Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

2724. Khía cạnh nhân quyền của việc đòi tài sản


Chương trình Đòi Tài Sản: Tổng kết 12 tháng hoạt động

·         Khía cạnh nhân quyền của việc đòi tài sản
·         Báo cáo tài chính
·         Những bước kế tiếp
BPSOS, ngày 21 tháng 6, 2018
Chương trình “công dân Hoa Kỳ gốc Việt đòi bồi thường tài sản”, viết tắt là Chương Trình Đòi Tài Sản, được BPSOS khởi xướng cách đây đúng 1 năm. Chương trình này có 3 mục tiêu song hành:
(1)    Vận động chính quyền Hoa Kỳ bảo vệ tài sản của công dân Mỹ gốc Việt đã bị chế độ ở Việt Namcchiếm đoạt;
(2)    Cài vấn đề trả tài sản cho các giáo hội và cộng đồng tôn giáo vào chính sách của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo;
(3)    Đẩy lùi nạn chiếm đất của người dân một cách vô tội vạ.
Khía cạnh nhân quyền

Vấn đề đòi tài sản sẽ là một trọng tâm của Ngày Vận Động Cho Việt Nam, 10 tháng 7, tới đây. Quyền sở hữu tài sản và không bị tước đoạt tài sản là một quyền con người căn bản và được bảo vệ chiếu theo Điều 17 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.  Chế độ ở Việt Nam đã vi phạm quyền này một cách phổ biến và nghiêm trọng, thể hiện qua việc chính quyền chiếm đoạt cơ sở bất động sản của hầu hết các giáo hội và các cộng đồng tôn giáo độc lập, và đất đai của người dân, tạo nên tình trạng “dân oan”.
Chương Trình Đòi Tài Sản khai thác luật pháp Hoa Kỳ để yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ can thiệp cho công dân Hoa Kỳ đã bị chế độ ở Việt Nam chiếm đoạt tài sản. Chúng tôi đã giải thích về chính sách và luật pháp Hoa Kỳ trong việc bảo vệ tài sản của công dân Hoa Kỳ, bao gồm người Mỹ gốc Việt. (Xem bài “Chương trình Đòi Tài Sản: chính sách và luật pháp Hoa Kỳ”).
Phái đoàn cử tri Texas tại văn phòng dân biểu Michael McCaul (ảnh BPSOS)
Thành quả
Trong 12 tháng qua, chúng tôi đã đạt được các thành quả đáng kể sau đây:
(1)    Thu thập được 566 hồ sơ ở 27 tiểu bang;
(2)    Hoàn tất “bạch thư” phân tích các đợt chiếm đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ bởi chế độ ở Việt Nam;
(3)    Đưa vấn đề đòi bồi thường tài sản cho công dân Mỹ gốc Việt vào dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam, HR 5621.
Con số 566 mang ý nghĩa quan trọng: Nó vượt qua số 534 hồ sơ làm cơ sở để Quốc Hội Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia đối tượng trong chính sách đòi bồi thường vì đã chiếm đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ. Năm 1995 Việt Nam đã phải trả 203 triệu Mỹ kim cho 192 hồ sơ. Từ số 566 hồ sơ đã thu thập tính đến nay, chúng tôi đã lọc ra một số hồ sơ tiêu biểu để biên soạn kỹ lưỡng nhằm chứng minh lý do phải đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia đối tượng.
Về thành quả thứ hai, chúng tôi đã cung cấp “bạch thư” cho các chuyên viên lập pháp ở Quốc Hội Hoa Kỳ, cho bộ phận ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chuyên về đòi bồi thường tài sản của công dân, và cho Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế về tình trạng chính quyền Việt Nam ngày càng gia tăng chiếm đoạt tài sản của các cá nhân, trong đó có công dân Hoa Kỳ, và của các giáo hội và cộng đồng tôn giáo độc lập với đảng và nhà nước cộng sản. Chính sách cưỡng chiếm tài sản đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi tôn giáo: Phật Giáo Thống Nhất, Công Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo, Phật Giáo Khmer Krom, Cao Đài, Tin Lành Tây Nguyên, Tin Lành Hmong, Hồi Giáo…
Chúng tôi đã thành công trong việc đưa vấn đề đòi bồi thường tài sản của người Mỹ gốc Việt vào dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam, HR 5621. Dự luật này cũng có điều khoản đòi hỏi Việt Nam trả lại các cơ sở bất động sản cho các tôn giáo, xem đó là một chỉ dấu cho sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo.
Tình hình tài chánh
Đến nay, chúng tôi đã chi 110,481 Mỹ kim, trong đó 106,876 Mỹ kim là chi phí luật sư cho 2 hãng luật và một giáo sư luật chuyên về chương trình đòi tài sản của chính phủ Hoa Kỳ. Phần còn lại là các khoản chi linh tinh.  Xem bản báo cáo chi, thu ở cuối bài.
