·
Điều
đình ngoài luật: Bài học từ cộng đồng tị nạn Nicaragua
·
Cơ
hội để giúp "dân oan" ở Việt Nam
·
Công
thức áp dụng cho người Việt ở các quốc gia khác
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 25 tháng 9, 2017
Ngoài con đường kiện ra toà và con đường giải quyết hành chính
của Uỷ Hội FCSC, chúng tôi còn thực hiện con đường thứ ba: điều đình trực tiếp
giữa nạn nhân và chế độ đã cưỡng đoạt tài sản, với sự theo dõi và hỗ trợ của
chính quyền Hoa Kỳ. Con đường này có những lợi điểm sau đây:
(1) Các hồ sơ không hội đủ tiêu chuẩn cho 2
con đường đầu tiên có thể được giải quyết qua điều đình;
(2) Chúng tôi có thể đưa vào cuộc điều đình
một số điều kiện liên quan đến người dân ở Việt Nam;
(3) Con đường này có thể làm khuôn mẫu cho các
người Việt có quốc tịch Canada, Đức, Pháp, Úc… muốn đòi bồi thường tài sản.
Muốn chính quyền Việt Nam ngồi vào bàn điều đình, chúng tôi sẽ
phải chứng minh rằng đấy là con đường ít tại hại và ít rủi ro nhất họ.
BPSOS đã bắt đầu công cuộc này vào cuối tháng 7 vừa qua, qua việc đánh
chặn thoả thuận giữa tiểu bang Virginia và 6 tỉnh thành Việt Nam. Tuần này,
chúng tôi nới rộng nó ra toàn quốc và leo thang lên cấp liên bang.
Phương thức điều đình để đòi bồi thường tài sản không là điều
mới lạ. Cách đây 20 năm, cộng đồng tị nạn Nicaragua ở Hoa Kỳ đã thành công
trong việc ép chính quyền Nicaragua phải bồi thường trên 1 tỉ Mỹ kim tại bàn
điều đình. Họ đã chọn con đường điều đình vì có đến 2/3 số tài sản thuộc các
người tị nạn Nicaragua chưa là công dân khi bị tịch thu.
Nhiều công ty doanh nghiệp Việt Nam và hợp doanh với ngoại quốc
đang sử dụng tài sản do chính quyền cưỡng đoạt của công dân Hoa Kỳ gốc Việt
(ảnh BPSOS)
Tấm gương Nicaragua
Năm 1979 nhóm kháng chiến quân Sandinista cướp chính quyền ở
Nicaragua và lập tức quốc hữu hoá tài sản của các người có “máu mặt”. Trong đó
có gần 5 nghìn tài sản của công dân Hoa Kỳ, và 23,000 của người Nicaragua. Ngay
sau khi nhóm Sandinista lên nắm chính quyền, khoảng 20 nghìn người Nicaragua bỏ
nước đến Hoa Kỳ tị nạn. Trong 10 năm sau đó, có thêm khoảng 100 nghìn người
Nicaragua định cư Hoa Kỳ. Theo cuộc kiểm tra dân số gần đây nhất, năm 2010 dân
số người Nicaragua ở Hoa Kỳ là 348 nghìn, bằng ¼ dân số người Việt ở Hoa Kỳ.
Trong số người tị nạn Nicaragua, có khoảng 10 nghìn trường hợp bị chính quyền
Sandinista tịch thu tài sản.
Tuy với dân số ít và hãy còn chân ướt chân ráo ở Hoa Kỳ, cộng
đồng tị nạn Nicaragua đã vận động mạnh mẽ và hiệu quả. Trong những năm 1990,
Hành Pháp Bill Clinton thương thảo với Việt Nam về thiết lập bang giao và lờ đi
việc bồi thường tài sản cho người Mỹ gốc Việt, nhưng lại áp lực chính quyền
Nicaragua bồi thường tài sản đã tịch thu của các người Nicaragua đang ti nạn ở
Hoa Kỳ. Điểm cần lưu ý là, không như trường hợp ở Việt Nam, chính quyền
Sandinista quốc hữu hoá ngay tất cả các tài sản mà họ tịch thu. Do đó, hầu như
không người tị nạn Nicaragua nào có quốc tịch Hoa Kỳ khi bị mất tài sản. Thành
ra, Uỷ Hội FCSC không thể can thiệp.
