28/09/2017
Nguyên Ngọc: “Người Việt cũng cần xét lại cuộc chiến Việt
Nam”
Thanh Phương thực hiện
Khi nói rằng nước Mỹ chưa ra
khỏi chiến tranh Việt Nam, nhiều người, kể cả tôi, đã nghĩ rằng đó là một
điểm yếu của nước Mỹ. Nhưng xem phim này thì tôi thấy hóa ra đó là cái mạnh
của nước Mỹ. Đấy là một quốc gia luôn luôn nhìn trở lại và đặt câu hỏi về quá
khứ, về cuộc chiến tranh của mình, về những gì mình đã làm trong suốt cuộc
chiến tranh đó. Sức mạnh của nước Mỹ chính là luôn luôn biết tự đặt câu hỏi
về quá khứ của mình. Nguyên Ngọc |
RFI: Thưa
nhà văn Nguyên Ngọc, khi xem lại toàn bộ phim “The Vietnam War”, ông có những
nhận xét như thế nào về cách thực hiện bộ phim này?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Theo tôi, đây là một phim lớn
và rất quan trọng về chiến tranh Việt Nam. Trước đây đã có nhiều phim về chiến
tranh Việt Nam, kể cả hư cấu và phim tài liệu, nhưng đây là phim lớn nhất, dài
đến 10 tập và 18 giờ. Đáng nói hơn nữa, đây là một phim rất quan trọng. Sau hơn
40 năm, phim này cho thấy nước Mỹ vẫn chưa ra khỏi cái ảm ảnh của cuộc chiến
tranh đó.
Khi nói rằng nước Mỹ chưa ra khỏi chiến tranh Việt Nam, nhiều
người, kể cả tôi, đã nghĩ rằng đó là một điểm yếu của nước Mỹ. Nhưng xem phim
này thì tôi thấy hóa ra đó là cái mạnh của nước Mỹ. Đấy là một quốc gia luôn
luôn nhìn trở lại và đặt câu hỏi về quá khứ, về cuộc chiến tranh của mình, về
những gì mình đã làm trong suốt cuộc chiến tranh đó. Sức mạnh của nước Mỹ chính
là luôn luôn biết tự đặt câu hỏi về quá khứ của mình.
RFI: Thưa nhà văn Nguyên Ngọc, cho tới nay, về phía Việt Nam,
chiến tranh Việt Nam vẫn được mô tả như là chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Nhưng
nay nhìn lại thì ông có thấy cần đặt lại vấn đề về định nghĩa cuộc chiến tranh
này hay không?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Chính là tôi muốn nói về điều
đó. Phim này gợi ý rất nhiều điều cho chúng ta. Vì sao mình làm cuộc chiến
tranh đó, mình đã làm nó như thế nào, nó để lại những gì cho mình? Những điều
đó không được đặt mạnh, đặt một cách đầy đủ.
Đã hơn 40 năm rồi, khi mà nói về chiến tranh này, bởi vì Việt Nam
là người thắng cuộc, nên người ta thường nói theo chiều hướng khẳng định và ca
ngợi nó. Còn cuộc chiến tranh đó đem lại những gì cho đất nước này, kể cả mặt
tốt và mặt tàn phá của nó, tàn phá cả về vật chất lẫn tinh thần, thì chưa bao
giờ được đặt ra một cách nghiêm túc.
Riêng tôi là một người làm nghệ thuật, tôi ao ước Việt Nam có thể
có một bộ phim tài liệu theo kiểu như vậy. Giá như Việt Nam cũng tự hỏi mình
như thế. Theo tôi đó là điều cần thiết.
RFI: Thưa ông Nguyên Ngọc, một trong những điều cần phải được
đặt lại đó thiệt hại quá lớn về nhân mạng về phía Việt Nam để đổi lấy chiến
thắng đó? Có nên đặt lại vấn đề là lẽ ra chúng ta có thể chọn cách khác để đạt
được mục tiêu thống nhất và hòa bình mà không cần phải đổ máu nhiều như vậy?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Để trả lời câu hỏi đó thì tôi
xin nói vì sao tôi đã đến với phim này. Người rủ tôi đến với phim này là một
người bạn Mỹ Thomas Vallely. Tôi với Vallely có một cái duyên rất kỳ lạ: Hồi
sau Mậu Thân, khoảng 1970-1971, tôi hoạt động ở vùng bắc Quảng Nam, trên bờ
sông Thu Bồn. Thời kỳ đó vô cùng ác liệt và cả bờ sông đều trắng hết, không còn
màu xanh trên mặt đất. Bãi sông Thu Bồn trước đây là một bãi dâu xanh ngắt, thì
bây giờ trên đó có mọc lên một loại cây rất lạ, gọi là cây bói, giống như lau
sậy. Chúng tôi đào hầm bí mật trong những bãi bói đó.
Sau này, Vallely mới kể rằng chính ông là thủy quân lục chiến đã
hoạt động ngay tại khu vực đó. Hàng ngày ông vẫn bắn vào bãi bói vì nghi chúng
tôi núp trong bãi bói đó. Có hôm chúng tôi cũng bắn lại. Có lần tôi nói với
Vellely rằng: “ May là ông bắn cũng xoàng và tôi thì cũng bắn xoàng!”
