Trang

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

2717. Làm gì để chuyển đổi một chế độ độc tài?



Làm gì để chuyển đổi một chế độ độc tài?

Báo Tiếng Dân. 18/06/2018. 
  

Nguyễn Huy Vũ
17-6-2018
Khi hỏi câu này, nhiều người sẽ nhanh chóng trả lời rằng hãy kêu gọi nhân dân xuống đường và một cuộc bất tuân dân sự kéo dài có thể nhanh chóng làm sụp đổ chế độ. Thật vậy, sự sụp đổ của các chế độ cộng sản và độc tài từ châu Âu cho tới châu Phi đều có chung một đáp án, đó là khi mà sự xuống đường của nhân dân đủ lớn kêu gọi một sự thay đổi chế độ thì sau đó, cùng với sự nhập cuộc của quân đội, sự thay đổi đó sẽ diễn ra vô cùng nhanh chóng.

Bao nhiêu người xuống đường là đủ để thay đổi một chế độ? Những quan sát chính trị chỉ ra rằng chỉ cần 3,5% dân số xuống đường là đủ. Với một thành phố khoảng 10 triệu dân, 3,5% dân số tức khoảng 350 ngàn người. Nhưng thật ra con số người xuống đường để làm thay đổi một chế độ có thể thấp hơn nhiều. Đơn giản là khi mà số người xuống đường lớn hơn một ngưỡng nào đó thì nó đủ mạnh để tạo ra một hiệu ứng ngưỡng, làm vỡ tràn sự sợ hãi của nhân dân, thúc đẩy mọi người cùng xuống đường đòi thay đổi. Vì vậy mà ở các cuộc xuống đường ở Ai Cập làm sụp đổ chế độ độc tài Hosni Mubarak, người ta đếm được lượng người xuống đường ít hơn nhiều so với con số 3,5%.
Tuy vậy, vấn đề lớn hơn đối với các nhà hoạt động chính trị đó là làm sao để vận động người dân xuống đường đạt đến những con số này, và đâu là những chiến thuật nhằm dẫn dắt nhân dân?
Muốn làm được như vậy, trước hết bạn phải hiểu những sức mạnh của đối phương, tức chế độ độc tài.
QUYỀN LỰC MỀM VÀ QUYỀN LỰC CỨNG
Sự tồn tại của bất cứ một chế độ độc tài nào cũng dựa trên hai vành đai bảo vệ đó là quyền lực mềm ở ngoài và quyền lực cứng bên trong.
Quyền lực mềm có được nhờ sự tuyên truyền, tẩy não, và ngu dân. Khi mà người dân tin tưởng vào các lãnh đạo và chế độ độc tài thì tất họ sẽ nằm im chấp nhận sự cai trị của chế độ. Từ đó, chế độ đạt được sự ổn định về chính trị.
Song song với chính sách ngu dân, quyền lực mềm cũng đi kèm với nó là một tinh thần khủng bố. Những ai thể hiện ngược lại với chủ trương của chế độ sẽ ngay lập tức bị cộng đồng những người bị tẩy não đứng lên khủng bố và dập tắt tiếng nói.
Cuối cùng, quyền lực cứng gồm toà án, công an, và quân đội chỉ là những công cụ vòng trong nhằm ra tay hợp thức hoá việc bỏ tù những cá nhân bị cho là chống đối lại chế độ.
TÍNH CHÍNH DANH
Để bảo đảm được quyền lực mềm, làm cho người dân tin tưởng vào chế độ và sự lãnh đạo của giới cầm quyền độc tài, những nhà cầm quyền tạo ra những lập luận cho tính chính danh lãnh đạo.
Có hai cách phổ biến nhất. Cách thứ nhất là dựng nên hình tượng người sáng lập chế độ và cổ vũ cho sự ưu việt của chế độ. Cách thứ hai là dựng nên những con số thành tích phát triển.
Tuy vậy, theo thời gian sự phát triển của một chế độ là yếu tố then chốt quyết định nên tính chính danh của sự độc tài cầm quyền. Đảng Nhân dân Hành động (PAP) của Singapore khó có thể lập luận cho lý do cầm quyền của mình nếu như không đem lại sự phát triển cho Singapore. Hay Quốc Dân Đảng cũng không thể có được uy tín nếu như không đặt nền móng biến Đài Loan từ một hòn đảo nghèo nàn trở thành một nước phát triển thuộc thế giới thứ nhất.