Cộng đồng Nicaragua tị nạn đã chọn giải pháp là vận động cả Hành
Pháp và Quốc Hội Hoa Kỳ đe doạ trừng phạt nặng nề, bao gồm cúp viện trợ,
ngưng phát triển mậu dịch và chặn mọi khoản vay của Ngân Hàng Thế Giới … nếu
chính quyền Nicaragua không chịu giải quyết các đòi hỏi bồi thường tài sản của
người tị nạn gốc Nicaragua. Để tăng áp lực, năm 1995 Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua
luật cho phép Hành Pháp trừng phạt Nicaragua nếu chậm trễ trong việc bồi
thường.
Dưới áp lực ngày càng
leo thang, chính quyền Nicaragua đồng ý ngồi vào bàn điều đình với toán đại
diện cho các người tị nạn Nicaragua có hồ sơ đòi bồi thường. Cuộc điều đình
diễn ra dưới sự quan sát chặt chẽ của Hành Pháp và Quốc Hội Hoa Kỳ. Tiến trình
điều đình đến đâu bồi thường đến đó kéo dài 20 năm. Tháng 8 năm 2015, chính
quyền Nicaragua giải quyết việc bồi thường cho hồ sơ cuối cùng của người tị nạn
Nicaragua. Tổng cộng số tiền bồi thường vượt trên 1 tỉ Mỹ kim. Xem tường trình
của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về việc này: https://www.state.gov/e/eb/rls/othr/ics/2016/wha/254545.htm
Người tị nạn Nicaragua đã thành công vì họ không chỉ dốc sức vận
động mà còn khôn khéo nhờ cộng đồng bạn là người Mỹ gốc Cuba, vốn có kinh
nghiệm về đòi bồi thường tài sản, yểm trợ. Đó là bài học cho chúng ta. Cộng
đồng tị nạn Nicaragua ít ỏi hơn chúng ta, mới mẻ hơn chúng ta nhưng đã gặt hái
kết quả nhờ làm đúng cách.
Con đường thứ ba cho công dân
Hoa Kỳ gốc Việt
Cộng đồng người Việt tị nạn có nhiều lợi thế hơn cộng đồng tị
nạn Nicaragua. Thứ nhất, dân số người Việt đông gấp hơn 4 lần dân số
người Nicaragua ở Hoa Kỳ; trên nguyên tắc cộng đồng Mỹ gốc Việt phải có nhiều
ảnh hưởng đối với chính giới Hoa Kỳ hơn hẳng cộng đồng Nicaragua tị nạn. Thứ
hai, tuyệt đại đa số tài sản của người Mỹ gốc Việt hội đủ tiêu chuẩn để
được phán quyết bởi Uỷ Hội FCSC. Không như Nicaragua, chính quyền Việt Nam đã
không quốc hữu hoá ngay các tài sản của người bỏ nước ra đi mà chỉ quản lý tạm
thời; mãi sau này họ mới có chính sách quốc hữu hoá. Lúc ấy thì tuyệt đại đa số
người Việt tị nạn và di dân đã trở thành công dân Hoa Kỳ.
Theo ước lượng của chúng tôi, khoảng 50% tổng số hồ sơ của người
Mỹ gốc Việt có thể giải quyết qua con đường phán quyết của Uỷ Hội FCSC và 20%
có thể điều kiện để kiện ra toà. Nghĩa là 30% tổng số hồ sơ chỉ có thể giải
quyết bằng con đường thứ ba.
Ngoài ra, thể thức điều đình tạo cơ hội để hai bên thương lượng.
