thì làm việc công văn ngồi bureau, cùng là
đi Đầu Họ, Đầu Quận để hành đạo, đúng chơn truyền luật pháp không sửa cải, họ
phổ độ nhơn sanh lập đức chiếm đại công quả. Điều nầy rất khó, vì mang một
Thánh thể vào mình để dìu dẫn con cái Đức Chí Tôn, nếu ai đầy đủ Tam
Lập, được đem đại công về trình với Đức Chí Tôn; còn nếu làm không trọn
vẹn thì công quả đã mất mà còn thiếu nợ nhơn sanh nữa mà chớ!
Còn ngồi bureau làm công văn, mà cứ lo xem sách, truyện, đọc báo,
mà chờ giờ ghi công trả nợ, đến khi khai công nghiệp kể cho nhiều năm để thăng
phẩm Chức sắc về hữu hình thì dễ, còn về quyền năng thiêng liêng thì dễ gì qua
được, giỏi lắm là trừ hột cơm của nhơn sanh, chưa đủ nữa là khác!
Sự lập công quả nơi cửa Đạo, dầu việc nhỏ việc lớn, đều là đắc vị
được, do tâm đức để tạo thiện đức, thiện công, thiện ngôn, trong
ba mà thiếu một là chưa chiếm được, dầu cho công phu đào luyện lên bực Đạo Nhơn
đi nữa, một lời nói chơi, nếu có hại cho người cũng đủ tái kiếp trả quả, chớ
đừng nói đến sự ghét giận người, gây oán trách hờn, không trọn tình thương thì
không dễ gì đoạt được Tam Lập.
Còn mấy em đây là hạng dốt nát thì cứ vâng lời Hội Thánh, sự mệt
nhọc mồ hôi tầm tã mà không thối chí ngã lòng, ăn cháo rau, rách rưới, ngày nào
cũng vẫn như ngày nấy, dầu vậy mà mấy em có phước về đây hiệp cùng Qua lo tạo
tác Đền Thánh.
Trước kia đã 3 năm khởi tạo đều ngưng trệ bỏ dở vì không tạo được
tâm đức nên Hội Thánh giao cho Bần đạo lãnh làm. Bần đạo tạo tâm đức cho mấy
em.
Nếu ai muốn làm công quả, phải trọn hiến thân, chỉ có người Phước
Thiện về đây, đứa thì lãnh Đốc Công, Cai Sở, thợ hồ, công thợ, nam thì tu
chơn, nữ thì thủ trinh tình nguyện cho đến khi tạo Đền Thánh xong. Chỉ có
tâm đức đó, thầy trò mình mới dám lãnh, đứng ra làm.
Vậy, các em ráng bền chí lo công quả tạo tâm đức, lập âm chất, thì
Đức Chí Tôn ban cho mỗi đứa được hưởng cái vinh diệu vô cùng, ai muốn hưởng tại
thế thì hưởng, còn không thì hưởng phần thiêng liêng cao trọng và tồn tại.
Hồi mấy thế kỷ trước, nơi Đế Thiên Đế Thích, người cũng tạo bằng
cây gạch ngói vôi cát, Chí Tôn cũng cho đắc vị hết.
Bên nữ thì ham làm vì sợ thua bên nam, nên ráng làm cho rồi, còn
bên nam thì ỷ giỏi không cần làm, thả trôi, đến ngày Chí Tôn cho thành thì bên
nữ đắc vị về thiêng liêng nhiều hơn, còn bên nam thì ít.
Ngộ nghĩnh thay, lúc thành đạo, tòa Đế Thiên trở thành đá hết, đến
đỗi xung quanh và người đang bào đục, nấu cơm, . . . nói rõ là cả thảy người
nơi đó đều thành đá, bia tạc lưu truyền thiên niên chi cổ cho đến ngày nay vẫn
tồn tại, danh tiếng khắp cả hoàn cầu, mặc dầu xác họ là đá, nhưng linh hồn họ
đạt Phật vị cả.
Đền Thánh Đạo Cao Đài hiện tại ở Việt Nam ngày nay là nơi Đức Chí
Tôn ngự, tượng trưng Bạch Ngọc Kinh tại thế, bây giờ nó là gạch ngói, xi măng,
cát vôi, cho đến buổi thành thì là một khối đá vĩnh cửu trường tồn cũng như tòa
Đế Thiên đó vậy, nó sẽ mỹ lệ hơn nữa.
Rồi đây, mấy em muốn đến xem phong cảnh tòa Đế Thiên, Bần đạo sẽ
cho đến xem thì sẽ thấy quyền năng thiêng liêng vô đối. Vậy mấy em cứ lo
làm, đừng tưởng làm đây rồi không có hưởng gì, nếu mấy em đặt trọn đức tin nơi
Chí Tôn thì sẽ hưởng hồng ân vô đối của Ngài ban cho không gì bằng.
Khi làm Đền Thánh xong, Bần đạo còn chọn một chỗ cất Nhà Tịnh thì
mấy em cũng ráng làm nữa.
Ông Huỳnh Thiện Chơn:
- Bạch Đức Ngài, nếu cất Nhà Tịnh, mấy con cũng cứ lo làm công
quả, làm sao tịnh được và cấp bực nào mới xin vào
tịnh?
Đức Ngài nói:
- Bần đạo lập là chung cho cả nhơn loại, hạng nào cũng được, không
phân biệt Chức sắc hay tín đồ, hoặc các Chi phái xin trở về, cùng là các đạo
giáo khác, nếu muốn thì vào cũng được nhưng phải có Quyền Vạn linh công nhận
(đó là phần Chi phái và ngoại giáo).
- Bạch Đức Ngài, rồi đây người nào cũng xin vào tịnh, rồi ai lo
phổ độ, ai làm công quả, chỉ có mấy người không phận sự họ mới xin vào tịnh.
“Đức Ngài day lại nói với Sĩ Tải Hiển, Luật Sự Trấn ở bên
cạnh đang ghi chép:
- Hiển với Trấn hay tò mò lục lạo, các
nước ngoài người ta giỏi lắm, chế ra nhiều thứ chữ viết tắt lẹ lắm, mỗi khi hội
đàm cùng giảng thuyết, họ đều ghi chú lại hết, còn mình đây dốt, chưa phát
minh, có khi hội đàm cùng đi ra ngoài đời, có nhiều cái hay mà mình không chép
lại được để học hỏi. Mấy đứa bây ráng chế làm sao, làm dấu như thế nào để ghi
lại cái hay mà người ta nói giữa đông người.”
Đức Ngài nói tiếp:
- Chơn,
bộ em ham tịnh lắm sao? Đâu có phải những người làm biếng mà vào tịnh được. Trước
khi vào tịnh thì phải có đủ Tam Lập là: Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn. Nơi
cửa Đạo đặt ra việc chi đều là hữu ích cả, mượn Thể Pháp tượng trưng mới đoạt
Bí Pháp. Trước kia Bần đạo lập Phạm Môn xuất hiện tại Tòa Thánh tượng trưng
cửa Phật độ sanh hồn, tức nhiên gọi Phật; Minh Thiện Đàn mở tại Khổ Hiền Trang,
Bần đạo khai Thể Pháp tại đó, gọi là Pháp, Phước Thiện ngày nay đã ra thiệt
hiện, tức nhiên ra mặt xã hội, gọi là Tăng, thì nó sẽ bành trướng vận chuyển
lưu hành cùng khắp xã hội nhơn quần, nghĩa là phải phụng sự cho toàn thể chúng
sanh, tế khổ phò nguy, đi Đầu Họ Đầu Quận làm hậu thuẫn cho Hội Thánh Cửu Trùng
Đài, lo cơ tận độ, chỉ có công phổ độ mới giải quả tiền khiên. Ai không
có xuất thân hành đạo, nghĩa là không có công phổ độ thì không vào tịnh được,
vì không đủ Tam Lập.
