·
Những
thường hợp thành công tạo tiền lệ
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 10 tháng 9, 2017
Quyền sở hữu tài sản thuộc Điều 17 trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân
Quyền mà mọi quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đều phải tôn trọng và bảo vệ.
Trong thực tế các chế độ độc tài thường xâm phạm quyền này của người dân và
quốc tế ít khi can thiệp nếu là chuyện nội bộ trong một quốc gia. Tuy nhiên khi
một chính quyền cưỡng đoạt tài sản của công dân một quốc gia khác thì đồng
nghĩa vi phạm lợi ích của quốc gia ấy.
Hơn bất kỳ quốc gia nào, Hoa Kỳ bảo vệ mạnh mẽ quyền sở hữu tài
sản của công dân khi bị một quốc gia khác xâm phạm. Theo chúng tôi ước lượng,
có khoảng 20 nghìn hồ sơ công dân Mỹ gốc Việt có tài sản bị chính quyền Việt
Nam cưỡng đoạt từ năm 1975 đến giờ. Qua chương trình “đòi tài sản”, BPSOS khai
thác luật và hệ thống chính trị của Hoa Kỳ để đòi chính quyền Việt Nam bồi
thường. Chương trình này gồm 3 mũi nhọn chính.
Mũi nhọn thứ 1 là kiện ra toà tiểu bang hay liên bang Hoa Kỳ. Nó
có một số ưu điểm cũng như một số khó khăn. Khoảng 20%, tức khoảng 4 nghìn, hồ
sơ phù hợp cho con đường kiện ra toà, theo sự phỏng đoán của chúng tôi dựa trên
số hồ sơ mà chúng tôi đang có trong tay.
Mũi nhọn thứ 2 dùng thể thức phán quyết hành chính do Quốc Hội
Hoa Kỳ ấn định. Theo phỏng đoán của chúng tôi, khoảng 30% đến 50%, tức khoảng 6
đến 10 nghìn, hồ sơ của người Mỹ gốc Việt có thể phù hợp cho mũi nhọn thứ 2
này.
Bộ Tư Pháp, nơi đặt Uỷ Hội FCSC
chuyên giải quyết các đòi hỏi bồi thường của công dân Hoa Kỳ
Thể thức giải quyết hành chính
Năm 1949 Quốc Hội khi ban hành Luật Giải Quyết các Đòi Hỏi Bồi
Thường Quốc Tế (International Claims Settlement Act). Thực thi luật này, năm
1954 Tổng Thống Dwight Eisenhower thành lập Uỷ Hội Giải Quyết Các Đòi Hỏi Bồi
Thường Ngoại Quốc, tức Foreign Claims Settlement Commission (gọi tắt là FCSC),
đặt dưới Bộ Tư Pháp. FCSC có trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết các đòi
hỏi bồi thường của công dân Hoa Kỳ khi tài sản bị một chính quyền ngoại quốc
cưỡng đoạt, với điều kiện khổ chủ đã là công dân Hoa Kỳ vào thời điểm tài sản
bị cưỡng đoạt.
FCSC phán quyết theo thủ tục hành chính, và định mức bồi thường
theo các công thức nhất định. Chính quyền ngoại quốc không có quyền tham gia,
phân trần, vận động, hay khiếu nại. Quyết định của FCSC là chung quyết, không
thể kháng cáo kể cả ở toà án. Quyết định của FCSC sau được chuyển sang Bộ Ngoại
Giao để điều đình hay áp lực quốc gia đối tượng thực thi việc bồi thường.
Trong trường hợp quốc gia ấy không hợp tác, Tu Chính Án
Hickenlooper, ban hành năm 1964 để bộ sung Luật Viện Trợ Ngoại Quốc, đòi hỏi
Tổng Thống ngưng các khoản viện trợ và ngăn chặn các định chế tài chính quốc tế
cho quốc gia ấy vay vốn. Tổng Thống có quyền đặc miễn không áp dụng biện pháp
trừng phạt này nếu như chứng minh được cho Quốc Hội rằng sự đặc miễn sẽ giúp
ích cho việc “đòi nợ” cho công dân.