Chẳng hạn, chúng tôi có thể đặt điều kiện là chính quyền Việt Nam phải đình chỉ
các lệnh cưỡng chế đất đai ở Việt Nam cho đến khi hai bên cùng thoả mãn rằng
tài sản của công dân Hoa Kỳ sẽ không bị xâm phạm. Nhắc lại, mọi vùng đất ở Việt
Nam, kể cả ở trong Nam lẫn ngoài Bắc, đều có thể có tài sản của công dân Hoa Kỳ
lẫn trong đó, tương tự trường hợp của Giáo Xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng. Bởi vậy,
mỗi lệnh cưỡng chế đều phải đi kèm với thủ tục loan báo ở Hoa Kỳ, và cho đủ
thời gian để mọi công dân Hoa Kỳ có thể lên tiếng nếu bị ảnh hưởng. Khi ấy,
chính quyền Việt Nam phải bảo đảm mức bồi thường cho công dân Hoa Kỳ sẽ tuân
theo công thức của Hoa Kỳ hay quốc tế chứ không tuỳ tiện như hiện nay. Nếu vậy,
chính quyền cũng sẽ phải áp dụng cùng mức bồi thường cho mọi người dân trong
khu đất bị cưỡng chế. Trên đây một ví dụ về các điều kiện có thể đưa ra tại bàn
điều đình và chỉ tại bàn điều đình chứ không thể tại toà án hay với Uỷ Hội
FCSC.
Các giai đoạn của cuộc vận động
Cuộc vận động cho giải pháp điều đình sẽ được tiến hành song
song với các vụ kiện ra toà và cuộc vận động Uỷ Hội FCSC mở chương trình cho
người Mỹ gốc Việt. Cuộc vận động này gồm có:
(1) Vận động cắt viện trợ, chặn chương trình
vay vốn quốc tế cho Việt Nam:
Luật pháp Hoa Kỳ có
những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với quốc gia nào cưỡng đoạt tài sản của
công dân Hoa Kỳ. Một trong những luật này là Tu Chính Án Helms (Helms
Amendment) được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua ngày 30 tháng 4, 1994. Tu Chính Án
này do Thượng Nghị Sĩ Jesse Helms (Cộng Hoà, North Carolina) đề xướng. Ngôn ngữ
của Tu Chính Án Helms: http://uscode.house.gov/view.xhtml?req=(title:22%20section:2370a%20edition:prelim
Theo đó, Bộ Ngoại Giao phải phúc trình hàng năm cho Quốc Hội
danh sách các trường hợp tài sản của công dân Hoa Kỳ bị cưỡng đoạt ở từng quốc
gia và nỗ lực phối hợp giữa Hoa Kỳ và quốc gia ấy để giải quyết các đòi hỏi bồi
thường của công dân Hoa Kỳ.
Luật này đòi hỏi Tổng Thống Hoa Kỳ ngưng viện trợ cho quốc gia
nào không bồi thường công dân Hoa Kỳ cho các tài sản bị họ tịch thu mà được nêu
lên trong bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao. Không những vậy, Tổng Thống còn
phải chỉ định đại diện của Hoa Kỳ tại các định chế tài chính và ngân hàng quốc
tế ngăn chặn không cho quốc gia ấy vay vốn.
Cuộc vận động này bắt đầu trong tuần này. Chúng tôi sẽ phối hợp
các “khổ chủ” mà chúng tôi đang có hồ sơ để liên lạc và yêu cầu các dân biểu và
thượng nghị sĩ của họ đòi hỏi Hành Pháp Trump thực thi Tu Chính Án Helms.
(2) Đẩy lùi nỗ lực của Việt Nam để xin đặc
quyền mậu dịch:
Luật Mâu Dịch (Trade
Act of 1974) của Hoa Kỳ ngăn cản Tổng Thống không được cấp những đặc quyền thuế
quan cho các quốc gia nào cưỡng đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ.
Xem: https://fas.org/sgp/crs/misc/RL33663.pdf
Trước khi tham gia cuộc thương thảo Đối Tác Xuyên Thái Bình
Dương (Trans-Pacific Partnership, hay TPP), Việt Nam ráo riết vận động Hoa Kỳ
cho hưởng Hệ Thống Ưu Đãi Thuế Quan Tổng Quát Hoá (Generalized System of
Preferences, hay GSP) để được giảm thuế đánh lên các mặt hàng xuất cảng vào Hoa
Kỳ. Nay Tổng Thống Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi TPP, Việt Nam đang quay trở lại vận
động các đặc quyền mậu dịch song phương với Hoa Kỳ.