Trước khi xin vào, phải nạp tất cả giấy tờ hành đạo, lai lịch từ
thuở nhỏ đến trưởng thành, ở ngoài Đời không án tiết, trong cửa Đạo cũng vậy,
trọn tùng luật pháp Đạo và trường trai mới được, rồi giao cho Pháp Chánh minh
tra về Thể Pháp đủ bằng chứng.
Chi Pháp phải giữ hồ sơ của mỗi người, còn nhiều điều trọng yếu về
vô vi, không thế gì Chi Pháp biết đặng, chiếu văn kiện thì đầy đủ lắm vậy, Chi
Pháp chỉ biết văn bằng hiện hữu về mặt hữu hình mà thôi. Khi minh tra đủ lẽ,
rồi mới giao cho Hộ Pháp cân thần, nếu vị nào đủ Tam Lập thì vào
tịnh được, bằng thiếu thì trở lại đi Đầu Họ, Đầu Quận, đi hành đạo nữa. Nói rõ
là phải có Hộ Pháp trục thần khai khiếu mới biết đặng đủ hay thiếu Tam Lập, còn
không thì ngồi tịnh, bụng lớn vô ích.
Ông Bàng:
- Bạch thầy, như thế mấy con đây làm công quả, không đi Đầu Họ Đầu
Quận làm sao vô tịnh được, vì không đủ Tam Lập?
Đức Ngài nói:
- Riêng về phần mấy em, cứ lo tạo Đền Thánh, rồi đây Bần đạo định
cho, phần thiêng liêng thì Chí Tôn đã hứa, còn về hữu hình, nếu muốn
làm quan Đạo thì Bần đạo ban cho phẩm Giáo Thiện, nam nữ cũng vậy.
Ông Trình bạch:
- Những hạng văn hay chữ giỏi tài đức, người ta mới giúp nhơn quần
xã hội đúng theo lời thầy dạy là phải giúp nhơn loại khắp cả hoàn cầu đặng
Lập Đức, còn Lập Công, muốn đền ơn cha mẹ và xã hội vì
công sanh thành và xã hội nuôi hột cơm và manh quần tấm áo, nhờ đó mà ta sống,
tức nhiên đụng ai trả nấy, nghĩa là trả cho toàn thể nhơn quần xã hội trên mặt
địa cầu mới đúng thuyết Lập Công. Còn Lập Ngôn thì tìm hiểu chép Thánh Ngôn
lời lành lời phải để lại cho nhơn sanh học hỏi cái Đạo ngôn ngữ mà bắt chước,
mấy con dốt có thế nào làm được?
Đức Ngài nói:
Bây giờ mấy em làm công quả, nó cũng ở trong thuyết Tam Lập, lại
nữa cái công tạo tác Đền Thánh là đền thờ chung của toàn nhơn loại sùng kính,
như thế cũng đáng lắm rồi.
Mặc dầu không đủ Tam Lập, mà mình làm điều gì mà toàn thể nhơn
loại hằng ca tụng, nhắc nhở và ghi ân, lưu danh hậu thế, cũng là một việc khó
làm, nó cũng sánh với công phổ độ vậy.
Nếu xét lại, em nào còn thiếu Thiện Công, Thiện Ngôn, sau nầy phải
xuất sư, cũng làm thầy tạo nghiệp đạo, rồi ngoài kia hễ Chức sắc xuất dương
ngoại quốc, các em cũng xuất sư tạo nghiệp ở các nước, nên ráng lập công, học
cho thông mọi việc theo nghề nghiệp mình.
Bần đạo khuyên các em ở cùng nhau một sở, phải coi nhau như ruột
thịt vậy, trên thương dưới, dưới không nghịch trên, dùng ngôn ngữ từ hòa đối
đãi với nhau để đoạt đạo ngôn ngữ, nam nữ cũng vậy.
Thợ hồ:
- Bạch thầy, mấy con về đây làm công quả, đã hiến thân trọn đời
vào Phước Thiện, hằng ngày cực khổ, ăn cháo rau, áo quần tiền bạc thiếu kém mọi
mặt mà không Thiện Công, Thiện Ngôn. Bạch thầy, kiếp sanh làm người ở thế mong
được cái Đức là hạnh phúc mà có người làm chưa được, bây giờ thầy dạy phải
Thiện Đức thì làm sao cho đặng?
Đức Hộ Pháp nói:
- Bần đạo hỏi mấy em về làm công quả tự mình đi hay là có ai
biểu?
- Mấy con là người hiến thân Phước Thiện thì trọn quyền của Hội
Thánh sai khiến, khi nghe Châu Tri mộ công quả, mấy con mới vâng lịnh ông Đầu
Họ biểu về đây.
Đức Ngài nói:
- Đó là lập công lập vị hay là chuộc quả, đứng vào hàng “Giáo
nhi hậu thiện” là nghe lịnh mà theo. Nếu các em nào tâm đức minh mẫn, được
“Bất giáo nhi thiện” là thiện công thiện ngôn đó vậy. Hạng nầy gọi là
phi thường, khỏi vào Nhà Tịnh họ cũng đoạt pháp được là vì họ sẵn là nguyên
nhân, họ hiểu biết mà làm, họ tự tạo âm chất, thật hành điều nghĩa điều thiện,
là Thể pháp, tức nhiên có thể đoạt Bí pháp, có điều thiếu một việc, muốn đắc
pháp phải có chơn sư khai khiếu mới trọn vẹn được, đó mới gọi là “Thượng
phẩm chi nhơn”; còn mấy em đây là “Trung phẩm chi nhơn, giáo nhi
hậu thiện”, mấy em tạo thiện đức được là là biết nghe lời Hội Thánh.
Người ta có tài thì làm việc hay, còn mình dở thì làm việc thường.
Bần đạo tỉ dụ một việc thường để mấy em dễ hiểu: Phận mình dốt thì làm theo
dốt. Muốn tạo thiện đức, thiện công, thiện ngôn là làm như vầy:
Mình nghe đâu có cất chùa thì mình tự tính đi đến xin làm công
quả; nghe đâu có ai bị tai nạn khốn khổ thì trong đêm ấy, nằm tính và thương
xót, nghe chỗ đó bị tai nạn, mình định sáng ngày rủ anh em hay tự mình đi, dầu
sáng nầy tằm chín hoặc có một mối lợi gì đó cũng bỏ, đi đến trợ giúp việc tai
nạn, đó là thiện đức, nghĩa là khi mình tính.
Khi đến nói như vầy: Thưa anh, tôi nghe anh bị tai nạn, tôi đến để
xin phép giúp anh một ngày, hoặc là vác một cái cây, hoặc là giúp một đồng bạc,
vậy xin anh vui lòng cho tôi giúp với một nghĩa mọn.
Khi mình nói là thiện ngôn, khi mình làm là thiện công. Chớ không
phải ỷ có của rồi nói sỗ sàng: đây tôi cho anh một đồng bạc mua gạo ăn đỡ đói.
Như vậy là chưa thiện ngôn.
Mấy em đừng có phân bì việc lập công với Đạo, bực Chức sắc mà
không làm được, còn mình là tín đồ thì làm gì!
Mấy em phải hiểu rằng cái tâm đức từ thiện ở cửa Đạo không phân
biệt lớn hay nhỏ, dầu nhỏ lớn đều làm được. Hễ ai có nguyên căn thì làm được.
Cam La sớm gặp cũng vinh,
Muộn thời Khương
Tử cũng vinh một đời.
Mấy em đừng lầm tưởng rằng phải vào Tịnh Thất mới đoạt pháp đặng.
Mấy em làm công quả hằng ngày là tô điểm nuôi nấng Thể pháp. Khi mấy em đắc
pháp mà mấy em chưa biết đặng, cái Thể pháp ở trong trong thuyết Tam Lập mình
tự đào tạo nó hay là lo làm âm chất và làm điều thiện, tự giác nơi lòng mình,
thì cái Chơn pháp ấy vẫn từ từ sẽ có và tồn tại. Đó mới gọi là Chơn pháp, chớ
chẳng chờ ai ban cho mình Chơn pháp.