Chúng tôi gặp lại nhau và trở nên thân thiết với nhau là vì hai
điều. Thứ nhất là chúng tôi gặp nhau trong giáo dục: Vallely là người đã giúp
rất nhiều cho giáo dục Việt Nam. Thứ hai là chúng tôi đều hết sức ngưỡng mộ
Phan Châu Trinh. Tôi nhắc đến chuyện đó để mà nói như thế này: Phan Châu Trinh
đã từng nghĩ đến một con đường khác, mà nếu làm được thì chúng ta đã có thể đạt
những điều mà chúng ta tha thiết mong muốn và có thể tránh được hai cuộc chiến
tranh bi thảm và tàn phá ghê gớm như thế. Vallely cũng rất ngưỡng mộ Phan Châu
Trinh trong ý tưởng đó. Cho nên chính ông đã rủ tôi đến nhóm làm phim của Ken
Burns và Lynn Novick.
RFI: Phim nói về nhiều giai đoạn của cuộc chiến, trong đó có
một sự kiện mà cho tới nay ở Việt Nam không ai nói đến, đó là vụ thảm sát ở Huế
1968, mà bản thân ông có nhắc đến trong phim. Theo ông biết thì vì sao lại có
vụ đó?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Trong chiến dịch Mậu Thân 1968
thì Huế là thành phố mà đánh vào được và chiếm lâu nhất. Do chiếm lâu nhất và
tưởng là giải phóng hẳn rồi và đã lập chính quyền, cho nên các cơ sở bí mật
trong thành phố đều xuất hiện hết, bộc lộ ra hết.
Sau đó, lực lượng chiếm thành phố bị đối phương vây trở lại và
phải mở đường máu mà ra. Trước đó, khi vào chiếm Huế, người ta đã bắt những
người bị cho là cộng tác với Mỹ, với chính quyền miền Nam. Trong số đó có thể
có những người đúng là có làm cho Mỹ và chính quyền miền Nam, và cũng có thể có
những người phạm những tội ác với những cơ cơ sở hoặc là những người theo cách
mạng ở Huế. Nhưng cũng có thể có những người bị bắt nhầm và thậm chí cũng có
thể có những người bị bắt chỉ vì thù hằn riêng tư.
Cho đến khi bí quá, rút ra không được, nếu thả những người này ra
thì tất cả những cơ sở bí mật được chuẩn bị bao nhiêu năm, bây giờ bộc lộ ra
hết, nếu thả những người bị bắt ra thì họ sẽ chỉ điểm số người hoạt động bí
mật.
Trong tình thế như vậy, người ta đã có chủ trương giết những người
đó. Tôi không trực tiếp ở đấy và cũng không biết cái lệnh đó là từ ai. Nhưng
trong phim tôi có nói, đấy là một vết nhơ, một vết đen trong cuộc chiến tranh,
về phía Việt Nam.
Trong phim không chỉ có chuyện đó, mà còn có những vụ như những vụ
thanh trừng từ sau Cách mạng tháng Tám. Theo tôi, phim đã nói chính xác, nói
đúng, nói khách quan, công bằng về những điều đó, kể cả về phía Việt Nam, kể cả
phía Mỹ và phía chính quyền miền Nam. Đấy cũng là một cái quý của phim này và
điều đó làm chúng tôi phải nghĩ lại. Chúng tôi đã đi một con đường như thế nào
mà để dẫn đến những hành động như thế, những vết đen như thế.
RFI: Chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, Việt Nam và Mỹ đã hòa
giải với nhau, vì sao giữa người Việt Nam vẫn chưa có hòa giải?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Trong phim, Bảo Ninh có nói một
ý, mà theo tôi ở Việt Nam bây giờ người ta cũng nghĩ như vậy. Cuộc chiến tranh
Pháp rồi chiến tranh Mỹ vừa có tính chất chống xâm lược, vừa có tính chất giải
phóng dân tộc, nhưng cũng có tính chất nội chiến. Và càng về sau thì tính chất nội
chiến càng sâu đậm hơn. Một cuộc tàn sát nhau, huynh đệ tương tàn vì ý thức hệ.
Đó là một sự thật. Bảo Ninh đã nói điều đó và ở Việt Nam bây giờ có người đã
nói ra, có người chưa nói ra, nhưng ai cũng thấy điều đó.
Ông Lê Xuân Khoa gọi cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh
mang tính chất ủy nhiệm, chiến tranh mang tính ý thức hệ. Chính cái đó nó đã
phá nát xã hội Việt Nam. Trong phim, tôi có nói rằng cuộc chiến tranh này đã
chia rẽ dân tộc một cách kinh khủng. Chưa bao giờ dân tộc Việt Nam bị chia rẽ
như bây giờ. Cái tính chất ý thức hệ của cuộc chiến tranh làm cho xã hội Việt
Nam bị xé nát, hậu quả đó đến bây giờ vẫn còn.
RFI: Sự chia rẽ đó phải chăng một phần xuất phát từ thời gian
sau 1975, khi miền Bắc chiến thắng miền Nam thì họ đã đưa nhiều quân nhân, công
chức chế độ cũ đi học tập cải tạo, và đã có những chính sách, những hành động
khiến cho rất nhiều người đã vượt biên, bỏ nước ra đi và nhiều người đã bỏ
mạng?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Sự chia rẽ đó chính là hậu quả của tính chất
nội chiến càng ngày càng đậm của cuộc chiến tranh. Lẽ ra là sau năm 75 anh phải
hiểu ra điều đó để mà quay trở lại. Anh đã lỡ đi qua con đường đã chọn, con
đường dẫn đến một cuộc nội chiến như thế. Nhưng sau năm 1975, không những anh
đã không sửa chữa những điều đó, đã không tỉnh táo để chủ động hòa giải, mà một
loạt những chính sách đã khiến sự chia rẽ thêm sâu sắc, làm cho tình hình thêm
tệ hại.
T.P.