Nếu Việt Nam không chứng tỏ là họ chấp nhận bồi thường hoặc điều
đình việc bồi thường, họ sẽ không thể xin xỏ các đặc quyền về thuế quan. Chúng
tôi bắt đầu xúc tiến nỗ lực này vào cuối tháng 6 vừa qua.
(3) Đánh chặn mọi nỗ lực đi cửa sau của Việt
Nam để thu hút mậu dịch và đầu tư:
Bị sa lầy về cả GSP lẫn TPP, chế độ ở Việt Nam đã mở đường đối
tác theo công thức kết nghĩa chị em giữa các thành phố Hoa Kỳ và Việt Nam. Gần
đây, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đạt được thoả thuận thư giữa 6 tỉnh thành Việt Nam
với chính quyền Virginia về đầu tư và mậu dịch. Đây có thể xem như bước đột phá
để mở đường cho các thoả thuận tương tự với nhiều tiểu bang khác của Hoa Kỳ.
Cuối tháng 7, chúng tôi đã thực hiện cuộc đánh chặn thoả thuận
này bằng cách yêu cầu Thống Đốc và Quốc Hội Virginia đòi hỏi Việt Nam phải tôn
trọng tài sản của người Mỹ gốc Việt sinh sống tại Virginia trước đã. Cuộc đánh
chặn này được một số dân biểu và thượng nghị sĩ tiểu bang hậu thuẫn. Mục đích
của chúng tôi là cho chế độ ở Việt Nam thấy mọi nỗ lực đi cửa sau của họ sẽ vấp
phải chướng ngại là số tài sản của công dân Hoa Kỳ mà họ đã cưỡng đoạt không
bồi thường.
Chúng tôi đang theo dõi những nỗ lực đi cửa sau tương tự ở các
thành phố và tiểu bang Hoa Kỳ để sẵn sàng đánh chặn.
(4) Lôi cuốn sự chú ý của những doanh nhân và
nhà đầu tư Hoa Kỳ:
Cuối tháng 7 BPSOS đã gửi đến tất cả các phòng thương mại trong
tiểu bang Virginia thông tin về tình trạng cưỡng đoạt không bồi thường tài sản
của công dân Hoa Kỳ. Trong những tháng tới đây, chúng tôi sẽ tuần tự gửi thông
tin đến các phòng thương mại ở từng tiểu bang Hoa Kỳ, cho đủ 50 tiểu bang.
Chúng tôi cũng khai thác mọi cơ hội để nêu lên tình trạng chính
quyền Việt Nam cưỡng đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ. Chẳng hạn, trong số 8
danh sách mà chúng tôi đề nghị trừng phạt theo Luật Magnitsky Toàn Cầu, có
trường hợp thành phố Đà Nẵng đã xâm phạm tài sản của 12 công dân Hoa Kỳ.
Tại sao chế độ ở trong nước
chấp nhận điều đình?
Chính quyền Việt Nam sẽ chỉ chấp nhận ngồi vào bàn điều đình khi
hiểu ra rằng nếu không điều đình thì sẽ bị thiệt hại nhiều hơn.
Trước hết, họ sẽ không muốn ra hầu toà vì sợ bị đối chất về yếu
tố bạo tàn lồng trong chính sách cưỡng đoạt tài sản: bắt người đi tập trung cải
tạo, đuổi người đi kinh tế mới, xoá trắng cả một cộng đồng bản địa hay tôn
giáo, tra tấn, đánh đập, bỏ tù, sát hại... Khi yếu tố bạo tàn này bị phanh phui
trước toà, nó không những trở thành một vế nhơ lớn cho chế độ về mặt dư luận,
mà còn tăng rủi ro bị toà áp đặt mức phạt gấp 3 lần trị giá của tài sản phải
bồi thường. Điều này đã xảy ra cho chính quyền Cuba trong vụ kiện của Ông
Gustavo Villoldo, người Mỹ gốc Cuba, năm 2008 toà tiểu bang Florida phán quyết
Cuba phải trả gấp 3 lần trị giá tài sản mà họ đã tịch thu, tổng cộng lên đến
1.2 tỉ Mỹ kim.
