Trang

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

2720. Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc



Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc
20/06/2018. VOA.
Bà Nikki Haley thông báo quyết định của Mỹ rút ra khỏi Hội đồng Nhân quyền
Bà Nikki Haley thông báo quyết định của Mỹ rút ra khỏi Hội đồng Nhân quyền

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley loan báo Mỹ rút ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ ngày 19/6/18, Reuters cho biết, một động thái mà các nhà hoạt động nhân quyền cảnh báo rằng sẽ làm cho việc thúc đẩy nhân quyền toàn cầu trở nên khó khăn hơn nữa.
Đại sứ Haley cũng lên án Nga, Trung Quốc, Cuba và Ai Cập vì đã cản trở nỗ lực của Mỹ cải cách Hội đồng. Bà cũng chỉ trích những nước chia sẻ những giá trị với Mỹ và kêu gọi Washington ở lại nhưng lại ‘không sẵn sàng thách thức cơ chế hiện thời một cách nghiêm túc’.
Mỹ đã đi được nửa đường trong nhiệm kỳ ba năm tại Hội đồng Nhân quyền và lâu nay dọa sẽ rút ra nếu cơ quan này không cải tổ. Hoa Kỳ cáo buộc Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia thành viên đặt trụ sở tại Geneva này là ‘bài Israel’.
Các nhà hoạt động và các nhà ngoại giao hồi tuần trước cho biết các cuộc đàm phán với Mỹ về cải tổ đã không đáp ứng được đòi hỏi của Washington.
Việc Mỹ rút ra khỏi Hội đồng Nhân quyền là động thái mới nhất của Mỹ từ bỏ can dự đa phương sau khi họ rút ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Diễn tiến này xảy ra vào lúc Mỹ đang bị chỉ trích gay gắt về việc chia cắt di dân bất hợp pháp với con cái của họ tại biên giới Mỹ-Mexico. Hôm 18/6, Trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra’ad al-Hussein kêu gọi Washington chấm dứt chính sách mà họ gọi là ‘vô lương tâm’ này.
Khi Hội đồng Nhân quyền ra đời vào năm 2006, chính quyền của Tổng thống George W. Bush lúc đó đã không tham gia.
Sau đó dưới thời của Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu vào cơ quan này với tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp. Sau một năm nghỉ, Washington đã được bầu trở lại cho nhiệm kỳ ba vào năm 2016.
Hồi tháng Ba năm 2011, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhất trí dừng tư cách thành viên của Libya trong Hội đồng do việc các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi dùng vũ lực đối với người biểu tình. Tuy nhiên, các quan chức Liên Hiệp Quốc cho biết không có thành viên nào rút lui khỏi Hội đồng.
Một năm trước đây, bà Nikki Haley đã nói rằng Washington đang xem xét lại tư cách thành viên của mình và kêu gọi cải cách và loại bỏ ‘sự thiên vị chống Israel kinh niên’. Cơ quan có một nội dung thường trực trong nghị trình là những vi phạm nhân quyền của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Washington muốn đưa vấn đề này ra khỏi nghị trình.
“Hội đồng Nhân quyền đã đóng vai trò quan trọng đối với những nước như Bắc Triều Tiên, Syria Myanmar và Nam Sudan nhưng tất cả những gì Trump quan tâm là bảo vệ Israel,” giám đốc điều hành Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Ken Roth nhận định.
Hồi tháng trước, Hội đồng đã bỏ phiếu thông qua cuộc điều tra về các vụ sát hại ở dải Gaza và cáo buộc Israel đã sử dụng bạo lực quá mức. Mỹ và Úc là hai nước bỏ phiếu chống. Đại sứ Israel ở Geneva đã lên án Hội đồng này là ‘truyền bá sự dối trá về Israel’.