CHỌN LỰA CHIẾN THUẬT
Bất cứ một chế độ nào cũng được dựng xây nên bởi những con người. Vì vậy mà muốn thay đổi một chế độ bạn cần thay đổi suy nghĩ của những con người. Suy nghĩ thay đổi mới dẫn đến hành động. Nói như vậy để thấy rằng việc xuống đường chỉ là bước cuối cùng trong một hành trình dài nhằm vận động thay đổi suy nghĩ của người dân.
Để chọn lựa những chiến thuật trong một chiến lược tổng thể nhằm thay đổi một chế độ bạn phải chú ý rằng một chiến thuật được đưa ra phải đảm bảo được ít nhất một trong hai yếu tố: (i) nó giúp tổ chức bạn và nhân dân mạnh thêm; và (ii) nó giúp nhà cầm quyền và chế độ độc tài yếu hơn.
NHỮNG MỤC TIÊU CHIẾN THUẬT
(1) Cô lập các định hướng viên. Nếu như các dư luận viên chỉ đóng vai trò làm nhiễu loạn thông tin thì các định hướng viên đóng vai trò quan trọng và có khả năng gây ảnh hưởng hơn nhiều. Họ, các định hướng viên, bình thường hoạt động cũng lên án tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng, viết bài đánh phe này phe kia, nhưng khi mà nhân dân bắt đầu phản biện chống trực diện lại chính sách của tổ chức cầm quyền và chế độ độc tài, họ sẽ lập tức có bài bào chữa, định hướng dư luận, đẩy mũi dùi ra khỏi chế độ độc tài.
Đây là một mặt trận mà những người vận động xã hội cần phải tham gia. Bởi vì nếu bạn thua trên mặt trận lý luận, những quan điểm mang đầy nội dung tẩy não sẽ tiếp tục được khuếch tán vào niềm tin của nhân dân, khiến cho lực lượng nhân dân mất niềm tin và yếu đi. Đừng khinh thường những định hướng viên. Họ là những lực lượng giúp duy trì sự u mê, và do đó họ cần bị cô lập bằng những phản biện mạnh mẽ.
(2) Minh bạch hoá những tuyên truyền của nhà cầm quyền. Tuyên truyền những luận điệu bịp bợm và các con số thổi phồng về mặt kinh tế là một cách để ru ngủ nhân dân. Vì vậy, bằng cách bóc trần sự dối trá này, bạn sẽ có thể giúp làm xói mòn tính chính danh và vị thế của nhà cầm quyền độc tài.
(3) Áp đảo mặt trận truyền thông. Sự ngu dân có được nhờ nhà cầm quyền nắm giữ mặt trận truyền thông. Vì vậy, hãy phát triển những kênh truyền thông riêng của phong trào đòi tự do, biến nó trở thành những địa chỉ đưa thông tin tin cậy và chính xác, song song đó làm xói mòn uy tín của những kênh truyền thông của nhà cầm quyền độc tài. Làm như vậy, nó sẽ khiến sức mạnh truyền thông nghiêng dần về hướng của nhân dân.
(4) Định ra những hướng đi cho tương lai. Cần đưa ra những thảo luận liên tục về các hướng đi sắp tới của đất nước cũng như là một viễn cảnh về một đất nước tự do. Mô hình chính trị nào và các chính sách nào nên áp dụng. Lợi và hại gì. Những kinh nghiệm nào đã được rút ra. Những điều này nó không những khích lệ tinh thần của người dân muốn nhanh chóng chuyển đổi sang một đất nước dân chủ, mà nó còn là những chuẩn bị để giúp dựng xây nên một thể chế dân chủ thành công sau này.