Nếu tâm thiện mình không có, dầu thọ pháp hay là tịnh luyện rồi nó
cũng mất. Bởi lẽ ấy mà Bần đạo truyền Thể pháp lẫn có Bí pháp cho Chức sắc giải
oan, tắm Thánh, hôn phối và phép xác. Chỉ có Giáo Sư Minh vừa khá rồi cũng bị
lấy lại, còn bao nhiêu từ từ phai lợt của Bần đạo đã ban cho mà tự mình làm
mất, bởi lý do không giữ tồn tại.
1/. là sự nóng giận khiến ngôn ngữ không lành.
2/. là sắc dục, dầu cho vợ chồng cũng là sắc dục.
3/. là không trọn vẹn giữ trai giới và không tinh khiết.
Trọng đại hơn hết là cái đạo ngôn ngữ ở trong cửa Đạo, từ tín đồ
lập công cho đến Chức sắc phải có ba ngàn (3000) công quả, đã nhiều năm dày
công tu luyện mới nhập vào Thánh thể của Đức Chí Tôn, nếu mà chưa trọn đạo ngôn
ngữ, thốt ra một lời nói bất lợi cho mình cho người thì nó cũng tan như giá.
Nhứt ngôn khả dĩ hưng bang,
Nhứt ngôn khả dĩ tán bang.
Tỉ như lúc gặp đồng đạo của mình mà bị phạm tội với Đạo, với Hội
Thánh, với thầy với bạn, họ đã chịu khổ đau tâm hồn lắm vậy. Mình là người vô
tội hoặc là mang Thiên mạng vào mình, mà còn tánh đức phàm tục, cứ khinh rẻ chê
bai, trích điểm, làm cho bạn mình đau khổ thêm. Lẽ đạo thương người không hết,
có lý đâu buông lời nhạo báng, vô tình mà mình mất cả chơn pháp mà gánh lấy tội
của họ đã làm mà may duyên cho họ được trao lại cho mình.
Chớ chi Hội Thánh thay hình thể Đức Chí Tôn, dùng luật hữu hình
trị tội thì Thiên điều khỏi tội.
Còn mình không phải là thay hình thể Đức Chí Tôn, cũng là bạn đồng
sanh, mà mình chưa chắc gì trong sạch hơn kẻ đang có tội, mà mình lại lãnh thêm
nữa.
Cái huyền vi mầu nhiệm của Bí pháp rất hệ trọng lắm vậy.
Học đạo ngôn ngữ của Thánh hiền phải cẩn ngôn cẩn hạnh, trước khi
nói phải suy nghĩ điều nào phải, điều nào lợi rồi sẽ nói. Một là chơn chánh,
hai là dễ thương, ba là hữu ích.
Nhược bằng không được ba điều
trên thì nên giới khẩu, làm thinh là tốt hơn nói.
NGUYÊN TẮC DÂNG CÔNG ĐỔI VỊ.
Nhiều
bạn đọc nêu câu hỏi về nguyên tắc dâng công đổi vị. Chúng tôi xin đăng bài của Đức Nguyệt Tâm
Chơn Nhơn để quí bạn tham khảo.
(TNHT Q 2 trang 84. Bản in 1963).
Thánh-giáo
của Nguyệt-Tâm Chơn-Nhơn dạy rằng: Nước Thiên-đường thì ít kẻ, cửa Địa-ngục vẫn
nhiều người...
Thánh-Thất
Kiêm-Biên, ngày 14 tháng 2 Nhâm-Thân (20 Mars 1932)
Nguyệt-Tâm
Chơn-Nhơn.
Bần-Đạo
chào Quyền Giáo-Tông, Hộ-Pháp, Tiếp-Đạo và Hội-Thánh Ngoại-Giáo.
Nam nữ Thiên-phong xin nghe: nước Thiên-Đường thì ít kẻ, cửa Địa-Ngục vẫn nhiều người, chưa từng thấy hạng nhơn-sanh nào mà tự-trọng thân hình, chẵng hữu-ích chi cho cả cơ Tạo mà đoạt vị Thần, Thánh, Tiên, Phật. Ngôi vị Thiêng-liêng chẳng phải do nơi sự cầu may mà đoạt đặng.
Nam nữ Thiên-phong xin nghe: nước Thiên-Đường thì ít kẻ, cửa Địa-Ngục vẫn nhiều người, chưa từng thấy hạng nhơn-sanh nào mà tự-trọng thân hình, chẵng hữu-ích chi cho cả cơ Tạo mà đoạt vị Thần, Thánh, Tiên, Phật. Ngôi vị Thiêng-liêng chẳng phải do nơi sự cầu may mà đoạt đặng.
Bần-Đạo
khi đắc lịnh cầm Chưởng-Đạo lập Hội-Thánh giáo đạo tha phương, thì tùng lòng
bác-ái của Chí-Tôn, mở rộng thế cho nhơn-sanh dâng công đổi vị, Bần-Đạo chẳng kể là nguyên-nhân, hóa-nhân
hay là quỉ-nhân, ví biết lập công thì thành Đạo. Bần-Đạo để cho mỗi người tự-do
định-phận, lại tùy thế khó-khăn mà gầy thành-công-quả: ấy vậy, nếu lấy phép
công-bình thì tự-nhiên, nên thì thâu, hư thì bỏ. Bần-Đạo đã chán thấy kẻ
bất-lực rất nhiều. Vậy Bần-Đạo để lịnh cho mỗi vị Thiên-phong xét mình khai tội
cùng Giáo-Tông và Hộ-Pháp, rồi sau mới định rõ điều thưởng-phạt.
Thăng
Đây là
một bài viết rất hay. Đặc biệt phù hợp với chủ trương: Đem công lý đánh đổ
cường quyền. BBT BNS HBCS xin trân trọng giới thiệu đến quí bạn đọc. BBT.
Phản hồi luật sư Hà Huy
Sơn và tiến sỹ Huỳnh Thế Du
31/05/2018.
Báo Tiếng Dân.
Trung Nguyễn. 31-5-2018
Luật sư Hà Huy Sơn, một luật
sư đã nhiều lần nhận bào chữa cho những người bất đồng chính kiến ở Việt
Nam, đã có một câu hỏi gây tranh cãi
trên trang Facebook của ông, đó là Chủ nghĩa xã hội (CNXH)
Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ và đang bành trướng thế lực trên toàn thế
giới, vậy tại sao Việt Nam không thể xây dựng CNXH giống Trung Quốc và trở nên
hùng mạnh như Trung Quốc?
Cùng với đó, luật sư Hà Huy
Sơn cũng yêu cầu: “Những người đấu tranh dân chủ Việt Nam cần phải trả lời
nghiêm túc câu hỏi này.”
Thật sự câu hỏi của luật sư
Hà Huy Sơn không mới. Nó đã được giới tuyên giáo của đảng Cộng sản đưa ra làm
luận cứ tuyên truyền về sức sống của CNXH hàng chục năm nay. Rõ ràng sau khi
Liên Xô sụp đổ thì chỉ còn Trung Quốc làm “đại ca CNXH” để tiếp tục đưa ra làm
hình mẫu cho các nước còn lại đi theo.
Phân biệt hai mục tiêu khác nhau là “giàu mạnh” và “công
lý”
Điều đầu tiên tôi muốn nói
là, xuất phát điểm câu hỏi gây tranh cãi của luật sư Hà Huy Sơn hoàn toàn khác
với xuất phát điểm của việc tham gia vào phong trào dân chủ, phong trào xã hội
dân sự, bảo vệ môi trường hay việc đấu tranh bảo vệ những nạn nhân bị oan sai,
bị cướp đất. Cách đặt vấn đề đầu tiên là xây dựng một quốc gia giàu mạnh. Còn
cách đặt vấn đề thứ hai là xây dựng một quốc gia có công bằng xã hội, có công
lý bình đẳng cho mọi người dân.