FCSC chỉ giải quyết các hồ sơ ấy thuộc vào một Chương Trình Đòi
Bồi Thường (Claims Program) đã được thiết lập. Muốn thiết lập Chương
Trình Đòi Bồi Thường thì phải có văn thư yêu cầu của Ngoại Trưởng hoặc sự chỉ
định của Quốc Hội bằng hành động lập pháp. Cách nào cũng đòi hỏi một cuộc vận
động mạnh mẽ, rộng lớn và kiên trì.
Từ khi được thành lập năm 1954, FCSC đã giải quyết tổng cộng 42
Chương Trình Đòi Bồi Thường bao bồm các quốc gia: Đức, Iran, Nam Tư, Bulgaria,
Romania, Hungary, Liên Sô, Tiệp Khắc, Ba Lan, Ý, Cuba, Trung Hoa, Đông Đức,
Ethiopia, Ai Cập, Panama, Albania và Việt Nam. Tổng cộng 660,000 hồ sơ đã được
giải quyết. Dưới đây là một số chương trình điển hình.
Chương Trình Đòi Bồi Thường
Cuba
Người Mỹ gốc Cuba, cũng là nạn nhân của chế độ cộng sản như
người Việt tị nạn, đã vận động thành công từ rất sớm, năm 1964, để Quốc Hội
thiết lập Chương Trình Đòi Bồi Thường cho họ. Năm 1972 FCSC hoàn tất việc cứu
xét 8,816 hồ sơ đòi bồi thường. Họ phán quyết 5,911 hồ sơ đủ tiêu chuẩn và buộc
chính quyền Cuba phải bồi thường $1,851,057,358.
Chính quyền Cuba sau đó tiếp tục cưỡng đoạt tài sản của một số
công ty Hoa Kỳ. Năm 2005, Ngoại Trưởng Condoleeza Rice (thời Tổng Thống Bush
con) gửi văn thư yêu cầu FCSC giải quyết. FCSC phán quyết mức bồi thường tổng
cộng $51,144,926.95 cho 2 hồ sơ.
Chính quyền Cuba không
chịu bồi thường.Theo công thức của FCSC, lãi suất mỗi năm là 6%. Số tiền Cuba
mắc nợ nay đã lên đến 8 tỉ Mỹ kim. Ngày 1 tháng 6, 2017, hai thượng nghị sĩ
Marco Rubio (Cộng Hoà, Florida) và Bill Nelson (Dân Chủ, Florida) cùng lên
tiếng kêu gọi Tổng Thống Trump áp lực chính quyền Cuba phải bồi thường trước
khi nói đến việc trao đổi thương mại với Hoa Kỳ. Đồng thời, Bộ Ngân Khố có
nhiệm vụ truy lung tài sản của Cuba trên đất Mỹ để tịch thu và trả cho các
đương đơn. Xem danh sách các đương đơn và mức bồi thường do FCSC phán
quyết: https://www.justice.gov/sites/default/files/fcsc/docs/ccp-listofclaims.pdf
Ai muốn tìm hiểu thêm
về 2 Chương Trình Đòi Bồi Thường Cuba thì có thể đọc trang mạng của Bộ Tư
Pháp: https://www.justice.gov/fcsc/claims-against-cuba
Chương Trình Đòi Bồi Thường
Việt Nam
Cuối năm 1980, Quốc
Hội Hoa Kỳ thông qua luật HR 5737, thiết lập Chương Trình Đòi Bồi Thường cho
các công dân Hoa Kỳ có tài sản bị chính quyền Việt Nam cưỡng đoạt trong thời
gian từ 29 tháng 4, 1975 đến 28 tháng 12, 1980, là ngày ban hành luật.