Về thu, chúng tôi đã nhận được 56,025 Mỹ kim yểm trợ Chương Trình Đòi Tài Sản. Phần lớn số tiền này do các nhà hảo tâm đóng góp vì họ muốn ủng hộ cho nhân quyền chứ không có tài sản để đòi bồi thường.
BPSOS đã bù số tiền thâm hụt 54,456 Mỹ kim từ quỹ dự phòng của tổ chức, để không ảnh hưởng đến những chương trình khác như bảo vệ nhân quyền, hỗ trợ tù nhân lương tâm, và phát huy khả năng tự vệ cho các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc. Những đóng góp của đồng hương, qua các buổi gây quỹ và qua những cá nhân hảo tâm, cho các chương trình này không hề bị dịch chuyển. Việc chúng tôi mở thêm Chương Trình Đòi Tài Sản không hề làm suy giảm các nỗ lực của chúng tôi trong những chương trình này.
Những việc kế tiếp
Dưới đây là những mục tiêu ngắn hạn của chúng tôi trong thời gian trước mắt:
(1)    Đạt con số 600 hồ sơ ở 30 tiểu bang trước Ngày Vận Động Cho Việt Nam, 10 tháng 7;
(2)    Vận động để Quốc Hội thông qua Luật Nhân Quyền Việt Nam trước cuối năm 2018;
(3)    Kêu gọi đồng hương yểm trợ tài chính để xoá thâm hụt vào cuối năm 2018.
Số hồ sơ càng nhiều và đến từ càng nhiều tiểu bang thì chúng tôi càng dễ tranh thủ sự ủng hộ của nhiều dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Mốc điểm ngay trước mắt của chúng tôi là đạt con số 600 hồ sơ ở 30 tiểu bang để vận động ít ra 100 dân biểu và 50 thượng nghị sĩ ủng hộ dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam và đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia đối tượng để đòi bồi thường tài sản cho công dân Hoa Kỳ. Để nộp hồ sơ hoặc nếu có thắc mắc, xin liên lạc: taisan@bpsos.org
Muốn trở thành luật, dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam cần được cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua trước cuối năm nay. Muốn thế, chúng tôi cần vận động Hạ Viện thông qua dự thảo luật này trước cuối hè, để sau đó còn đủ thời gian để nó được biểu quyết ở Thượng Viện. Chúng tôi kêu gọi những người có tài sản bị chiếm đoạt cùng tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam 10 tháng 7. Như vậy, quý vị sẽ vừa tranh đấu cho quyền sở hữu tài sản của chính mình, vừa góp phần vào cuộc tranh đấu về nhân quyền nói chung cho 95 triệu đồng bào ở Việt Nam. Ngược lại, chúng tôi kêu gọi những ai đằng nào cũng tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam thì nhân thể, nếu trong trường hợp có tài sản bị chiếm đoạt ở Việt Nam, tham gia Chương Trình Đòi Tài Sản.
Mục đích của quỹ dự phòng của BPSOS là chỉ sử dụng cho các trường hợp cấp thiết. Chẳng hạn, khi phát hiện rằng Chi Phái 1997 đã cầu chứng làm thương hiệu riêng danh xưng chung của Đạo Cao Đài, BPSOS đã trích 60,250 Mỹ kim từ quỹ dự phòng này để thuê luật sư thực hiện ngay vụ kiện hành chính để xoá bỏ thương hiệu cầu chứng ấy. Tài trợ cho Chương Trình Đòi Tài Sản là trường hợp thứ hai. Chúng tôi thiết tha kêu gọi những quý vị nào, dù có hay không có hồ sơ đòi tài sản nhưng xét thấy Chương Trình Đòi Tài Sản là thiết thực cho chính mình hoặc cần thiết như một phương tiện tranh đấu nhân quyền nói chung, thì xin hỗ trợ tài chính để chúng tôi sớm phục hồi quỹ dự phòng. Để ủng hộ tài chính, xin gửi ngân phiếu cho:
BPSOS/VPRP
6066 Leesburg Pike, Suite 100
Falls Church, VA 22041 USA
Để đạt được cả 3 mục tiêu kể trên trong thời gian từ giờ đến cuối năm, chúng tôi kêu gọi giới truyền thông Việt ngữ  giúp phổ biến thông tin đến quý độc giả, thính giả, và khán thính giả. Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả những nhà hảo tâm quan tâm đến đồng bào và đất nước hãy giúp phổ biến thông tin này đến vòng người quen.
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS
Báo cáo chi, thu của Chương Trình Đòi Tài Sản
 
Bài liên quan:
Chương trình Đòi Tài Sản: chính sách và luật pháp Hoa Kỳ
http://www.machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1341-2018-05-22-17-15-35.html
Vì đồng bào đang lâm nguy ở Việt Nam, hãy cùng tiến vào Quốc Hội Hoa Kỳ
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1362-2018-06-20-14-36-01.html
Dự Luật Nhân Quyền VN: Gói chính sách toàn diện để bảo vệ đồng bào, thay đổi Việt Nam
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1331-2018-05-02-23-31-00.html
Trang mạng của Chương Trình Đòi Tài Sản: http://doitaisan.org