Thật vậy, nhiều triều đại
phong kiến, nghĩa là rất độc tài, đã đưa được quốc gia tới mức “quốc phú binh
cường”. Chế độ phát-xít ở Đức, Ý, Nhật cũng đưa các quốc gia đó tới trình độ
phát triển cao, xây dựng nền công nghiệp và quân đội hùng mạnh. Chế độ cộng sản
như Trung Quốc hiện tại cũng đã đưa họ tới vị trí thứ hai thế giới về quy mô
nền kinh tế, thách thức Hoa Kỳ. Vậy thì nếu đặt vấn đề là đi xây dựng một quốc
gia chỉ cần giàu mạnh là được thì chúng ta hoàn toàn có thể ngồi bàn luận và
tranh cãi cả ngày về việc nên xây dựng chế độ phong kiến, phát xít, cộng sản
hay dân chủ. Cuộc tranh cãi này sẽ không bao giờ kết thúc.
Tiến sỹ Huỳnh Thế Du cũng
mới đưa ra một loạt bài trên Facebook bàn về “Sự thông thái tập thể hay độc tài
sáng suốt”, cũng nằm trong cách đặt vấn đề như luật sư Hà
Huy Sơn là đưa mục tiêu “giàu mạnh” lên cao nhất.
Ngược lại, cách đặt vấn đề
như giới [tạm gọi là] bất đồng chính kiến thì khác. Họ tranh đấu cho công bằng
xã hội, cho nền công lý. Họ không muốn thấy có người dân nào bị tịch thu đất
một cách bất công. Họ không muốn thấy có ai phải “tự tử” trong đồn công an hay
bị xử tử hình oan ức. Họ không muốn thấy lãnh thổ, lãnh hải quốc gia bị người
bạn “bốn tốt” của đảng Cộng sản Việt Nam gặm nhấm dần. Họ không muốn thấy môi
trường sống của người dân Việt Nam bị hủy hoại, để lại đại họa bệnh tật cho cả
các thế hệ mai sau… Tóm lại là họ muốn công lý phải được bảo đảm ở đất nước
Việt Nam này.
Chỉ có chế độ dân chủ thật sự mới có thể bảo đảm công lý
Trong tất cả các chế độ
chính trị đã từng xuất hiện trên quả đất này, chỉ có thể chế dân chủ với tòa án
độc lập, báo chí tự do, bầu cử công bằng, mới là chế độ khả dĩ nhất để có thể
bảo vệ công lý một cách bền vững và lâu dài.
Những người đấu tranh dân
chủ hoàn toàn ý thức được rằng, việc xây dựng một thể chế như vậy đòi hỏi rất
nhiều thời gian và nỗ lực, thậm chí trả giá bằng tù tội, bằng máu. Và việc một
xã hội dân chủ trượt ngược lại thể chế độc tài là hoàn toàn có thể như đang xảy
ra ở Nga hay Venezuela.
Những người đấu tranh dân
chủ cũng ý thức được rằng, các quốc gia dân chủ phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu,
… vẫn có tội phạm, vẫn có phân biệt chủng tộc, vẫn có tham nhũng chứ không có
nền dân chủ nào là hoàn hảo. Do đó, ngay cả khi Việt Nam có thể chế dân chủ,
những người đấu tranh vẫn sẽ tiếp tục việc phản biện, góp ý của mình để chỉ ra
những sai lầm, yếu kém của thể chế dân chủ. Thể chế dân chủ chỉ là phương tiện
chứ không phải là cứu cánh. Công lý
mới là cứu cánh.
Đó là lý do tại sao những
bậc tiền bối như cụ Phan Châu Trinh và những trí thức yêu nước hiện tại nhấn
mạnh vào “khai dân trí”, hay tạo dựng các phong trào xã hội dân sự để dân biết
rõ quyền của mình và sử dụng quyền của mình, tạo sức mạnh qua các hiệp hội dân
sự. Những người đấu tranh hiện tại hoàn toàn không ngây thơ hay không biết đến
sự thành công của Cộng sản Trung Quốc. Nói theo kiểu tiến sỹ Huỳnh Thế Du là
những người đấu tranh đang xây dựng “sự thông thái tập thể” để đưa dân tộc đi
tới thể chế dân chủ, bảo vệ công lý.
Chế độ cộng sản Trung Quốc có thể thành công nhất thời
nhưng cũng có thể bị sụp đổ ngay ngày mai
Chế độ cộng sản Trung Quốc
có thể đã rất thành công trong việc phát triển kinh tế, nhưng việc họ phải
thiết lập một hệ thống camera có trang bị trí thông minh nhân tạo gồm hàng
triệu, thậm chí hàng trăm triệu trên toàn quốc để kiểm soát người dân, cho thấy
Cộng sản Trung Quốc thừa biết, người dân có thể lật đổ chế độ độc tài bất cứ
lúc nào, và họ phải tìm ra những biện pháp hết sức tinh vi để khống chế người
dân.
Cộng sản Liên Xô từng đưa
người vào không gian, có bom nguyên tử, có tên lửa hành trình nhưng cuối cùng
do không có công lý, không có công bằng xã hội, không được dân ủng hộ, nên đã
đổ kềnh. Cộng sản Trung Quốc nói riêng hay các chế độ chính trị không đảm bảo
được công lý nói chung, rồi sẽ đi theo con đường sụp đổ đó.
Phê phán có đồng nghĩa với đạp đổ?
Ở đoạn kết, bài viết của
tiến sỹ Huỳnh Thế Du có một đoạn cũng gây tranh luận: “Nhìn ở góc độ
này, mỗi một cá nhân đều có vai trò đối với đường hướng phát triển của quốc
gia. Cơm áo gạo tiền thì ai cùng phải lo, nhưng nếu mỗi người luôn ý thức được
trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc tạo dựng tâm thế tiến lên của đất
nước thì mọi chuyện sẽ tốt lên. Khi đó, nhìn vào các vấn đề của cuộc sống sẽ là
con mắt phê phán trên tinh thần xây dựng, muốn mọi thứ tốt lên.
Trái lại, mỗi người (nhất là những ai có điều kiện) chỉ
chăm chăm lo cho cá nhân và gia đình mình và trút sự bực dọc hay lấy những trục
trặc trong xã hội để đổ vấy/che dấu sự kém cỏi của mình với tâm trạng muốn đạp
đổ thì quốc gia khó mà phát triển, xã hội khó mà tốt đẹp lên được”.
Có lẽ tiến sỹ Huỳnh Thế Du
phản đối những lời lẽ hằn học chửi bới đảng Cộng sản trên Facebook. Tôi không
đồng ý với những lời lẽ chửi bới thô tục, nhưng tôi hoàn toàn thông cảm. Nếu
tiến sỹ Du đặt mình vào vị trí một người nông dân bị mất đất và bị tù tội như
gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn ở Long An, đặt mình vào vị trí của thầy Thích
Không Tánh bị mất chùa Liên Trì, bị bòn rút từng đồng tiền thấm đẫm mồ hôi nước
mắt của doanh nghiệp và tài xế qua thuế xăng và các trạm BOT… thì tiến sỹ Du
mới hiểu được những lời lẽ phê phán đôi khi nặng nề trên Facebook.
Một chính quyền lương thiện
sẽ lắng nghe tiếng dân trên các mạng xã hội, qua các cuộc bầu cử, qua báo chí
tự do để điều chỉnh, dù những lời phê phán có khó nghe. Còn một chính quyền bất
lương sẽ tìm cách siết chặt tự do ngôn luận, bỏ tù những người dám phê phán
mình như dự luật An ninh mạng sắp được thông qua.