Xem: http://uscode.house.gov/statutes/pl/96/606.pdf
Trong số 534 hồ sơ đòi
bồi thường, FCSC phán quyết 192 hồ sơ hợp lệ với mức bồi thường tổng cộng là
$99,471,983.51. Xem một số phán quyết của FCSC tại đây: https://www.justice.gov/fcsc/claims-against-vietnam-lead-decisions
Chấp nhận bồi thường
là điều kiện để Việt Nam thiết lập bang giao với Hoa Kỳ. Ngày 28 tháng 1, 1995
Việt Nam ký với Hoa Kỳ, ở Hà Nội, thoả thuận bồi thường tổng cộng US
$208,510,481, tính luôn tiền lãi. Xem văn bản thoả thuận bồi thường: https://www.justice.gov/sites/default/files/pages/attachments/2014/10/09/vietnam_as.pdf
Để tìm hiểu tổng quát
về Chương Trình Đòi Bồi Thường Việt Nam, xem: https://www.justice.gov/fcsc/completed-programs-vietnam
Chương trình đòi bồi thường này chỉ dành cho những công dân Hoa
Kỳ đã tậu nhà, đất hay mở công ty ở miền Nam trong thời gian chiến tranh. Nhiều
người trong số họ lấy vợ Việt Nam. Khi miền Nam thất thủ, họ cùng gia đình về
Mỹ. Chính quyền cộng sản lập tức tịch thu tài sản của họ. Ngày 14 tháng 4, 1977
chính phủ Việt Nam ra Quyết Định Số 111/CP để quốc hữu hoá số tài sản này.
Điều cần lưu ý là, phán quyết của FCSC bất chấp quyết định tịch
thu hay quốc hữu hoá của Việt Nam. Việt Nam không thể viện dẫn luật quốc
gia để tránh né việc bồi thường.
Điểm cần lưu ý thứ 2 là, đã không một người Việt tị nạn nào nằm
trong số các trường hợp được giải quyết. Khi đạo luật HR 5737 ra đời năm 1980,
chưa người Việt tị nạn nào đáo hạn để nhập tịch Hoa Kỳ. Trước khi Hoa Kỳ ký
thoả thuận với Việt Nam về bối thường năm 1995, Tổng Thống Bill Clinton có thẩm
quyền nới rộng phạm vi cứu xét hồ sơ để bao gồm người Việt tị nạn -- chỉ cần
văn thư yêu cầu của Ngoại Trưởng. Nhưng Tổng Thống Clinton đã không làm thế vì
biết rằng cộng đồng người Việt còn mới mẻ nên ít ảnh hưởng chính trị.
Mười năm sau, tổ chức cộng đồng của người Việt ở Quận Cam thu
thập đơn kiến nghị của trên 1 nghìn “khổ chủ” để gửi cho nữ Dân Biểu Loretta
Sanchez (Dân Chủ, California). Năm 2005, DB Sanchez cùng với đồng viện là Dan
Burton (Cộng Hoa, Indiana) đưa ra dự thảo nghị quyết kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ
giải quyết các đơn đòi bồi thường tài sản của người Mỹ gốc Việt. Dự thảo này
chìm lỉm và rồi “chết” trong âm thầm vì thiếu sự vận động hiệu quả.
Kế hoạch cho mũi nhọn thứ 2
Chúng tôi dành 4 năm qua để nghiên cứu và chuẩn bị hồ sơ cho một
cuộc vận động quy mô và kiên trì, như người Mỹ gốc Cuba đã làm. Chúng tôi hiện
đang đứng trước 2 lựa chọn.
Lựa chọn thứ nhất là vận động để nới rộng chương trình đòi bồi
thường do Luật HR 5737 thiết lập, để thừa hưởng các ưu đãi của nó. Chẳng hạn
đương đơn không cần nộp bằng khoán sở hữu bất động sản, mà chỉ cần trưng dẫn
hình ảnh về bất động sản hay giấy xác nhận của một người có uy tín. Tuy nhiên,
con đường này có thể sẽ loại trừ các trường hợp bị tịch thu tài sản trước 28
tháng 1, 1995, ngày Hoa Kỳ và Việt Nam ký thoả thuận về bồi thường như đã kể.
Với chọn lựa này, chúng tôi phỏng đoán 30%, tức khoảng 6,000, hồ sơ sẽ được
hưởng lợi ích.