(5) Xây dựng những nhóm bạn. Có thể bạn dễ dàng cất lên tiếng nói của mình một cách độc lập, nhưng để dẫn dắt phong trào đi xa hơn, bạn cần có những nhóm bạn và những người cộng sự. Những người này cần những góc nhìn khác nhau và ý kiến khác nhau, cùng đứng với nhau để đóng góp một cách xây dựng. Để cho sự phối hợp nhóm đạt hiệu quả, bạn cần đề ra những quy định chung cho nhóm trước khi thảo luận một quyết định. Những quy định này nên đơn giản, có thể bao gồm vài điều: mỗi thời điểm chỉ được phép một người nói; được nói bất cứ điều gì nhưng phải trong tinh thần xây dựng; không tấn công cá nhân lẫn nhau và nếu xảy ra thì điều phối viên nên chấm dứt, dàn xếp và chuyển hướng; sự đồng thuận đạt được từ sự biểu quyết và mọi người nên tuân thủ, ít nhất là trong một khoảng thời gian xác định trước khi đem ra thảo luận và biểu quyết lại vào lần tới.
Với những nhóm bạn khoảng 10-20 người như vậy, khi cần kết nối những nhóm với nhau, nó sẽ tạo thành một sức mạnh vô cùng lớn.
(6) Kiến tạo những đồng minh. Đâu là những đồng minh của bạn — những người dẫn dắt chiến dịch nhằm thay đổi chế độ độc tài của một quốc gia? Bạn cần trả lời câu hỏi này trước khi bắt đầu một chiến dịch. Một chiến dịch thành công cần mọi người, ở mọi vị trí và giai cấp trong xã hội. Nhưng, một điều quan trọng hơn nữa, đó là đâu là những đồng minh của bạn trong chính quyền. Xin nhắc lại, bạn cần có những đồng minh ngay trong chính quyền. Họ có thể là quân đội, công an, các dân biểu, hoặc các viên chức khác nhau. Và khi mà họ âm thầm hay công khai ủng hộ chiến dịch của bạn, họ không chỉ giúp bạn biết được suy nghĩ của chính quyền từ rất sớm để bạn biết cách đối phó, mà sự ủng hộ của họ cho phong trào đòi tự do còn khiến cho chính quyền tự nó nhanh chóng mất ổn định và sụp đổ, nhường đường để dựng xây nên một chế độ dân chủ.
(7) Xuống đường. Đây chỉ là bước cuối cùng trước khi mọi người quyết định và đạt được sự đồng thuận rằng mình muốn điều gì từ cuộc xuống đường này. Những cuộc xuống đường lúc đầu có thể chỉ đòi hỏi những yêu sách nhỏ về bồi thường, môi trường, thuế hay luật. Mục tiêu là để người dân làm quen với biểu tình, cổ vũ cho sự can đảm của người dân, và để lực lượng công an — đơn vị trực tiếp tiếp xúc với người biểu tình — thấy rằng việc xuống đường không phải là điều gì ghê gớm. Đó là lúc xây dựng mối quan hệ giữa hai bên. Tuy vậy, theo thời gian, bạn cần chuyển hướng mục tiêu của cuộc xuống đường đi xa hơn và trực tiếp hơn nhằm hướng tới việc đòi hỏi thực thi một thể chế tự do và dân chủ.
Hãy chọn những mục tiêu nhỏ trước, thay vì là những yêu sách lớn lao. Chẳng hạn, thay vì đòi lật đổ một chế độ, bạn có thể chỉ cần đòi hỏi một cuộc bầu cử tự do, công bằng, minh bạch, và có giám sát độc lập. Bởi khi đòi thay đổi một chế độ, tức bạn muốn đánh động tới tất cả quyền lợi của những người can dự vào chế độ, và đó là những người mà bạn có thể cần tranh thủ sự ủng hộ của họ. Ngược lại, đòi hỏi một cuộc bầu cử tự do, bạn giới hạn mục tiêu của bạn lại ở vài trăm đại biểu quốc hội và một nhóm vài chục người đang cầm quyền ở quốc gia. Và với một mục tiêu như vậy, bạn dễ dàng hơn trong việc vận động sự ủng hộ của giới công chức trong chính quyền — những người cùng chịu đựng sự tồi tệ của chế độ độc tài như bạn.
***
Cuối cùng, những hành động không có chiến thuật sẽ như là những tiếng nói vô vọng giữa thinh không trước khi lịm tắt. Những chiến thuật mà không có chiến lược giống như những bước đi của một người bị lạc giữa rừng sâu. Bạn cần có những chiến thuật khác nhau tích hợp trong một chiến lược để hướng về mục tiêu: làm mạnh hơn chính mình, làm yếu đi đối phương, trước khi có thể đạt được dân chủ.