Việc tiến sỹ Huỳnh Thế Du
đánh đồng những người lên tiếng khác với kiểu của tiến sỹ là “che giấu sự
kém cỏi của mình với tâm trạng muốn đạp đổ” có lẽ là quá võ đoán, y như
những thẩm phán cộng sản xử những người bất đồng chính kiến luôn theo hướng quy
chụp, suy diễn có tội. Việc tốt nghiệp tiến sỹ ở đại học Harvard không đồng
nghĩa với việc có thể tự cho mình đứng cao hơn người khác và phán xét người
khác. Chỉ một đoạn văn ngắn của tiến sỹ Du đã khiến vị trí của tiến sỹ thấp hơn
rất nhiều so với các trí thức khác đang ngày đêm lên tiếng vì sự tiến bộ của
đất nước như Phan Đình Diệu, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Võ Trí Hảo, Nguyễn
Quang A, Hoàng Dũng…
Thể chế dân chủ vẫn là tốt nhất
Tóm lại, qua bài viết này,
tôi mong muốn trả lời cho câu hỏi của luật sư Hà Huy Sơn là, có nên đi theo mô
hình CNXH Trung Quốc hay không và cũng chỉ ra mục tiêu, xuất phát điểm lý luận
của luật sư Hà Huy Sơn hay tiến sỹ Huỳnh Thế Du rất khác với những người tạm
gọi là bất đồng chính kiến hay đấu tranh dân chủ.
Khoa học xã hội nói chung và
khoa học chính trị hay khoa học kinh tế, không hề giống như khoa học tự nhiên.
Ví dụ như Cuba, Lào, Việt Nam, Bắc Hàn cũng theo chế độ Cộng sản nhưng không
thành công được như Trung Quốc. Chế độ nào đưa đất nước đến giàu mạnh thật khó
nói. Tuy nhiên, công lý, bình đẳng xã hội thì ít có tranh luận hơn nhiều. Đó là
lý do tại sao những người đấu tranh vẫn sẽ tiếp tục con đường tranh đấu cho một
thể chế dân chủ đúng nghĩa./.
Kỳ 7: Những kẻ chủ mưu giấu mặt trong đêm 680
nông dân bị bắt
09/04/2018.
Báo Tiếng Dân.
PLVN. Nhóm PV. 9-4-2018.
Tiếp
theo Kỳ 1: Cuộc cưỡng chế “thí điểm”
khủng bố tinh thần toàn xã — Kỳ 2: Túp lều dập dềnh bên dự án
tỷ đô — Kỳ 3: “Mưu hèn, kế bẩn” ức hiếp
cả người chết — Kỳ 4: “Kỷ lục” thu 562m2 đất,
bồi thường… 327 ngàn đồng
— Kỳ 5: Bước đường cùng của bà lão
đẩy lùi ba cuộc cưỡng chế
— Kỳ 6: “Giọt nước tràn ly” khi mộ
phần tiên tổ bị xâm hại
Phiên
tòa kết tội 46 nông dân. Ảnh: PLVN
(PLO)
– Kể từ buổi chiều 18/2/2009 xuất hiện nhóm người lạ xuất hiện ném đá vào
trụ sở xã, kích động đám đông đang phản đối “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở
Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch
vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop làm chủ đầu tư), điểm nóng đất đai
tại Long Hưng đã bị lái đi sang một hướng khác: Từ bản chất việc nông dân phản
đối dự án trái luật, đền bù rẻ mạt; chủ đầu tư xâm hại mồ mả; đòi chính quyền
địa phương bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân; lại chuyển thành vụ nông dân
“đối đầu” chính quyền.
Hồ
sơ vụ án không nhắc đến mâu thuẫn giữa nông dân với chủ đầu tư lấy đất giá rẻ
mạt, mà đẩy sự việc sang hướng cáo buộc nông dân “làm tê liệt hoạt động toàn bộ
hệ thống chính trị xã” từ 13h – 23h ngày 18/2/2009, làm số tài sản trị giá hơn
650 triệu bị thiệt hại. Hồ sơ vụ án không nhắc đến những bức xúc chính đáng của
nông dân mất đất, mà chỉ thấy mô tả những nông dân “manh động, hung hăng”. Cái
đêm kinh hoàng ấy, công an từ khắp nơi đổ về đông nghẹt lùng bắt người.
Xã
có khoảng 1.000 hộ dân, nhưng có tới hơn 600 người bị bắt. 46 người sau đó bị
tuyên tổng mức án tù gần 140 năm. Những dự định khiếu nại phản đối của dân với
dự án Dona.Coop lúc đó bị nỗi sợ bắt bớ tù đày làm tê liệt. Đó cũng là lúc
Dona.Coop “thôn tính” nơi hàng ngàn người chết yên nghỉ mà gần như không vấp
phải một sự phản đối đáng kể nào nữa. Dự án từ chỗ chỉ hơn 300ha, mở rộng thành
hơn 1.000ha, xóa trắng xã Long Hưng.
Thế
nhưng sự thật dù chín năm đã trôi qua, nỗi uất ức trước bất công vẫn chưa bao
giờ nguôi. Long Hưng vẫn là điểm nóng bậc nhất cả nước về đất đai, lòng dân vẫn
phẫn nộ như ngọn lửa âm ỉ. Như lời anh Trần Văn Tám (SN 1974, ngụ ấp An Xuân),
người cho rằng bị ngồi tù oan 18 tháng, thẳng thắn: “Xin các anh cứ cho lên
báo. Tôi ngồi tù oan không được giảm ngày nào. Trước khi hết hạn tù, họ còn
buộc tôi cam kết về “phải nói dự án Khu đô thị Long Hưng tốt”. “Tốt” mà đẩy
chúng tôi vào tù như vậy sao”.
Những
kẻ giấu mặt kích động đám đông
Bản
kết luận điều tra (KLĐT) về vụ việc của Công an Đồng Nai miêu tả lại vụ án như
sau: “Khoảng 19h15, 24 cảnh sát cơ động đến giải tán giải vây đưa Bí thư, Chủ
tịch và số cán bộ xã ra ngoài trụ sở. Các đối tượng sau khi dạt ra khỏi cổng
trụ sở xã khoảng 20m đã quay lại tấn công. Cảnh sát dùng lá chắn để chống đỡ.
Bị can Lường bị đám đông phía sau ném gạch đá trúng bị thương nhẹ và ngã xuống.
Trong đám đông có tên hô lên vu là công an đánh chết người… Trước áp lực tấn
công của quá đông đối tượng gây rối, sau khoảng 30 phút chống đỡ, cảnh sát rút
vào UBND xã…
Đến
khoảng 21h, sau khi cảnh sát và cán bộ địa phương rút khỏi trụ sở, các đối
tượng gây rối làm chủ toàn bộ trụ sở và tiếp tục la hét, reo hò cổ vũ nhau thực
hiện các hành vi quá khích. Khoảng 23h phần lớn các đối tượng giải tán. Đến
23h20 các lực lượng chức năng mới giải tán được hoàn toàn đám đông và vãn hồi
trật tự”.
Trái
ngược với cáo buộc đó, ông Lý Văn Hiệp (SN 1958), một nông dân bị chín tháng tù
vì “tham gia gây rối” cho rằng: “Người dân từ một ngày trước đó đã đến trụ sở,
yêu cầu xã xử lý nhóm người Dona.Coop xâm hại mồ mả. Lãnh đạo xã không ra
đối thoại trò chuyện nên dân mới bức xúc kéo đến ngày càng đông”.
“Đám
đông la ó thì có nhưng quậy phá, rượt đuổi cán bộ thì không. Chiều 18/2/2009,
sự việc diễn ra đỉnh điểm là do có một nhóm người lạ mặt, không phải người địa
phương, đến kích động người dân. Đây chính là tử huyệt khi người dân không kiềm
chế được cảm xúc của mình đã hùa theo mà vi phạm pháp luật. Những người đó là
ai, không thấy công an tìm kiếm”.