Lựa chọn thứ 2 là vận động mở một chương trình đòi bồi thường
hoàn toàn mới, không bị ràng buộc bởi các điều kiện của chương trình trước đây,
nhưng cũng không thừa hưởng những ưu đãi của nó. Với chọn lựa này, có thể lên
đến 50%, tức khoảng 10,000, hồ sơ được hưởng lợi ích, nhưng việc chứng minh
quyền sở hữu tài sản sẽ công phu hơn nhiều. Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu thêm
nhiều hồ sơ trước khi quyết định chọn con đường nào vì được cái này thì mất cái
kia.
Và dù là chọn lựa nào đi nữa, cuộc vận động sắp đến sẽ đòi hỏi
một nỗ lực trường kỳ và trải rộng toàn quốc. Tháng 6 vừa qua BPSOS đã thuê 2
hãng luật với nhiều kinh nhiệm để tư vấn về hồ sơ, và hỗ trợ trong vận động.
Hãng Perseus
Strategies đã vận động thành công để mở Chương Trình Đòi Bồi Thường Cuba lần 2.
Người đứng đầu hãng luật này là Jared Genser, một luật sư nhân quyền nổi tiếng
thế giới. Ông cũng là người sáng lập tổ chức Freedom Now, chuyên tranh đấu cho
các tù nhân lương tâm. Các tù nhân lương tâm Việt Nam mà Freedom Now đã can
thiệp gồm có LM Nguyễn Văn Lý, BS Nguyễn Đan Quế, BS Phạm Hồng Sơn, Đỗ Thị Minh
Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng… Xem: http://perseus-strategies.com.
Hãng thứ 2, Heideman,
Nudelman & Kalik, PC, đã thành công trong nhiều vụ đòi các chính quyền
ngoại quốc bồi thường cho công dân Hoa Kỳ. Chẳng hạn, năm 2015 hãng luật này đã
thành công trong việc đòi chính quyền Iran bồi thường tổng cộng 1.9 tỉ Mỹ kim
cho 170 thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và gia đình của họ cho các mất mát và thiệt
hại gây ra bởi vụ đánh bom ở Beirut, Lebanon năm 1983. Chính quyền Iran đứng
sau vụ đánh bom này. Xem: http://hnklaw.com.
Phân loại hồ sơ
Để chuẩn bị cho cuộc vận động quy mô ở cấp toàn quốc sắp đến,
chúng tôi cần thu thập rất nhiều hồ sơ. Với mỗi hồ sơ, chúng tôi cần một sô
thông tin sơ khởi để nghiên cứu và phân loại. Có những hồ sơ sẽ phù hợp cho con
đường kiện ra toà. Có những hồ sơ sẽ dùng để vận động mở chương trình đòi bồi
thường qua FCSC. Và cũng sẽ có những hồ sơ có thể phù hợp cho mũi nhọn số 3:
điều đình ngoài toà.
Các thông tin về
Chương Trình Đòi Tài Sản được lưu trữ tại: http://doitaisan.org/
Nếu có câu hỏi hay
muốn gửi hồ sơ, xin liên lạc: taisan@bpsos.org hay gọi số điện thoại:
703-538-2190.
Bài liên quan:
BPSOS công bố chương
trình công dân Mỹ gốc Việt đòi tài sản
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1245-2017-08-30-22-18-18.html
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1245-2017-08-30-22-18-18.html
Đòi bồi thường tài sản
bị cưỡng đoạt: Khai thác luật Hoa Kỳ
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1246-2017-08-31-04-16-57.html
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1246-2017-08-31-04-16-57.html
Đòi bồi thường tài sản
bị cưỡng đoạt: Thế kẹt của chính quyền khi bị kiện
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1247-2017-09-01-17-16-30.html
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1247-2017-09-01-17-16-30.html
Đòi bồi thường tài sản
bị cưỡng đoạt: Người ở trong nước có thể tiếp tay
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1248-2017-09-05-01-10-13.html
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1248-2017-09-05-01-10-13.html