Chế độ ở Việt Nam cũng không muốn bị rơi vào thế bó tay trước
các phán quyết của Uỷ Hội FCSC. Họ đã có kinh nghiệm không vui ấy khi năm 1986
Uỷ Hội FCSC đơn phương phán quyết Việt Nam phải bồi thường cho 192 hồ sơ người
Mỹ bị cưỡng đoạt tài sản năm 1975. Năm 1995 Việt Nam đã phải chấp nhận bồi
thường số tiền trên 208 triệu Mỹ kim mà không được phép phản bác, phân trần,
giải thích hay kháng cáo. Thiếu hợp tác thì sẽ bị trừng phạt về mậu dịch, viện
trợ và vay vốn các ngân hàng quốc tế.
Cộng vào đó là cuộc vận động đánh chặn mọi toan tính đi cửa sau,
có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của chính quyền Việt Nam nhằm đạt mức 6.7% về tăng
trưởng kinh tế. Nay TPP không còn và thương ước mậu dịch tự do Liên Âu – Việt
Nam bị đẩy lùi, chế độ ở Việt Nam sẽ cân nhắc việc ngồi vào bàn điều đình để
giảm tổn hại. Điều kiện tiên quyết của họ, nếu có điều đình, chắc chắn sẽ là
đình chỉ các vụ kiện và con đường giải quyết theo Uỷ Hội FCSC. Đấy sẽ là điều
mà chúng tôi cùng với toán luật sư tư vấn sẽ phải cân nhắc.
Người Việt ở các quốc gia khác
có thể đòi bồi thường?
Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhận được email của nhiều đồng
hương ở Canada, Pháp, Đức và Úc hỏi về cách thức để đòi bồi thường tài sản đã
bị chính quyền Việt Nam cưỡng đoạt. Dĩ nhiên, luật pháp Hoa Kỳ chỉ binh vực và
can thiệp cho lợi ích của công dân Hoa Kỳ. Và có lẽ Hoa Kỳ có luật mạnh mẽ nhất
để bảo vệ tài sản của công dân.
Chúng tôi không rõ luật pháp của các quốc gia khác về bảo vệ tài
sản của công dân. Ngay dù một quốc gia không có luật bảo vệ tài sản công dân,
nạn nhân bị cưỡng đoạt tài sản vẫn có thể đòi hỏi chính quyền của mình can
thiệp và ép chế độ ở Việt Nam phải điều đình việc bồi thường. Bảo vệ tài sản
của công dân là trách nhiệm đương nhiên của một chính quyền dân chủ, và được
ghi đúc trong Điều 17 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền viết:
(1) Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản cá
nhân cũng như tập thể.
(2) Không ai có thể bị tước đoạt tài sản của
mình một cách tuỳ tiện.
Chính quyền của quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc không
những phải tôn trọng mà còn phải bảo vệ quyền này của công dân. Do đó, khi công
dân bị một quốc gia khác xâm phạm tài sản, chính quyền có nghĩa vụ phải can
thiệp. Hơn nữa, cưỡng đoạt tài sản của công dân một quốc gia khác là vi phạm
những cam kết quốc tế giữa các quốc gia thành viên của LHQ với nhau. Công pháp
quốc tế đã đề ra một số nguyên tắc để ngăn chặn sự vi phạm ấy: nguyên tắc không
kỳ thị, nguyên tắc “vì công ích”, nguyên tắc bồi thường đầy đủ… Tuy nhiên,
chính quyền sẽ không tự động can thiệp nếu họ không được thuyết phục rằng một
số đông công dân đã bị xâm phạm tài sản khi đã là công dân.
Trước khi vận động chính quyền sở tại, bước chuẩn bị là thu gom
hồ sơ. Lý tưởng là có khoảng 100 trở lên và “khổ chủ” đã là công dân của quốc
gia sở tại khi tài sản bị quốc hữu hoá. Trong một bài trước tôi đã giải thích
là nhà, đất của những người bỏ nước ra chỉ bị quản lý tạm thời bởi nhà nước.