Ông
Nguyễn Thanh Long (SN 1944), một người chứng kiến sự việc, chung quan điểm:
“Cuối giờ chiều, bất ngờ xuất hiện một chiếc xe chở một nhóm đối tượng lạ ập
đến, hòa vào đám đông, kích động bằng cách ném gạch đá vào trụ sở xã. Việc này
ngay khi đó tôi đã báo lại cảnh sát”.
Ông
Lê Đình Hạnh, một người khi đó thuộc lực lượng dân phòng xã xác nhận: “Trong
đám đông có một số người lạ. Tôi thấy một phụ nữ mặc áo đỏ không rõ là ai xông
vào trụ sở ném một máy tính từ trên lầu xuống và rất nhiều hồ sơ giấy tờ khác”.
Một
số nhân chứng cho hay có nhóm người lạ kích động nông dân xã Long Hưng gây ra
vụ gây rối. Ảnh: PLVN
Bản
KLĐT cũng xác nhận những nông dân Long Hưng không có dự tính, bàn mưu trong vụ
án này: “Các bị can, đối tượng không bàn bạc, phân công, mà bộc phát từng bị
can tự thực hiện hành vi…”; “Một số bị can đối tượng trước khi tham gia gây rối
đã hoặc đang uống rượu, nhưng không phải do tổ chức uống rượu để đi gây rối mà
là như thường vẫn diễn ra trong sinh hoạt hàng ngày, khi nghe tin về vụ việc đã
tự động đến xem”…
Rất
nhiều “đối tượng bí ẩn” nắm vai trò xúi giục, đưa hung khí cho các bị can cũng
được nêu trong KLĐT: Như đối tượng đưa cây sắt cho bị can Đỗ Phước Hậu, đối
tượng la lớn “công an đánh chết người”, đối tượng ném chai xăng gây bỏng một
người dân, đối tượng “một người con gái không biết tên” lấy hồ sơ trong phòng
công an xã… Bản KLĐT không kết luận những “đối tượng” đó là ai.
Đám
đông “manh động, hung hăng” là thế nhưng số hung khí tang vật công an thu được
chỉ là: 3 cây gỗ tròn; 2 ống sắt; 2 vỏ chai màu xanh; 1 vỏ bình kim loại nghi
bình ga mini; 5kg xà bần gạch đá, mảnh vỡ, giấy tờ…
Cuộc
“gây rối” tận nửa đêm mới chấm dứt, khi lực lượng công an từ khắp nơi kéo đến.
“Lúc đó khoảng 23h30, khi thấy đông công an, người dân kéo nhau ra về. Nhưng
thời khắc đó, người dân xã Long Hưng chứng kiến cảnh bắt bớ chưa từng có từ
thuở khai thiên lập địa”, anh Tám kể lại.
Lọt
vào ống kính thu hình là bị bắt
Trước
đó, tất cả những người dân tụ tập tại UBND xã đều đã bị quay phim. Người quay
phim này được KLĐT xác định là “cán bộ công an tên Châu”. Những người lọt vào
ống kính thu hình được chỉ điểm tên họ, nơi ở. Ông Hiệp kể: “Nửa đêm cho đến
sáng, cuộc bắt bớ diễn ra trong sự hoang mang tột cùng của người dân. Lực lượng
công an, chó nghiệp vụ đi đến từng nhà. Từng người lần lượt cúi đầu, hai tay
còng sau lưng, bị giải ra xe rồi chạy thẳng về trại giam B5 Biên Hòa”.
Đêm
ấy và những ngày sau đó, có tới 680 người bị bắt, trong khi cả xã chỉ có hơn
1.000 hộ dân. Đêm ấy xã Long Hưng sống trong tột cùng hoảng loạn, người người
không ngủ. Chó nhà gặp chó nghiệp vụ sủa váng từ đầu ấp đến cuối ấp. Tiếng bước
chân lùng sục rầm rập khắp các đường quê. Công an rảo khắp xóm làng, tìm bắt
người.
Đêm
ấy người ta nơm nớp lo sợ tiếng gõ cửa. Người đóng cửa thật chặt, nín thở ở
trong nhà. Người hoảng loạn bơi sang sông qua xã khác. Người sợ hãi lật đật tự
tìm đến công an xã. “Thời bình mà bị “bố ráp” quá thời Mỹ – Ngụy bắt dân. Nông
dân bị bắt nhiều không kể xiết. Tất cả là do cái dự án Khu đô thị Long Hưng. Nó
lái mâu thuẫn giữa người dân và Dona.Coop thành mâu thuẫn người dân với
chính quyền. Nó tích tụ uất ức khiến nông dân thiếu hiểu biết không còn giữ
mình được trong một phút chốc và có hành vi trái pháp luật”, ông Hiệp trầm
ngâm.
Nhiều
ngày sau đó, cuộc bắt người vẫn chưa dừng lại. “Hễ ai có mặt đều bị quay phim,
chụp hình, đều bị cho là có tội, bị phạt tù hoặc phạt tiền”, ông Hiệp nói. Chín
tháng sau, tòa Đồng Nai đưa ra xét xử 12 ngày, kết án 46 nông dân, tuyên phạt
gần 140 năm tù. 27 bị cáo kháng án, cấp phúc thẩm y án. Gông cùm đã đeo vào
tay, án tích đã đeo bám cuộc đời những nông dân lương thiện.
Donacoop
không thấy bị nhắc tên. Chỉ Doãn Văn Hợp, tổ trưởng tổ đo vẽ Trung tâm kỹ thuật
địa chính nhà đất tỉnh Đồng Nai, người được Dona.Coop thuê đo vẽ hiện
trạng nghĩa địa, bị… xử lý kỷ luật cảnh cáo.
Bà
lão mẹ của bị cáo Đỗ Phước Hậu (SN 1981, ngụ ấp Phước Hội), người bị tuyên án
hơn sáu năm tù, sau này bị cho là “thắt cổ chết trong trại giam” kể lại: “Đêm
ấy công an ập đến khi con tôi đang ôm đứa con trai nằm ngủ. Thằng nhỏ mới hơn
hai tuổi bị gỡ khỏi tay cha, khóc lặng người. Công an còng tay con tôi đi không
giải thích gì. Ngày tòa xử, chúng tôi có lên nhưng không được vào, có biết gì
đâu”.
Vụ
án không được công luận biết nhiều, chỉ một vài tờ báo đưa tin ngắn “xét xử 46
bị cáo gây rối đốt trụ sở xã”. Vụ án đã không trả lời được nguyên cớ sâu xa
nhất: Ai là những kẻ chủ mưu kích động nông dân “gây rối”? Tại sao những nông
dân hiền lành, chân chất, quanh năm “chân lấm tay bùn” với đồng ruộng, ao cá
lại hành động như vậy? Tại sao dự án được mỹ miều gọi là “mang lại lợi ích về
kinh tế, chính trị cho người dân xã Long Hưng” lại bị chính người dân xã này
phản đối như vậy. Ai đã đẩy những nông dân lương thiện vào tù?
Vụ
án không chỉ có những khúc mắc trên mà còn có dấu hiệu rất nhiều nông dân chịu
án tù oan. Như trường hợp ông Trương Văn Công (SN 1962, ngụ ấp An Xuân). Bản
KLĐT nêu nguyên văn hành vi của ông: “Tụ tập hô hào và đuổi đánh nhau tại UBND
xã trong thời gian vụ án xảy ra”. Ông Công cho hay sự thật thì chỉ hiếu kỳ đến
xem, thấy ngạc nhiên nên la “ớ ớ…” khi thấy bà chủ tịch xã bị người dân khiêng
từ phòng làm việc ra ngoài do được dân yêu cầu ra ngoài đối thoại nhưng bà
không chịu.