Đến cuối năm 1991 mới có quyết định của chính phủ là nhà, đất đang được quản lý
đều trở thành tài sản của nhà nước; tuy nhiên việc thực hiện quyết định này rất
tuỳ tiện và qua loa. Mãi đến năm 2003, Quốc Hội Việt Nam mới ra nghị quyết yêu
cầu Uỷ Ban Nhân Dân các cấp tỉnh, thành phải hoàn tất việc quốc hữu hoá các tài
sản do nhà nước quan lý tạm thời. Thời hạn thự thi là từ tháng 10, 2005 đến
cuối tháng 6, 2009. Năm 1991, nhiều người Việt đã trở thành công dân của các
quốc gia định cư. Trong khoảng thời gian 2005 – 2009, phần lớn người tị nạn và
di dân Việt Nam đều đã là công dân của các quốc gia định cư.
Đối với các đồng hương
ở Pháp, Canada, Đức, Úc và những quốc gia khác nữa, tôi đề nghị những người có
hồ sơ đòi bồi thường tài sản phối hợp với nhau theo quốc gia. Mỗi nhóm
phối hợp cần bắt tay ngay vào việc phổ biến thông tin và thu thập hồ sơ, đồng
thời nghiên cứu luật pháp và chính sách ở quốc gia mình về bảo vệ tài sản của
công dân. BPSOS sẽ làm việc trực tiếp với các nhóm này để cập nhật thông tin và
phối hợp hành động. Trong trường hợp chưa có nhóm phối hợp, đồng hương vẫn có
thể gửi hồ sơ đến cho BPSOS qua email: taisan@bpsos.org. Chúng tôi sẽ lưu giữ hồ sơ và chuyển
cho nhóm phối hợp khi được hình thành và nếu có sự đồng ý của chủ nhân của hồ
sơ.
Con đường vận động sẽ không đơn giản. Tuy nhiên, nếu đi sau cuộc
vận động ở Hoa Kỳ một bước thì có thể sẽ nhẹ đi gánh nặng nghiên cứu hồ sơ và
nghiên cứu luật và thể thức quốc tế. Việc vận động cũng có thể sẽ nhẹ đi sau
khi cuộc vận động của chúng tôi ở Hoa Kỳ tạo ra tiền lệ.
Lời kêu gọi
Cuộc vận động chính
giới Hoa Kỳ cho giải pháp điều đình sẽ đòi hỏi một lượng lớn hồ sơ rải ra ở
nhiều tiểu bang, thành phố, và địa hạt cử tri. Chúng tôi do đó rất cần sự hợp
tác của đồng hương ở trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Quý vị nào có hồ sơ đòi tài
sản, xin liên lác với chúng tôi qua email: taisan@bpsos.orghay
qua số điện thoại: 703-538-2190. Dù không có hồ sơ, xin quý vị giúp chúng tôi
chuyển thông tin này đến những người quen có hồ sơ. Xin cảm ơn.
Các thông tin về
Chương Trình Đòi Tài Sản của BPSOS được lưu trữ tại: http://www.doitaisan.org
Bài liên quan:
Đòi bồi thường tài
sản: Khi nào chính quyền Hoa Kỳ can thiệp?
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1254-2017-09-19-16-01-56.html
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1254-2017-09-19-16-01-56.html
Công dân Mỹ gốc Việt
đòi tài sản: thể thức phán quyết hành chính
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1250-2017-09-11-01-10-19.html
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1250-2017-09-11-01-10-19.html
BPSOS công bố chương
trình công dân Mỹ gốc Việt đòi tài sản
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1245-2017-08-30-22-18-18.html
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1245-2017-08-30-22-18-18.html
Đòi bồi thường tài sản
bị cưỡng đoạt: Khai thác luật Hoa Kỳ
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1246-2017-08-31-04-16-57.html
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1246-2017-08-31-04-16-57.html
Đòi bồi thường tài sản
bị cưỡng đoạt: Thế kẹt của chính quyền khi bị kiện
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1247-2017-09-01-17-16-30.html
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1247-2017-09-01-17-16-30.html
Đòi bồi thường tài sản
bị cưỡng đoạt: Người ở trong nước có thể tiếp tay
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1248-2017-09-05-01-10-13.html
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1248-2017-09-05-01-10-13.html