“Hôm
18/2/2009, tôi đang nằm ngủ thì nghe ầm ĩ mọi người đang tập trung ở trụ sở xã
phản đối quẹt sơn lên mộ. Tôi chạy ra, đứng ngoài cổng, thấy bà chủ tịch bị
khiêng ra. Nghe người la “ớ ớ” quá trời, lại thấy lạ quá, tôi cũng “ớ ớ” la
lên. Đến rạng sáng 19/2/2009, tôi bị bắt giam. Người ta đổ tôi đuổi đánh cán
bộ, công an, tuyên tôi một năm tù. Tôi không đánh ai cả, tôi chỉ la theo người
dân”.
Thế
nhưng nỗi oan như của ông Công vẫn chỉ là chuyện nhỏ so với bi kịch oan trái
của một số khác trong 46 nông dân bị kết tội.
(Còn tiếp).
Dự án “tỷ đô” của Donacoop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh
điêu tàn.
–
Kỳ 8: ‘Tui là Trần Văn Tám ở tù oan đây’
10/04/2018.
Báo Tiếng Dân.
PLVN. Nhóm PV. 10-4-2018
Tiếp
theo Kỳ 6: “Giọt nước tràn ly” khi mộ
phần tiên tổ bị xâm hại
— Kỳ 7: Những kẻ chủ mưu giấu mặt
trong đêm 680 nông dân bị bắt.
“Tui
là Trần Văn Tám ở tù oan đây”. Ảnh: PLVN
(PLO)
– Anh Tám kể trước ngày ra tòa, có người tìm đến nhà, nói với ba mẹ anh nếu
chấp nhận giao đất cho Dona.Coop thì con trai ông bà sẽ được hưởng án treo. Còn
nếu không giao sẽ đi “tù ở”. Và anh đã bị đi tù thật, thậm chí là đến 18 tháng
tù giam chỉ vì lúc đi qua đám đông, anh được người ta gọi nên đã tấp vào bán
nửa cây nước đá.
“Bị
can Trần Văn Tám (SN 1974 tại Đồng Nai, Nơi ĐKTT: ấp An Xuân, xã Long
Hưng, Long Thành (nay đã thuộc Biên Hòa – NV).
Văn
hóa: 4/12.
Tiền
án tiền sự: Không.
Ngày
18/2/2009 cùng đồng bọn tham gia gây rối trật tự công cộng tại UBND xã Long
Hưng. Bị bắt ngày 19/2/2009.
Qua
điều tra đã chứng minh Tám tham gia vụ án với các hành vi: Ngày 18/2/2009 tụ
tập ở UBND xã Long Hưng phản đối chính quyền quy hoạch giải tỏa đất đai mồ mả.
Sau đó tiếp đá lạnh cho các đối tượng gây rối pha nước uống.
Hành
vi nêu trên của Trần Văn Tám đã đủ yếu tố cấu thành tội Gây rối trật tự công
cộng, được quy định tại Điều 245 BLHS, với vai trò là người giúp sức tích cực”.
Đó
là phần cáo buộc trong bản kết luận điều tra vụ nông dân “gây rối” của Công an
Đồng Nai với anh nông dân Trần Văn Tám. Chỉ sơ sài những con chữ “buộc tội” như
trên cũng dẫn đến bản án tù 18 tháng, và phía sau những con chữ đó là số phận
một con người ôm nỗi oan khuất thấu trời.
Bán
nước đá cho đám đông cũng bị tù
Hành
vi “tụ tập ở UBND xã phản đối chính quyền quy hoạch giải tỏa đất đai mồ mả”,
sau đó cơ quan tố tụng đã không chứng minh được. Trích xuất phim ghi lại hình
ảnh những người phản đối “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã
Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp
tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop, làm chủ đầu tư), chỉ thấy hình ảnh người đàn ông
bán nước đá xuất hiện lúc vác nửa cây nước đá bỏ vô thùng. Vậy nhưng bản án gần
600 ngày tù vẫn ập xuống đầu anh Trần Văn Tám (SN 1974, ngụ ấp An Xuân, xã Long
Hưng).
Anh
Tám là người bán nước đá duy nhất ở xã. Mỗi ngày, anh chạy xe ba gác khắp các
ấp trong xã giao nước đá cho quán ăn, tiệm tạp hóa… Ngày 17 – 18/2/2009, anh
thấy người dân tụ tập, la ó ở trụ sở UBND xã. Mặc dù ba mẹ có nhà đất bị thu
hồi, có mộ bị quẹt sơn, nhưng anh nông dân mới học đến lớp Bốn không tham gia
đám đông, không rõ người ta “gây rối” hay làm gì. Anh chỉ cần mẫn với việc bỏ
nước đá của mình, nuôi vợ và hai con, đứa học lớp Sáu, đứa học lớp Chín.
“Đầu
giờ chiều ngày 18/2/2009, tui đến giao ba cây nước đá cho chủ tiệm tạp hóa đối
diện trụ sở xã, chủ tiệm là anh Ba Đức. Lúc này tui thấy rất đông người dân
trong trụ sở. Có người hỏi mua nửa cây nước đá, yêu cầu tui vác sang trụ sở xã,
bỏ vào thùng nước dưới chân cột cờ. Lúc đó nửa cây nước đá giá 12 ngàn đồng.
Người ta mua thì tui bán, đó là quyền chính đáng của tui. Có ai thông báo cấm
bán nước đá đâu mà bảo tui “tiếp tay”. Tui vác nước đá vào, có người tới quay
phim, tui không quan tâm. Bán xong, tui chạy xe đi giao đá nơi khác”, anh Tám
kể.
Cứ
ngỡ chuyện bán nước đá là bình thường, không liên quan đến vụ “gây rối”. Nhưng
anh Tám không ngờ, rạng sáng hôm sau, ngày 19/2/2009, khi anh đang mắt nhắm mắt
mở chạy xe lôi đi giao hàng như thường ngày, ngang qua trụ sở xã thì bị công an
chặn lại, kêu vô “làm việc”. “Vô đó các ổng bắt ngồi ghế đã đời, sau đó quay
phim chụp hình, chẳng hỏi gì ráo, còng tay đưa lên xe bít bùng, chuyển về trại giam
B5 (Biên Hòa)”.
Lúc
anh bị bắt, xe lôi chở nước đá còn nguyên, công an không cho gọi điện về nhà.
Mãi gần trưa, vợ anh nghe hàng xóm báo tin chồng bị bắt, mới lật đật chạy đến
hỏi thăm. Người phụ nữ òa khóc một tay gạt nước mắt, một tay lật đật chạy xe đi
giao nước đá, sợ mất mối, hai con ở nhà lấy gì ăn.
“Phải
nói tốt cho dự án không nó nhốt”
Anh
Tám bị đưa lên trại giam B5 để điều tra, tại đây anh gặp nhiều người cùng “gây
rối” bị bắt. Toàn những người chưa chịu giao đất cho dự án của Dona.Coop. “Cùng
bị đưa lên ngồi chung xe với tui, còn có con nhỏ cỡ 22-23 tuổi lạ mặt mặc áo
đỏ. Sau này nghe hàng xóm kể, mới biết con nhỏ đó là một trong những đối tượng
kích động, đập phá (PLVN đã phản ánh trong bài 7 – NV). Công an còn mướn đò
sang tận Quận 9 (TP HCM) bắt thêm ít nhất hai người khác kích động. Lạ là không
thấy tụi này có tên trong kết luận điều tra, xử cũng không thấy. Đến giờ dân
vẫn ấm ức chưa biết tụi nó ai thuê đến quậy phá”, anh Tám kể.
“Trong
phòng lấy lời khai, đầu tiên họ vu cho tui kéo xe chở đá cục đến ném vô trụ sở
xã. Tui nói với mấy ông công an: “Các ông cứ mang hình ảnh các ông quay được ra
đây coi. Nếu thấy tui la hét, quậy phá, đập xe, hay chỉ cần chọi một cục đá…
thì các ông yêu cầu gì tui chấp nhận hết”. Họ lấy phim ra coi, chỉ thấy dính
hình tui vác nước đá chặt bỏ vô thùng. Vậy mà các ổng ép mình vô. Tui còn nhớ
người ghi lời khai tui khi đó là một thiếu úy, tui nhớ cả họ tên ông này rõ
ràng. Tui nhớ lời tui khai từng chữ. 10 năm sau tui nhắc lại, nếu trật một chữ
thì tiếp tục bắt tui nhốt cũng được”.
“Cái
ông thiếu úy đó lấy lời khai tui đầu tiên. Ổng ngồi ở ghế, kêu mình khai để ổng
viết. Mình không làm những việc đó nên chỉ nói: “Tui là người dân địa phương
tui đi bán nước đá vậy vậy vậy…”. Ổng “Ờ ờ ờ” rồi giơ thuốc mình hút đàng hoàng,
trong lúc đó tờ văn bản ổng lập sẵn rồi. Rồi ổng bảo “đi ra ngoài suy nghĩ lát
giải quyết”. Rồi ổng vô lấy cái tờ giấy dưới hộc bàn lên, tưởng mình không biết
chữ, bảo “đây có phải lời khai của em không? Em ký tên đi”. Tui cầm đọc lên,
phát hoảng la lên “đây có phải lời khai của tui đâu. Tui hổng ký””.
“Sau
ổng đi ra kêu thêm một người nữa vô. Người đó cũng làm như vậy, lấy một tờ khai
viết sẵn khác để lên. Ai mà sơ ý là bị ghép vào tội đập phá ủy ban, đốt xe luôn
à. Trong phim thấy hình ai quậy phá, bị bắt lên đó là bị uýnh luôn”.
“Lên
đó nhốt riết tui chín ngày rồi cho tại ngoại. Sau khi tại ngoại, có một tốp
người kêu tui ra ủy ban, yêu cầu phải nói tốt cho dự án này, nếu không nó nhốt.
Trước khi mình bước vô phòng, có một ông dặn, khi được hỏi “anh phải suy nghĩ
theo cảm nghĩ của một người ở địa phương từ nhỏ đến lớn là sau khi cái dự án
này đến anh thấy vừa ý hay không?”. Nó bắt mình phải nói tốt theo lời của nó về
cái dự án này như “có dự án thì mới có đường lớn, con em mới được đến trường”.
Nó bắt mình nói như vậy để nó quay phim. Những ai bị bắt, được tại ngoại, đều
phải ra đó xếp hàng nói vậy hết trơn, không thì nó hù nhốt. Tui không rõ tốp
người đó là của chính quyền hay của Dona.Coop. Lúc đó vừa bị nhốt chín ngày, từ
nhỏ tới lớn đã uýnh lộn lần nào đâu mà nay bị bắt vào tù, sợ tối tăm mặt mũi
nên bị bắt nói gì chẳng nói”.
“Sao
lại bắt tui ở tù?”
Ba
mẹ Tám anh khi đó có ba mẫu ruộng bị dự án Dona.Coop thu hồi. Ông bà phản đối
dự án bất công, không chịu giao. Ngày 30/11/2009, Tòa tỉnh Đồng Nai mở phiên xử
sơ thẩm, anh Tám có tên trong danh sách 46 bị cáo.
Anh
Tám kể trước ngày ra tòa, có người tìm đến nhà, nói với ba mẹ anh nếu chấp nhận
giao đất cho Dona.Coop thì con trai ông bà sẽ được hưởng án treo. Còn nếu không
giao sẽ đi “tù ở”. Ba mẹ anh lo sợ, 7h tối lật đật gọi vợ chồng con trai đến
nói chuyện. Anh khảng khái không chấp nhận. Anh bảo bị oan, không có tội: “Họ
không chứng minh được con gây rối quậy phá gì hết nên ép con là “cung cấp đá
lạnh cho người gây rối”. Ba má đừng có sợ gì hết. Họ có ác lắm thì ép con mấy
tháng tù treo, hoặc cùng lắm một hai năm tù rồi về”.
Như
một linh cảm, anh thấy lần này lên tòa “lành ít dữ nhiều”. Anh liệu tính được
rằng “có đi mà không có về” nên cả đêm ấy, chạy xe khắp các mối mua nước đá,
dặn dò: “Con đi chuyến này có thể bị giam luôn. Ở nhà vợ con thay con giao nước
đá, bà con nhớ ủng hộ chờ con về”. Anh kể đã hiểu “mưu ma chước quỷ” là thế nào
từ khi bị bắt, nên không còn biết sợ điều gì nữa. Chỉ sợ cả nhà phụ thuộc vào
xe nước đá, anh đi tù, mất nguồn sống, là vợ con chết đói.
Đúng
như anh liệu tính, tòa tuyên anh 1 năm 6 tháng tù giam về tội đồng phạm “gây
rối trật tự công cộng”. Cùng bị tuyên án tù với hành vi “cung cấp nước, đá,
xăng cho người gây rối” như anh có những nông dân Nguyễn Văn Tài, Lý Văn Hiệp,
Trần Phước Thanh, Lê Văn Rõ… Những người được tại ngoại bị tuyên án tù giam, bị
bắt thi hành án ngay sau khi phiên tòa kết thúc. Anh không nhận tội, kháng cáo.
Tòa phúc thẩm y án.
Lời
gửi gắm của anh trước khi đi tù được người dân xã Long Hưng giữ lời. Vợ anh vẫn
tiếp tục công việc thường ngày của chồng để kiếm tiền nuôi con, chờ ngày anh
về. Bà con ủng hộ, không bỏ gia đình anh.
“Có
người gọi mua nước đá thì tui bán, đó là nghề mưu sinh của tui. Tại sao lại bắt
tui ở tù? Sao không bắt luôn những người họ hàng các cán bộ xã bữa đó cũng ra
ủy ban la ó kích động “đánh trận giả”? Cái đó cứ coi lại mấy đoạn phim là rõ
ngay. Sao có cái kiểu kết án “nhà có đất chưa chịu giao cho Dona.Coop và có mặt
ở hiện trường là có tội”? Ấy là họ dùng “luật rừng””, anh Tám bức xúc.
Ngày
24 Tết Nhâm Thìn, hết hạn tù, bước thấp bước cao trên con đường về làng với hai
chữ “tiền án” ghi trong hồ sơ, anh biết cuộc đời anh đã rẽ sang một hướng khác.
Nỗi oan ấy đời anh đã chịu, ba má anh đã chịu, nhưng không thể để các con cháu
anh phải ôm nỗi oan khuất là con cháu của một “thằng tù”. “Tức lắm. Còn gì để
sợ nữa. Mất hết đất, lại còn ở tù. Tui là Trần Văn Tám ở tù oan đây”, mắt anh
rơm rớm vằn lên những tia đỏ.
Trong
vụ án oan nghiệt này, còn có những nông dân đi tù nhưng mãi mãi không về vì bị
cho rằng “thắt cổ tự vẫn trong trại giam”; có những người bị bắt oan chín tháng
rồi thả, không một lời xin lỗi, không một xu đền bù…
MỤC LỤC BNS HBCS 13.
1/ Tam Diệu Tam Bồ Đề là gì? Tr 1.
2/- Đức Hộ Pháp nói chuyện với công quả về Tam Lập. Tr
3
3/ Nguyên tắc Dâng Công Đổi Vị. Tr 10.
4/- Phản hồi luật sư Hà Huy Sơn và tiến sỹ Huỳnh Thế Du.
Tr 12.
5/ Dự án của DonaCoop đẩy hàng ngàn
dân vào cảnh điêu tàn, kỳ 7 & 8. Tr 15.